TĂNG CƯỜNG SỨC ĐỀ KHÁNG CỦA TUỔI TRẺ

NGUYÊN CẨN

Trở lại với chân dung tuổi trẻ

Trong một bài viết trước đây trên tạp chí Từ Quang, chúng tôi đã phác họa chân dung tuổi trẻ hôm nay qua Bản Nghiên cứu SAVY, viết tắt Survey Assessment of Vietnamese Youth, của Ủy ban Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam. Cần nhắc lại cuộc điều tra SAVY 2 được thực hiện trên phạm vi toàn quốc trong nhóm vị thành niên và thanh niên từ 14 đến 25 tuổi, tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với 10.044 thanh thiếu niên (nam 51% và nữ 49%) tham gia. Cuộc điều tra chỉ ra rằng: 73% số người được hỏi khẳng định đã trải qua cảm giác buồn chán, 26,7% người trẻ đã rơi vào trạng thái rất buồn hoặc thấy mình là người không có ích đến nỗi không muốn hoạt động như bình thường. Tỷ lệ số người được hỏi hoàn toàn thất vọng về tương lai là 21,3%. Những nhà nghiên cứu đã so sánh với cuộc điều tra cách đây 5 năm và nhận thấy số lượng người trẻ buồn chán đã tăng lên. Một nghiên cứu khác về sức khỏe tâm thần ở 6.189 học sinh ở các trường trung học, đại học ở Hà Nội, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ do GS. Michael Dunne, cho thấy cứ 7 thanh niên Việt Nam có 1 người trầm cảm. Ở độ tuổi 13-24, các trường hợp trầm cảm ở TP. Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đó là Hà Nội và Cần Thơ. Ngày 15/9/2017, một học sinh lớp 9 (tại một trường THCS ở Q.1) bị 3 điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi sát hạch đầu năm, môn học mà em giỏi và tự tin nhất. Sau đó, em bị trầm cảm nặng và không muốn đi học. Gia đình đã đưa đi khám tâm lý các nơi, ba mẹ cũng túc trực ở nhà để trông nom chăm sóc. Nhưng cuối cùng, em đã nhảy từ chung cư xuống đất và tử vong.

Một khía cạnh khác cũng đáng báo động là tình trạng bạo lực học đường, không giảm mà còn có chiều hướng tăng. Các em hành xử như côn đồ, thanh toán nhau như xã hội đen bên ngoài, lập băng nhóm lộng hành trong trường lớp và tình trạng này xảy ra cả trong giới nữ sinh! Các em thanh thiếu niên, hay chính là xã hội tương lai của chúng ta, hiện đang bị tấn công hàng ngày hàng giờ bằng các phương tiện thông tin mạng. Về lý thuyết, các nhà nghiên cứu giáo dục khi nhận định về tuổi trẻ hôm nay đều cho rằng họ đang có những thuận lợi lớn vì được sống trong thời đại có nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật, sự phát triển vượt bậc của internet, và những tiến bộ y học, sinh học, v.v… Nhưng phải thấy rằng họ cũng chịu những áp lực của xã hội hiện đại: Nhịp sống nhanh, stress, và nhất là khi nhu cầu vật chất đóng vai trò chi phối những suy nghĩ của giới trẻ trong việc định hướng công việc, xây dựng những giá trị sống trên tư duy thực dụng. Họ thần tượng giới show biz, mù quáng bắt chước những trào lưu thời trang hay âm nhạc ồn ào “thiếu nội tâm”, và vì say mê công nghệ mới, họ đánh mất mình trong thế giới ảo thành những “con nghiện” game. Thế nên, thay vì là một công cụ hữu hiệu trong học tập, nghiên cứu và giao lưu thì internet lại trở thành nơi công kích nhau, nơi truyền bá những phim ảnh, clip độc hại.Các nhà nghiên cứu về tâm lý và sinh lý cũng cho rằng “Chúng ta trở nên những thứ mà mình ăn vào (You are what you eat) hoặc (You are how you eat - để chỉ thái độ). Vậy mà các em đang ăn tất cả những thứ “hỗn tạp” trên, không hề chọn lọc!

Một nguyên nhân khiến các em say mê internet và những trò chơi có thể do chương trình học nặng nề, trọng thành tích, thiếu sáng tạo, thiếu hấp dẫn. Một số em theo không kịp đòi hỏi của chương trình, hay theo kịp nhưng không hứng thú! Trong một bài viết cách đây đã lâu, chúng tôi đã nêu lên thực trạng “Suy dinh dưỡng tâm hồn” của giới trẻ Việt Nam, đơn giản là các em không hấp thụ được những thứ chúng ta muốn, mà lại “nạp” vào nhiều thứ không phù hợp với thể tạng, cơ địa của mình.

Sức đề kháng của các em ở đâu?

Tuổi trẻ, về mặt sinh lý, có một sức đề kháng mãnh liệt với các loại bệnh và các cuộc tấn công của môi trường hay bất cứ cuộc xâm nhập nào của virut hay vi khuẩn. Nhưng về mặt tâm lý, các em lại chưa hay không sàng lọc được vì thiếu kinh nghiệm và nhất là nếu thiếu đi sự tư vấn của người lớn.

Trong khi các cơ quan, các ngành chức năng xây dựng bao nhiêu “tường lửa” để ngăn ngừa những trang web độc hại, những ấn phẩm thiếu tính giáo dục thì chúng ta vô tình đã triệt tiêu sức đề kháng của các em khi đưa ra một chương trình giáo dục nặng về lý thuyết mà thiếu “kỹ năng sống”, “kỹ năng ứng xử trong xã hội”. Chúng ta đã “nhét” vào các môn học hằng hà ngôn từ về lý tưởng cao đẹp và bao nhiêu thứ to tát khác mà những nhà giáo dục nghĩ là điều hay lẽ phải! Nhưng những lời rao giảng không đem lại một giá trị thực tế nào hay chỉ vì chúng ta cứ nhồi nhét quan điểm của những nhà giáo dục bất kể trình độ nhận thức và hoàn cảnh xã hội của các em.

Chúng ta làm gì khi những năm gần đây tình trạng bỏ học ngày một gia tăng? Số đi học thì rất nhiều trẻ không ngoan từ chuyện bỏ bê học hành, ăn diện thời trang, sống buông thả thiếu lý tưởng. Tình yêu đến quá sớm ngay từ cuối cấp 2 và dù có giáo dục giới tính thì lớp trẻ cũng không nhận ra biên giới mong manh của tình yêu và thú vui xác thịt. Theo một con số thống kê thì tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam đang ở mức báo động cao lên đến hàng triệu ca một năm. Chỉ cần ngồi yên trong quán net hay café giờ tan trường, bạn sẽ nghe vô số tiếng chửi thề và rất hiếm tiếng “xin lỗi” hay “cảm ơn” được thốt ra từ cửa miệng các em... Vậy thì nền giáo dục của chúng ta hôm nay đứng ở đâu trong việc hình thành nhân cách học sinh và thanh thiếu niên?

Làm sao tăng sức tự đề kháng nơi các em?

Chỉ có thể bảo vệ các em khỏi sự xâm thực của tất cả những độc hại bên ngoài bằng việc giúp em xây dựng “tường lửa” cho chính mình. Rất khó nhưng không thể không làm và đã có nhiều quốc gia làm được, làm hiệu quả! Ở một số quốc gia như Thái Lan hay Hàn Quốc, giáo dục quân sự hay giáo dục trong chùa chiền, tu viện là một hình thức hiệu quả, giúp các em trên 18 tuổi tự khép mình vào kỷ luật. Một số quốc gia khác, ngay từ bậc trung học, có những vị thầy “counseling” (khải đạo) tư vấn cho các em trong mọi vấn đề thường gặp của tuổi mới lớn. Chúng ta tự hào có Hội, Đoàn nhưng nội dung sinh hoạt chưa thiết thực, lại thiếu sự đầu tư từ những người lớn, hay sự tham vấn của cha mẹ. Ở Mỹ, cha mẹ thường xuyên tham dự những buổi họp với thầy cô, cùng dự các buổi trình diễn văn nghệ hay thi đấu thể thao của các em, và thậm chí còn tham gia giúp các em nếu có khả năng... Sự kết hợp gia đình và học đường hết sức hoàn hảo.

Trong khi ở xã hội chúng ta, cha mẹ vì nhiều lý do, phần đông do bận mưu sinh, kể cả những gia đình giàu có, cũng phó mặc cho nhà trường. Chưa kể chúng ta cũng đang đối diện những suy thoái của xã hội người lớn khi chính họ đang rơi vào vòng xoáy của lòng tham, toan tính mưu cầu danh lợi khiến lớp trẻ thiếu hẳn những tấm gương soi chân chính. Những bài học mà Nhà Phật gọi là thân giáo. Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh có lần đã nói “Thật ra muốn các em tránh ma túy thì cơ bản hơn là tạo cho các em một cuộc sống gia đình hạnh phúc, an toàn. Làm sao cho các em được thỏa mãn các nhu cầu về tình thương, tình cảm, một đời sống văn hóa tinh thần phong phú, một nghị lực để nói “không” với cái xấu, những đam mê lành mạnh như nghệ thuật, thể thao” (Nguyễn Thị Oanh - Hạnh phúc phải lựa chọn). Sức đề kháng yếu đi vì tình yêu thương đã dần phai trong con người chúng ta hôm nay khi người ta trở nên ích kỷ và tham lam hơn, vì chủ nghĩa tôn thờ vật chất. Chúng tôi thấy cần nhắc lại một câu nói của Krisnamurti: “Khi nào tâm hồn còn so sánh thì không thể có tình yêu xuất hiện và tâm hồn liên tục cân đo đong đếm, phán xét… Bạn so sánh chính bản thân với một người nào đó tốt hơn xuất sắc hơn, giàu có hơn; bạn liên tục quan tâm đến bản thân mình… Theo cách này ngày càng muốn chiếm hữu nhiều hơn, ngày càng ích kỷ hơn…” (Krisnamurti - Cuộc đời phía trước) Nhiều bậc cha mẹ thất bại trong việc “thân giáo” vì lấy anh hàng xóm ra để phấn đấu, cố vươn lên cho bằng. Thế nên thần tượng của các em nêu không phải trong giới “show biz” thì là những đại gia mà trong số đó không ít kẻ làm ăn phi pháp, bất chấp thủ đoạn, hay thâm lạm công quỹ... Sự trong sáng hay thiện lương của trẻ thơ đã bị tha hóa theo mong muốn của cha mẹ từ chuyện chạy trường, chạy lớp cho đến đua đòi vượt ra khỏi tầng lớp xã hội xuất thân “nghèo hèn” của mình. Khi người ta tôn vinh những giá trị ảo thì tâm hồn “xơ hóa”, đánh mất luôn cả sự trung thực, và quen sống trên hàng đống hàng giả từ bằng cấp, thành tích báo cáo cho đến chức danh, địa vị xã hội. Cuộc sống vì thế không còn hạnh phúc dù có giàu sang thế nào đi nữa! Lý luận theo lăng kính Phật giáo, mọi phương pháp dạy cho con người tránh né khổ đau hay trốn chạy khổ đau để tìm kiếm hạnh phúc đều không phải là những phương pháp giáo dục hoàn chỉnh. Phương pháp giáo dục hoàn chỉnh là phương pháp giúp cho con người xây dựng Chánh Kiến, nhìn nhận chính xác đối với bản thân mình, làm chủ cảm giác và tâm thức cũng như hiểu rõ những mối liên hệ từ bên trong đến bên ngoài, từ bản thân đến gia đình và xã hội, kể cả từ đời này và đời sau, khiến cho họ ngoài việc có những hiểu biết chính xác về đời sống của chính mình, còn có khả năng tự bảo vệ cũng như làm đời sống ấy thăng hoa. Đời sống con người không thể nào có hạnh phúc, khi chính đời sống của con người bị vây hãm bởi vật chất, vây hãm bởi tham ái và bởi nghiệp báo. Lòng tham, khiến chúng ta càng có nhiều vật chất bao nhiêu thì càng bị nô lệ và càng bị khổ đau bởi chúng bấy nhiêu. Vì nó phát sinh tà kiến. Hạnh phúc như nhà Phật dạy là khi con người biết tiết chế lòng tham, mở rộng tâm từ, và yêu thương cuộc sống.

Trong khi chờ đợi những thay đổi ngoài xã hội thì ngay trong gia đình, cha mẹ sẽ là những người đầu tiên xây dựng lại nền móng. Họ phải dạy về tình thương cho con trẻ bắt đầu từ yêu kính cha mẹ, thầy cô, sau đó là thôn xóm, cộng đồng xung quanh, ý thức về việc sống chung, phải gìn giữ từ lời ăn tiếng nói cho đến môi trường vệ sinh chung. Ngày xưa đã có lúc người ta dạy con trẻ phải chào xe đám ma khi thấy đi ngang qua, phải đứng nghiêm khi nghe quốc ca, phải nhường nhịn người già và trẻ em khi lên xe buýt, phải xếp hàng... Tại sao không thử dạy lại cho các em hôm nay?

Sau đó, phải nhìn lại hệ thống chương trình, giáo trình, nội dung, phương pháp. Không thể cứ khiên cưỡng nhồi nhét cái ta có mà không phải cái các em cần. Sự hấp thụ phải tùy theo nhận thức và trình độ phát triển tâm hồn. Theo nhà Phật giáo dục phải khế lý và khế cơ, không tùy tiện, “ăn xổi” được!

Cách đây nhiều năm trong một bài viết, chúng tôi có trích một câu nói của ông Mai Chí Thọ, bây giờ vẫn còn đúng “Chúng tôi đấu tranh chống những khuynh hướng sai lầm trong giáo dục, đào tạo. Đó là khuynh hướng duy ý chí, muốn nôn nóng đưa giáo dục chính trị vào ngay cả từ lớp vỡ lòng. Rốt cuộc, chính trị không đạt yêu cầu mà nhân cách cũng không xây dựng được” (Mai Chí Thọ, Chủ tịch Hội Khuyến học TP. Hồ Chí Minh, trích báo Công An).

Và cái trục hay cái sườn của toàn bộ nền giáo dục phải xoay quanh tình yêu thương, sau đó mới là phát triển trí tuệ. Ngoài ra, tính minh bạch và lòng trung thực cũng cần phải được xem là những giá trị nền, cốt lõi vì đó là thước đo nhân cách con người mà mình đào tạo. Tại sao ở Nhật người ta bán rau không cần có người đứng bán, vì xã hội đó tính trung thực đã trở thành ADN của họ. Tại sao ở Mỹ trẻ em vào thư viện mượn sách, tự check out mà không cần ai giám sát vì họ tập cho đứa trẻ tính tự lập và lòng trung thực! Một nền giáo dục tốt như chúng ta thường đề cao là phải có môi trường sư phạm tốt, với 6 yếu tố quan trọng: trật tự, kỷ cương, trung thực, công bằng, khách quan, trong đó tình thương và lòng trung thực đã được nhìn nhận như là những phẩm chất của một nền giáo dục mang tính nhân bản.

Đó cũng là mục đích của chúng ta khi tăng cường sức đề kháng cho tuổi trẻ, miễn dịch trước những ô nhiễm của thời đại!


Page last modified on February 05, 2018, at 02:06 AM