Màu mực nào cho tương lai

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 153 | NGUYÊN CẨN

Tuổi trẻ chọn con đường nào?

Tại hội trại “Thanh niên liêm chính vì sự phát triển bền vững” vừa diễn ra tại Hà Nội do Tổ chức Hướng tới sự Minh Bạch (TCHTSMB) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục Thanh Thiếu Niên tổ chức, đoạn phim video ngắn có tựa đề Gạch tham ô Xây Ngục tù – Mực liêm chính Vẽ tương lai của nhóm bạn trẻ là sinh viên Trường Đại học Ngoại thương đã được nhiều người chú ý. Đoạn phim mô tả con đường vào đời của hai người bạn: một người không cưỡng được những cám dỗ của cuộc sống đã chọn con đường vinh thân bằng luồn cúi, tham nhũng, tha hóa… để đạt mục đích, còn người kia đi lên bằng nỗ lực và tài năng bản thân. Kết cục là kẻ tha hóa sa chân vào vòng lao lý còn người kia nhìn thấy chân trời mở ra đầy ánh sáng. Đó là một cái kết có hậu cần thiết cho một tác phẩm dự thi. Còn thì sẽ có người nói, thực tế không hẳn như vậy: biết đâu kẻ luồn cúi, thoái hóa kia hôm nay lại đang chễm chệ, nghênh ngang ở một địa vị cao nào đó và nhìn anh bạn vào đời bằng tài năng phải vật vã mưu sinh mà cười mỉa…

Dù sao thì nội dung của đoạn phim cũng đã cho thấy, nói chung, sự trung thực luôn được khẳng định là sự lựa chọn của con người, nhất là của giới trẻ. Thông điệp của Hội trại là “Hãy tiến tới thành công trên đôi chân liêm chính”, hay “Một tờ báo phẳng không chấp nhận một ngòi bút cong”. Dù có thành công hay không trong xã hội hôm nay thì “liêm chính” vẫn là những giá trị cao đẹp ngàn đời mà con người luôn hướng tới. Đó cũng chính là khát khao của tuổi trẻ.

Thế nên người ta không quá ngạc nhiên khi kết quả thăm dò trên 1.022 thanh niên trong độ tuổi 15-30 ở 11 tỉnh thành Việt Nam được công bố tháng 8-2011 của TCHTSMB cho biết: 83-86% thanh niên cho rằng thiếu liêm chính gây tổn hại nghiêm trọng cho thế hệ của họ, cho tương lai kinh tế đất nước. Song đáng buồn thay khi vẫn có đến 38% bạn trẻ cho biết họ có thể vi phạm các nguyên tắc liêm chính để đạt được những lợi ích cá nhân. Tâm thế có thể thỏa hiệp ấy đáng để chúng ta suy nghĩ!

Chúng ta đi tìm sự liêm chính ở đâu?

Chữ liêm chính trong tiếng Anh là integrity, có nguồn gốc ở một tính từ Latin là integer, mang ý nghĩa toàn thể, trọn vẹn; trong toán học còn là nói về số nguyên, số trọn vẹn.

Liêm chính mang nội hàm chân thật, thật thà, nhất quán trong tính cách. Thế nên sự liêm chính ở một con người được đánh giá hay nhìn nhận theo cách mà người đó ứng xử, hành động có phù hợp với những giá trị đạo đức, niềm tin hay nguyên tắc mà họ đề cao hay không.

Hẳn không thể gọi là liêm chính trước những gì chúng ta đang trải nghiệm, chứng kiến về một nền hành chính công, khi mà ai cũng phải “chạy” từ thuở chưa sinh ra như việc bố mẹ phải chạy nhà thương để sinh ra được một đứa con, rồi con lớn lên thì lại chạy trường, chạy lớp; khi phụ huynh phải chi tiền cho cán bộ quản lý giáo dục nhằm sắp xếp cho con em mình một chỗ ngồi trong một ngôi trường “điểm”nào đó, khi thanh niên vào đời thì phải chạy việc làm, tính chuyện làm ăn thì phải chạy giấy phép… nguy hiểm hơn nữa là chạy chức, chạy quyền… chạy dự án. Và nói chuyện “chạy” dự án thì ta mới thấm thía mọi hệ lụy của chữ “chạy” khi thấy bao nhiêu công trình xây dựng nham nhở, dở dang, chất lượng “lôm côm” vẫn cứ được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Hãy thử nghe nhận định về những công trình hàng chục nghìn tỷ mà chúng ta đang sử dụng:

Đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương là một tuyến đường có vốn đầu tư lớn (10.000 tỷ đồng) được thiết kế theo đúng chuẩn nhưng chất lượng công trình lại có vấn đề ngay khi bắt đầu khai thác. Bằng chứng là chỉ một thời gian ngắn sau khi đưa vào sử dụng thì mặt đường đã liên tục xuất hiện ổ gà, ổ voi. Hàng ngàn sự cố, tai nạn do nổ vỏ, hỏng máy, xe cùng chiều đâm nhau, xe lao xuống ruộng hay lao vào dải phân cách liên tục xảy ra. Tình hình nghiêm trọng đến mức tháng 10-2011, Ban An toàn giao thông tỉnh Long An phải đi khảo sát, đếm số ổ gà, ổ voi để có căn cứ kiến nghị Tổng Công ty Cửu Long khắc phục khẩn cấp. Kết quả đếm sơ sơ đoạn qua địa bàn tỉnh Long An có khoảng… 500 cái “ổ” các loại. Đó là chưa kể vô số ổ gà trên đường dẫn dài 22km ở hai đầu TP.HCM và Tiền Giang. Dù vậy, đến thời điểm cuối tháng 4-2012 công việc khắc phục tình trạng nham nhở trên mặt đường vẫn chưa xong.

Có cả những công trình chưa làm xong đã hỏng như dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc cũng ngốn của dân hơn 10.000 tỷ (sau này đổi tên là đại lộ Thăng Long, Hà Nội) còn một số hạng mục chưa hoàn thành và được thông xe khai thác tạm vào tháng

10-2010 nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đến khoảng tháng 4-2011, tình trạng lún nứt mặt đường đã xuất hiện nhiều đoạn… và đến nay (tháng 5-2012) cũng chưa khắc phục xong.

Tình trạng dự án vừa hoàn thành đã hư hỏng không chỉ xảy ra ở những công trình do ngành giao thông làm chủ đầu tư mà xảy ra trầm trọng hơn ở những ngành khác nữa, nhất là ở những tập đoàn nhà nước. Ai cũng biết Vinashin đã ném hàng chục nghìn tỷ đồng vào những dự án “khả nghi” nhiều hơn khả thi, Vinalines mua đến 73 tàu cũ trong 3 năm 2007-2010 trên 23 nghìn tỷ, trong đó 17 tàu cũ trên 15 năm, có cái còn trên 30 năm (?) mà giá trị cái nào cũng vài nghìn tỷ, kết quả là thua lỗ triền miên đến mức có tàu lỗ bằng giá vốn (tàu Global), Petro Việt Nam sử dụng sai hay đầu tư không đúng 18 nghìn tỷ… EVN lỗ chục nghìn tỷ… Trong đó ngoài việc thiếu kinh nghiệm đàm phán, làm ăn, bao nhiêu phần trăm tổn thất do thiếu liêm chính? Và còn nhiều nhiều nữa…

Tình trạng thiếu liêm chính còn gây tổn hại lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe toàn dân như là tình trạng thiếu liêm chính trong kinh doanh, gây nên tình trạng hàng giả, hàng nhái, như phân bón giả, dùng hóa chất bừa bãi nên chúng ta phải ăn thịt heo siêu nạc, mì“formol”, cá ướp urê, rau quả tẩm thuốc bảo quản Trung Quốc cực độc… Tính trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất bất chấp môi sinh… Điển hình như vụ Công ty Vedan xả nước bẩn ra sông Thị Vải, và nhiều công ty khác nữa…

Thử định lượng mức độ thiếu liêm chính

Người ta đã nhẩm tính tham nhũng làm thiệt hại hơn 1% GDP mỗi năm nhưng con số ấy liệu đã chính xác chưa? Một số tổ chức đã thử tính toán thông qua khảo sát, phỏng vấn, tiếp cận người dân với sự hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể khác…

Trong năm 2011, người ta đã đo lường Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI* – The Provincial Governance and Public Administration Performance Index), được công bố vào ngày 3-5-2012 tại Hà Nội. Ông Jairo Acuna Alfaro, cố vấn chính sách của UNDP nhận định “Chỉ số PAPI năm 2011 lần đầu tiên cung cấp bằng chứng định lượng chi phí tham nhũng và chi phí không chính thức ở Việt Nam. Tham nhũng làm tổn thương người nghèo, nhưng hiếm khi có bằng chứng cụ thể. Số liệu PAPI đã cung cấp các bằng chứng này”. Ví dụ, trung bình chi phí phi chính thức cho y tế (tức tiền hối lộ cho chăm sóc y tế công) vào khoảng 1,3 triệu đồng cho mỗi đợt điều trị; cho học thêm hay sự thiên vị của giáo viên là 5,2 triệu đồng mỗi năm học. Để lấy được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân phải hối lộ trung bình 1 triệu đồng. Những khoản trên tổng cộng đã là 7,4 triệu đồng, thật sự là gánh nặng vì nó cao hơn lương tháng của một công chức rất nhiều.

Ngoài ra, có những bằng chứng cho thấy ở cấp quốc gia, cần xem xét những biện pháp làm rõ giữa cái gọi là “tặng quà”, biếu xén hàm ơn với các chi phí không chính thức và hối lộ bằng số tiền lớn. Chính phủ đã có các quy định về quà tặng cho quan chức và công chức, nhưng trên thực tế, hối lộ và chi phí không chính thức đã mang tính hệ thống.

Một điểm tương đồng nữa là so với các thủ tục hành chính khác, thủ tục để lấy được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là phức tạp, quan liêu và kém minh bạch nhất. Nhìn chung, có sự bất mãn của người dân đối với thủ tục này.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy tham nhũng là vấn đề nổi cộm ở các ngành và lĩnh vực mà PAPI thực hiện việc đo lường. Cụ thể, về việc đưa hối lộ trong khu vực công, kết quả khảo sát cho thấy, khi được hỏi về một số hành vi tham nhũng cụ thể trong khu vực công, nhiều người cho rằng có tình trạng nhận hối lộ trong dịch vụ y tế công (31%), xin việc vào làm trong khu vực nhà nước (29%), xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (21%), để giáo viên quan tâm hơn tới học sinh ở trường (17%) và trong xin cấp giấy phép xây dựng (16%). Ngoài ra, 13% người dân cho rằng cán bộ chính quyền dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng.

Đây là những phát hiện được tổng hợp ở cấp quốc gia. Những phát hiện này không thay đổi nhiều khi lấy kết quả khảo sát ở 5 thành phố trực thuộc trung ương để phân tích so sánh với 57 tỉnh còn lại. Điều này phần nào phản ánh mức độ phổ biến của tham nhũng và hối lộ ở khắp các tỉnh, thành phố.

Thiệt hại là vô kể

Nhưng cái mất mát đo lường được ấy không thể so sánh nổi với sự đánh mất lòng tin nơi người dân vào sự công bằng, vào tính chính trực của người lãnh đạo! Trước những thất thoát vì thiếu liêm chính, những hành vi vung tay quá trán hay vung tay cho vào túi mình của những người có chức có quyền, chúng ta hiểu vì sao khi nói tới tương lai đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải nhấn mạnh, như một yêu cầu cần thiết mà có thể nói giờ đây đã trở thành một lời tiên đoán nghiệt ngã: “Một hột gạo, một đồng tiền là mồ hôi, nước mắt của đồng bào. Vì vậy, ta phải ra sức tiết kiệm. Hoang phí là một tội ác. Có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền, do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối. Thậm chí làm chợ đen chợ đỏ, thụt két, buôn lậu. Có cần mới kiệm. Có cần, kiệm mới liêm. Có cần, kiệm, liêm mới chính”.

Sự liêm chính quan trọng như thế nào? Vị tướng hàng đầu của lịch sử nước Mỹ là tướng Dwight D. Eisenhower đã kết luận:

Để làm lãnh đạo, người ta phải có người đi theo mình. Để có người đi theo mình, họ phải có lòng vững tin nơi bạn. Do đó phẩm chất cao nhất của một người lãnh đạo là người ta không phải thắc mắc gì về sự liêm chính của người ấy. Thiếu mất sự liêm chính ấy, không thể có sự thành công thật, dầu trong bất cứ lãnh vực gì, trong một trận đấu bóng, trong quân đội hoặc trong văn phòng. Nếu những người chung quanh khám phá anh ta là con người giả dối… người ấy sẽ thất bại.

Màu mực nào cho tương lai?

Gần đây, khi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, vị lãnh đạo đương nhiệm Đảng Cộng sản Việt Nam là Tổng Bí thư

Nguyễn Phú Trọng có nói: “Trong cơ chế thị trường, điều kiện hội nhập như hiện nay thì tham nhũng có phạm vi rộng, tính chất nghiêm trọng, có dây có nhóm… Biện pháp thì đúng rồi, bắt mạch đúng, cắt thuốc cũng đúng rồi, chỉ lo là có làm được không, có chịu uống thuốc không…” (báo Tuổi Trẻ ngày 5 tháng 4, 2012).

Làm được hay không khi lãnh đạo nhà nước đã đưa ra quy định thật nghiêm ngặt về việc trấn áp các hành động thiếu công bằng, thiếu trung thực nhằm chống lại các tệ nạn tham ô, tham nhũng của các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan công quyền nhưng hình như vẫn thiếu cơ chế giám sát, thực thi “thượng tôn pháp luật”? Có ai dám dùng những hình phạt thật nặng đối với những hành vi vi phạm pháp luật của các cán bộ nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước trong những hành động bất chính, thiếu nghiêm minh. Vẫn dường như không có ai chịu trách nhiệm chính về những thất thoát thiệt hại đã xảy ra. Chúng ta yêu cầu các cơ quan tư pháp phải thật nghiêm minh trong xét xử và xử phạt tất cả, không phân biệt trong hay ngoài Đảng, nhà nước hay tư nhân… Đồng thời phải thông tin đến dân tất cả chủ trương, vì theo đánh giá của UNDP thì người dân ít được thông tin về kế hoạch sử dụng đất nhất là những kế hoạch sử dụng đất có tác động tiêu cực đến cuộc sống của họ; giá bồi thường có khoảng cách rất xa so với giá thị trường; và người dân không biết tìm bản kế hoạch sử dụng đất và các thông tin liên quan ở đâu. Nhiều thông tin lẽ ra phải được phổ biến công khai nhưng chính quyền địa phương vẫn kìm giữ cẩn trọng. Ví dụ, có 80% người dân được hỏi không biết kế hoạch sử dụng đất ở địa phương, chỉ dưới 50% người dân biết được danh sách hộ nghèo, và chỉ một phần ba người dân được hỏi nghĩ rằng ngân sách

xã phải được công khai. Phải khẩn trương tiến hành cuộc cải cách tư tưởng, đề cao sự liêm chính trong xã hội, văn hóa, giáo dục; phải thực hiện được tiêu chí học thật bằng thật; cán bộ phải nêu gương sáng về sinh hoạt cá nhân, không hoang phí xa xỉ từ xe cộ đến trụ sở làm việc, gương mẫu trong gia đình, chòm xóm… công sở.

Trong chương trình “China’s got talent”, một em bé Mông Cổ phát biểu: “Em ước gì có thể sản xuất ra một loại mực mà khi đổ nó xuống, cả Trái đất này thành những đồng cỏ xanh”. Tương tự như vậy, chúng ta ước có một loại mực tắm gội lại cho toàn dân ta, nhất là những bậc quan trên, để tâm hồn họ lại trong veo, rực rỡ màu liêm chính, sáng lên tinh thần khẩu hiệu “vì nhân dân phục vụ” vốn đang hoen rỉ bấy lâu! Màu của tương lai do chính chúng ta vẽ lên phải mang sắc màu liêm chính thì mới xua tan được bóng tối của những viên gạch tham ô vây quanh đã lâu…

Theo quan điểm Phật giáo, thiếu liêm chính là một biểu hiện của lòng tham, một trong ba độc, nguồn gốc của mọi khổ đau, vừa đem lại khổ đau cho người khác mà cũng là nguồn gốc khổ đau của chính mình. Để giảm thiểu khổ đau cho nhân dân, xin ai đó hãy thực hành liêm chính, xin mọi người hãy tìm mọi cách xóa bỏ tình trạng bất liêm.

Đợi chờ hay nguyện cầu!

Ghi chú:

  • Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chánh công cấp tỉnh (PAPI) là một dự án nghiên cứu được phối hợp thực hiện giữa CECODES (Trung tâm nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và UNDP Việt Nam, có mục đích đo lường và đánh giá hiệu quả về quản trị và hành chánh công cấp tỉnh dựa vào cảm nhận và trải nghiệm của người dân.


Page last modified on May 24, 2016, at 03:39 AM