Main.NhữngBàiHọcĐểLại… History
Show minor edits - Show changes to markup - Cancel
Những bài học để lại…
NGUYÊN CẨN
Chỉ tôn kính là chưa đủ…
Sự kiện hàng triệu người dân khóc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp gây xúc động dư luận trong và ngoài nước. Những danh xưng tôn kính về ông như “Anh cả của Quân đội Việt Nam” hay “Đại tướng của lòng dân” được các phương tiện truyền thông phát trong suốt 10 ngày tang lễ… Người dân tưởng nhớ và dành cho ông những tình cảm như người thân trong gia đình vì những chiến công lẫy lừng của ông, hay chính họ cũng muốn bày tỏ lòng thương tiếc với một trong những người lãnh đạo cuối cùng của thế hệ những bậc tiền bối chỉ biết cống hiến và hy sinh, không nhuốm mùi tư lợi và tham vọng quyền lực? Nói như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư “Chúng ta khóc cho việc sau này chẳng còn ai đủ lớn để dân còn có thể thương chung, khóc cùng. Cúi đầu trước ông, cũng đồng nghĩa bày tỏ thái độ với những ông quan còn đang sống”. Thế nên có lẽ cần thấy rằng chỉ có tôn kính và thương tiếc thì hẳn chưa đủ, vì bậc danh tướng ấy còn để lại những bài học mà người dân Việt Nam cần chiêm nghiệm và quan trọng hơn, tiếp tục thực hiện… Nếu không thì người nằm xuống vì một nước Việt Nam độc lập nhưng chưa thực sự văn minh, cường thịnh sẽ cảm thấy khó thanh thản vì hoài bão của mình dường như chưa thỏa nguyện… Chúng ta hãy thử xem những bài học nào còn lại.
Bài học về chữ Nhẫn
Dân gian vẫn có câu: “Sông có khúc, người có lúc”. Cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng có những khúc quanh, thăng trầm và đầy thử thách đối với bản lĩnh và nhân cách. Theo lời kể của nhiều người biết, hiểu về ông, trong suốt cuộc đời, ông không bao giờ có bất kỳ thắc mắc, tỏ ý phản đối một quyết định của tổ chức, luôn chấp hành nghiêm túc nghị quyết, quyết định của Đảng, của cấp trên. Ông không có bất kỳ biểu hiện gì, chứ đừng nói đến có phát ngôn nào, thể hiện sự phản ứng.
Đó là cách hành xử, mà như nhiều người đã nói, là hành xử theo chữ “Nhẫn”. Và “Nhẫn” của ông là để giữ gìn sự đoàn kết vì đại sự của dân tộc này. Trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ có kế hoạch, có người không tin vào chữ “nhẫn” mà ông từng chịu đựng. Sự chấp thuận được hiểu là nhẫn nhục. Ông đóng vai trò to lớn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, “Năm 1982, ông được cử làm Phó Thủ tướng phụ trách khoa học kỹ thuật và Ủy ban Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, những lĩnh vực rất xa lạ với cuộc đời binh nghiệp của ông. Nhưng, việc nào ông cũng làm một cách rất nghiêm túc với đầy đủ tinh thần trách nhiệm. Những đóng góp của ông về chính sách khoa học – công nghệ được tất cả nhà khoa học ghi nhận” (Kinh Tế Sài Gòn, số 41-2013).
Dù phải trải qua nhiều thử thách vô cùng khó khăn, bất ngờ, ông luôn bình tĩnh, tự tin, gương mẫu thực hiện đúng kỷ luật Đảng, luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết như tinh thần “dĩ công vi thượng” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lần căn dặn ông ở hang Pắc Bó về công tác giáo dục cán bộ. Những lúc ấy ông làm gì? Ông vẫn tin vào chân lý của riêng mình và gìn giữ sự tự trọng, đồng thời vẫn rèn luyện thân tâm; ngoài công việc, ông tập thể dục, đi bộ, tập thiền và học chơi dương cầm một cách chăm chỉ như một người thong dong. Cũng theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh trong bài dẫn trên, thời gian ấy, “… ông tiếp tục sống bình thản, làm việc, phân tích tình hình, gặp gỡ các người giúp việc, ngủ ngon giấc, làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên và khâm phục”.
Về phương diện này, ông đã “xuất xử” như kẻ sĩ trong cả thời loạn và thời bình. Chúng ta có thể liên tưởng đến hình ảnh Nguyễn Công Trứ đã phác họa chân dung con người ấy. Khi nắm quyền lực thì:
“… Trong lang miếu, ra tài lương đống, Ngoài biên thùy rạch mũi can tương. Làm sao cho bách thế lưu phương, Trước là sĩ sau là khanh tướng. Kinh luân khởi tâm thượng, Binh giáp tàng hung trung. Vũ trụ chi gian giai phận sự,
Nam nhi đáo thử thị hào hùng…”.
Khi gặp hoàn cảnh bất như ý, hay gặp trở ngại do hiểu lầm, do ganh ghét, thì thu mình ẩn nhẫn…
“… Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất, Hiêu hiêu nhiên điếu Vị , canh Sằn…”.
Rồi hôm nay, khi đi xa, ông lại trở về “sống mãi” trong lòng những người đã tin yêu mình. Nói theo ngôn ngữ Bùi Giáng thì,
“Thưa rằng ly biệt mai sau Là trùng ngộ giữa hương màu nguyên xuân”.
Vâng; cái bản môn xuân ấy chính là nguyên xuân của ông, của cả dân tộc này còn nguyên vẹn, chẳng qua người ta đã lãng quên để lấm lem màu dục vọng cá nhân, trong đấu tranh giành giật chức quyền, lợi lộc mà quên rằng nó vẫn ngủ yên, đợi người đánh thức …
Vai trò kẻ sĩ thời bình
Ở trên chúng ta nói về chữ Nhẫn trong đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đến thời hòa bình, ông vẫn không quên vai trò kẻ sĩ của mình “Phù thế giáo một vài câu thanh nghị” (Nguyễn Công Trứ).
Ông quan tâm nhiều đến vận nước, thời cuộc và đưa ra những kiến nghị với những nhận thức sâu sắc về các vấn đề của kinh tế hay xã hội, về chiến lược phát triển đất nước. Ông làm việc, bàn thảo rất kỹ lưỡng với anh em cán bộ, cân nhắc từng câu, từng chữ. Tất cả đều thể hiện lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm của ông trước tồn vong Tổ quốc.
Bài học về chinh phục nhân tâm
Ở đây chúng ta không bàn đến sách lược chiến tranh nhân dân nổi tiếng của ông, khi dựa hoàn toàn vào dân để phát triển lực lượng, biến yếu thành mạnh… Chúng ta chỉ muốn đề cập đến sức lay động lòng người của tấm gương sống là cuộc đời ông: tận trung, tận tụy, tận lực… Khi ông nằm xuống, nói như nhà văn lịch sử Hoàng Quốc Hải: “Bàn thờ của lòng dân sẽ là bàn thờ vĩnh cửu. Không ai phong thánh được cho ai cả, chỉ ở lòng nhân dân. Có câu thơ: “Thương dân, dân lập đền thờ / Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương”, chính là vậy!… Lịch sử dân tộc dù có thăng trầm, nhưng nhân dân luôn hướng vọng về các bậc hiền tài đã sống hết lòng vì dân vì nước. Tôi tin rằng người dân sẽ học hỏi được biết bao điều từ cuộc đời ông. Ông là một hiền tài đặc biệt. Dân tộc nào có hiền tài và biết cách trọng dụng, học tập theo hiền tài sẽ phát triển bền vững và được kính trọng… Người đời nay học hỏi được gì từ những điều này? Những người đang ngày ngày đối xử tệ với nhau có nghĩ lại mình? Các cán bộ tiếp dân một cách bề trên, hách dịch, khó khăn, có thấy mình có lỗi trước vong linh Đại tướng? Đó là phẩm cách cao thượng của người trí thức, của kẻ sĩ; vì Đại tướng Võ Nguyên Giáp vốn xuất thân là nhà giáo:
Thượng vị đức, hạ vị dân
Sắp hai chữ “quân, thân” mà gánh vác,
Có trung hiếu nên đứng trong trời đất
Không công danh thà nát với cỏ cây.
(Nguyễn Công Trứ)
Nói cách khác, đó còn là hình ảnh một nhà văn hóa. Sự ra đi của ông lay động phần “văn hóa” nhất trong lòng những người dân, đặc biệt ở nơi ông sống: Hà Nội. Nhà văn Nguyên Ngọc bộc bạch: “Là người làm văn hóa, luôn ưu tư thời cuộc, cách đây không lâu hay mới chỉ đây thôi, tôi đã bi quan khi nhìn vào những cuộc xếp hàng dẫn đến xô xát khi mua bánh trung thu, những cuộc tranh cướp trong lễ hội hoa anh đào, những cuộc ẩu đả khi một công ty phát quà miễn phí… Những lúc ấy, tôi nghĩ đến những giá trị đẹp của Hà Nội, của người Việt và tưởng như nó đã mất rồi. Thật đau xót và lo lắng. Những ngày vừa rồi, tôi nhiều lần đến đường Hoàng Diệu để nhìn ngắm dòng người. Trong tôi có một sự thức tỉnh: Hóa ra những giá trị đẹp nhất của văn hóa, của con người vẫn còn đó và nó đã lại nổi lên”. Nhưng ông cũng không khỏi âu lo khi kêu gọi: “Cần làm gì đó để bắt lấy cơ hội này, chấn hưng văn hóa. Nếu chỉ tập trung vào kinh tế mà những giá trị của con người bị băng hoại, chúng ta vẫn không tiến lên được mà còn lùi sâu nữa vào sự tan vỡ. Có nhiều người đã phải kêu lên: thời đại tốt đẹp và những con người tốt đẹp đang mất đi. Trong những hiện tượng bê bối, phản ứng bất cần của từng người, của đám đông trong xã hội có thể đọc thấy sự mất niềm tin, thất vọng, chán chường. Đó là những dấu hiệu cảnh báo. Và như người ta thường nói: để giữ lấy ánh sáng, phải đẩy lùi bóng tối”. Bởi ông e ngại sau những ngày này, cái phẩm chất ấy lại chìm, lại bị biến mất giữa những bon chen cơm áo, tranh giành quyền lợi trong một xã hội xuống cấp nhiều mặt, nhất là về văn hóa, ngột ngạt và mờ mịt thiếu ánh sáng của sự hướng thượng – cái ánh sáng vừa được thắp lại trong những ngày lễ tang Tướng Giáp…
Có người như nhà thơ như Việt Phương nhận định rằng sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất giúp ông cảm nhận được sự thay đổi để chờ một mùa gặt mới. Thế nhưng bên cạnh đó vẫn còn những băn khoăn như của Giáo sư Chu Hảo: “Tôi trân trọng và chia sẻ ý tưởng của nhà thơ Việt Phương. Ông đã nhìn thấy tình yêu và lòng tự hào dân tộc trỗi dậy trong những dòng người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều đó khiến nhà thơ Việt Phương hy vọng về những hạt mầm mới sẽ được gieo. Tuy nhiên từ đáy lòng mình tôi vẫn nghĩ rằng dân tộc ta là một dân tộc không được may mắn cho lắm: Quá nhiều đau thương và bỏ lỡ quá nhiều cơ hội”. hay những lo lắng như của nhà sử học Dương Trung Quốc: “… ai là người tổ chức chăm sóc những hạt mầm tốt đẹp cho mùa gặt mới? Rất khó làm được điều đó, nếu chúng ta không nhận ra và không phát huy được vai trò của các tổ chức dân sự xã hội, vì họ là những người thực hiện nó tốt nhất… Một mùa gieo hạt mới nhưng không có môi trường, không có điều kiện phát triển thì tất cả những hạt mầm đó cũng bị thui chột”.
Các nhân sĩ thời nay đều cho rằng con đường ngắn nhất là xây dựng một xã hội dân chủ thực sự vì nếu không đi được con đường nhanh nhất đó, có thể vẫn sẽ xuất hiện được những con người có nhân cách lớn, có thể thay đổi bộ mặt đất nước, nhưng chúng ta sẽ phải chờ đợi rất lâu và cái giá mà dân tộc này phải trả cho thời gian trì hoãn sẽ là rất đắt. Bởi lẽ, cái thiếu lớn nhất hiện nay là cái nhìn về một hướng, sự toàn tâm toàn ý vì mục tiêu chung: Lợi ích quốc gia hay sự đồng thuận của toàn dân. Thử nhìn xem bao nhiêu công trình thiết thực vì dân: Những nhà máy thủy điện xây dựng thiếu quy hoạch, những sân golf tràn lan, những con đường lồi lõm, những phố ngập nước sau mưa… chưa kể tình trạng ô nhiễm không kiểm soát tốt từ thực phẩm, cho đến nước thải của các nhà máy… Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định thẳng thắn và hy vọng:
“Tướng Giáp mất trong bối cảnh lúc này, khi xã hội đang có nhiều khó khăn, bức xúc, rồi tình trạng tha hóa, thoái hóa trong bộ máy, nạn quan liêu, tham nhũng càng khiến người dân kính yêu, tiếc thương một nhân cách sáng ngời như ông…
… Tình cảm người dân đối với Tướng Giáp, nhất là khi ông qua đời, tạo một sức đẩy đối với Đảng và Nhà nước phải quyết liệt hơn nữa khắc phục hiện tượng tha hóa trong bộ máy công quyền”.
Đó là lời nhắc nhở nghiêm khắc đối với những người ở lại phải có trách nhiệm lớn hơn với dân tộc, sống trong sáng hơn nữa để có được niềm tin của người dân. Nếu không, như một nhận định cũng của nhà sử học Dương Trung Quốc, “… như Thủ tướng Phan Văn Khải nói trước khi nghỉ hưu: “Không thể kỷ luật ai được”, thì những người đó sẽ câu kết nhau thành nhóm lợi ích và tạo ra sự hủy hoại xã hội, hủy hoại lòng tin… Tôi muốn mượn câu của Cụ Hồ nói một điều: “Dân chủ là làm cho dân mở miệng. Cái đáng sợ nhất không chỉ là người dân không dám mở miệng vì anh dùng quyền lực. Cái đáng sợ nhất là người dân không thiết mở miệng!”.
Thế nên người xưa dạy rằng làm tướng chiếm được thành trì là khó nhưng không khó bằng giữ được thành. Muốn giữ thành lâu dài thì nói như Trần Hưng Đạo là phải an dân, phải khoan thư sức dân, dùng đức trị, và luôn nâng cao đời sống của dân về mọi mặt, cơm no áo ấm, sống chan hòa quan – dân như cá nước mới thu phục lòng dân… Nhiệm vụ này phải được thực hiện ngay, không thể chần chừ, không lấn cấn vướng mắc tư lợi, thì mới bảo vệ được độc lập chủ quyền và phát triển đất nước, xứng đáng với hoài bão và tâm tư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi ông về với tổ tiên an nghỉ đời đời… Hình ảnh những ngày qua cho thấy nhân dân luôn có sự phán xét công bình, không hề là “bầy cừu ngơ ngác”, chăn dắt kiểu gì cũng được. Nói cách khác, họ chỉ nhắn đi một thông điệp: Ai thực sự vì dân vì nước, dân đều biết cả. Sự phán xét “cái quan định luận” khi đóng nắp áo quan cho một người luôn là sự phán xét trung thực và tối hậu. Suy rộng hơn, sự phán xét của lịch sử với một con người, một thời kỳ, một triều đại đều xuất phát từ lòng dân… Nếu ai đó cố ý đi ngược chiều lịch sử ắt con thuyền sẽ lật vì lòng dân luôn là ngọn gió đáy cuốn đi những gì không phải “của dân, do dân và vì dân”.
Bài học mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại thật nhiều điều phải nhớ và phải thực hiện!