Main.BạoLựcHọcĐường History

Show minor edits - Show changes to markup - Cancel

Added lines 1-39:

Bạo lực học đường

NGUYÊN CẨN | Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 104

Nhìn ra thế giới

Bạo lực học đường (BLHĐ) là chủ đề rộng lớn mà nhiều nước trên thế giới đang nghiên cứu dể ngăn chận. Những tai nạn kinh hoàng ỏ Colorado hay Santee khiến cả nước Mỹ rung chuyển và lo lắng. Nhưng Mỹ vẫn chưa phải là nước có tỷ lệ bạo lực cao nhất trên thế giới. Thống kê cho thấy tỷ lệ học sinh là nạn nhân của BLHĐ ít nhất một lần trong tháng thấp nhất là ở những nước Đan Mạch, Singapore, Thụy Sĩ (khoảng trên dưới 10%) và cao nhất là Philippines, Roumania và Hungary (từ 70 đến 80%). Thống kê này chưa bao gồm những nước như Guatemala, hay Ethiopia nơi mà BLHĐ đang được ghi nhận tăng lên đáng kể; và cả Việt Nam, nơi mà chúng ta sẽ bàn đến sau đây. Người ta ghi nhận chỉ có 15% học sinh Singapore báo cáo rằng bạn của họ từng là nạn nhân của BLHĐ, trong khi ở Hungary là 80%. Ở Mỹ, khoảng 30% học sinh lớp 7 và 8 báo cáo bạn bè chúng từng bị đánh ở trường học. Điều này khiến nước Mỹ đứng dưới mức trung bình thế giới (Theo David Baker và Gerald Letendre – Khác biệt quốc gia – Đồng dạng toàn cầu, 2010).

Nhìn lại Việt Nam

Như vậy, BLHĐ xảy ra ở mọi nơi và thời nào cũng có thể có. Nhưng tại sao ở Việt Nam gần đây, người ta lại nêu lên một sự kiện đáng báo động hàng đầu trong xã hội? Chúng ta có thể đọc, nghe thấy hàng loạt các vụ việc dù chưa được thống kê cụ thể vì cho đến nay mới chỉ có 2 trên tổng số 63 Sở Giáo dục các tỉnh gửi báo cáo về BLHĐ cho Bộ. Điều nàycũng nói lên một thực trạng đáng buồn là không hiểu vì sao người ta không thống kê được: không dám, không muốn hay không biết? Chúng ta có thể thấy ngay là BLHĐ ở Việt Nam ngày càng manh động và diễn biến theochiều hứơng rất xấu. Cụ thể là những cái chết thương tâm ngày một nhiều chỉ vì những duyên cớ không đâu. Nếu tính tỷ lệ học sinh bị sát hại có lẽ chúng ta thuộc nhóm cao nhất. Còn về có sự tham gia của nữ sinh, chúng ta chắc là số một. Nhưng còn chuyện đáng buồn hơn còn là ở thái độ vô cảm. Trong một thống kê không đầy đủ ở một trường trung học tại Hà Nội, có đến gần 70% học sinh cho rằng nếu thấy bạo lực xảy ra, các em cũng sẽ không can thiệp, hay không dám can thiệp, kể cả báo cho Ban Giám Hiệu. Cũng có tới 83% học sinh cho biết đã chứng kiến BLHĐ trong lớp hoặc trong trường.

Nguyên nhân và giải pháp

Các nhà phân tích trên thế giới đã đưa ra 3 quan điểm lý thuyết chính: (1) Lý thuyết căng thẳng; (2) Lý thuyết xếp loại; và (3) Lý thuyết kiểm soát. Lý thuyết căng thẳng cho rằng trường học có thể tạo ra căng thẳng cho học sinh làm gia tăng hành vi phạm tội. Cohen (1995) đặc biệt nhấn mạnh rằng học sinh xuất thân từ tầng lớp xã hội thấp kém có thể cảm thấy thất vọng ở trường học và phản ứng bằng sự phá rối, bỏ học hoặc hình thành “văn hóa phạm tội”. (Cohen – A Delinquent Boys) Lý thuyết xếp loại cho rằng “việc theo dõi quá trình học tập làm tổn thương học sinh đạt kết quả thấp và làm tăng khả năng phạm pháp (Polk and Pink-School pressure toward deviance: A cross-cultural comparison) Lý thuyết kiểm soạt khẳng định rằng sức mạnh của mối ràng buộc giữa học sinh, trường học và giáo viên là một rào cản quan trọng cho việc phạm pháp; nghĩa là những học sinh không thích trường học hoặc giáo viên thì có xu hướng phạm pháp hơn những học sinh gắn bó với giáo viên và nhà trường (hirschi-Causes of delinquency).

BLHĐ là vấn đề mang tính quốc tế nhưng ở từng quốc gia có những mức độ khác nhau. Yếu tố kinh tế (mức độ đói nghèo trong cộng đồng); sự thờ ơ của xã hội hay chính quyền ở từng nơi từng lúc cũng được đưa ra như những yếu tố làm tăng sự nghiêm trọng của tình trạng này.

Về nguyên nhân, người ta đưa ra nhiều nhận định khác nhau. Có người khẳng định: Nhà trường phải chịu trách nhiệm chính vì gia đình đã giao phó các em để nhà trường uốn nắn, dạy dỗ từ kiến thức đến đạo đức. Một số người khác là cho rằng gia đình mới là nơi mà nhân cách các em được hình thành vì nhà trường không thể nào hàn gắn được sự đổ vỡ trong tâm hồn các em khi gia đình thiếu quan tâm hay khi cha mẹ ly dị, hoặc mưu sinh bất chính…

Nếu chúng ta không nhìn ra nguyên nhân để ngăn chặn và giảm thiểu những yếu tố gây nên BLHĐ, chúng ta sẽ không bao giờ đảm bảo an toàn cho con em mình dù nhà trường có bao nhiêu hợp đồng với công an địa phương hay dân phòng khu phố đi nữa!

Còn về giải pháp?

Để giải quyết BLHĐ , người ta nhận xét rằng nhà trường và các cấp quản lý địa phương đã xử lý nửa vời như ý kiến của một vài “ cư dân mạng”:

“Nhưng nhà trường và các cơ quan chức năng đã xử lý như thế nào? Xin thưa là từ dung túng này đến dung túng khác, từ qua loa chiếu lệ này đến qua loa chiếu lệ khác. Học sinh đánh đập dã man bạn mình mà chỉ bị “đuổi học treo”. Mà đuổi học treo là gì? Tức là vẫn học bình thường, vẫn có cơ hội tiếp tục đánh đập bạn bè, thậm chí uy hiếp đến tính mạng bạn bè một cách rất bình thường…từ kết quả xửlý vụ nữ sinh bị đánh hội đồng ở Hà Nội được đưa ra, chưa đầy một tháng, rất nhiều vụ tương tự tái diễn, lộng hành với cường độ ngày càng tăng và mức độ ngày càng nguy hiểm” (Trần Oanh”. Hoặc: “Hình thức xử phạt của nhà trường chỉ có kiểm điểm, cảnh cáo hạ điểm hạnh kiểm và cuối cùng là đuổi học. Các hình thức kỷ luật này vốn “xưa như trái đất”, em nào đến trường cũng biết nhưng các em vẫn vi phạm, vậy là biện pháp xử phạt này không còn hiệu nghiệm nữa, cần có biện pháp bổ sung. “…không thể bắt “bỏ tù”, chỉ có giao về gia đình và nhà trường xử lý, vậy cuối cùng mèo lại hoàn mèo” (Đinh Thanh Vân).

Thật ra, đây không còn là chuyện của riêng ai. Chúng ta phải trở lại với tam giác: Gia đình, học đường-Xã hội để tìm lại nguyên nhân thay vì tranh cãi như đã diễn ra trong những cuộc hội thảo không kết quả. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là chúng ta đã để cho mầm Ác bám rễ quá lâu trong cuộc sống, phát triển thành ung nhọt trong tâm hồn, để lại những di căn khó chữa. Tuổi trẻ vào đời thiếu những tấm gương nhân ái trong gia đình để nương tựa, để tin tưởng trong xã hội. Có thể sự thiếu tu dưỡng của người lớn, cha me, thầy cô, các nhà quản lý tạo nên những phản cảm ngấm ngầm trong lòng các em, khiến các em nghĩ về cuộc đời như một võ đài phải ăn miếng trả miếng, giành lấy phần hơn. Từ nhà ga, bến tàu, vỉa hè, đường phố, chỗ nào cũng chen lấn, chụp giật rồi đứa bé khiđi học phải chạy trường, chạy lớp, lớn lên đi làm thì từ chạy chức, chạy thi đua, bình bầu trong tổ đến chia phần, giành địa vị trong cơ quan…Sự tranh đoạt hữu hình hoặc vô hình diễn ra đều khắp. Phật từng dạy rằng “Kẻ thù của toàn thế giới là lòng tham, nó đưa đến cái xấu ác cho chúng sinh. Lòng tham này khi bị ngăn trở bởi những nguyên nhân nào đó sẽ trở thành sự phẫn nộ”. Để rồi với những hình ảnh thiếu gương mẫu của người lớn, thêm vào những giá trị xã hội bị đảo lộn, xuất phát từ ham muốn tầm thường nhất như tự khẳng định “cái tôi”của mình, các em hình thành phe nhóm, bè đảng thanh toán bất kỳ ai “chơi trội”hay “chảnh”, triệt hạ những ai không theo ý mình. Dần dà tâm thức các em bởi thống trị bởi tình yêu ích kỷ dành cho bản thân. Con người bị sự vị kỷ len lỏi làm bại hoại trái tim, thiết lập rào cản đến tình yêu thương thực sự dành cho người khác.

“Vì người không thanh tịnh chỉ nghĩ đến mối lợi riêng

Họ chỉ đi một mình, giống như cái sừng của con tê giác” (Tương Ưng Bộ kinh)

Nếu như xã hội không có những hình ảnh những con người sống vì mọi người ấy thì gia đình và nhà trường phải có, Đó có thể là thầy cô tận tụy, hy sinh, không thiên vị học sinh, là cha mẹ luôn vị tha, giàu từ tâm. Song song, những biện pháp cảm hóa tích cực từ khuyên nhủ, tư vấn cho đến những hình thức cứng rắn hơn như gởi những em quá ngỗ nghịch đến các “trung tâm cải huấn”vì không thể để lây nhiễm những mầm bệnh khó trị hoặc bất trị trong nhà trường. Nhà trường không biệt lập những phải giữ vai trò độc lập, không thể bị một thếlực hay uy quyền nào can thiệp vào những quyết định hay biện pháp giáo dục con trẻ để các em không “dựa hơi”cha mẹ hống hách ngang ngược với thầy cô, bạn bè.

Giáo dục gia đình, theo như Phật dạy: “Ngăn chận con làm điều ác, khuyến khích con làm điều thiện, dạy nghề nghiệp cho con…”Con trẻ biết yêu thương và tôn kính là học từ nơi cha mẹ, ông bà anh chị. Đó là nền tảng để các em trở thành học sinh ngoan trong nhà trường, nơi vun trồng kiến thức và giúpcác em phát triển hoàn thiện nhân cách khi vào đời. Sau cùng là xã hội, một trường học rộng lớn nhất bao gồm nhiều cá nhân và các mối quan hệ đa dạng, phức tạp nhất. Ở đó các em sẽ trưởng thành và trở nên những công dân có trách nhiệm.

Nếu BLHĐ không thể ngăn chận được thì xã hội sẽ đầy rẫy những kẻ vi phạm pháp luật hung bạo thô lỗ và cái Ác sẽ tiếp tục sinh sôi. Chừng đó một đất nước hòa bình an lạc, một xã hội công bằng dân chủ văn minh sẽ chỉ là một mục tiêu xa vời mà thôi.


Page last modified on May 24, 2016, at 04:02 AM