Tầm cao của dân chủ
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 143 | NGUYÊN CẨN
Dân trí và dân chủ
Qua phương tiện thông tin đại chúng, người dân được biết rằng sáng 17-11-2011, hội trường Quốc hội đã nóng lên khi có một vị đại biểu thuộc đoàn TP.HCM phát biểu theo một bản văn viết sẵn đề nghị loại bỏ Luật Biểu tình ra khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, mặc dù đây là một luật do Thủ tướng Chính phủ đề xuất thực hiện. Nhiều đại biểu ủng hộ ý kiến của vị đại biểu ở TP.HCM, trong đó có đại biểu thuộc các đoàn Ninh Thuận, Huế, và Bình Định đăng đàn nêu ý kiến. Chỉ riêng một vị đại biểu thuộc đoàn Đồng Nai đồng tình với việc cần nghiên cứu, soạn thảo để ban hành Luật Biểu tình và cho rằng nói như các đại biểu chống Luật Biểu tình là xúc phạm đến dân. Cùng ngày, báo Tuổi Trẻ đưa bài phỏng vấn vị đại biểu chống luật Biểu tình, cho biết quan điểm của vị này về thời điểm có thể ban hành Luật Biểu tình là khi trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn. Một đại biểu khác cũng thuộc TP.HCM cho rằng nếu nói trình độ dân trí thấp là đã hạ thấp nền dân trí Việt Nam.
Rất đáng tiếc cho vị đại biểu đã khai pháo mở màn cuộc tranh luận nóng bỏng tại Quốc hội về Luật Biểu tình, vì vào ngày 26-11, Quốc hội vẫn chính thức đưa Luật Biểu tình vào nghị trình làm luật của cơ quan quyền lực tối cao của đất nước ta, sau khi Thủ tướng Chính phủ khẳng định trước Quốc hội rằng làm Luật Biểu tình là phù hợp với Hiến pháp và thích hợp với đặc điểm, tình hình của đất nước hiện nay. Trước đó, một bài viết được đưa lên trang mạng của tạp chí Xây dựng Đảng vào ngày 23-11 cho rằng người phát biểu chống Luật Biểu tình trước Quốc hội đã thể hiện nhận thức ấu trĩ và lệch lạc.
Xét ra, nỗi tiếc nuối cho sự lỡ mồm lỡ miệng của vị đại biểu TP.HCM chống Luật Biểu tình chưa nặng nề bằng nỗi cay đắng của cử tri cả nước. Sau khi những lời ca ngợi về thành công của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII vừa lắng xuống, ngay trong những phiên họp đầu tiên của Quốc hội, đã có vị đại biểu bị chính cơ quan ngôn luận của Đảng phê bình là có nhận thức ấu trĩ và lệch lạc.
Bằng kiến thức thông thường của một người có tư cách cử tri thì Quốc hội là nơi tập hợp những người đại diện cho nhân dân có đầy đủ tài và đức, được cử ra trên cơ sở nhận được đa số phiếu bầu trong một cuộc bầu cử phổ thông, người được cử là người có số phiếu bầu lần lượt từ mức cao nhất cho đến khi cử đủ số người cần chọn theo quy định. Một đất nước chọn người đại diện theo đa số vừa là một nước cộng hòa, vì có người đại diện cho dân làm việc nước, vừa là một nước dân chủ, vì việc lựa chọn căn cứ vào ý kiến đa số. Theo Hiến pháp và Luật Quốc hội thì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nước. Đó chính là cơ quan có thẩm quyền làm ra luật để thi hành trong cả nước, xây dựng và tổ chức cơ quan thi hành luật pháp tức là Chính phủ và cơ quan bảo vệ luật pháp tức là Tòa án tối cao, và còn có thẩm quyền giám sát hoạt động của các cơ quan đó. Với vai trò to lớn ấy, các thành viên của Quốc hội phải thật sự là người có tài có đức, không thể có mặt những thành phần có nhận thức ấu trĩ và lệch lạc. Vậy mà thực tế cho thấy trong Quốc hội đang có ít nhất một người có nhận thức ấu trĩ và lệch lạc. Cử tri buộc phải băn khoăn tự hỏi không hiểu còn có những ai đang ngồi lộn chỗ trong Quốc hội.
Thực ra không phải cử tri nào cũng đủ sức lý luận để khẳng định rằng Luật Biểu tình có cần hay không, nhưng phần đông hiểu rằng có luật vẫn tốt hơn là không có; vì khi có luật thì quyền tự do hay quyền dân chủ ít ra được bảo đảm trong một chừng mực nào đó; lại nữa, chưa hẳn họ đã nhận thức được rằng luật nào là cần hơn, phải được ban hành sớm hơn những luật khác. Thế nên, họ đành gửi gắm niềm tin, trông chờ vào sự sáng suốt của các vị đại diện cho mình, những dân biểu Quốc hội. Ở tầm mức tinh vi hơn, cử tri thông thường làm sao có thể biết được những quy định của luật là thực sự có lợi hay không, có đúng mực hay không, có phục vụ cho lợi ích của số đông hay không; hay chỉ đem lại quyền lợi cho một thiểu số có quyền lực biết cách thao túng? Những vấn đề phức tạp ấy, họ cũng chỉ biết trông chờ vào sự công minh và tính chính trực của người đại biểu Quốc hội có tâm và có tầm. Nỗi cay đắng của cử tri càng lớn hơn khi nhận ra rằng có thể không hẳn mọi đại biểu Quốc hội đều có đủ tài đủ đức như họ vẫn mong ước; khiến quyền lợi thiết thân của họ, đã có mặc định là sẽ được bảo vệ bởi những ông bà nghị, có thể không được tôn trọng và quan tâm bảo vệ đúng mức.
Thời nào cũng vậy, những người làm việc nước phải có tài có đức. Còn người dân muốn bảo vệ quyền lợi thiết thân của mình chỉ cần có niềm tin. Bằng niềm tin, người dân hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những người đang đại diện quyền lợi của họ bảo vệ những quyền lợi ấy, trong đó có miếng cơm manh áo do công việc chính đáng mang lại, có một chỗ ở đủ an toàn để che mưa che nắng, có phương tiện đi lại thuận lợi không bị ách tắc và không xảy ra tai nạn bất ngờ, khi bệnh hoạn có nơi chữa trị, khi lỡ gặp tai nạn thì có sự cứu giúp kịp thời, nếu có tranh chấp thì sẽ được phân xử thỏa đáng, có đủ chỗ học tập cho con em họ ngày càng hiểu biết hơn để cùng xây dựng một xã hội an ổn, có nơi vui chơi giải trí lành mạnh sau những ngày giờ làm việc và học tập căng thẳng, có điều kiện phát triển tài năng về mọi mặt để góp phần mang lại sự tiến bộ cho xã hội… Cũng với niềm tin và tấm lòng, người dân thất vọng khi họ bị phản bội, và họ cũng nhận ra ngay những kẻ chỉ biết đến lợi ích phe nhóm, hy sinh quyền lợi số đông. Thực tế, có thể khẳng định rằng ngay cả với những người có trình độ học vấn cao, không phải ai cũng có thể hiểu hết những sự phức tạp của luật lệ; cho nên dân trí không nên dùng làm thước đo cho những vấn đề về luật pháp.
Nhưng dân trí tuyệt đối quan trọng ở chỗ nhờ có mặt bằng tri thức chung ở mức độ cao, người dân hiểu rõ những quyền tự do của mình và mọi giới hạn của những quyền tự do đó. Dân trí đi liền với dân chủ ở chỗ có dân trí cao thì người dân biết chọn lựa đúng những người đại diện xứng đáng của mình. Với dân trí cao, người dân cũng biết phế truất đúng cách những đại diện kém cỏi. Quan trọng hơn cả, với dân trí cao, xã hội thật sự có trật tự vì người dân biết tôn trọng pháp luật đúng mực. Khi cho rằng dân trí không cao, liệu chúng ta cho rằng đó là lý do xã hội hiện nay thiếu tinh thần “thượng tôn pháp luật”! Và phải chăng cũng chính vì dân trí không cao nên mới có tình trạng chọn lựa đại biểu không xứng đáng, bị lừa mỵ bởi những lời lẽ hoa mỹ mà rỗng tuếch của những người ra tranh cử hay được đề cử! Điều nguy hiểm nằm ở chỗ, người dân cũng không biết làm thế nào bãi miễn kẻ đại diện không xứng đáng mà họ đã chọn lầm. Cần phải tin rằng một dân tộc đã từng xuống đường đòi độc lập tự do cách đây 50 năm ở các đô thị miền Nam hay hàng trăm năm từ khi dân Trung Kỳ biểu tình chống chính sách thực dân năm 1908 thì dù dân khí hôm nay dẫu có yếu đi nhưng dân trí vẫn chưa hẳn cùn mòn. Cũng cần phải nhớ rằng khi thân phận của người dân bị đày đọa trong tay của những đại diện mà họ đã chọn lầm thì cuối cùng họ cũng buộc phải phế truất những vị đại diện bất xứng đó bằng cách riêng của họ. Đó là hiện tượng đã xảy ra ở Lybia mới đây khi người dân Lybia biết rằng ông Gadhafi không còn đủ tư cách và phẩm chất lãnh đạo; hoặc như ở Philippines và Indonesia trước kia khi dân Philippines và dân Indonesia thấy rằng Marcos và Suharto không còn là những đại diện xứng đáng. Cho nên, nâng cao dân trí luôn luôn là trách nhiệm của mọi nhà nước, mọi cơ cấu quyền lực, mọi nhà lãnh đạo, vì nâng cao dân trí chính là để bảo vệ cho một xã hội có trật tự. Và nâng cao dân trí luôn đi liền với cải thiện dân chủ.
Kể từ khi loài người xây dựng xã hội, ai cũng khao khát một ước mơ vĩnh hằng là được sống trong một xã hội công bằng, được lãnh đạo bởi những người đại diện cho mình một cách xứng đáng theo nguyên nghĩa của từ demos – nhân dân – và kratos – chính quyền – trong tiếng Hy Lạp; hàm nghĩa chính quyền của nhân dân hay sự cai trị của nhân dân. Trong cuộc tranh luận về Luật Biểu tình tại Quốc hội vừa qua, rất may, kết quả cuối cùng là việc nghiên cứu về luật này vẫn được xem là cần thiết và đã được Quốc hội thông qua, một quyết định đã kịp thời cứu vãn niềm tin của dân chúng, thể hiện ý nghĩa của những từ nguyên Hy Lạp vừa dẫn, đáp ứng phần nào ước mơ vĩnh hằng của người dân. Hy vọng rằng những quyết định sáng suốt tương tự cần được tiếp tục duy trì nơi cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.
Tinh thần dân chủ theo nhà Phật
Hầu hết, các nhà tư tưởng đều cho rằng hành trạng và giáo lý của Đức Phật luôn thể hiện tinh thần dân chủ. Mặc dù Đức Phật được biết đến như người đầu tiên sáng tạo ra triết lý hay đạo mà chúng ta gọi là Phật giáo và đã trực tiếp truyền giảng giáo lý đó, Ngài không bao giờ tự đặt mình vào vị trí nổi bật này. Ngài không ép buộc mọi người phải theo mình. Đối với mọi vấn đề, Ngài đều khuyên mọi người nên suy xét trước rồi mới chấp nhận qua sự thấu hiểu và tu chứng bản thân. Ngài không có ý định thay đổi cá tính của đệ tử. Vì vậy trong Phật giáo, cá tính của con người luôn được tôn trọng. Giáo pháp của Đức Phật được Ngài giảng dạy theo đường lối lý tưởng nhất, không giáo điều, không ép buộc. Nếu đệ tử muốn trình bày điều gì, vị ấy được đề nghị phải giữ tâm mình trong trạng thái hoàn toàn trung thực. Đây là lối giáo dục mà người Việt Nam chúng ta đã tiếp thu từ lâu.
Đức Phật là bậc chiến thắng, không phải chiến thắng kẻ thù mà đã chiến thắng cái gọi là các yếu tố nền tảng để hình thành bản chất con người, từ đó mà đạo Phật đã thu hút nhiều người quy ngưỡng Tam bảo. Các yếu tố dẫn đến một đời sống có trí tuệ và một tâm hồn bình an đều là những nhận thức về bản chất con người của Đức Phật. Nhờ những giáo pháp này mà những người Phật tử có thể cống hiến khả năng của mình vào việc xây dựng một nhân sinh quan và lối sống dân chủ.
Đức Thế Tôn xem tất cả mọi người đều bình đẳng, Ngài tôn trọng ngay cả những người bị xã hội Ấn Độ cổ coi là hạ đẳng và Ngài không hề hối tiếc về việc từ bỏ giai cấp quí tộc của mình. Ngài phê bình “giai cấp” là biểu hiện của sự phân chia nguồn gốc xuất thân của con người trong xã hội. Ngài đồng ý có vua, có giáo sĩ Bà-la-môn trong quốc gia Ấn Độ cổ đại. Ngài thừa nhận có sự bất công trong xã hội vì Ngài biết rằng sự công bằng chân thật không bao giờ có mặt ở thế giới hiện tượng này. Nhưng Ngài cho rằng một người Bà-la-môn chân chính hoặc một vị minh quân không xuất phát từ giai cấp hay dựa trên những biểu hiện bề ngoài mà phải có giá trị thực sự từ bên trong; đó là tư tưởng nhân ái và tính cách cao thượng.
Giáo pháp của Đức Phật đã khéo biện minh để hóa giải những xung đột giai cấp trong xã hội. Một trong những nền tảng được chấp nhận trong một xã hội dân chủ là nó phải được thiết lập và nên được thiết lập qua tính đa dạng của các cá nhân; đồng thời, tính cách của mỗi cá nhân đều phải được bảo vệ. Đây là giáo lý về nghiệp, giáo lý này đã được phổ biến rộng rãi trong tư tưởng Ấn Độ. Một người trở nên tốt qua việc làm tốt và trở nên xấu do việc làm xấu. Người phương Tây bảo đây là giáo lý về trách nhiệm cá nhân.
Theo GS. Kurt F. Leiderker “Trong xã hội dân chủ không phải mọi người đều hoàn hảo. Tương tự, qua giao thiệp với đồng loại con người phát triển quan điểm niềm tin về nghiệp báo. Chính quan điểm này, Phật giáo cho rằng: một người có thể và phải hoàn hảo qua thể hiện thiện nghiệp (hành vi tốt) của anh ta… Bất kỳ xã hội nào tôn thờ tín ngưỡng về học thuyết định mệnh thì kết quả sẽ nhốt kín con người vào một thế giới tư tưởng và hành động ở đó con người không còn hoạt động tự do nữa, và tự do không thể thực hiện bằng nỗ lực của mỗi cá nhân. Vị trí của Phật giáo được xác định chắc chắn ở đó. Phật giáo ắt hẳn cống hiến lớn cho tình thương và tự do, được thực hành một cách dân chủ ở các quốc gia và còn là niềm tự hào của họ”.
Tinh thần dân chủ theo dòng lịch sử Việt Nam
Không nên cho rằng học thuyết Khổng Mạnh chủ trương dân chủ khi phát biểu, “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, vì nói một cách rốt ráo, Khổng Tử chủ trương trật tự hài hòa trong xã hội theo “tam cương ngũ thường” dù đây đó có khi ngài và các đệ tử của ngài vẫn cho rằng ý dân là ý trời. Dù sao thì giá trị công dân thời phong kiến cũng không hoàn toàn là “con giun cái kiến”. Có thể thấy tinh thần lấy dân làm trọng đã có trong lịch sử tư tưởng Việt Nam qua Lục Độ Tập kinh, do Khương Tăng Hội phiên dịch xuất hiện vào thế kỷ II Tây lịch, như trích dẫn sau, “Bồ- tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ xông vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than”. Đối với những chính quyền hà khắc, áp bức dân, thì Lục Độ Tập kinh cảnh báo: “Loài lang sói không thể nuôi, người ác không thể làm vua”.
Tinh thần ấy, nhận thức ấy đã là tư tưởng chủ đạo để người Việt tiến hành các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chống các luồng ý thức hệ ngoại lai, bảo vệ chủ quyền và văn hóa dân tộc, bảo vệ tự do, no ấm và hạnh phúc cho nhân dân. Tinh thần ấy luôn thấp thoáng trong suốt chiều dài lịch sử cả ngàn năm của người Việt mà sử sách còn ghi nhận sự thân ái với dân của những vị như Bà Trưng, Bà Triệu, Bố Cái đại vương, Mai Hắc đế, Lý Nam đế, Khúc Thừa Dụ, Ngô Quyền… tạo tiền đề cho việc kiến lập quốc gia Việt Nam qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần… và mở rộng cương thổ đến tận ngày nay. Tinh thần lấy dân làm trọng ấy chính là bước khởi đầu của tinh thần dân chủ.
Do tình trạng phải thường xuyên đối đầu với họa ngoại xâm, tinh thần ấy có lúc nhạt nhòa trước nhu cầu chiến tranh cần phải tập trung chỉ huy, nhưng ngay khi hòa bình lập lại, tinh thần ấy lại được khôi phục, nhờ đó huy động được ý chí xây dựng đất nước của toàn dân. Ngày nay, đất nước ta đang có hòa bình, đang tham gia vào tiến trình hội nhập với hệ thống các quốc gia dân chủ trên thế giới, tinh thần ấy cần được phát huy mạnh mẽ, một mặt đáp ứng sự mong chờ của người dân đối với hệ thống chính trị đương đại; mặt khác thể hiện sự tin tưởng của chính quyền đối với nhân dân của mình, cho thấy bản lãnh của những nhà lãnh đạo. Nói khác đi, tầm cao dân chủ của đất nước chính là tầm nhìn của lãnh đạo vậy.