Hãy cùng nâng niu Lá Rụng
Mỗi thi sĩ là một thiên thần trong gầm trời thơ của mình. Họ là những thiên thần vượt thời gian, không gian, không bao giờ chấm dứt sự sống nếu thi phẩm của họ không là những mảnh giấy lộn để phơi bày tâm địa ghẻ lở và mọi mưu mô gian xảo của con người phản bội dân tộc, phản bội quê hương, mà phải là những thông điệp có giá trị siêu việt, trác tuyệt, hay là những bản cáo trạng hùng hồn, kê khai đầy đủ tội ác của một triều đại, một chế độ trải qua nhiều cuộc biến thiên của lịch sử.
Trong xã hội thời chiến đã bị phân hóa nát vụn, ít nhiều giá trị tinh thần, đạo đức đã bị đảo lộn, ít nhiều con người đã chạy trốn bổn phận đối với gia đình, tổ quốc... từ mù quáng đến hoạt đầu có thể phản bội... thật khó mà phân biệt con người thật giả trong xã hội nhầy nhụa máu, đầy dẫy ác quỷ, hung thần dưới lớp nhà cách mạng, nhà đạo đức, tu sĩ, hay người hùng... Tuy nhiên, mọi thứ vỏ cứng màu mè diêm dúa của hư danh, cuồng vọng và tội ác có thể bị phá nát khi sự thật và mặt thật của thủ phạm được phơi trần trước ánh sáng. Chỉ còn sót lại những tuyệt phẩm, những công trình văn hóa mà căn cứ vào đó, ngàn sau sẽ biết rõ tinh thần và sức mạnh của một giống dân bất khuất không ngừng nghỉ chống giặc cướp để vừa khai phá đất nước, vừa sáng tạo mọi công trình văn hóa.
Những người đã góp xương máu, tim óc cho quê hương đều là những thiên thần bất tử vậy. Thi sĩ cũng là một trong số những thiên thần ấy.
Trong quá trình lịch sử tranh đấu, số thi sĩ cũng không kém những người cầm gươm giáo súng đạn. Suốt nửa thế kỷ qua, bức tường trường phái nhỏ hẹp trong phạm vi thi ca đã bị san bằng. Hiện tượng phân hóa có thể hình thành trên sự phá nát những trường phái nhỏ hẹp khi mọi thi sĩ đều biết nhúng thi hứng mình trong mồ hôi, nước mắt và máu của đồng loại.
Riêng số nữ sĩ và bạn gái làm thơ trong cuộc chiến gai lửa, trong cuộc sống xô bồ, tuy có gia tăng, nhưng có phần sút kém hơn những bạn trai, vì lớp người này đã dấn thân nhập cuộc nên nhận diện rõ rệt nanh vuốt của chiến tranh. Nhãn quan của đa số nữ sĩ và bạn gái làm thơ không vượt khỏi đợt khói trong lò để bay bổng theo mây bốn phương trời. Nói một cách khác, cảm hứng của đa số bạn gái đều được thu hẹp trong những rung cảm tầm thường, nhỏ hẹp của những mối tình than mây, khóc gió...
Diệu Nga và Vân Hà là 2 chị em ruột thích làm thơ, và đã chọn nhan đề "Lá Rụng" cho thi phẩm đầu tiên.
Nâng "Lá Rụng" trong tay, tôi cảm thấy vừa bùi ngùi, vừa phân vân... tưởng chừng mình đang ôm ấp một khối u tình hay một tiếng gào thét. Khi chưa đọc "Lá Rụng", tôi ngỡ thi phẩm này là những mảnh vụn của thứ tình bịnh hoạn mà đa số những người núp dưới tầm đại bác, đang quấn mền lông, nghe nhạc êm dịu trong phòng có gắn máy lạnh, vay mượn nếp sống tiện nghi, vừa ve vuốt tình cảm bốc lửa, vừa làm lắng dịu mức độ thèm khát dục vọng.
Sau khi đọc "Lá Rụng", tôi hết sức cảm kích và xúc cảm, và xin ghi nhận vài thiển kiến sau đây:
- Với tuổi đôi mươi, Diệu Nga và Vân Hà đã biết nhìn xuống để nghe tiếng rên xiết trầm thống của dân tộc, để ngắm bằng tâm tư hình ảnh xanh xao, khung cảnh điêu tàn và để thương, để đau với niềm thương đau của quê hương.
- Thêm vào đó, những kỷ niệm êm đềm bên gối mẹ, dưới mái trường, trên đường đời và đường vào quê hương đau khổ đã được hai cô Diệu Nga và Vân Hà gói ghém, trao gởi trong những vần thơ thấm đậm tình người và ý niệm xé bóng tối, đạp chông gai để hé mở một chân trời mới.
- Chắc hẳn hai cô là Phật tử thuần thành nên ý niệm của một cuộc giải thoát luôn được gắn liền với tình thương rộng lớn của đức Thích Ca.
Nếu Phật giáo và Việt Nam là xương thịt gắn liền, thì hai con người thi sĩ này đã sang máu của mình vào thi phẩm "Lá Rụng" để góp một phần nhỏ trong việc nuôi dưỡng một thực thể: VIỆT NAM PHẬT GIÁO.
Trong phần mở đầu, hai cô đã viết "Em ơi, tại sao mình lại vô tình dẫm lên xác lá? Tôi muốn em dừng lại nhìn nó hiện hữu mong manh trên đường và nghĩ đó là chính em", "Lá rụng xui người ta nghĩ đến cái chết đang khi còn sống..."
Chỉ có con người thi sĩ mới biết thương chiếc lá rụng và sợ người đời dẫm đạp lá khô. Chỉ có thi nhân với tâm hồn sũng ướt mới nghe được tiếng khóc nỉ non của lá chết bên đường... Những người có trái tim chai đá, đôi mắt cú vọ và tấm lòng rắn độc nhứt định sẽ bĩu môi chê cười hạng thi sĩ thương tiếc vẫn vơ, là kẻ ăn cơm dưới đất nói chuyện trên trời.
Con người thi sĩ phải biết cúi xuống, thật thấp và thật sâu, và phải biết nhìn lên cao, cao vút mới có thể nhận diện từng khuôn mặt người đời, phán xét từng việc đời, cân nhắc từng sự đời với trái tim biển cả và khối óc hào quang. Thiếu những yếu tố đó, con người sẽ trở thành sát nhân và sẽ phản bội chính mình trước.
Đọc "Lá Rụng" và đã hiểu Lá Rụng qua hai tâm hồn khác thường của Diệu Nga và Vân Hà, tôi xin nâng niu "Lá Rụng" và thân ái trao gửi "Lá Rụng" đến những người giàu lòng thương cảm, giàu óc suy tư khi nhìn lá rơi xao xác bên đường, đó là mong mõi thiết tha của tác giả trong hầu hết các cao vọng lớn nhất của thi phẩm này.
Tha thiết kỳ vọng những người yêu thơ và những người mang nặng tâm hồn thi sĩ hãy nâng niu "Lá Rụng" để thưởng thức hồn thơ xanh mướt, đậm đà của hai nữ sĩ Vân Hà và Diệu Nga!
Chùa Phụng, chiều 17.8.69
Kiên Giang Hà Huy Hà