Lời bạt Sách: Bóng Mát Bồ Đề

(Tác giả: Thiện Tâm - NXB. Thuận Hóa, 1996)

Ngày nay, phong trào học Phật đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều nước trên thế giới, là một dấu hiệu thuận lợi trên bước đường hoằng dương Phật pháp, cũng là dấu hiệu tốt lành, báo hiệu sự ra đời của một nền văn minh mới - Văn Minh Phật Giáo. Không chỉ dừng lại trên lãnh vực tu hành Phật pháp, học đạo của người già và các bậc tu sĩ, tư tưởng Phật giáo còn có mặt tích cực đối với đời sống nhân loại, làm tư tưởng chủ đạo trên nhiều địa hạt khoa học và xã hội. Thực vậy, ở các nước Âu Mỹ hiện nay, người ta đang chứng minh rằng các khoa học tiến bộ đều có tính cách Phật giáo, thay vì chứng minh Phật giáo có tính cách khoa học như nhiều năm trước đây. Trong lời giới thiệu tác phẩm Đại Trí Độ Luận, chính triết gia Phạm Công Thiện, của Viện Triết lý Việt Nam & Triết học Thế giới, cũng thừa nhận tính cách mới mẽ và đặc sắc đó của tư tưởng Phật giáo đối với nền văn minh nhân loại ngày nay.

Cùng với trào lưu tư tưởng nhân văn phục hoạt đó, đạo Phật, một tôn giáo phù hợp với tư tưởng Việt, từ lâu đã trở thành hơi thở, là tình tự dân tộc Việt, đã hòa nhập với cuộc sống tinh thần, văn hóa của người dân Việt, gắn bó với mọi thăng trầm, vinh quang và đau nhục của giòng sử Việt, đang góp phần công sức mình vào sự nghiệp xây dựng đất nước, gìn giữ văn hóa và kỷ cương, nuôi dưỡng giá trị đạo đức, có thể làm nền tảng cho tư tưởng Việt trong thế kỷ XXI...

Bên cạnh nhiều tác phẩm khoa học và công nghệ hiện đại, người ta cũng ghi nhận sự phong phú số lượng kinh sách Phật giáo về Kinh, Luật, Luận... cũng được phổ biến rộng rãi khắp nơi, làm mỗi người con Phật lại nhớ đến câu "Tùy duyên bất biến" hoặc "Tùy duyên hóa độ". Quyển Bóng Mát Bồ Đề của tác giả Thiện Tâm - Lê Hữu Dư cũng ra đời trong hoàn cảnh trăm hoa đua nở đó.

Trong vườn hoa vô ưu Phật pháp, nó góp phần làm cho thêm hương sắc. Những ai bắt đầu học Phật, từ già đến trẻ, giới bình dân đến người trí thức... mỗi người đều muốn hiểu được Cuộc đời và sự nghiệp Đức Phật Thích Ca, từ thuở ấu thơ trong cung vàng điện ngọc, đến bước đường tìm đạo và thành đạo, lúc an trụ trong đại định để hàng phục quần ma... khi ở vườn Lộc Uyển chuyển Pháp Luân Tứ Đế, độ anh em nhà Kiều Trần Như đều chứng thánh quả; trên bước đường vân du thuyết pháp, thành lập giáo hội tăng già, trở về độ giòng hoàng tộc Thích Ca, cứu độ từ tướng cướp Vô Não, Quỷ Dạ Xoa... đến các bậc vua chúa như Bình Sa Vương, A Xà Thế..., thậm chí cảm hóa cả các vị Phạm Thiên Phakã hay Long vương đầy quyền uy Nandopananda... đến lớp người dân dã đang quằn quại khổ đau trong cảnh khốn cùng của kiếp người như các nàng Kisa Gotami và Patacara..., cả đến các tổ sư ngoại đạo như ông Bà la môn Veranja, biện sư Saccaka... đều được Như Lai tùy duyên hóa độ, đưa dắt mọi người về Chánh pháp, nhiều không kể xiết.

Những điều ấy tưởng như rất phổ thông bình thường, ai cũng có thể biết, nhưng lại hàm chứa trong đó bao tâm huyết trí tuệ của người xưa, như tấm gương sáng chiếu rọi quá trình tìm đạo, hành đạo của Người, vượt thoát ma chướng, cởi bỏ các nghiệp lực, thể hiện các hạnh độ tha. Nhất là phần thứ hai, nói về các bài giảng của Đức Phật khi còn tại thế, sẽ cung cấp cho độc giả những hiểu biết đại cương, những mẫu chuyện giác ngộ của người xưa, đồng thời qua đó, tác giả cũng cố gắng tóm tắt những yếu lý cần thiết và tối thiểu cho cuộc hành trình vào rừng Phật pháp...

Tác giả cũng khéo kết hợp giữa các thể loại Kể chuyện, Bình giảng và Tùy bút... khiến người đọc như bị cuốn hút vào các câu chuyện hấp dẫn mà vẫn tiếp nhận không mấy khó khăn các phần biện luận, yếu lý.

Người giới thiệu cũng chỉ là một nhà giáo Phật tử say mê học đạo, nghiên cứu Phật giáo và Sử Việt, thấy được lợi ích của tập Bóng Mát Bồ Đề cho những vị bắt đầu học Phật, hoặc các vị muốn có một bản tóm tắt về cuộc đời và sự nghiệp Đức Phật Thích Ca, thì tập Bóng Mát Bồ Đề này của tác giả Thiện Tâm khá đủ, công phu và kỹ lưỡng.

Đóa hoa không làm thành được vườn hoa, nhưng đóa hoa làm cho cảnh vật trở nên tươi mát, màu sắc được hài hòa, cuộc sống thêm ý nghĩa. Cho nên ai cũng trân trọng đối với hoa. Tập Bóng Mát Bồ Đề là một đóa hoa mà tôi nghĩ ai cũng sẳn lòng quý mến.

Mùa Phật Đản Phật lịch 2539 (1995) Phạm Văn Cảnh, MA. Hội Sử Học Tp. Hồ Chí Minh


Page last modified on June 03, 2015, at 04:15 AM