Vào đời cùng Đức Phật

NGUYÊN CẨN

Vào đời cùng Phật

Những ai quan tâm đến thời cuộc không thể không đau lòng khi hàng ngày vẫn phải tiếp nhận từ phương tiện thông tin đại chúng những tin tức về các vụ án mạng mà thủ phạm ngày một trẻ hơn, nạn nhân có khi lại là người thân của kẻ giết người, có thể là ông bà cha mẹ, hay những em bé vô tội, với những thủ đoạn gây án tàn bạo và vô nhân tính, trong khi nguyên nhân gây tội ác rất vô nghĩa như lấy vài chục nghìn mua quà cho bạn gái hay lấy ít tiền chơi games. Vậy mà lại xuống tay giết người! Nỗi đau khiến người ta không nỡ nhắc lại chi tiết từng sự kiện. Có phải tuổi trẻ hôm nay đã xem bạo lực là phương tiện hành xử, lấy sự nhẫn tâm làm nguyên tắc sống? Các em đang nghĩ gì, xem gì, đọc gì, ước mơ gì? Việc trả lời những câu hỏi trên sẽ giúp tìm ra phần nào chân dung tổng quát của tuổi trẻ hôm nay. Theo thống kê chưa đầy đủ, phần lớn các em cho rằng những bài học trong lớp đều không có ý nghĩa“giáo dục”, học để đối phó, lấy điểm, lý tưởng thanh niên là một từ quá “trừu tượng, chỉ nghe trong những giờ chính trị khô khan, các em còn hoài nghi chắc gì người lớn có lý tưởng. Bản thân các em bị cuốn hút theo games, internet, đọc truyện bằng tranh, thấy những người xung quanh lắm kẻ có địa vị làm giàu rất nhanh dù bất chính nhưng sao họ “sướng thế”, con cái xài toàn hàng hiệu, sử dụng một lúc vài chiếc xe hơi đời mới, đi nước ngoài như đi chợ… Còn ai tin vào lương tâm, vào luật nhân quả, vào nguyên lý “ở hiền gặp lành” như đạo đức ngàn xưa cha ông truyền lại?

Nói như một số nhà xã hội học, khi người ta chứng kiến ngày càng nhiều chuyện không bình thường trở thành bình thường như chạy trường, chạy chức, chạy bằng cấp, mãi lộ, chung chi… và khi mà cái xấu cái ác cái tiêu cực ngày càng lan tràn, điều khó tránh khỏi là người ta, nhất là tuổi trẻ, cảm thấy hoang mang đi đến hoài nghi chuẩn mực chân thiện mỹ của xã hội, tính dẫn đạo của văn hóa để rồi ban đầu thì thất vọng nhưng sau đó khi đã buộc lòng phải sống chung với nó thì lại vào đời trong trạng thái “vong thân” vì đã quen với thói phù hoa, sự giả dối, đã đánh mất mình theo những đòi hỏi của dục vọng.

Hẳn là không nên kết luận rằng sự tha hóa của con người bắt đầu từ những hành vi nhỏ nhặt như việc vượt đèn đỏ hay xả rác bừa bãi; nhưng cần thấy rằng chính những điều tưởng như không quan trọng ấy mà không được ai nhắc nhở đã dần dần tạo nên sự coi thường luật pháp, sự suy thoái về đạo đức. Vì thế, xã hội cần thúc đẩy sự thay đổi bắt đầu từ những chuyện nhỏ, từ cá nhân, từ nhận thức của từng người.

Tuổi trẻ cần trang bị những gì?

Vậy thì hành trang vào đời của tuổi trẻ hôm nay cần gì? Đã có nhiều nhà giáo dục, nhiều bậc thức giả đặt vấn đề giáo dục kỹ năng sống (GDKNS) cho các em; vì như cách hiểu của nhiều người thì GDKNS rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của mỗi con người, đặc biệt là ở thế hệ trẻ. Nó giúp cho các em tự tin, chủ động, có khả năng ứng xử trước mọi tình huống xảy ra trong cuộc sống và là hành trang vững bước trên đường đời. Theo tổ chức UNESCO, kỹ năng sống là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày. Còn theo UNICEF, kỹ năng sống là khả năng tâm lý xã hội liên quan đến tri thức, giá trị và thái độ, được thể hiện bằng những hành vi làm cho cá nhân có thể thích nghi và giải quyết có hiệu quả trước các yêu cầu và thách thức của cuộc sống. Các kỹ năng này giúp cho cá nhân chuyển dịch từ kiến thức (cái chúng ta thấy) và thái độ (cái chúng ta nghĩ, cảm thấy tin tưởng) thành hành động thực tế (làm gì và làm cách nào là tích cực nhất và mang tính chất xây dựng…). Tuy các quan niệm khác nhau, nhưng suy cho cùng các quan niệm trên đều thể hiện mục tiêu chung của kỹ năng sống là thành phần cốt lõi trong giáo dục con người theo hướng tích cực, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nó rèn luyện khả năng đáp ứng cuộc sống và tạo nên nhân cách sống thật sự cho mỗi cá nhân; từng bước nâng cao phẩm chất của giáo dục và đào tạo; giúp cho con người có khả năng tự mình biết làm, biết thực hiện một điều gì đó có ích trong mọi hoàn cảnh; đó là khả năng cần có để giúp con người học tập và làm việc có hiệu quả hơn. Phương pháp giáo dục là đặt trẻ trước những tình huống khó giải quyết (ví dụ như bị nhóm bạn rủ hút ma túy, hay một bạn gái trước sức ép của bạn trai buộc phải quan hệ tình dục…) để trẻ giải quyết theo nhóm thông qua thảo luận, trò chơi, đóng kịch, vẽ tranh hay bộc lộ hành động cụ thể. Qua đó, trẻ tự quyết định hành vi của mình với sự góp ý của nhóm bạn. Tác động của nhóm bạn rất mạnh mẽ theo hướng tích cực hay tiêu cực. Nếu sức ép của nhóm bạn xấu có thể khiến trẻ chấp nhận làm chuyện sai trái, thì giáo dục viên cũng có thể biến sức ép này thành tích cực để giúp cá nhân có những quyết định lành mạnh. Tuy nhiên, có nhà giáo dục đã nhận định rằng việc GDKNS không dễ chút nào, vì nó nằm ngoài cách suy nghĩ và thói quen của ta từ trước đến nay. Việc đầu tiên là phải tin vào khả năng của trẻ có suy nghĩ và có hành động đúng. Ở tuổi vị thành niên, trẻ đã biết suy nghĩ có trách nhiệm, biết muốn điều tốt cho mình và cho người khác, biết tự định hướng cho tương lai. Người lớn không nên áp đặt ý kiến của mình mà cần khơi dậy tiềm năng trẻ, hỗ trợ sự phát triển tiềm năng này bằng thái độ thông cảm và tôn trọng. Lòng tự tin của trẻ sẽ lớn rất nhanh nếu người lớn nhìn chúng bằng con mắt mới và sáng tạo, đồng thời phải có sự kiên nhẫn. Do đó, GDKNS chỉ thành công với nhà giáo dục có tư duy “kiểu mới” khác với người thầy mệnh lệnh, bao cấp, suy nghĩ và hành động thay cho trẻ như phần đông các bậc cha mẹ, các thầy cô hiện nay.

Thế nhưng kỹ năng sống hay phong cách sống hay nguyên tắc sống đều phải dựa trên nền tảng tư tưởng, ở đây là nền tảng văn hóa Việt: biết yêu thương, đùm bọc, khoan dung, nhẫn nhịn, tôn trọng công bình và chân lý. Nếu không thì người trẻ sẽ cảm thấy hoang mang, bơ vơ, lạc lõng giữa muôn trùng cạm bẫy vì đổ vỡ niềm tin, không còn lý tưởng…

Giải quyết vấn đề trên thế nào đây?

Đức Phật trong ba lô

Chúng ta tự hỏi ở một đất nước tiên tiến như nước Nhật, người ta giáo dục tuổi trẻ thế nào vì họ cũng không tránh khỏi những vấn đề chung trong việc giáo dục thế hệ trẻ?

Đã có những hội đoàn được thành lập, lôi cuốn giới trẻ và cả những bậc phụ huynh tham gia. Góp phần vào việc giáo dục thế hệ trẻ ở Nhật, Daisaku Ikeda đã viết tác phẩm The Way of Youth: Buddhist Common Sense for Handling Life’s Questions đã được dịch ra tiếng Việt được dịch giả Nguyễn Thanh Huyền sáng tạo một tựa đề rất ấn tượng là Đức Phật trong ba-lô. Daisaku Ikeda nguyên là chủ tịch Hội Soka Gakkai Quốc tế (SGI), một trong những phong trào phục hưng Phật giáo phát triển nhanh nhất và năng động nhất trên thế giới hiện nay với gần 12 triệu thành viên trên gần 200 quốc gia. Hội SGI thúc đẩy việc giáo dục, trao đổi văn hóa quốc tế và thiết lập hòa bình thế giới. Triết lý của SGI dựa trên những lời dạy của Nichiren, một vị thầy và nhà cải cách Phật giáo Nhật Bản thế kỷ 13. Ikeda không chỉ nổi tiếng là nhà lãnh đạo tinh thần, mà còn là một người bạn tâm giao với giới trẻ. Bằng một cách tiếp cận đơn giản, khách quan, ông đã kết nối những vấn đề của tuổi trẻ với đạo Phật để giải đáp các mối quan tâm của giới trẻ hiện nay dựa vào hơn 50 năm thực hành Phật pháp và kinh nghiệm hướng dẫn hàng triệu người trẻ tuổi để có được niềm vui và cuộc sống lành mạnh. Qua tác phẩm nói trên, các bạn trẻ có thể tìm thấy được những câu trả lời sâu sắc và thiết thực nhất cho những vấn đề mà họ quan tâm xung quanh các chủ đề như gia đình, bạn bè, tình yêu và kể cả tình dục, mơ ước, mục tiêu cuộc đời… Lời khuyên của Ikeda tràn đầy sự cảm thông, khích lệ. Khi làm theo những lời khuyên ấy, người trẻ sẽ dần nhận ra khả năng kiểm soát định mệnh của riêng mình.

Trong lời giới thiệu cuốn sách, Daisaku Ikeda viết: “Một trong những mục tiêu tôi đặt ra trong đời là giúp các bạn trẻ có được hi vọng và sự tự tin vào tương lai của mình. Bản thân tôi có một niềm tin vô hạn dành cho giới trẻ, và vì thế tôi nói với họ: Các bạn là niềm hi vọng của nhân loại! Mỗi bạn đều có một tương lai tươi sáng phía trước. Mỗi bạn đều có một tiềm năng quý giá đang chờ được phát triển. Thành công của các bạn, vinh quang của các bạn sẽ là vinh quang cho tất cả chúng ta. Vinh quang của các bạn sẽ dẫn dắt con đường trong thế kỷ này, thế kỷ của hòa bình và nhân đạo, thế kỷ quan trọng nhất cho tất cả nhân loại”.

Ngoài những chương viết về các chủ đề gia đình, thầy cô, học đường, tình yêu, lý tưởng… mà qua đó tác giả trình bày, giải thích cặn kẽ, đưa ra những lời khuyên chân tình và thực tiễn như một người bạn lớn tuổi, một người thầy cảm thông và nhìn thấu băn khoăn tuổi trẻ, quyển sách đã dành hẳn một chương cho “Lòng từ bi” thể hiện sự quan tâm đến người khác, can đảm giúp đỡ những người bất hạnh, thẳng thắn đối diện sự nhẫn tâm, đối phó với bạo lực, nhất là bạo lực với phụ nữ. Một bạn trẻ viết cho tác giả, “Ngày nay dường như người ta quá ích kỷ với nhau. Ngay cả trong nhóm bạn của cháu, cháu thấy phần lớn các bạn cũng ít quan tâm đến nhau ”. Theo tác giả thì “Sống một cách chu đáo là việc của trái tim”. Tác giả giải thích rằng từ ân cần trong tiếng Nhật được ghép từ các chữ “người” và “quan tâm”.

Còn về bạo lực thì tác giả khẳng định,“Bản chất của bạo lực là hèn nhát. Bởi vì là một người hèn nhát nên anh ta hay cô ta mới vô cớ sử dụng bạo lực. Cá nhân đó không đủ can đảm để đối thoại”. Chúng ta nhớ Gandhi đã từng nói “… Bất bạo động không phải là cái cớ của sự hèn nhát, mà đó là phẩm hạnh tối thượng của lòng can đảm”.

Trong tổ chức Soka Gakkai Quốc tế, giới trẻ Mỹ đang kêu gọi thực hiện ba lời thề sau: 1.Tôi sẽ trân trọng cuộc sống của mình 2.Tôi sẽ tôn trọng mọi sự sống 3.Tôi sẽ truyền hy vọng này đến cho người khác.

Khi chúng ta biết tôn trọng sự sống của chính mình, chúng ta cũng sẽ trân trọng cuộc sống của người khác và bao sinh linh khác. Còn một thứ bạo lực tệ hại hơn nữa là bạo lực với phụ nữ. Ikeda nhấn mạnh, “Không có gì thấp kém bằng bạo lực với phụ nữ… Thật đáng hổ thẹn cho những gã đàn ông thô lỗ”.

Tác giả giải thích mọi vấn đề dưới lăng kính Phật giáo một cách sâu sắc, nhẹ nhàng nhưng rất gần thực tiễn. Chuyện ở Nhật mà còn nhiều điều đáng nói như thế, huống chi là Việt Nam.

Thế nên chúng ta phải khẩn trương trang bị cho tuổi trẻ Việt Nam hôm nay ngoài kỹ năng sống còn là kỹ năng yêu thương và biết đón nhận yêu thương từ người khác: đó là sự quan tâm lẫn nhau trong cuộc sống. Đức Phật từng giảng giải về nguyên tắc: nếu hoa sen có thể vươn lên thuần khiết giữa ao bùn thì tình yêu vẫn có thể nảy nở từ trong thực tại đau thương hay bất hạnh. Trong bất kỳ hoàn cảnh dẫu bi đát đến đâu đi nữa luôn có một cánh tay dìu ta đứng dậy, cánh tay đó có thể từ mẹ cha, từ anh em, bè bạn, láng giềng, đồng nghiệp, người yêu… trừ phi tâm ta khép lại, đóng băng và chất chứa hận thù, ghen tị… “Đừng bao giờ cho phép sự khổ đau khiến bạn bỏ rơi con người thật của mình” (D. Ikeda), vì can đảm dấn bước tới là điều cốt lõi của cuộc sống và là tinh thần Phật tử.

Với Đức Phật không chỉ “trong ba lô” mà còn luôn hiện hữu trong tâm hồn, tuổi trẻ sẽ vào đời với cái nhìn mới mẻ, bao dung trước mọi người và hãy nhớ không ai bắt bạn phải trở thành Phật tử mà mong bạn hãy cứ là một chúng sinh, nhưng là một chúng sinh hạnh phúc, có kỹ năng cho đi và tiếp nhận hạnh phúc từ cuộc đời với tâm hồn luôn rộng mở.■

(Nguồn: Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 146)


Page last modified on May 24, 2016, at 02:22 AM