Gìn vàng giữ ngọc

Nguyên Cẩn | Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo 124

Văn hóa lễ hội và nhu cầu tâm linh

Theo những nhà nghiên cứu lịch sử và xã hội học, lễ hội đã ra đời, phát triển, và tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử như một truyền thống văn hóa, một hình thức sinh hoạt cộng đồng, là hoạt động thờ kính cúng bái tổ tiên, thánh thần, và Trời Phật; vừa mang tính tín ngưỡng, vừa mang tính giải trí, thể hiện được các nội dung văn hóa, tôn giáo, lịch sử; và thời điểm diễn ra nhiều nhất là vào những ngày xuân, trong lúc nông nhàn…Như vậy, nếu thiếu các nội dung tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa và lịch sử thì một sinh hoạt cộng đồng sẽ không thể trở thành một lễ hội. Người ta đi hành hương là để tìm về cội nguồn, lên núi tìm chùa lạy Phật, cầu nguyện, sống với những niềm vui trong trẻo và thiêng liêng…mở rộng tâm thức, hay tìm đến đền thờ vị thánh vị thần nào đấy, Thánh Trần hay Thánh Gióng… để ôn lại chiến công, hành trạng của bậc anh hùng… hâm nóng lại những tình cảm gắn bó với quê hương qua những trang sử hào hùng…

Hội đã thành hè từ bao giờ?

Thế nhưng đáng buồn thay, chúng ta thấy gì trong những lễ hội gần đây? Hãy thử lấy hội Gióng làm ví dụ. Về lễ hội liên quan đến Thánh Gióng, chúng ta đọc được gì trên báo?

Hội Gióng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào cuối năm 2010. Đền Gióng tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội được chọn làm nơi xây dựng tượng đài của Thánh như một công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Năm nay, theo lời báo chí, Hội Gióng “được mùa bội thu” vì khách thập phương đổ về tấp nập. Người ta không ai thắc mắc về chuyện Hội Gióng Sóc Sơn mở vào ngày mùng 7, 8, 9 tháng Giêng âm lịch mà Hội Gióng Phù Đổng đến ngày 7, 8, 9 tháng Tư mới mở. Có nhà phê bình nhận xét hóm hỉnh rằng Ngài sinh sau mà bay lên trời trước (?). Thế nhưng chuyện đó là công việc của các nhà lãnh đạo văn hóa. Tổ chức được là vui rồi! Nhưng tổ chức ra sao? “Hội Gióng năm nay không ngoại lệ, vì thế có nhiều vị khách sứt đầu mẻ trán trong màn cướp lộc ngày mùng 7. Chẳng biết ở trên cao xanh, Thánh Gióng có nhìn tháy cảnh hỗn loạn đó và Ngài có phiền lòng chép miệng vì con cháu?” (Hoàng Hương).

Người ta tin rằng: “Một miếng lộc Thánh bằng một gánh lộc trần (!)” nên xúm nhau vào mà giành mà giật…và cảnh này không chỉ diễn ra ở Hội Gióng.

Chúng ta hãy đến lễ hội tại Đền thờ Đức Thánh Trần, nơi người ta xin “ấn”:

23h đêm 16/2, tại đền Trần (Nam Định), trong khi các cụ cao niên làm lễ tế, hàng nghìn người từ khắp nơi chen lấn, xô đẩy với hy vọng lấy được lá ấn để sự nghiệp thăng tiến. Một số phụ nữ ngất xỉu phải cấp cứu tại chỗ (VN Express). Rồi đến lễ hội Chùa Hương, lễ hội kéo dài nhất và thu hút lượng du khách kỷ lục, dự kiến năm nay lên đến 1.5 triệu lượt người về tham dự. Ngay ngày mở hội đã xảy ra tình trạng tắc nghẽn ở khu vực cáp treo. Nhiều người lo sợ thảm họa “giẫm đạp” có thể xảy ra như ở Campuchia…Tại “Nam Thiên đệ nhất động”, đủ những kiểu cúng bái được sáng tạo ngẫu hứng diễn ra thật xô bồ, vàng mã được đốy bừa bãi khiến khói bay ngột ngạt, nước từ thạch nhũ được nhiều người tranh nhau xòe tay hứng lấy, với quan niệm “nước Thánh” mang lại tài lộc…Thượng tọa Thích Minh Hiền đã bức xúc phát biểu: “Tôi không rõ việc đốt vàng mã có đem lại linh nghiệm nào không nhưng rõ ràng nó làm mất mỹ quan và không khí thiền trong động. Còn việc xin lộc từ bầu sữa mẹ cũng chỉ là quan niện. Làm gì có thứ hạnh phúc nào có được nhờ giành giật, bon chen!” (báo Người Lao Động 11.2.2011)

Hình ảnh của những đội quân “cái bang”, những du khách không có ý thức giữ gìn vệ sinh, những kẻ làm ăn chộp giựt…khiến quang cảnh Chùa Hương hoang tàn, nhếch nhác. Dịch vụ thì không ai quản lý, giá đò, giá giữ xe tăng vô tội vạ. Còn đâu cảnh “Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái – Lững lờ khe yến cá nghe kinh” mà Chu Mạnh Trinh đã mô tả trong bài hát nói “Hương Sơn phong cảnh ca”?

Có thể thấy, từ hội chùa Viềng, chùa Hương…đến đền Đức Thánh Trần, đền Thánh Gióng…, đều “ken” đặc những dòng người đi tìm “lộc”, tìm cái giàu sang may mắn bằng việc mặc cả với thánh thần, Trời Phật…Người ta ném tiền xuống suối Oan, nhét tiền vào miệng Thánh, tay Phật…

Hay là họ nghĩ dương sao âm vậy? Trên trần thế mọi chuyện thành bại đều do đi cửa sau thì dưới địa ngục hay trên trời cũng thế…(!) Thánh cũng như người mà!

Phải phục hồi và giữ gìn bản sắc

Chúng ta nghĩ gì khi cái thiêng liêng đang bị tàn phá, phôi pha trong lòng người? Không ít các nhà dân tộc học khi nghiên cứu về văn hóa Việt đều đồng tình rằng triết lý sống của người Việt đã hình thành trên niềm tin sâu xa về mối liên hệ giữa người sống và người chết, giữa hiện tại và quá khứ. Triết lý sống ấy đã trở thành đạo lý nền tảng của dân tộc, được thể hiện qua ca dao tục ngữ, biểu hiện trong đời sống thường nhật, kết tinh thành phong tục tập quán liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Trên hết, triết lý sống ấy biến thành ý thức tâm linh, là ý thức hướng về cái cao cả, vượt lên sự dung tục của cuộc sống đời thường, vươn tới nhận thức tôn giáo.

Phải chăng chữ nghĩa vật chất đã xâm thực tâm hồn con người hôm nay để biến họ thành những kẻ mưu cầu danh vọng, quyền lợi, tài lộc bất chấp thủ đoạn như dẫm lên người khác mà cướp ấn đền Trần hay xô người ta ra mà hứng nước thánh từ thạch nhũ chùa Hương…?

Di sản còn đâu?

Lễ hội đã thế, cái nền tảng biểu hiện ra ngoài bằng vật chất để làm cơ sở cho lễ hội, nghĩa là các kiến trúc cổ nơi diễn ra lễ hội, cũng có những số phận chẳng lấy gì làm khả quan. Về số phận của những kiến trúc cổ được công nhận là di sản văn hóa, có người đã ngậm ngùi nói “Thôi đừng xin công nhận nữa, vì cứ công nhận xong là mất luôn di sản”. Người ta đã chứng kiến những công trình cổ như Thành nhà Mạc ở Tuyên Quang, Thành cổ ở Sơn Tây, hay Ô Quan Chưởng ở Hà Nội, hoặc thành Tam Vạn của Hoàng Công Chất ở Điện Biên…,để yên thì còn thấy di sản, đổ một đống tiền vào trùng tu, mất tiêu di sản…

Sinh hoạt tín ngưỡng như một nhu cầu tâm linh là hết sức cần thiết, có tác dụng tích cực trong việc xây dựng con người, thanh lọc bầu không khí xã hội, tịnh hóa nhân tâm, và làm cho đất nước văn minh hơn, nhân bản hơn…Phục hồi những giá trị tâm linh là một việc làm không dễ dàng, có khi phải mất hàng thế hệ… Nhưng không khẩn trương làm ngay từ bây giờ thì hy vọng gì ở mai sau? Nói như Einstein “Đập vỡ một hạt nhân nguyên tử còn dễ hơn đập vỡ một thiên kiến trong con người”. Khi mà những người dân của chúng ta, cả già và trẻ hôm nay, đang bị vây quanh bởi tà kiến, biên kiến, trong vùng “mê tín”, thì việc đem họ về với chánh tín, đánh thức chánh kiến trong họ đòi hỏi công sức của toàn xã hội, bắt đầu là từ giáo dục. Việc giáo dục đó không chỉ diễn ra trong nhà trường mà phải được tích cực thực hiện trong xã hội, nơi đình chùa, lăng miếu…Hãy biết gìn vàng giữ ngọc để khỏi phụ lòng tổ tiên và thế hệ mai sau!


Page last modified on May 24, 2016, at 03:48 AM