Main.GiớiCấmThứHai History
Show minor edits - Show changes to markup - Cancel
Giới cấm thứ hai
NGUYÊN CẨN
Ham muốn tự ngàn xưa
Một vị cán bộ một ngành nhiều bổng lộc có lần nói với tôi: “Từ khi đọc sách Phật, biết ăn chay, tôi không nhận tiền bồi dưỡng của doanh nghiệp nào nữa, vì tôi thấy như vậy là phạm giới”. Tôi hỏi đùa: “Giới nào?”. Ông trả lời: “Giới thứ hai đấy!”. À ra thế! Vị cán bộ ấy hiểu việc nhận thứ tiền như vậy là không chân chính, giống như một hành vi cướp bóc tài sản của người khác.
Plato trong tác phẩm Cộng hòa (The Republic) đã bắt đầu tác phẩm với câu hỏi: “Thế nào là dikaiosune?”. Tiếng Pháp và tiếng Anh dịch là justice, tiếng Việt là công bình. Chữ này trong tiếng Hy Lạp mang nhiều nghĩa: giữ gìn phong tục, bảo vệ tập quán, thi hành bổn phận, cư xử chính trực, ăn ở công minh, lương thiện, thành thật, đúng lý, phải lẽ, hợp pháp… bao gồm toàn bộ đạo đức cá nhân liên hệ với tha nhân. Công bình là đức tính cần có để sống trong cộng đồng… Cũng trong tác phẩm đó, Plato thể hiện sự lo sợ khi con người mê tín quyền lực sẽ đưa đến chế độ quả đầu (oligarchikos) còn gọi là chính thể thiểu số hay chính thể tập đoàn trong đó tiền sẽ là thước đo duy nhất cho các giá trị xã hội, “… là cây cầu đưa tới chức vụ, làm nảy nở tinh thần chuộng tiền, dòng máu say của cải, tinh thần này như diều gặp gió lên cao khủng khiếp, lẽ phải và tinh thần như đày tớ, nô lệ ngoan ngoãn cúi đầu, nâng bi thần tài… tình trạng vẫn đòi hỏi kềm chế lòng tham, song không đúng loại” (Plato – Cộng hòa – bản dịch Đỗ Khánh Hoan).
Để chống lại hay khắc phục tình trạng tham nhũng trong cơ quan công quyền, các nước đều có những quy tắc đạo đức. Mới nhất là thông tin được truyền đi bởi Đài Tiếng nói nước Nga đêm 16-1: Bộ trưởng Giao thông vận tải đường bộ và đường thủy Ba Lan Slawomir Nowak đã rời khỏi nội các vì một lý do đơn gỉản là ông đã không hay quên khai báo một đồng hồ đeo tay có trị giá khoảng 6.000 USD. Bản tin cho biết Phòng Công tố Ba Lan buộc ông Nowak đi đến quyết định từ chức sau khi khẩn trương xúc tiến quá trình tước quy chế bất khả xâm phạm nghị sĩ quốc hội của người này. Theo pháp luật, ông Nowak có trách nhiệm kê khai chiếc đồng hồ đeo tay của hãng nổi tiếng bởi nó có trị giá hơn 17.000 zlot, tương đương khoảng 6.000 USD vì lẽ pháp luật Ba Lan họ qui định, các quan chức Ba Lan phải kê khai các tài sản có trị giá trên 10.000 zlot. Một nghị sĩ Ba Lan là Andrzej Romanek đã phát hiện chiếc đồng hồ đắt tiền trên tay Bộ trưởng Nowak và viết thư thông báo điều này với Văn phòng Công tố. Người ta chợt nhớ chuyện gần đây, Thủ tướng Cộng hòa Czech, Petr Necas ngày 16/6 tuyên bố sẽ từ chức sau khi xảy ra một vụ bê bối tham nhũng lớn trong đó một trợ lý của ông bị kết tội nhận hối lộ. Phát biểu với báo giới sau khi bàn bạc với các đối tác trong liên minh trung hữu của mình tại thủ đô Prague, ông Necas nói: “Ngày mai tôi sẽ từ chức Thủ tướng. Tôi ý thức được trách nhiệm chính trị của mình”.
Vậy, vấn đề trách nhiệm chính trị ở đất nước ta đang có trạng thái thế nào?
Việt Nam đang ở đâu trong cuộc chiến chống tham nhũng?
Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Việt Nam thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng. Dù được ghi nhận là đã có những tiến bộ nhất định nhưng Việt Nam vẫn là những nước có điểm số thấp và đứng ở phía cuối bảng xếp hạng. Tham nhũng ở Việt Nam nghiêm trọng hơn so với Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brunei, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… nhưng ít nghiêm trọng hơn Mông Cổ, Philippines, Lào, Nepal, Campuchia, Myanmar (?).
Theo báo cáo khảo sát toàn cầu của tổ chức này (khảo sát về quan điểm và trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng), lòng tin của người dân vào các nỗ lực chống tham nhũng của chính quyền lại giảm sút đáng kể. Nếu như trong cuộc khảo sát tương tự năm 2010, chỉ có 35% người dân đô thị được hỏi tại năm thành phố lớn cho rằng các nỗ lực chống tham nhũng của chính quyền không hiệu quả, thì con số này đã tăng lên 60% vào năm 2013.
Đất nước ta vẫn có một hệ thống các văn bản pháp quy về phòng chống tham nhũng tương đối nhiều, có tổ chức bộ máy chống tham nhũng từ trung ương đến địa phương nhưng “tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm”. Và thực sự, có vẻ việc giải quyết vấn đề được coi là “sống còn” này đang là chuyện đau đầu của cả hệ thống chính trị.
Báo cáo của Chính phủ thừa nhận tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm đồng thời cũng chưa chỉ ra được cụ thể tình hình tham nhũng xảy ra chủ yếu ở lĩnh vực nào; ngành nào, địa phương nào. Đây quả là điều đáng tiếc. Nó thể hiện bộ máy chống tham nhũng chưa thực sự hiệu quả.
Đã có rất nhiều giải pháp chống tham nhũng được đề ra, nhưng hầu hết đều mang tính hình thức, hiệu quả không cao, như các biện pháp chuyển đổi vị trí công tác, kê khai tài sản, tuyên truyền, trả lương qua tài khoản…
Lòng tham: cội nguồn của tội lỗi
Tại hội thảo “Vai trò của Quốc hội trong phòng chống tham nhũng” do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, ông Lê Văn Lân, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, đã có bài tham luận nêu lên thực trạng tham nhũng với những điểm chính:
Trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai tài nguyên khoáng sản, tham nhũng xảy ra trong việc quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng các khu kinh tế công nghiệp đô thị, giao đất và cho thuê đất, định giá đất khi thu hồi đền bù, cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản…
Trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, có hiện tượng một bộ phận cán bộ trong ngành ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại, tiếp tay, móc nối với người bên ngoài thông qua các hoạt động cho vay, bảo lãnh, cho thuê tài chính, đầu tư tài chính, ủy thác cho vay, ủy thác đầu tư… để chiếm đoạt tài sản, gây thất thoát lớn.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, phần lớn các công trình xây dựng đều xảy ra thất thoát tài sản, chủ yếu do tham ô và cố ý làm trái. Sai phạm xảy ra ở hầu hết các khâu, từ việc lập dự án, thiết kế, dự toán, phê duyệt kế hoạch cấp vốn đến đấu thầu, tư vấn, giám sát, thi công, nghiệm thu, quyết toán công trình.
Trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, thủ đoạn tham nhũng chủ yếu là giấu bớt và định giá trị tài sản, đất đai thấp hơn giá trị thực khi cổ phần hóa hoặc bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp; lập các hợp đồng mua bán, vận chuyển hoặc hóa đơn khống để chiếm đoạt; nâng khống giá hoặc gửi giá khi mua bán tài sản công để trục lợi.
Trong công tác cán bộ, dư luận về tình trạng “chạy chức, chạy quyền, chạy công chức” vẫn còn nặng nề, nhưng trong thực tế chưa phát hiện, xử lý được trường hợp nào. Nhiều người nói rằng, hiện nay mọi thứ đều “có giá”, từ việc tuyển dụng, phân công công việc đến bổ nhiệm, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật cán bộ.
Trong lĩnh vực tư pháp, hành vi tham nhũng chủ yếu là cán bộ tư pháp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ nhằm bỏ lọt hoặc giảm nhẹ tội phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Ngoài những lĩnh vực trên, tình trạng nhũng nhiễu còn khá phổ biến trong quan hệ giữa cơ quan Nhà nước và công chức Nhà nước với người dân và doanh nghiệp, giữa nhân viên các cơ sở dịch vụ công với khách hàng, như: cảnh sát giao thông, cán bộ thuế, các cơ quan cấp phép, cơ sở khám, chữa bệnh, các trường học… gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Khi công lý chưa được thực thi
Một vị đại biểu Quốc hội, ông Lê Nam, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho rằng: “Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng đặt ra cho chúng ta rất nhiều câu hỏi: Tại sao tham nhũng lại nhiều như vậy, trong khi rất ít lãnh đạo bị xử lý trách nhiệm, khởi tố? Tại sao xử án treo, chỉ đề nghị xử lý hành chính… trong khi lẽ ra phải đề nghị truy tố, xử lý hình sự? Tiếp xúc cử tri, chúng tôi biết người dân rất hoài nghi về công tác phòng chống tham nhũng… Người dân đang rất sốt ruột với cách chúng ta xử lý tham nhũng, đặc biệt là với những quan chức. Rất nhiều cử tri nói rằng chúng ta đang xử lý tham nhũng nhẹ hơn trước đây rất nhiều dù trước đây đâu có hô hào khẩu hiệu nhiều như hiện nay”.
Thực tế là dù pháp luật có rõ ràng thế nào đi nữa thì việc thực thi mới là quan trọng. Tuy Nhà nước có nhiều cơ quan chống tham nhũng nhưng mối quan hệ của các cơ quan ấy rất rời rạc và chưa đủ mạnh. Việc tăng cường chỉ đạo phòng chống tham nhũng tuy vẫn được hô hào thực ra cũng chỉ là những định hướng về mặt chủ trương thôi chứ chưa đi thẳng vào cụ thể. Cũng theo ông Lê Nam, vấn đề là không ai hay không cơ quan nào, kể cả Ban Nội chính, có “thượng phương bảo kiếm” để thi hành!
Tình hình tham ô ăn cắp của công, nhũng nhiễu, bòn rút của dân, lãng phí tiền bạc, phương tiện của Nhà nước, quan liêu xa rời dân vẫn còn diễn ra nghiêm trọng, làm biến chất không ít cán bộ, đảng viên. Nhiều tổ chức kinh tế Nhà nước, cơ quan Nhà nước, bất chấp kỷ cương pháp luật, đã có những hành động tham ô, hối lộ, trốn thuế, lậu thuế làm thất thoát hàng tỷ, chục tỷ, trăm tỷ đồng mà tổ chức chính trị ở đó hầu như im lặng…
Nghị quyết Trung ương VI lần hai kêu gọi đẩy mạnh việc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu một cách có hiệu quả; nêu quyết tâm phải đánh thắng bằng được “giặc nội xâm” bằng giải pháp hàng đầu là nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Dĩ công vi thượng”, phải nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trước quần chúng, của cấp trên trước cấp dưới, vì “thượng bất chính hạ tác loạn”.
Cũng theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì “Ðạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Nhưng mài không sáng thì phải “đập” thành đá thôi! Muốn vậy, phải dùng pháp luật, vì một khi sự hình thành và phát triển đạo đức cách mạng trên tinh thần tự giác tự nguyện, dựa vào chính lương tâm của mỗi người không có thì phải dựa vào sức mạnh dư luận của quần chúng và kỷ cương phép nước.
Một câu hỏi đang được đặt ra là: Vì sao càng chống tham nhũng mà tham nhũng vẫn không giảm, lại còn phát triển tinh vi hơn, diện hoạt động mở rộng hơn, nghiêm trọng hơn, nhất là trong xây dựng cơ bản? Có thể chỉ ra một trong những nguyên nhân là không dựa vào quần chúng và thiếu dân chủ. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh về việc chống tham ô lãng phí quan liêu thì “Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”. Cho nên, nếu không có dân chủ thực sự, không để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, thì tình trạng tham nhũng sẽ di căn mãi sang những bộ phận kinh tế khác chứ không chỉ là xây dựng cơ bản hay đầu tư công mà thôi.
Tồn vong của Tổ quốc
Một nhận xét được nêu trong báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ của Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng, vừa được gửi đến các vị đại biểu trước phiên thảo luận tại hội trường vào sáng 7-11-2013 cho biết, “… tình hình kinh tế suy thoái, khó khăn như hiện nay có nguyên nhân rất quan trọng do tình trạng tham nhũng tràn lan. Các công trình, dự án đều phải chạy chọt, bôi trơn giữa cán bộ có thẩm quyền và doanh nghiệp”.
Ông Antony Stokes, Đại sứ Vương quốc Anh tại VN cũng nêu thực tế, ”Tham nhũng là thách thức với Việt Nam bởi “sức khỏe” của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng của tham nhũng, khả năng phá hoại nền kinh tế của tham nhũng là rất lớn… Vì vậy, Chính phủ và doanh nghiệp cần phải chung tay chống lại nạn tham nhũng”. Phát biểu tại cuộc đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chúng tôi luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó cộng đồng doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng”. Ông cho rằng doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng. Doanh nghiệp phải đưa hối lộ vì sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền là đúng nhưng chưa đủ tại Việt Nam. Còn một thực tế khác, đó là nhiều doanh nghiệp thường chủ động thực hiện hành vi hối lộ nhằm đạt được những lợi thế không chính đáng trong cạnh tranh trên thương trường hoặc để trốn tránh trách nhiệm pháp lý khi có sai phạm. Đặc biệt, khi tham nhũng, hối lộ được thực hiện với sự câu kết giữa doanh nghiệp với các quan chức tha hóa, sẽ hình thành những “nhóm lợi ích thân hữu”, có khả năng tác động tiêu cực tới quá trình xây dựng và thực thi chính sách pháp luật, khi đó hậu quả càng thêm nghiêm trọng.
Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, theo nhiều đại biểu Quốc hội, là chưa nghiêm. Hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng chưa đạt được yêu cầu. Thẩm quyền của cơ quan chống tham nhũng và Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng còn nhiều chồng chéo, khó khăn trong thực hiện, xây dựng công cụ quản lý tài sản, thu nhập của công dân Việt Nam, đặc biệt là cán bộ ở lĩnh vực dễ tham nhũng.
Có đại biểu yêu cầu những vụ tham nhũng lớn như Vinalines, Vinashin mà các cơ quan thanh tra, kiểm toán vào cuộc trước đó đã không phát hiện sai phạm thì phải đặt lại vấn đề trách nhiệm của những hoạt động thanh tra ấy.
Tham nhũng đang gặm nhấm tài sản quốc gia, xói mòn lòng tin nhân dân và nguy hiểm nhất là ảnh hưởng đến cả sự tồn tại lâu dài của đất nước khi gánh nặng nợ công đòi hỏi rất cao tính hiệu quả trong sử dụng.
Giới thứ hai
Trở lại với vị cán bộ không nhận bồi dưỡng ở trên.
Ta có thể thấy ông này hiểu tam quy ngũ giới, trong đó Giới thứ hai là Không tham lam trộm cắp, một giới mà người tu sĩ cũng như những người cư sĩ tại gia cần phải học hiểu và sống đúng.
Người trọng giới thứ hai này là người không tích lũy và không vơ vét những của cải tài sản và vật chất nói chung không do mồ hôi nước mắt của mình mà có… Pháp Phật dạy “Ly dục ly ác pháp” nên hạnh buông xả là hạnh rất cần thiết cho bốn chúng đệ tử của Phật. Nếu không sống đúng hạnh buông xả thì chẳng bao giờ tâm hết tham lam trộm cắp. Tâm không hết tham lam trộm cắp thì tu theo đạo Phật chẳng những hoài công vô ích, mà còn làm bại hoại lương tâm.
Người hành trì Phật pháp đều biết rõ tất cả các pháp trên thế gian này đều vô thường, không có một vật gì là thường hằng, vĩnh viễn, không có một thế giới nào là vĩnh cửu, chỉ do tưởng của con người tạo ra mà thôi. Hạnh buông xả giúp cho con người sống một đời sống trong sạch, không gian tham, tâm hồn thanh thản, an ổn. Từ những chuyện nhỏ như một công nhân ăn cắp vặt trong xưởng làm, một ông bác sĩ đưa bệnh nhân từ bệnh viện công ra phòng mạch riêng để chữa, một anh công an giao thông nhận tiền thay vì phạt cho xe chở đồ lậu hay vi phạm luật an toàn… đến những khoản chi để nhận những dự án lớn hàng tỷ tỷ đồng… đều vi phạm giới.
Đức Phật cấm trộm cướp vì lẽ công bình. Chúng ta không muốn ai lấy của mình, tại sao ta lại muốn chiếm đoạt của người? Như vậy là thiếu công bình (justice). Một xã hội mà thiếu công bình thì không thể nào lành mạnh phát triển được. Ngoài ra, mỗi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc, tại sao ta lại muốn tước đoạt hạnh phúc người khác để cầu lợi lộc cho mình? Nói tóm lại, Phật giáo cấm trộm cướp là vì tôn trọng sự bình đẳng, còn với người hành trì theo Phật pháp thì đó là việc thực hiện chữ Xả (upeka) trong Tứ vô lượng tâm.
Trong nền kinh tế thị trường vốn là một đặc trưng thời đại và là nhu cầu phát triển xã hội loài người, giáo lý của Đức Phật có đóng góp gì cho sự ổn định xã hội? Chúng ta hãy ôn lại đoạn kinh Không nợ thuộc phẩm Nghiệp công đức trong chương Bốn pháp của Tăng Chi Bộ.
Kinh kể rằng Gia chủ Anathapindika (Cấp Cô Độc), một thương gia nổi tiếng thời Phật tại thế, đã được Đức Phật dạy về bốn loại an lạc liên quan đến tài sản. Đức
Phật nói, “Có bốn loại an lạc này, này Gia chủ, người tại gia thọ hưởng các dục thâu hoạch được, tùy thời gian, tùy thời cơ khởi lên cho vị ấy. Thế nào là bốn? Lạc sở hữu, lạc thọ dụng, lạc không mắc nợ, lạc không phạm tội”. Ở đây chúng ta hiểu, lạc sở hữu là niềm vui có của cải, lạc thọ dụng là niềm vui trong việc sử dụng của cải, lạc không mắc nợ là niềm vui của việc không lo có người truy bức mình nhờ vào tình trạng mình không nợ nần ai cả, và lạc không phạm tội là niềm vui do mình không làm trái luật pháp, không xâm phạm xã hội và tha nhân.
Đức Phật giải thích rằng khi của cải có được nhờ vào sự nỗ lực tinh tấn làm việc, tích lũy được “do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, do thâu hoạch đúng pháp” thì người có của cải ấy được hưởng một niềm vui an lành. Cũng vậy, người ấy có niềm vui khi hưởng thụ những tài sản mà mình đã tích lũy được đúng pháp, bằng chính công sức của mình. Trong việc hưởng thụ như vậy, người ấy không lo nợ đòi, không lo bị truy bắt vì phạm pháp.
Ở đây, ta thấy Đức Phật dạy rất rõ về Giới thứ hai nhằm hướng đến sự quân bình giữa đời sống vật chất và tinh thần. Sự phát triển về vật chất luôn phải song hành với sự tinh tấn về đạo đức và tâm linh để tâm hồn luôn an lạc. Từng cá nhân như thế sẽ tạo nên một xã hội hòa bình an lạc.
Dựa trên tinh thần ấy, Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 từng nhắn nhủ: “Nếu trong một xã hội mà mọi người chỉ nghĩ đến tiền bạc, uy quyền mà không quan tâm gì đến đạo đức thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy những người làm chính trị bị hủ hóa và quả cũng không nên kết án họ phải chịu trách nhiệm về những tệ trạng đang xảy ra…”. Vị lãnh đạo tinh thần này cũng nhấn mạnh rằng chỉ có “… lòng tốt, sự ngay thật, những ý nghĩ tích cực… đối xử với mọi người như bạn hữu, cứu giúp những người đang đau khổ…” mới đem lại hạnh phúc chân thực. ■