Lệ Làng , Phép Nước - ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA VIỆT

PHẠM VĂN CẢNH, Thạc sĩ Khoa học lịch sử

Từ sau khi tranh đậu cho nền độc lập, tự chủ nước nhà, Nhà nước Việt nam đã chú ý đến việc lập pháp. Thời kỳ tự chủ của nước ta kéo dài suốt 5 thế kỷ với 4 bộ luật tiêu biểu được soạn thảo dưới 4 triều đại khác nhau :

–Dưới triều Lý (Lý Thái Tông 1028-1054 ), bộ Luật Hình Thư
–Dưới triều Trần, là bộ luật cũng mang tên Hình Thư
–Dưới Triều Lê (Lê thánh Tông 1460-1497 ) là bộ Lê triều Hình luật thường được gọi là Bộ Luật Hồng Đức.
–Dưới Triều Gia Long (1802- 1945) là bộ Luật Gia Long.

Bên cạnh phép nước, tiêu biểu là các bộ Hình luật, trong 4 triều đại lớn, dân gian Việt vẫn giữ Lệ Làng ( luật tục theo hương ưóc hay khoán ước hay còn gọi là Hương khoán ước). Chính lệ làng đã góp phần giữ gìn giềng mối kỷ cương, phong tục tập quán với các qui định mang tính cách điạ phương đặc thù, nhiều sắc thái. Bài này không nhằm nghiên cưú khiá cạnh pháp lý của phép nước hay lệ làng. Nó chỉ có tác dụng gợi mở một khiá cạnh khác của văn hoá Việt qua lệ làng phép nước. Phải chăng Lệ làng, phép nước là hai mặt của cùng một thể chế chính trị lưỡng tính, đặc trưng của văn hoá Việt, vưà đa nguyên vưà định hướng, vưà thống nhất quản lý, vưà duy trì điạ phương tự trị, làm quân bình sự phát triển mọi mặt của đời sống: kinh tế, chính trị xã hội ( cơ cấu tổ chức, quan hệ ruộng đất, hôn nhân gia đình, các qui tắc ứng xử ... văn hoá, giaó dục...) hay nói một cách triết lý hơn, nó điều hoà 3 mặt dục tính, nhu yếu tính và xã hội tính của con người. Một trật tự có tính ổn định và lại rất gần vôi các quan điểm khoa học và nhân bản ngày nay.

1. NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG GIƯÃ LỆ LÀNG, PHÉP NƯỚC :

Cùng có trách nhiệm giữ gìn kỷ cương giềng mối trong nhân dân, đặt định nền tảng cho quan hệ xã hội, nên cả phép vua và lệ làng cùng tạo nên áp lực tinh thần cưỡng chế người dân để hướng dẫn mọi người sống theo những qui tắc chung, tôn trọng cái chung của cộng đồng.

Nhưng điểm đáng nói là nó không mâu thuẫn, mà có khả năng bổ sung cho nhau một cách tự nhiên hợp lý : Phép nước càng chặt chẽ, phức tạp với biết bao qui định từng chương, từng quyển, từng điều... thì lệ làng lại đơn giản, và thông thoáng.( Ví dụ cụ thể bộ Luật hồng Đức với 721 điều chia làm 6 quyển...); Luật pháp càng xử phạt một cách nghiêm khắc, đôi khi tàn bạo, lệ làng lại khoan hoà, nặng về tình cảm. Phép nước nghiêm cấm rạch ròi, cụ thể, thì lệ làng có những lời khuyên răn chung khái quát... Phép nước tạo ra cưỡng chế đối với cộng đồng làng xã, từ đó tạo ra cưỡng chế cá nhân; còn lệ làng trước hết, tạo ra cưỡng chế cá nhân, từ đó nắm các nhóm để họp thành cưỡng chế làng xã.

2. QUAN HỆ GIƯÃ LÀNG XÃ VỚI NHÀ NƯỚC THÔNG QUA HƯƠNG ƯỚC :

Bản hương ước của mỗi làng thường ngay từ đầu đã khẵng định phép nước khác với lệ làng. Thường thì mở đầu bằng các câu đại loại như sau : “ Nhà nước có pháp luật qui định, còn dân có những điều ước riêng...” hoặc “ Nước có luật của nước; làng có hương ước riêng...”. Đó cũng là tuyên ngôn của làng về quyền tự trị từ bao đời nay. Như vậy đằng sau lũy tre xanh, cây đa giếng nước đầu làng, là bầu trời riêng, đất đai riêng của một tổ chức xã hội người dân. Tổ chức ấy tuy nằm trong cộng đồng nhưng vẫn duy trì sắc thái và tính cách riêng của làng xã Việt Nam. Nó tồn tại lâu đời trong những bôí cảnh lịch sử khác nhau, mặc nhiên được xã hội công nhận. Bên cạnh đó, hương ước hay khoán ước nào cũng được gia tăng giá trị bằng sự khẳng định bởi một số đông các đại biểu, các tiên thứ chỉ, sắc mục, già trẻ, các giáp trong làng đều nhất mực "trình bộ luật hương ước của làng lên chính quyền cấp trên phê duyệt để được thi hành ". Qua đó, chúng ta thấy tinh thần tự trị của làng xã đã thấm tàng trong sinh hoạt quốc gia từ rất lâu đời, và cũng ngầm biểu lộ niềm tự hào về tính cách riêng trong sinh hoạt mỗi làng xã, và cũng là niềm tự hào về tinh thần "Phép vua thua lệ làng " của dân ta.

Tính tự trị ấy còn được thể hiện ra trong nội dung cụ thể các điều khoản của hương ước. Các điều khoản ấy đều khác xa với nội dung các bộ luật trong pháp luật nhà nước. Có liên quan chăng chỉ là các qui định về nghiã vụ sưu thuế và phu dịch...Phần lớn các hương ước thường xây dựng theo đặc điểm từng làng, phong cách riêng của làng, và chỉ giữ lại chút hình ảnh mờ nhạt về pháp luật nhà nước.

Tính tự trị của làng còn được thể hiện tinh tế trong mối quan hệ giưã những kẻ sĩ trong làng- những người soạn ra hương ước - với làng xã. Nho sĩ Việt của ta cũng không đơn giản là bản sao của các nho sĩ Trung quốc với quan niệm "tu, tề, trị, bình" hay "tam cương ngũ thường" trong trật tự phong kiến cứng nhắc, nho sĩ Việt có khi chẳng trung quân tí nào như Nguyễn bỉnh Khiêm hết lòng giúp cho triều đại " phản nghịch " nhà Mạc; Nho sĩ Ngô thơì Nhiệm hay Phan huy Ích là trọng thần nhà Lê nhưng lại theo phò nhà Tây Sơn chẳng hạn...Do đó, các nho sĩ Việt khi viết hương khoán ước cho làng, chắc cũng với một cái tâm thức xem làng ta là xuất phát điểm, cái cộng đồng dân làng, truyền thống nhớ ơn tổ tiên, niềm tin thần làng phù hộ con dân, áo cơm là đạo cả...đã chi phối người nho sĩ. Chính vì thế trong văn bản lệ làng, nhiều lúc, họ xem việc làng trọng hơn việc nước. Cụ thể trong hương ước làng Quỳnh Đôi, một làng nổi tiếng nho học cũng có ghi : " Xét các điều lệ làng ta tuỳ thời thêm bớt đều hợp lẽ cả..." hoặc " đấng vương giả cầm quyền trị nước cũng không ra khỏi mấy điêu ấy; bởi vì việc làng so với việc nước chẳng có khác gì " (2) Nông thôn VN trong lịch sử, tập II,Hoàng ngọc Hiến. sdd 105

Như vậy, tính tự trị của làng còn được biểu hiện ở chỗ nhiều khi lệ làng được trọng hơn phép nước. Nhà nước muốn xét xử một người dân quê phạm luật, phải thông qua đơn vị trung gian là tổ chức làng xã.

3. LỆ LÀNG : NHỮNG TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC ĐỐI VỚI NHÀ NƯỚC :

Giá trị pháp lý của lệ làng : Xét qua nội dung của các văn bản lệ làng, ta thấy hầu hết các hương khoán ước để qui định trách nhiệm và chế độ thưởng phạt trước hết và chủ yếu đối với mọi cá nhân trong làng, trong việc thực hiện và chấp hành hương ước . Hương ước do đó, tạo nên sự cưỡng chế của cộng đồng đối với mỗi thành viên trong làng. Do đó nó cũng bao hàm ý nghiã là một cương lĩnh tinh thần, là sợi dây nối liền các tổ chức xã hội trong làng. Làng Việt xưa kia được tập hợp do nhiều hình thức tổ chức khác nhau : xóm ngõ, giòng họ, phe giáp, phường hội... rất đa dạng, phong phú, nhưng cũng khá rời rạc, cho nên vai trò của hương ước ở đây rất quan trọng là đóng một vai trò trung gian điều hợp, giúp cho bộ máy quản lý làng xã nắm được các tổ chức cấu thành trong bộ máy của làng. Như vậy hương ước tạo ra sự cưỡng chế của cộng đồng đối với các cá nhân, nắm cá nhân để nắm tổ chức và khuôn các tổ chức ấy vào một vận hành thống nhất, đó là giá trị pháp lý lớn nhất của hương ước.

Mặt khác, với những qui ước tỉ mỉ, nghiêm ngặt liên quan khá nhiều đến sản xuất nông nghiệp và bảo vệ mội trường, giúp làng xã chủ động trong việc chinh phục thiên nhiên , bảo vệ và phát triển sản xuất, Cho nên tính thích nghi, hoà đồng với tự nhiên (nhiên hoà), biết lợi dụng và tận dụng các yếu tố tự nhiên để đảm bảo cuộc sống cho mình, cũng là một sắc thái độc đáo của dân quê Việt Nam.

Do sống giữa thiên nhiên, làng Việt với luỹ tre, cây đa giếng nước, mái tranh toả khói lam chiều... đã từ ngàn xưa ghi dấu trong tâm khảm người dân Việt, điều đó giúp con người gắn bó với quê hương làng xóm, gắn bó với lịch sử lâu dài và chính yếu tố đó đã được nâng lên thành tình yêu đất nước. Trong lịch sử, nếu ta công bằng mà xét, người nông dân , kẻ chân lấm tay bùn yêu nước nhiều hơn dân thành thị.

Điều đó góp phần giải thích tại sao bao kẻ thù xâm lăng tổ quốc ta, đồng hoá nòi giống Việt, với bao thủ đoạn tinh vi và tàn bạo,...Nhưng luỹ tre làng đã bao lần biến thành pháo đài kiên cố, chống lại quân thù hung bạo chỉ với những đội dân binh tự nguyện. Không có tổ chức vũ trang hoàn chỉnh và chặt chẽ của làng xã , chúng ta không thể có những chiến công vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Lịch sử đã từng chứng minh sức mạnh phi thường đó với ba lần thắng quân Nguyên trong thời nhà Trần (thế kỷ XIII ) với những làng nổi tiếng :Nguyên Xá (Thái Bình), Vật Lại (Sơn Tây), Tán Thuật (Hưng Yên)...

Làng xã còn là nơi nuôi dưỡng thâu hoá những sinh hoạt văn hoá lành mạnh. Trong hương ước cũng qui định những mỹ tục, đất lề quê thói, bản " cương lĩnh văn hoá" dân gian . Với hội làng và tín ngưỡng thờ thần làng ( có nơi gọi Thành hoàng vì ảnh hưởng Trung quốc), tục thờ tổ tiên, sinh hoạt văn hoá làng xã được thể hiện theo chu kỳ sản xuất nông nghiệp . Những ngày bận rộn với muà màng đã qua, bên mái đình cổ kính, toàn thể dân làng không phân biệt sang hèn, đều thành tâm hướng về những nghi lễ, những trò chơi : hội lễ nông nghiệp, hội lễ phồn thực giao duyên, hội văn nghệ giải trí, hội thi tài và hội lịch sử... Điều đó còn nói lên những ước nguyện hoà bình và trong sáng của cư dân nông nghiệp trồng luá nước. Hội đầu xuân còn tái hiện những sự kiện lịch sử, đó cũng thể hiện tinh thần trọng hồn sử hết sức đậm đà và sâu sắc của người dân. Như vậy, hội làng có tác dụng giáo dục và giáo dưỡng tinh thần yêu nước, tinh thần thượng võ và yêu lao động. Tinh thần đó đã được tinh luyện qua thời gian dài của lịch sử Việt, tạo thành cơ sở của của nền văn minh nông nghiệp.

Tạo nên tinh thần đoàn kết " nhiễu điều phủ lấy giá gương ": bằng các điều khoản, hương ước đã giúp cho các thành viên trong làng gắn bó ràng buộc với nhau trong những nghiã vụ và quyền lợi chung. Hương ước khuyên mọi người ăn ở hoà thuận ,giúp đỡ lẫn nhau khi túng thiếu hay khi hoạn nạn, hoặc có việc riêng tư (ma chay, cưới hỏi, làm nhà...) ; được làng xóm quan tâm, người nông dân cũng luôn có ý thức ơn đền nghiã trả, và coi đó là lương tâm bổn phận . Tinh thần đùm bọc đó gắn bó mỗi người lại với nhau, gắn bó với thôn làng, nó trở thành tình cảm và nghiã vụ thiêng liêng.

Ý thức cộng đồng làng xã được nâng lên thành ý thức quốc gia dân tộc:

Hương ước không dừng lại trong công việc của làng, mà nó còn qui định bổn phận nghiã vụ của người dân trong việc thực hiện chính sách thuế khoá, phu phen và binh dịch mà mỗi làng phải đảm nhiệm với nhà nước. Như vậy, từ ý thức về cộng đồng làng xã , hương ước đã góp phần tạo nên ý thức về quốc gia dân tộc. Với tiến trình lịch sử, ý thức ấy ngày một thêm sâu và mạnh, thễ hiện tinh thần làm chủ đất nước của tổ tiên ta (2).

Tất nhiên, lệ làng cũng có nhiều mặt tiêu cực của nó trong lịch sử, cũng như trong hiện tại, nhất là thời kỳ do ngoại bang cai trị. Tuy nhiên bài này chỉ xin phép được "gạn đục khơi trong", cố gắng chắt lọc những gì là sắc thái văn hoá, tinh hoa của làng quê Việt ngày xưa, nên cũng chỉ bàn đến những giá trị tích cực của lệ làng. Đó cũng là giới hạn của bài viết, vì người viết quan niệm văn hoá là những gì còn lại sau khi những "điều đáng mất" đã mất đi. Do vậy bài này xin được nhìn bằng cặp kính văn hoá, và với lòng nhiệt thành yêu mến làng quê, chắc cũng không tránh được các nhận xét chủ quan.

Dù sao, Lệ làng," bộ luật" của những đơn vị làng xã, tế bào của xã hội Việt vẫn là một chất keo gắn bó người nông dân với thôn làng, với nhau trong cuộc sống nông nghiệp, với đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Với vai trò năng động, trung gian điều hợp, từ ngàn xưa làng xã đã trở thành địa bàn bảo tồn văn hoá, di lưu truyền thống, giữ gìn sức sống tiềm tàng của dân tộc ta. Đó cũng là cơ sở kinh tế xã hội của nền văn minh nông nghiệp Việt Nam. Lệ làng đã đóng một vai trò tích cực trong lịch sử cộng đồng làng xã cũng như lịch sử dân tộc Việt.


Page last modified on June 03, 2015, at 06:44 AM