LỜI BẠT SÁCH: Đức Phật Thích Ca và thập đại đệ tử diễn ngâm

(Tác giả: Vân Hà, NXB. Tôn Giáo, 2006)

Chúng ta đang sống những năm đầu của thế kỷ hai mươi mốt, đang bước vào thiên niên kỷ thứ ba. Mọi hoạt động của con người như đang chuẩn bị cho một điều gì kì diệu và mới mẻ. Nền văn minh kỹ thuật của con người đã tiến bộ vượt bực như chưa từng bao giờ như thế ! Đưa dắt chúng ta khám phá những hành tinh, những quy luật của vũ trụ, những thành tựu khoa học trong mọi lãnh vực : sinh học, công nghệ thông tin… góp phần giúp con người nhìn rõ giá trị sự sống, hiểu biết nhau hơn và không hẹn cùng ước vọng một nền văn minh mới ra đời. Tuy chưa định hình rõ nét, nhưng nền văn minh đó phải được xây dựng trên cơ sở con người –con người nhân bản– không căm thù chém giết, không nhân danh bất cứ triết học này hay lý tưởng nọ để hủy diệt sự sống con người, để chà đạp lên nhân phẩm, để lại sự hối hận lâu dài cho lịch sử… như các cuộc thế chiến và giai đoạn hậu thế chiến vừa qua.

Vượt lên trên mọi dị biệt, định kiến, xây dựng một nhân sinh quan trên bản vị con người hướng tới sự thăng hoa và giải thoát, chỉ có trong nền văn minh Phật giáo- văn minh của thế kỷ 21. Cho nên học hỏi và tìm hiểu, tu tập và ứng dụng tinh thần Phật giáo trong cuộc sống là thái độ đúng đắn của người Phật tử muốn tự giúp mình, giúp người. Trong rừng hoa muôn nghìn màu sắc của hào quang nhà Phật, kho tàng kinh điển vô cùng to lớn, không dễ dàng đi vào mà không lạc lối, nên cần được người hướng dẫn. Học Phật phải đi từng bước từ thấp đến cao. Là người nghiên cứu, chúng tôi muốn giới thiệu quyển “ Đức Phật Thích Ca và Thập Đại Đệ Tử diễn ngâm là một sáng tác của tác giả Vân Hà, một nhà văn, nhà thơ Phật Tử viết về Phật Thích Ca và mười đệ tử của người.

Đức Phật Thích Ca và Thập Đại Đệ Tử diễn ngâm là một tác phẩm khiêm tốn so với các tác phẩm luận giải trong biển rừng Phật Pháp… nhưng lại viết về những tấm gương phi thường của những con người phi thường đã chứng thành đạo quả, với một tâm hồn của một Phật Tử đã thấm nhuần tư tưởng nhà Phật. Nó đem đến cho người đọc giọt nước ngọt ngào, ngọn gió xuân man mác thổi qua tâm hồn mộc mạc khô héo của con người thời đại văn minh, khiến người đọc như được chia xẻ, được kể chuyện, được sống lại chan hòa trong ánh sáng mầu nhiệm, bác ái của đạo từ bi- đạo đi tìm giải thoát.

Bằng lối văn kể chuyện kết hợp với trí tưởng tượng phong phú, người viết đã dựng lại ngắn gọn mà xúc tích cuộc đời thơ ấu trong hoàng cung hoa gấm, ước vọng đi tìm giải thoát khôn nguôi trong tâm hồn người Thái tử, ý chí vươn lên đến cõi Giác ngộ, hành trình tầm đạo đầy thử thách và gian khổ đến buổi thành đạo, chứng quả vô thượng của Đức Phật Thích Ca.

Bằng thể loại văn vần truyền cảm kết hợp các loại hình thơ cổ điển và hiện đại, tác giả đã xây dựng hình ảnh mười đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca với các tính cách đặc thù : ngài Xá Lợi Phất với trí huệ đệ nhất, ngài Mục Kiền Liên đệ nhất thần thông, ngài Phú Lâu Na thuyết pháp đệ nhất, ngài Tu Bồ Đề giải không đệ nhất, ngài Ma Ha Ca Diếp đầu đà đệ nhất, ngài A Na Luật, Ưu Ba Li thiên nhãn và trì giới đệ nhất, ngài A Nan Đà đa văn, ngài La Hầu La mật hạnh… mỗi ngài đều thể hiện cái căn cơ, ưu điểm của mỗi tính cách mà vẫn tự tại, đạt đến cõi giải thoát vô thượng.

Qua tác phẩm, chúng ta còn hiểu biết thêm kiến thức về Phật học phổ thông và bồi dưỡng tính hạnh cho mình trên đường tu học. Xin cám ơn nhà văn Vân Hà với tâm hồn phong phú, thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, hiểu biết và giàu cảm xúc đã giúp cho những người đồng cảm, bước đầu học Phật có những bài học ý nghĩa, sâu sắc, bổ ích và đơn giản.

Thạc sĩ Phạm Văn Cảnh Hội Sử Học TP. Hồ Chí Minh Uỷ viên Ban Phật Giáo Việt Nam


Page last modified on June 03, 2015, at 04:16 AM