Tomas Tranströmer – Lắng nghe tiếng vọng khoảng không

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 140 | NGUYÊN CẨN

Ngày 6 tháng 10 vừa qua, Hội đồng khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao Giải Nobel văn học năm 2011 cho nhà thơ Thụy Điển Tomas Tranströmer.

Là một nhà thơ nổi tiếng ở Thụy Điển, Tranströmer đã xuất bản nhiều tuyển tập thơ bằng tiếng mẹ đẻ; hầu hết đã được dịch ra tiếng Anh, lần lượt từ những năm 1970; sau đó, thơ ông tiếp tục được dịch ra khoảng 60 ngôn ngữ khác trên thế giới; những tác phẩm được biết đến một cách rộng rãi gồm có: “Tuyển tập thơ mới: Sự bí ẩn lớn lao” (The Great Enigma: New Collected Poem, 2003); “Thiên đường dang dở” (The Half-Finished Heaven, 2001); “Viết cho người Sống và người Chết” (For the Living and the Dead, 1995); “Vùng Baltic” Baltics (1974); “Những nẻo đường” (Paths, 1973); “Cửa sổ và đá” (Windows and Stones, 1972).

Ông bắt đầu làm thơ từ rất sớm. Năm 1954, lúc 23 tuổi, ông đã cho xuất bản tập thơ đầu tiên với tựa đề đơn giản Seventeen Poems (17 bài thơ), được viết theo phong cách truyền thống, thể hiện khát vọng chứa chan của tuổi thanh xuân, và được công chúng yêu thơ Thụy Điển tiếp đón nồng nhiệt, bán hết chỉ trong vòng vài tuần. Từ đó, tác phẩm của ông đã có sự thay đổi với những vần thơ tự do, cởi mở hơn, mang tính chất tự sự và u buồn hơn. Trong bài thơ “Đồn biên giới” (Outpost), ông tuyên bố, “Tôi chính là chốn ấy – nơi mầm sáng tạo sinh sôi”, và ông giải thích, “Gần đây những suy niệm về tôn giáo nảy sinh trong tôi lúc này lúc khác, khiến tôi nhận ra ý nghĩa có mặt trong phút giây hiện tại, trong việc nương vào thực tại, cảm nghiệm nó và sáng tạo nên một điều gì đấy về nó…”. Những tác phẩm của ông khua động dư âm vọng ra từ sự trống rỗng, từ sự nỗ lực tìm hiểu và nắm bắt cái bất khả tri, vươn đến những chân trời siêu nghiệm. Ủy ban Nobel nhận định, “Thơ của Tranströmer giúp chúng ta khám phá mối quan hệ giữa thế giới nội tâm của con người và thế giới quanh ta”.

Sinh ra ở Stockholm năm 1931, Tranströmer theo học ngành tâm lý và nghiên cứu cả lịch sử, tôn giáo lẫn thi ca tại Đại học Stockholm. Ông đã từng làm việc với tính cách một chuyên gia tâm lý được kính trọng tại Trung tâm Roxtuna, một nơi giáo hóa thanh thiếu niên phạm pháp. Ông cũng đã có những công việc nhằm giúp đỡ những kẻ tật nguyền, những con nghiện, và cả những tội phạm.

Theo Tranströmer, để ghi nhận lại những chấn động của thời đương đại, nhà thơ phải sẵn lòng dấn thân vào lịch sử, hình dung những diễn biến lịch sử không chỉ theo dòng thời gian, mà như một bức tranh tổng thể xuyên suốt với tất cả sắc màu độc đáo của nó. Đặc trưng thực sự trong thi ca Tranströmer không chỉ là ước vọng khắc họa hình ảnh sâu sắc về sự hòa nhập trực tiếp hay niềm say mê thời thượng với sự hòa hợp những sắc thái văn phong, một tiến trình “thoát ly” nguồn gốc lịch sử của nó. Ý định của ông không chỉ là đè nén hay vượt qua những xung chấn của kinh nghiệm hướng tới sự trong sáng ban đầu (nói như Bùi Giáng là giữ gìn “sơ thủy mộng” hay tìm lại “nguyên xuân”), hoặc chỉ vì gìn giữ thái độ trịnh trọng tinh tường, nhưng là làm sao cho bài thơ là nơi mà những xung chấn ấy xảy ra. Sự lạnh lẽo liêu trai và vẻ lãnh đạm hững hờ trong tác phẩm của ông là lời hiệu triệu tất cả những chấn động nhằm cản ngăn những thảm họa sắp xảy ra, thảm họa do những sức mạnh phi lý của thời đại, lịch sử, tự nhiên, hay tâm lý… xuất hiện vào lúc những xung chấn dường như đang chực chờ phun trào thành những hình ảnh tràn đầy siêu nghiệm, bù đắp cho nhà thơ đang phó thác cuộc đời cho những sức mạnh trên.

Ông đã đi nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, ông đã đến thuyết giảng và đọc thơ tại nhiều trường đại học ở Mỹ, cùng đi với người bạn cũng là một nhà thơ nổi tiếng Hoa Kỳ, Robert Bly. Bly là một trong những người đã dịch nhiều thơ của Tranströmer ra tiếng Anh.

Tom Sleigh trong Too much of the air viết về thơ của Tranströmer như sau, “Một trong những thành công của Tranströmer là vào lúc quay cuồng điên đảo, xét theo khía cạnh trống rỗng của thế giới thiếu loài người, là làm hiện ra dưới vẻ ngoài vô hình khuôn mặt con người sâu thẳm. Sự nhạy cảm của ông về cái sâu thẳm, hay về hố thẳm, là nguồn cơn sáng tạo của con người nhằm phản hồi tính phi thời gian của hư vô, cho thấy trí tưởng tượng của ông thao thức biết bao và luôn chực chờ bộc lộ, dẫu vô cùng kiên nhẫn, những chủ đề bộc lộ đầy chất “trần gian” có thể diễn đạt bằng ngôn từ riêng của nó”.

Âm vang u trầm buồn bã của nhân sinh “luôn vang vọng từ trong sâu thẳm, và sự tiếp cận với cái trống rỗng không thể che đậy bằng sự tin tưởng mù quáng vào quá trình vô thức hay bằng việc dựa dẫm vào trực giác gian nan của những nhà thơ khác, vì rằng trực giác này có thể phát sinh khi nào ta muốn, mặc cho ngẫu nhĩ hay là ngẫu nhiên!…”.

Tác phẩm của Tranströmer tạo nên những không gian cho phép chúng ta thâm nhập hư vô, mà không loại trừ tính chất ngẫu nhiên ngẫu nhĩ… Bằng cách đối diện âm thầm hư vô mà “cái lạnh biển xanh sâu kia” dâng trào trong hữu thể của ta, những bài thơ trở nên mọc mời hố thẳm dù quay cuồng choáng váng khi thấy hư vô ngùn ngụt dưới chân mình. Trong phần kết bài thơ Vermeer, ông đẩy cảm hứng xa hơn giữa hư vô và chủ thể riêng tư:Tomas Tranströmer.

Bầu trời thênh thang kia ngả mình trên vách

Nguyện cầu hư vô

Hư vô ngoảnh nhìn chúng ta Thầm thì khẽ nói:

“Tôi không trống rỗng, tôi mở ra tràn trề”1.

Có lẽ điều chúng ta học được nhiều nhất từ những bài thơ của Tranströmer là sự trân trọng nhẹ nhàng trong sáng tác của ông, sự cẩn mật chối từ dấn mình vào cõi hư vô ấy mặc cho bao xưng tụng hay tung hê hay bằng bao nhiêu ngôn từ hoa mỹ mà ông chỉ chấp nhận sự êm đềm trong những giây phút mà chúng ta đối diện cái khoảnh khắc mở lòng ra nghe vọng những âm thanh dàn trải vô bờ…

Chú thích:

1. Bản tiếng Anh, do Robert Bly dịch: The airy sky has taken its place leaning against the wall. It is like a prayer to what is empty. And what is empty turns its face to us and whispers: ‘I am not empty, I am open’. ■


Page last modified on May 24, 2016, at 03:21 AM