Văn hóa thất bại và sự thất bại của văn hóa

NGUYÊN CẨN

Từ nỗi buồn Munich…

Sau trận chung kết Champion League giữa Bayern Munich và Chelsea trên sân vận động Allianz Arena của Munich, người ta có thể hình dung sự thất vọng tột cùng của người hâm mộ Bayern và cả nước Đức khi thua trận ngay trên sân nhà. Nỗi buồn ấy càng tăng lên khi Bayern Munich là đội chơi hay hơn, gần như hoàn toàn làm chủ trận đấu, dồn ép đối thủ đến nghẹt thở, vậy mà… thua! Thế nhưng đã không có bất kỳ trường hợp bạo động nào xảy ra. Xin đọc những dòng tin của Thông tấn xã Việt Nam từ Đức gửi về:

“Các con phố đi bộ xung quanh khu vực này đều đông nghẹt người, đa phần là thanh niên… Cổ động viên của Chelsea thì ăn mừng bằng cách hò hét, nhảy múa. Người hâm mộ Bayern thì thẫn thờ, câm lặng, nhiều người mắt đỏ hoe… Người thắng hay kẻ thua đều chọn bia để chia vui hay giải sầu. Cao hứng, vài chai bia bị ném xuống đường vỡ tan tành,… nhưng rất may, mọi người đều biết giới hạn của mình. Tuyệt nhiên không có xung đột nào xảy ra giữa các nhóm cổ động viên của Bayern và Chelsea”.

Cầu thủ thì sao? Robben, người sút phạt đền không thành công mở đầu cho tấn bi kịch lịch sử, thất thần trên sân, ân hận, miệng lẩm bẩm những lời vô nghĩa, như để tự trách mình và như để cầu xin một sự tha thứ… Nhưng anh không đơn độc. Bờ vai của người chiến thắng Drogba đã kề sát vai anh, để kẻ thua cuộc tựa vào. Hàng triệu bờ vai của những người Đức đều sẵn sàng chia sẻ. Bởi họ hiểu, những người trên sân kia mới là những người đau đớn nhất! Có bình luận viên đã nói trong đêm ấy: “Hãy cứ khóc đi, kẻ thất bại vĩ đại! Bởi trong giọt nước mắt ấy, Bayern vẫn là nhà vô địch!”.

Nhà báo của TTXVN cũng nhìn nhận một sự thực là ở Việt Nam, nếu cổ động viên của hai đội bóng đối địch gặp nhau, tụ tập cùng một nơi, kẻ mừng chiến thắng, kẻ đau thất bại, hát những bài hát chế giễu nhau, thì kiểu gì cũng có đánh nhau to!Trong khi đó, đi xem bóng đá ở Đức, hay ở nhiều quốc gia châu Âu khác, đông thì rất đông nhưng vẫn rất an toàn. Gần như toàn bộ cổ động viên của Chelsea đều ở lại qua đêm ấy ngay tại trung tâm thành phố Munich. Họ chỉ bắt đầu lũ lượt trở về từ sáng hôm sau, kiệt sức vì đủ trò ăn mừng suốt một đêm không ngủ.

… đến niềm đau Cao Lãnh

Trở lại chuyện bóng đá trong nước. Cho rằng trọng tài Võ Minh Trí “thổi ép” khiến Vicem Hải Phòng thua đậm trên sân Cao Lãnh,một nhóm CĐV đội khách đã bám theo xe tấn công vị trọng tài FIFA khi ông và các cộng sự trên đường trở về TP.HCM tối 13/5; trong khi ai cũng biết trước lúc bị thổi “ép” quả phạt đền đó, đội Vicem Hải Phòng đã thua 0-2. Sự việc nghiêm trọng này đã được Trưởng BTC giải V-League trực tiếp chứng kiến vì ông có mặt trên xe cùng với tổ trọng tài, lực lượng giám sát di chuyển từ Đồng Tháp về TP.HCM. Ngoài ra, ngay trong trận đấu, còn có 2 cầu thủ rượt đuổi trọng tài và có những lời lẽ vô văn hóa xúc phạm. Đây chỉ là phần tiếp theo của một bộ phim nhiều tập nếu người ta mở chồng báo cũ, đọc lại:

Chiều 25/5/2008, Hải Phòng làm khách trên sân Vinh, theo chân họ là hàng nghìn CĐV. Họ đốt pháo sáng mỗi khi đội nhà tấn công, la ó chửi trọng tài khi đội nhà bị thủng lưới… Bị khiêu khích, CĐV Nghệ An quay sang công kích các vị khách… Tan trận, khi CĐV Hải Phòng rút xuống mặt cỏ sân Vinh thì nhiều CĐV chủ nhà lao theo tấn công gây nên màn loạn đả kinh hoàng.

CĐV Hải Phòng sau đó đã phải co cụm trên sân Vinh tới 21 giờ mới ra về trong sự bảo vệ của cảnh sát. Trên đường phố Vinh, CĐV chủ nhà tiếp tục tấn công đối thủ. Trên đường tháo chạy, một xe chở CĐV đội khách đã chẹt chết một người dân Nghệ An. Vụ loạn đả sân Vinh đến giờ vẫn được xem là thảm kịch đẫm máu .

Nếu nói rằng bóng đá là ánh xạ của văn hóa thì bấy nhiêu đủ hình dung một chân tướng không lấy gì làm tươi sáng của văn hóa bóng đá nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung…

Những điểm trừ của văn hóa

Người ta vẫn nghe nhiều nghị quyết, nhiều đề án nói về kế hoạch xây dựng một nền văn hóa “đậm đà bản sắc dân tộc” với những tính chất nhân văn ngời sáng nghĩa nhân, trung hiếu, anh hùng; nhưng phải chăng từng nét, từng tính chất của nền văn hóa ấy đang bị biến tướng, bóp méo thành những nét “phản diện” mà nếu bình tĩnh nhìn lại người ta không khỏi bàng hoàng khi nhận ra những “bệnh thái” của một nền văn hóa… thiếu tâm hồn!

Văn hóa bạo lực?

Nền văn hóa ấy đang trực tiếp hay gián tiếp cổ xúy cho một lối hành xử… phi nhân tính. Cho dù nguyên nhân nào đi nữa: vì games online hay vì“mặt trái cơ chế thị trường…” thì bạo lực đang diễn ra đều khắp trên cả nước, có lẽ chỉ trừ những quốc gia có Al Qaeda xuất hiện, còn thì ít có báo chí nước nào trên thế giới mà lại đưa nhiều tin vụ án mạng đến thế! Người ta đã thấy những nguyên nhân gây tử vong hàng ngày ở Việt Nam, ngoài tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn bất ngờ và bệnh tật thì còn có tình trạng cố ý gây thương tích và án mạng; đến nỗi có nhiều tờ báo ra đời chỉ chuyên khai thác chuyện vụ án…

Người ta đánh nhau, giết nhau quá dễ: va quẹt xe cũng giết người, đi hát karaoke xỏ nhầm dép cũng đổ máu, giành khách xe ôm cũng giết nhau, yêu không được thì giết, chồng đi nhậu bị vợ gọi về cũng giết! Điều đáng lo ngại là có không ít những vụ hành xử bạo lực được tổ chức thực hiện bởi giới trẻ, những kẻ là học sinh, sinh viên.

Người ta tự hỏi giáo dục gia đình, học đường ở đâu, ảnh hưởng thế nào trong suốt những năm tháng tuổi thơ và trưởng thành mà tình trạng bạo hành gia đình, bạo lực học đường, cố ý gây thương tích và án mạng ngoài xã hội lại xảy ra theo cấp độ tăng dần từng năm? Hỏi tức là đã nhận ra sự thiếu hiệu quả hay đúng hơn… sự thất bại của giáo dục, suy rộng hơn, sự thất bại của một nền văn hóa… lệch hướng.

Văn hóa phù phiếm, háo danh

Khi những nghệ sĩ, những nhà giáo giành giật nhau những danh xưng “Nghệ sĩ Ưu tú” hay “Nhà giáo Nhân dân” lại lôi cả chuyện quá khứ của nhau ra để chứng minh ông A hay bà B gì đó không xứng đáng với danh hiệu này nọ thì trách sao quần chúng, kiến văn hạn hẹp, không khoe nhau cái áo cái quần hàng hiệu, “con” xe mới tậu. Thật buồn khi đọc những dòng tin trên mạng: “Hàng trăm người Hà Tĩnh kéo đến xem xe “siêu sang” của đại gia… Một trong 4 chiếc Rolls-Royce Phantom phiên bản rồng đầu tiên tại Việt Nam… đã có mặt ở Hà Tĩnh… chiếc xe xuất hiện trước sảnh khách sạn BMC, TP.Hà Tĩnh đã thu hút sự hiếu kỳ của hàng trăm người. Nghe đâu chiếc xe này có giá lên đến 1,7 triệu USD”(Thanhnien online).

Điều này gợi nhớ câu chuyện thời trước, có một anh nhà giàu mua được cái máy hát dĩa khiến cả làng trầm trồ như “vật thể ngoài hành tinh”. Người ta lại nghĩ đến những doanh nhân lừng danh; như Warren Buffet, một trong những người giàu nhất thế giới, vẫn sử dụng một chiếc Cadillac DTS, chiếc xe ông mua để ủng hộ nhà sản xuất ô tô Mỹ là GM khi đó đang gặp khó khăn, chiếc xe có giá khoảng 45.000 USD; hay Ingvard Kamprad, nhà sáng lập hãng Ikea, có tổng tài sản ước tính 28 tỷ USD, đang dùng một chiếc xe cũ hiệu Volvo 240 đời 1993, hiện chỉ có giá trị khoảng 1.500 USD! Alice Walton, nữ thừa kế tập đoàn Wal-Mart, là người phụ nữ giàu thứ hai thế giới, nhưng bà chỉ đi một chiếc Ford F-150 King Ranch phiên bản 2006 giản dị, giá bán khoảng 40.000 USD. Mark Zuckerberg, ông trùm Facebook có giá trị IPO tuần qua trên 100 tỷ USD, thường sử dụng những chiếc xe rất giản dị, như Honda Fit và Acura TSX. Xe Acura có giá từ 30.000 USD, còn Honda Fit thì chỉ bằng một nửa. Thế nhưng, những doanh nhân nói trên đều rất tích cực làm từ thiện, có người cam kết đóng góp 90% tài sản như trường hợp W. Buffet.

Trong khi đó, ở Việt Nam, người ta mất thì giờ đọc những tin về đám cưới siêu sang đến hàng chục tỷ, cho dù những nhân vật chính đang nợ nần đầm đìa, ngập ngụa… Xã hội tôn vinh trọc phú, nên đừng trách con trẻ vào đời chỉ mong sao kiếm tiền, bất chấp thủ đoạn.

Thứ văn hóa phô trương ấy còn là văn hóa… “ cởi” và “mở”. Gần đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn đề nghị Sở Văn hóa Thể thao Du lịch TP.HCM kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm khắc với hiện tượng ăn mặc thiếu lành mạnh, không phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc của một số ca sĩ. Trước đó, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã ký chỉ thị chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang làm ảnh hưởng đến phong cách thẩm mỹ của một bộ phận giới trẻ, gây phản ứng xấu trong dư luận xã hội. Có người cho rằng trong quản lý có nhiều lỗ hổng, hay nói cho đúng, đây là lỗ hổng trong giáo dục thẩm mỹ và cũng là lỗ hổng nhân cách. Một nhà báo đã ví cách quản lý hiện nay của Bộ hay Sở là“ong đốt bê tông”, nghĩa là không hiệu quả gì!

Những người yêu nghệ thuật chân chính phải biết trân trọng giá trị của nghệ thuật và phải có văn hóa ứng xử với nghệ thuật, từ thái độ, hành vi của nghệ sĩ, diễn viên và tất cả những ai tham gia vào môi trường nghệ thuật, bao gồm cả người thưởng thức nghệ thuật và người quản lý, tổ chức. Theo một nhà bình luận thì: “Nếu ca sĩ hay nhà tổ chức biểu diễn… có nộp phạt vài triệu vì vi phạm quy định biểu diễn nghệ thuật, sẽ là quá rẻ nếu dùng nó để gây “tiếng vang” cho mình. Nhưng đó lại chính là mầm độc hủy diệt sự tồn tại lâu dài giá trị đích thực một đời người nghệ sĩ, và sự hưng thịnh của một nền nghệ thuật (Xuân Thân, VOV online).

Văn hóa bản năng

Khi nói đến bản năng, chúng ta muốn nói đến sự vắng bóng của lý trí, hay tâm linh. Sự việc một số nhân vật lãnh đạo dính vào những vụ bê bối về sắc dục, tình trạng xâm hại phụ nữ hay trẻ em của các bậc cha anh, hoặc tin tức về việc thầy giáo cưỡng bức nữ sinh loan trên các phương tiện thông tin… cho thấy đã có sự xuống cấp đến… chóng mặt của đạo đức.

Còn biết tin ai? Những bữa tiệc siêu sang với dàn tiếp viên thoát y, những quán café lùm, café chuồng là dành cho ai? Khi giới trí thức tương lai là sinh viên sẵn sàng làm “gái bao”, sống thử; khi tình trạng phá thai đạt con số kỷ lục hàng triệu ca thì những bậc cha mẹ có yên tâm khi con mình ra đường, kết bạn hay lập gia đình mai sau vì biết đâu dâu rể mình cũng đã có một thời “phóng đãng”?

Người ta không thể đổ cho cái nghèo, cái khó được, lại càng không thể đổ cho“cơ chế thị trường”vì những nước lân bang như Singapore hay Mã Lai có nền kinh tế còn “thị trường” hơn nhiều! Cũng chính vì hành xử theo “bản năng”nên đến chồng còn dàn xếp cho vợ mình quay“clip” ân ái với sếp trên để tố cáo, trong khi cả 3 người đều là bác sĩ. Khi văn hóa phát triển phần CON nhiều hơn phần NGƯỜI thì còn biết trách ai khi niềm tin vào lương tâm, vào lý nhân quả, thiện ác chẳng phôi pha!

Phải đi lại từ đầu?

Phải dạy lại yêu thương cho tuổi trẻ, dạy lại lòng tự trọng cho thế hệ cha anh để họ phải nhìn lại chính mình và thực sự biết làm tấm gương cho thế hệ mai sau. Quan trọng hơn, phải huân tập lòng nhẫn nhục, sự nhường nhịn trong từng con người Việt Nam hôm nay vì rất nhiều người sau khi đi nước ngoài về, dù là Đông Nam Á hay Âu Mỹ đều chung nhận xét: Người Việt Nam bây giờ sao hung dữ quá! (văn hóa bạo lực), hay ồn ào quá, “nổ” quá! (văn hóa phù phiếm) hay giới trẻ bây giờ thực dụng đến lạnh lùng! (văn hóa bản năng).

Có lẽ người ta cần nhớ lại lời trong bài hát Blowin in the Wind của Bob Dylan “Bao nhiêu đường một người phải đi – Trước khi được gọi là người”.

Con đường phải đi đó bắt nguồn từ cha mẹ rồi đến thầy cô trước khi vào đời. Con đường đó phải xây lên bằng tình yêu để tuổi trẻ cảm thấy ấm áp, nhìn người chung quanh và đời bằng cặp mắt “nồng nàn” như Trịnh Công Sơn có lần đã viết:

Những con mắt tình nhân Nuôi ta biết nồng nàn Những con mắt thù hận Cho ta đời lạnh căm (Những con mắt trần gian)

Người nhạc sĩ tài hoa này từng kêu gọi “Mỗi người phải nỗ lực để xây dựng cho bằng được một ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình và nuôi lớn Phật tính trong chính bản thân thành một tượng đài vững chắc. Nó sẽ giúp ta nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc sống khác đi…”.

Muốn nhìn thế giới khác đi thì chính lòng ta phải khác; vì khi còn sân hận, thì tâm thức oán thù vẫn còn. Chính vì thế Phật giáo cho rằng nhẫn nhục không phải là yếu đuối hay hèn nhát mà chính là sự kềm chế, là một sức mạnh. Chuyện Sarabhanga trong tuyển tập chuyện Tiền thân Đức Phật kể lại: Khi được Trời Đế Thích hỏi vì sao một người có thể chịu đựng được sự trịch thượng của kẻ dưới, Bồ-tát Sarabhanga đã trả lời, “Chịu đựng sự trịch thượng, nếu là của người trên, thì đó là vì sợ, nếu là của người ngang hàng, thì đó là vì không muốn tranh cãi, còn nếu là của kẻ dưới, thì đó chính là hạnh nhẫn nhục của bậc đại trí”. Không nổi giận, không tranh chấp với người khác không phải là vì sợ mà đó chính là hạnh của người hiểu biết. Đây chính là điều mà mọi người trong xã hội cần phải hiểu nằm lòng và thực hiện được để sống với nhau một cách hòa hợp. Bấy giờ, ta nhìn và nghe cuộc đời bằng“con mắt tình nhân”hay“lỗ tai tình nhân” nên muộn phiền, hờn giận chỉ như “gió thoảng qua”mà thôi. Chừng đó thì dù thua hay thắng, ta vẫn nhìn mọi người như những người bạn và ta hiểu “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”… dù chỉ “để gió cuốn đi…”.

Hãy thấy rằng chúng ta cần vượt qua thất bại hôm nay!

(Nguồn: Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 154)


Page last modified on May 24, 2016, at 02:24 AM