Còn đó một cành mai

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 170 &171 | NGUYÊN CẨN

Từ ngọn lửa mùa xuân Ả-rập …

Thế giới đang sống những ngày bất an. Từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á, từ Bắc chí Nam, ở đâu cũng thấy bất mãn, bất đồng và nhất là bất bình với cuộc sống quanh mình, với giai cấp lãnh đạo, với hệ thống pháp lý, với những giải pháp kinh tế đang tỏ ra thiếu hiệu quả khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ở châu Âu, khi xuất hiện vách đá tài chính ở Mỹ, khi có sự mở rộng tình trạng phân hóa giàu nghèo tại Trung Quốc…

Bắt đầu từ cuối năm 2010, những cuộc biểu tình ở Tunisia vào ngày 18 tháng 12 đã biến thành cuộc Cách mạng Hoa nhài ngay sau vụ tự thiêu để phản đối tham nhũng và việc cảnh sát ngược đãi những người tham dự. Từ đó, cuộc vận động của quần chúng đã bùng lên thành ngọn lửa của mùa xuân Ả-rập. Sau thành công ở Tunisia, một chuỗi các cuộc biểu tình tại Algeria, Jordan, Ai Cập và Yemen bùng nổ. Rồi cuộc nội chiến Lybie với kết cục là cái chết bi thảm của nhà độc tài Gaddafi, cho đến cuộc chiến dai dẳng hao tổn biết bao xương máu ở Syria hôm nay. Biểu tình chống đói nghèo và các biện pháp thắt lưng buộc bụng tiếp tục lan rộng sang nhiều nơi khác. Ngay tại Ai Cập tình hình tiếp tục có những diễn biến phức tạp khi nguy cơ độc tài vẫn còn đó. Cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn chưa có dấu hiệu ngừng lại dù đã kéo dài đến tận bây giờ là đầu năm 2013, mùa xuân đã có mặt khắp nơi sau những ngày mùa đông lạnh lẽo và khắc nghiệt… Không khí mừng xuân tuy nhộn nhịp mà lòng người vẫn ngổn ngang bao nỗi niềm trăn trở về hạnh phúc riêng, chung.

Đến giấc đông miên trước thềm xuân Việt

Trở lại với mùa xuân trên quê hương. Hình như những vấn đề mà người Việt đang phải đối diện cũng không khác gì những vấn đề chung của thế giới: nợ xấu trong hầu như toàn bộ hệ thống tài chánh ngân hàng, suy thoái kinh tế ở khắp các lãnh vực, thất nghiệp, gánh nặng an sinh… tất cả đều bộn bề. Ngoài ra, những khó khăn nội tại không phải là ít, nào là lợi ích nhóm, nào là tình trạng sở hữu chéo, rồi tranh chấp đất đai, khiếu nại đông người, lại còn dự án “đắp chiếu”, quy hoạch treo…, chưa kể những băn khoăn trước giấc ngủ đông của thị trường “bất động sản”, sự đóng băng tín dụng… hầu như mọi ngành mọi nghề đều đang thoi thóp cầm hơi…

Theo nhà Phật thì xuân vốn không mùa; từ khi có vũ trụ thế giới đến nay, không năm tháng ngày giờ nào không là xuân. Kinh Hoa Nghiêm trình bày rất thuyết phục về ý niệm cả không gian lẫn thời gian đều có tính chất dung thông vô ngại, từ đó các bậc tổ sư liễu đạo diễn tả quan điểm này một cách rất hình tượng rằng “hạt cải mảy lông chứa đầy pháp giới, một sắc một hương tràn ngập ý xuân”; xét ra cũng chẳng khác lời Phật dạy trong kinh Lăng Nghiêm, “Nếu chỉ có một người trong các ông phát chân quy nguyên, thì mười phương hư không thảy đều tiêu mất” để Hòa thượng Thích Mật Thể cảm khái mà nói rằng, “không còn vạn vật thì mới không còn xuân, không chúng sinh mới là không Phật hóa”. Thế giới chúng ta xưa kia vốn an lành, chỉ vì con người không nhận ra bản thể chân tâm, sanh ra vọng tưởng chấp trước, khởi lên ngọn lửa tham sân si, khiến thế giới quay cuồng theo tham vọng cá nhân, tôn giáo, chủ nghĩa, đảng phái, quốc gia của riêng mình. Thế nên mới đưa đến tình trạng căng thẳng vì mọi kiểu khủng hoảng; mà ở nước ta là khủng hoảng tài chính, khủng hoảng nợ công, khủng hoảng tiêu dùng… dẫn đến viễn cảnh cuộc sống đa số nhân dân trở nên mịt mờ với nhiều bất trắc.

Chợt nhớ lời Thoán giải thích toàn quẻ Bĩ của Kinh Dịch “Bĩ chi phỉ nhân, bất lợi quân tử trinh; đại vãng tiểu lai” (Bĩ không phải là đạo của người, vì nó không có lợi cho sự trung chính của người quân tử, cái lớn đã đi mất mà cái nhỏ đang trở lại). Bĩ có nghĩa là bế tắc. Ở đây, cái lớn là nguyên lý dương, cái nhỏ là nguyên lý âm; dương tượng trưng cho sự trung chính cương cường đã vắng mặt, chỉ có âm thể hiện tính giảo hoạt mềm dẻo đang mặc sức tung hoành. Tuy nhiên, Bĩ không phải là tình trạng nhất định, vì mọi sự đều biến dịch. Cho nên, lời giải thích của hào thứ năm nói, “Hưu bĩ, đại nhân cát. Kỳ vong, kỳ vong, hệ vu bao tang”. (Làm cho hết bĩ, đó là việc tốt của bậc đại nhân. [Tuy nhiên, có thể mất đấy, nên] Đừng quên, đừng quên, hãy buộc chặt vào cụm dâu), ý nói rằng người ở trên có khả năng chuyển Bĩ thành Thái, khai thông bế tắc cho thiên hạ được nhờ; nhưng vẫn phải cẩn thận, và nên bám chắc vào gốc rễ. Từ đó tiến đến lời giải thích của hào thứ sáu, xác định, “Khuynh bĩ; tiên bĩ, hậu hỉ” (Đánh đổ được cái bĩ (cái bế tắc); trước còn bế tắc, sau vui mừng), ý nói sau khi bế tắc đã được giải tỏa thì mọi việc lại trở về với sự hanh thông. Cho nên tiếp theo quẻ Bĩ là quẻ Thái. Phải chăng đấy cũng chính là tinh thần của “nhất chi Mai” khi Thiền sư Mãn Giác nhân bệnh mà bảo cho đại chúng biết, “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận / Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”?

Quẻ đầu tiên của năm Quí Tỵ chính là quẻ Thái, động hào ba – hào cửu tam: “Vô bình bất bí, vô vãng bất phục, gian trinh vô cữu, vật tuất, kỳ phu, vô thực hữu phúc.” (Không nơi bằng phẳng nào không có nhấp nhô, không gì đi mà không quay về gốc. Giữ chí hướng vững bền sẽ được tốt lành). Gốc ở đây chính là nhân dân.

Còn đó cành mai của hy vọng

Quả là trong bối cảnh hiện tại, đã thấy sáng lên vài điểm đáng mừng, khi những người lãnh đạo cao nhất của đất nước đã nhìn ra những thiếu sót của hệ thống, đã lên tiếng xin lỗi nhân dân về tình trạng lạm quyền, về những sai lầm trong quản lý và lãnh đạo, về những thiệt hại to lớn đã xảy ra. Tất nhiên, từ chỗ nhận ra thiếu sót đến chỗ khắc phục được thiếu sót luôn đòi hỏi thời gian; nhưng rõ ràng xã hội sẽ còn chịu nhiều tổn hại nặng nề hơn nếu không ai dám nhận thiếu sót, không ai dám chịu trách nhiệm.con-do-mot-canh-mai-

Mặc dù Đức Phật không bao giờ là một nhà chính trị, nhưng ngay trong những lời dạy của Ngài, Ngài vẫn chú trọng đến việc trị quốc. Mặc dù giáo lý của Đức Phật nhấn mạnh đến việc giải thoát của cá nhân, nhưng hạnh phúc của con người về mặt chính trị và xã hội cũng không bị bỏ qua. Đức Phật đã giảng dạy về sự quan trọng và về các điều kiện thiết yếu của một chính phủ tốt. Ngài dạy rằng khi người lãnh đạo chính phủ tham nhũng và bất công thì xứ sở trở nên băng hoại và đau khổ. Ngài chống lại sự tham nhũng và đã dạy rằng chính phủ phải biết quản trị dựa trên các nguyên tắc nhân ái. Ngài nói: “Khi người lãnh đạo đất nước công bình và chính trực thì triều thần trở nên công bình và chính trực; khi triều thần trở nên công bình và chính trực thì các đại quan trở nên công bình và chính trực; khi các đại quan công bình và chính trực thì các viên chức trở nên công bình và chính trực; khi các viên chức công bình và chính trực thì nhân viên thừa hành trở nên công bình và chính trực; khi các nhân viên thừa hành công bình và chính trực thì nhân dân trở nên công bình và chính trực”. (Tuyển tập Kinh Tăng Chi).

Trong kinh Cakkavatti Sihananda (Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống, Tuyển tập Kinh Trường Bộ), Đức Phật nói rằng các điều hung ác và tội phạm, như ăn cắp, lường gạt, bạo lực, thù ghét, bạo tàn, … đều bắt nguồn từ sự nghèo khó. Quốc vương và triều đình có thể dùng sự trừng phạt để kiềm chế tội phạm, nhưng không bao giờ có thể tiêu trừ các tội phạm bằng quyền lực của mình. Đức Phật chủ trương phát triển kinh tế, thay vì dùng quyền lực, để xóa giảm tội phạm.

Nguyên tắc tối thượng là tạo điều kiện và môi trường để người dân được hưởng quyền dân chủ một cách đầy đủ trong một nhà nước thượng tôn pháp luật. Người dân không phải lo sợ những kiểu hành xử cảm tính, tùy tiện từ ông quan ở xã ở ấp đến những người lãnh đạo cấp tỉnh cấp thành phố, hay từ những bản quy hoạch “trên trời rơi xuống” đến những dự án “làm lấy được” bất chấp hậu quả môi sinh và xã hội… Nhưng suy cho cùng, điều quan trọng là làm thế nào để người dân hay quần chúng được “tưới tẩm” nguồn thiện ý, nuôi dưỡng thiện tâm thay vì dựa vào bạo lực để giải quyết mọi xung đột, mắc mứu trong đời sống. Không bao giờ là quá trễ cho những ai muốn “hồi đầu thị ngạn”, muốn tạo thiện nghiệp, tẩy rửa ác căn.

Người ta nhớ đến vua Asoka (vua A-dục), người đã lãnh đạo bao cuộc chiến tranh mở rộng bờ cõi. Khi nhà vua đánh chiếm xứ Kalinga, hơn mười vạn người bị giết, mười lăm vạn người khác bị bắt. Cảnh tang tóc của chiến tranh đã làm cho Asoka vô cùng hối hận, và ông đã nguyện trở thành một Phật tử thuần thành, một vị hoàng đế của hòa bình, của một tình cảm nhân bản, sâu sắc bao gồm cả người và loài vật. Lịch sử cho biết trong lời dụ khắc trên trụ đá ở Kalinga, Asoka đã nói: “Cũng như ta mong cho con cái ta được hưởng mọi hạnh phúc và an lạc ở đời này và đời sau, ta cũng cầu mong cho tất cả mọi người đều cũng được hưởng hạnh phúc và an lạc như vậy”.

Dụ này ra đời mang tính chất “cách mạng” vào thời đó vì tình hình lúc ấy là có nhiều người bị bắt giam mà không có lý do xác đáng, gây đau khổ cho rất nhiều người khác… Dụ trên đây cho chúng ta biết đường lối trị dân của Asoka: Các pháp quan phải công minh, không được bắt giam người bừa bãi. Vua quan tâm tới hạnh phúc của toàn dân, như là quan tâm tới hạnh phúc của con cái mình vậy. Asoka lên án mọi biểu hiện của đố kỵ, đàn áp, lười biếng, thụ động, thiếu chuyên cần, v.v. Trong lời dụ thứ hai của 14 dụ trên trụ đá, Asoka công bố: “Tại khắp mọi nơi, ta đã cho dựng lên hai loại nhà thương, nhà thương cho người và nhà thương cho súc vật”. Lòng thương yêu của Asoka đối với loài vật thật là có một không hai. Dụ đầu tiên trong số 14 Dụ trên đá viết: “Ở đây không một súc vật nào được giết và hiến tế”. Lời dụ thứ 5 trên các trụ đá của Asoka đã khẳng định cái nhìn về môi sinh của vị vua Phật tử này: “Ngay cả rơm rạ, nếu có sinh vật ở trong đó, cũng không bị đốt. Rừng cũng không được đốt, hoặc vì sai lầm, hoặc là vì hung bạo và tàn ác đối với sinh vật. Không được nuôi sinh vật bằng sinh vật”. Không chỉ tôn trọng con người, Asoka còn quan tâm đến cả loài vật và cỏ cây. Đó chính là thái độ tôn trọng sự sống, bất kể sự sống đó biểu hiện dưới dạng gì. Đó chính là đặc điểm riêng có của đạo Phật mà vua Asoka đã thể hiện một cách sinh động và có hiệu quả không những trong vương quốc của mình, mà còn trong các vương quốc khác nữa. Thi hành một chính sách như vậy, Asoka đã thực hiện đúng theo những lời khuyên của Ðức Phật khi Ngài còn tại thế. Ðúng như vậy, lý tưởng mà Asoka theo đuổi suốt đời mình là đảm bảo hạnh phúc vật chất và tâm linh cho toàn thế giới, bao gồm cả người và súc vật cùng mọi sinh vật khác. Tinh thần gìn giữ môi trường sinh thái của Asoka đáng là tấm gương cho chúng ta hôm nay khi nhìn những cánh rừng bị tàn phá, thú quý hiếm từ voọc cho đến gấu, tê giác bị tận diệt, những dòng sông ô nhiễm… và đáng hổ thay khi nhà thương cho người còn chen chúc chật chội, bệnh nhân bị đối xử thiếu tôn trọng, nói chi đến nhà thương cho súc vật!

Asoka đã biết vun trồng cành mai “thiện” sau những lầm lỗi trong quá khứ lạnh lẽo như bao mùa đông trong đời mình và trên đất nước do mình cai quản. Cành mai “thiện” hôm nay còn đó. Chỉ tiếc xuân đang đến mà nắng mới vẫn chưa đẩy lui được những ngày rét mướt đầy lo âu dằn vặt, khiến hoa chưa kịp nở. Cũng như mầm Thái đã hiện mà tượng Bĩ dường như cản lối, cái hanh thông đã có hình có dạng mà sự bế tắc dường chưa mất hẳn. Sứ mệnh của những nhà lãnh đạo là tìm kiếm và kiến tạo mùa xuân bên ngoài cho nhân dân. Một khi xuân ngoài chưa tìm xong, người ta vẫn phải hối hả lo cơm áo gạo tiền, lo tàu xe về quê, vật vã trên những cung đường đầy hiểm nguy chờ chực, hốt hoảng trước những góc phố có thể có kẻ thủ ác rình rập đâu đó… thì làm sao có thể nói đến sự thăng hoa của tâm thức nhờ được nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả, để lấy lại sức cho hành trình trước mặt… làm sao có thể nói đến những định hướng lâu xa?

Tuy nhiên, một khi tâm ý con người đã hướng tới việc cải cách và có quyết tâm cải cách thì chắc chắn chẳng chóng thì chầy, xã hội cũng sẽ có những đổi mới thực sự có ý nghĩa, mang tính bền vững. Người ta vẫn tin rằng những cành mai “dân chủ” sẽ cung hiến cho đời những đóa hoa mai tự do mạnh mẽ, nhờ có sự tinh tấn chuyên cần chăm bón trên nền tảng quý trọng sự thật và công lý, trên ý thức tôn trọng quyền của con người và cuộc sống ổn định của người dân. Người ta vẫn có thể tin rằng những bế tắc sẽ sớm được dọn dẹp để có sớm sự hanh thông trong cuộc sống. Thật vậy, Phật giáo quan niệm mọi sự đều vô thường, hàm ý mọi sự mọi vật luôn biến chuyển không ngừng. Những bế tắc cũng vậy, chúng không tồn tại mãi mãi mà sẽ chuyển biến từ từ để có được hanh thông. Ước mơ của người dân là cuộc sống luôn bình an nhưng luôn hanh thông, để có được sự phát triển mang tính bền vững.

Đành rằng ước mơ con của người mãi mãi chỉ là ước mơ, nhưng mùa xuân có thể ở lại nếu con người biết tạo ra môi trường, điều kiện để đạt tới những điều gần với ước mơ, để an hưởng hạnh phúc, tự do. Điều kiện bên ngoài là người lãnh đạo luôn nỗ lực hành động dựa trên tinh thần công chính; thái độ công chính của nhà lãnh đạo phải được thể hiện cả trong lời nói lẫn ở việc làm, và luôn được giữ trong tâm ý. Nhà lãnh đạo cần biết lắng nghe ý kiến của dân chúng đánh giá về sự cai trị của mình, để biết mình có phạm lỗi lầm nào không trong khi điều hành đất nước.

Trong xã hội bao giờ cũng có những khuynh hướng khác nhau mà cụ thể là khuynh hướng cải cách và khuynh hướng bảo thủ. Người cải cách luôn sốt ruột thấy mọi sự việc đều trì trệ. Người bảo thủ cho rằng hiện trạng là đáng được duy trì. Họ không hiểu rằng sự chuyển hóa là điều tất nhiên của vạn pháp. Vấn đề là làm sao cho những người bảo thủ thấy được thiện ý của nhóm đòi hỏi cải cách; ngược lại, nhóm bảo thủ cũng phải thể hiện tinh thần tiếp thu những điều mới phù hợp với hoàn cảnh mới, tôn trọng ý kiến của những người cải cách. Khi đó, những sự chuyển biến ôn hòa sẽ tuần tự xuất hiện mà không cần phải tranh chấp. Để thực hiện được điều này, trước hết, mọi người đều phải có sự chuyển hóa từ trong tâm thức; đó là vai trò của một nền giáo dục chính trực.

Cành mai thiện còn đó thì tất nhiên thuộc tính sinh hoa của nó còn đó. Vấn đề là phải có sự chăm sóc, sự lưu tâm của những người làm vườn có trách nhiệm; và cần nhớ rằng nó chỉ nở được trên mảnh đất mà nó cảm thấy nó thực sự làm chủ; hay nói cách khác là nó cần một vườn hoa Nhân chủ.


Page last modified on May 24, 2016, at 04:01 AM