Một số sắc thái truyền thống trong Gia đình -Làng Xã Việt

ThS. PHẠM VĂN CẢNH

Từ khi có đất nước ta, cho đến nay yếu tố kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp cũng chưa có gì thay đổi lớn, nên xã hội nông nghiệp ta vẫn sống trong các tục lệ hầu như cũng không di dịch. Mỗi làng vẫn là một đoàn thể xã hội tự trị,vừa là sắc thái Việt, vừa mang dấu vết các bộ lạc độc lập tự xưa. Do đó, xét về phong tục mỗi làng có khác, song từ gốc nông nghiệp qui định nên vẫn có, và vẫn giữ được những điểm tương đồng. Nó có tính thuần nhất làm ta không lầm lẫn phong tục Việt với phong tục các nơi khác. Tính cách thuần nhất ấy được phản ánh trong lãnh thổ, chủng tộc, ngôn ngữ “cùng tiếng nói, cùng một đất đai và cùng dòng giống”. Đó là ba yếu tố căn bản tạo nên sức mạnh của xã hội Việt Nam. Nó góp phần san phẳng các dị biệt của tính cô lập xã thôn, nó làm thành bản sắc riêng trong mỗi gia đình, làng xã, con người Việt...mà ta có thể kiểm soát được bằng cách ăn ở, tín ngưỡng, sinh hoạt...

Mặt khác, nói đến nền văn minh của người Việt Nam, mà không nói đến làng xã thì chưa rõ về cơ cấu tổ chức xã hội Việt Nam; nói đến làng xã mà không đặt vào cơ cấu Gia đình - Làng xã - Đất nước thì chưa thấy hết tính cách đặc thù, sinh động, hỗ tương, và mối liên hệ nối kết chặt chẽ giữa 3 mắt xích không thể tách rời : Nhà-Làng-Nước trong sinh hoạt sống còn, nối tiếp, phát triển của người Việt Nam từ ngàn xưa đến ngày nay.

Đó cũng là lý do cơ bản và chủ yếu, góp phần giải thích tại sao dân tộc này đã từng chịu hàng ngàn năm Bắc thuộc, với ý đồ thâm độc của kẻ thù là tiêu diệt văn hoá và các sản phẩm tinh thần của người dân bản xứ, mà kẻ thù vẫn không đụng được đến các tế bào của xã hội Việt Nam là Nhà và Làng Xã. Vậy trước khi đề cập đến nền văn minh làng xã chúng ta nên nắm rõ bản vị cấu thành xã hội Việt Nam là Nhà Việt Nam.

1/ NHÀ : ( Gia đình) BẢN VỊ XÃ HỘI

Gia đình nhỏ đã được hình thành gồm cha mẹ, con cái và các cháu... bên cạnh sự suy tàn của các đại gia đình thị tộc . Dạng gia đình này đã tồn tại trong suốt thời kỳ Hùng Vương là chuyện có thực (Dưới thời Bắc thuộc, bọn quan lại nhà Hán đã tiến hành kê khai hộ khẩu, cho biết số người trong gia đình từ 4,5 người (tại Cửu Chân) và 8 người (tại Giao Chỉ ).

Nhưng tại sao bản vị xã hội là nhà mà không là cá nhân hay bộ lạc, điều này có một ý nghiã xã hội và nhân chủng đặc biệt.

1.1. NHÀ VIỆT : nơi dung hòa, dung hóa các tính cách cá nhân chủ nghia với tinh thân tập thể, là môi trường lý tưởng để con người phát huy mọi khả năng riêng tư, hơn hẳn sự sống tập quần, xa lạ tính người (trong chế độ tập thể), hoặc sự nổi loạn bế tắc của mỗi cá nhân (quan niệm cá nhân chủ nghiã). Trong tiếng Việt có từ Nhà tôi đậm đà tính Việt, để chỉ người vợ hoặc người chồng, cũng là một ẩn dụ từ nhiều ý nghiã,biểu lộ của tình yêu, của sự thủy chung son sắt, của lòng nhân ái, bình đẳng...

Trong lịch sử Việt, vai trò người phụ nữ Việt cũng khác hẳn với quan niệm về phụ nữ của các dân tộc. Tự ngàn xưa, phong thái ta đã khác người Trung Hoa, người phụ nữ được quyền tư tế (như các bà đồng ) hay đồng tế trong lễ gia tiên ; trái lại, ở Tàu, người đàn ông dân thường cũng không được quyền tế lễ. Về tài sản thì khác với Tây phương, các bà goá không có quyền sở hữu tài sản, còn người góa phụ Việt Nam có quyền với tài sản của chồng, sau khi chồng chết.

Trong huyền sử còn ghi rõ tính cách hôn nhân chỉ một vợ một chồng như chuyện Sơn tinh Thủy tinh, truyện Trầu cau, truyện Chủ Đồng Tử.... Một ý nghĩa khác cần được lưu ý là Trai gái đều có quyền chủ động trong hôn nhân : Nếu Sơn Tinh có quyền đi cầu hôn nàng Mỵ Nương, thì Công chúa Tiên Dung cũng có quyền tự quyết hôn nhân, chọn lấy Chử Đồng Tử mà không cần hỏi ý kiến của cha. Đó không phải là điều lạ sao ?

Bên cạnh cuộc sống bình dị, tầm thường, người phụ nữ Việt Nam, cũng có quyền làm những chuyện phi thường : cưú nước chống thù như Hai bà Trưng, Bà Triệu, Ỷ Lan Vương phi tham gia và coi sóc triều chính, nữ tướng Buì thị Xuân cầm quân đánh giặc, Đoàn thị Điểm, Hồ Xuân Hương là hai danh sĩ Bắc Hà, như Thái Hậu Dương vân Nga khẳng khái và can đảm trao ngai vàng cho người yêu để chung lo việc chống thù... Họ đã biết hoà tình yêu đôi lưá vào tình non nước, không bị vướng bận bởi những khái niệm trung trinh Nho giáo.

Người phụ nữ ấy đã làm nên những chuyện phi thường vì họ tin tưởng vào tình yêu, vào con người, vào chính mình và cuộc sống, không vào quan niệm nào cả... Đó là một cái nhìn vô cùng mới mẻ, ngay cả ở thời đại ngày nay. Có thể nói chính tình yêu Việt trong sáng, thuỷ chung, bình đẳng là chất keo gắn bó tình nghĩa vợ chồng, làm cho cái NHÀ VIỆT có sức mạnh kỳ lạ mà người Tây phương, Au Mỹ chưa hiểu hết, nó xây dựng trên thế cân bằng giưã cá nhân và tập thể.

1.2 NHÀ VIỆT: NƠI THỜ CÚNG TỔ TIÊN : Ngôi nhà ấy còn được kiến tạo bằng những chất liệu thiêng liêng. Nhà nào cũng có bài vị thờ ông bà, có nhà thờ họ (Từ đường). Mỗi khi cưới xin, sinh đẻ, thi đỗ, tang ma, giỗ chạp, tết nhất... đều phải đến báo cáo với tổ tiên, trước hết. Nơi đó, tổ tiên sẽ về chơi với con cháu, phù hộ độ trì con cháu những lúc hoạn nạn khổ đau, chia sẻ niềm vui, hạnh phúc, cùng tham dự trong dòng sống thiêng liêng của dân tộc hàng năm trong giờ phút giao thừa, trong biến cố thăng trầm lịch sử...

Tục Thờ cúng tổ tiên đã trở thành đạo thống của dân tộc, là một sinh hoạt đặc trưng của tinh thần, tư tưởng Việt, thể hiện một nền triết học dân sinh mà chúng tôi sẽ đề cập đến sau. Chính yếu tố truyền thống này khiến cho các tôn giáo ngoại lai du nhập vào Việt Nam, nếu muốn tồn tại và phát triển tại Việt Nam đều phải sửa đổi lề lối cách thức nghi lễ của tôn giáo họ để phù hợp với đạo thờ cúng tổ tiên của dân ta. Tóm lại, nhà là bản vị xã hội vì nó dung hoà được cá nhân với tập thể, điều hoà được khuynh hướng người là hỗ tương và là tự kỷ vận động, làm cho nhân tính phát triển quân bình.

Nhà là cơ sở bền vững nuôi dưỡng tình yêu chân chính, xây dựng trên sự thủy chung, hiểu biết, tự tin, bình đẳng, trong sáng (vẫn còn dấu vết ở xã hội Mường. Chế độ hôn nhân là Lạc chế bộ mẹng : trai gái trinh với nhau, tự do giao du có tinh thần trách nhiệm, bình quyền nam nữ...) Nhà còn mang tính cách thiêng liêng vì là thành quả của tổ tiên, do bàn tay ông cha gầy dựng từ tấc đất, ngọn rau, luống cải... là nơi tổ tiên hiện diện cùng con cháu để cảm thông, chia vui, sẻ buồn, phù hộ độ trì cho con cháu... Những đơn vị nhà trong cuộc sống cộng đồng đã cấu thành làng xã.

2/ LÀNG : ĐƠN VỊ CỦA NƯỚC

Cơ bản trong văn hoá vật chất người Việt là nghề trồng luá nước (oriza sativa ) và Việt Nam là một trong những cái nôi của luá nước vùng Đông Nam Á (lúa trời ). Nghề nông quanh năm phải thích nghi và khắc phục thiên nhiên : chống úng, chống hạn, tát nước và tháo nước... Người nông dân phải làm ruộng trên những cánh đồng nhấp nhô cao thấp, đòi hỏi phải có một hệ thống thủy lợi tinh vi, đồng thời cũng đòi hỏi phải có một tổ chức cao hơn tổ chức gia đình để hợp tác sinh sống và điều hoà các mâu thuẫn. Chính phương thức trồng luá nước đã góp phần tạo nên cộng đồng Làng. Làng hình thành và phát triển tương ứng với phương thức trồng luá nước, phát triển nông nghiệp cùng với sự suy tàn của thời kỳ đá mới.

Hình ảnh Làng Việt ngày xưa có thể tương tự như T'lang (tức làng thái ấp) của người Mường do một ông đứng đầu gọi là quan lang (quan đầu làng ) phụ trách.

2.1.LÀNG : CÔNG XÃ NÔNG THÔN : Công xã nông thôn hình thành khi công xã thị tộc tan rã, nó có những đặc trưng khác với công xã thị tộc :
– Công xã thị tộc dưạ trên quan hệ huyết thống; còn công xã nông thôn là tập doàn xã hội đầu tiên của những người tự do (Karl Marx ).
– Trong công xã nông thôn, ruộng đất được phân chia cho các thành viên một cách công bằng; còn trong công xã thị tộc người ta làm việc chung và phân phối sản phẩm cho các thành viên.
– Trong công xã nông thôn, nhà ở và vật phụ thuộc vào quyền sở hữu của người lao động.

Làng Việt có tổ chức như một công xã gồm một số gia đình sống quây quần trong một khu vực không rộng lắm. Một làng có thể bao gồm nhiều thôn xóm. Một đặc điểm của Làng là bên cạnh quan hệ láng giềng, địa lý thì quan hệ huyết thống vẫn còn. Có thôn xóm chỉ có những người trong họ, nếu có người ngoài đến thì do quan hệ hôn nhân. Có nhiều làng mang tên một giòng họ như làng Mai Phụ (Thạch Hà - Nghệ Tĩnh, quê Mai thúc Loan), làng Dương Xá (Đông Sơn - Thanh Hoá ), làng Phạm xá, Vũ xá (Làng họ Phạm , họ Vũ ở Hải Dương ). Kết cấu xã hội này gọi là làng họ hay trong họ, ngoài làng làm cho sự gắn bó tương hỗ, bên trong làng càng thêm chặt chẽ.

Làng do đó trở nên vô cùng thân thuộc : con người sinh ra. lớn lên, dựng vợ gả chồng... cũng ưu tiên cho người trong làng. Không ai muốn rời khỏi làng vì như vậy sẽ mất đi mối liên hệ tình cảm, mất đi những quyền lợi trong làng; đi đâu rồi cũng sẽ trở về làng; ông Nghè, ông Cống cũng vinh quy bái tổ về làng; chết xa làng là một điều bất hạnh đối với dân ta, và có lẽ không bao giờ mất đi trong tâm thức người Việt cái hình ảnh nghìn xưa bất diệt là cây đa giếng nước đầu làng... cho nên tình yêu quê hương của người Việt thật nồng nàn mãnh liệt.

(Tất nhiên sự giới hạn vào cái làng cũng có những hậu quả tiêu cực của nó. Đó là lối tư duy làng xã, chỉ thích kết thân với những người trong làng, đồng hương hay có liên hệ họ hàng với mình... Điều này làm trở ngại cho việc phát triển quốc gia,mà ảnh hưởng còn rất rộng đối với xã hội hiện nay.)

2.2.THẦN LÀNG :

Ngoài mối dây liên hệ tình cảm gắn bó người với Làng, còn có một mối liên hệ lịch sử siêu nhiên nưã,đó là cái linh hồn chung của làng,thể hiện những kỷ niệm,nguyện vọng chung của dân làng trải qua quá trình lịch sử ngôi làng,mà biểu tượng là Thần làng. Mỗi làng đều có thờ thần làng, đó là vị thần riêng của Làng, khác hẳn với Tàu, làng không có thần (theo Maspero). Thần làng có thể là :
- Các vị anh hùng, liệt sĩ chống xâm lăng, sinh trưởng ở làng, có khi đến từ nơi khác nhưng chết tại đât làng.
- Các vị có công lao đặc biệt với làng :Ví dụ thành lập làng, Tổ sư một nghề ở trong làng ( điều này còn dấu tích tại các đình thờ Nam bộ).
- Các quan quá cố được triều đình sắc phong làm thần làng. Điều này cũng phổ biến ở miền Nam ( vì các làng này có lịch sử cách đây dưới 300 năm )
- Tượng trưng cho một tín ngưỡng nào đó, chẳng hạn các dâm thần, hay các thế lực tự nhiên được ma thuật hoá :Vân mẫu, Man nương...

Một điểm đáng lưu ý là thần làng của Việt khác hẳn với Thần thành hoàng của Tàu: - Thần thành hoàng xuất hiện từ đời Chu cùng lúc với việc xây thành trì, thị trấn (Thành: tường bao quanh thị trấn; hoàng: hào bao quanh tường ),do đó Thành hoàng là thần của thành trì, của thị dân. - Thần làng Việt là thần của làng xóm, của nông dân và được vua sắc phong để hợp pháp hoá.

Thần làng đại biểu cho kỷ luật.tục lệ, luân lý cho cái tâm thức cộng đồng của cả làng. Do đó, thần làng cũng là chất keo liên kết các thành viên trong làng. Tín ngưõng thần làng cũng thể hiện tinh thần cộng đồng thôn xã một cách rõ rệt, không phải chỉ là cộng đồng kinh tế mà còn là cộng đồng tín ngưỡng tâm linh. Như vậy tình làng, tình hoài hương cũng thật thâm sâu...(Trong họ ngoài làng nói lên sự gắn bó đó)

3/ ĐẤT NƯỚC :

Nếu trồng luá nước tạo nên làng thì đắp đê tạo nên nước (Phan Ngọc). Điạ bàn dân cư thời Hùng Vương là đồng bằng sông Hồng, thấp hơn mặt nước sông khi nước lên. Người Việt đã tiến xuống đồng bằng từ thời đồ đồng và phải đắp đê. Ban đầu đê bao quanh những làng nhỏ ven những ngọn đồi, rồi dần dần hình thành một hệ thống đê điều cho cả đồng bằng. Người ta đã đào được những mộ cổ trên những nền đê lớn. Việc đắp đê đòi hỏi phải có một chính quyền trung ương trên một đất nước thống nhất. Việc thống nhất ấy do điều kiện vật chất đòi hỏi chứ không phải do bộ lạc này thôn tính bộ lạc kia bằng bạo lực. Đó cũng là một nét đặc biệt của sử Việt. Trong Việt sử lược, bộ Sử xưa nhất nước ta, có ghi : "Đời Trang Vương nhà Chu (696-684 trước CN.) ở Gia Minh có người đã dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, phong tục thuần hậu chất phác, chính sự dùng lối kết nút - truyền được 18 đời gọi là Hùng Vương”

Sự suy luận trên kia và ghi chép của Việt Sử Lược cho thấy sự thành lập nhà nước đầu tiên của người Việt không phải là kết quả của những cuộc chiến đẫm máu giưã các bộ lạc như một số tác giả đã đưa dẫn.

Tát nước, đắp đê là một công việc thường xuyên đặt ra cho mọi người, do đó đòi hỏi phải có sự đoàn kết, một trong những cơ sở của lòng yêu nước, xem nước là của chung, không phải là đất đai của một giòng họ hay của riêng ai. Điều này khác với tập quán Tàu : đất đai được phong cho một giòng họ. Mỗi triều đại Trung hoa lấy tên của triều đại mình gọi tên nước, tức là không có khái niệm tên nước (trước khi tiếp xúc với Âu châu).

Đắp đê và trồng luá nước được tư duy thăng hoa thành khái niệm Đất-Nước. Đất nước về mặt vật chất là nguồn sống của cư dân nông nghiệp, còn về mặt tinh thần chính là tỉnh yêu quê hương đất nước, nơi chôn nhau cắt rốn, là đất tổ thiêng liêng.

4/ QUAN HỆ NHÀ - LÀNG - NƯỚC :

4.1.ĐẠO THỐNG VIỆT :

Bản vị xã hội là gia đình, gia tộc thì liên hệ đoàn thể trong xã hội không phải thuần lý mà còn là mối liên hệ tình cảm và huyết thống ; tức là có liên hệ vưà thiêng liêng vưà vật chất.

– Trong gia đình thì liên hệ tinh thần chính là thờ cúng tín ngưỡng tổ tiênvới hình ảnh bàn thờ gia tiên bất di bất dịch.
– Đối với làng xã thì liên hệ tinh thần là thần làng, chuà làng, đình làng.
– Đối với quốc gia thì liên hệ tinh thần là Đất-Nước, là ý thức nghĩa đồng bào (cùng chung một mẹ Âu Cơ ).
Các mối dây liên hệ tinh thần đó tạo thành Đạo thống Việt, là tâm thức cộng thông của dân tộc.

Tóm lại,tổ chức xã hội xây dựng trên một hệ thống thống nhất các giá trị vưà siêu nhiên vưà hiện thực, tiếp nối hai ngọn nguồn tư tưởng là hang động và trống đồng. Tổ chức xã hội này khiến cho sinh hoạt của con người được toàn diện và khai phóng, quân bình ; không dẫn đến tình trạng thiên lệch khiến xảy ra chiến tranh chém giết nhau.

4.2. LÀNG : CÁI NÔI CỦA HỒN NƯỚC

Ngàn năm mất nước vào tay kẻ thù thâm độc nhất, quyết tâm đồng hoá dân ta, làm mất giống nòi Việt. Nhưng điều gì đã khiến cho dân tộc ta phục quốc sau một ngàn năm Bắc thuộc và vẫn bảo tồn nòi giống ? Đó là một điều kỳ diệu, là niềm hãnh diện trong tâm hồn mỗi người dân Việt. Nhưng lý giải điều này như thế nào, quả không phải là một điều đơn giản .

Nguyên nhân thành công của ta, và cũng chính là nguyên nhân thất bại của Tàu chính là ở chỗ : trên mặt tầng, quốc gia Việt bị xoá sổ; nhưng dưới đáy tầng, dân tộc Việt vẫn còn nguyên vẹn. Sự đô hộ của người Hán chỉ có chiều dài thời gian 10 thế kỷ, nhưng lại thiếu chiều rộng không gian:

-Triệu và nhà Tây Hán chỉ đặt được chính quyền cấp quận huyện (Thái thú ).
-Đông Tấn và nhà Tuỳ vẫn phải sử dụng các cừ suý là người Việt để điều hành cấp huyện.
-Nhà Đường chỉ thu thuế được 50.000 hộ dân Việt. Và chưa bao giờ Tàu thiết lập được chính quyền cấp xã.

Nhưng quan trọng hơn cả là sự đô hộ ấy không xâm phạm và lũng đoạn được cơ cấu Việt Nam. Suốt hàng ngàn năm ấy, cơ cấu làng xã cổ truyền của chúng ta vẫn tồn tại,nếp sống Việt sau lũy tre làng vẫn được truyền thưà cho các đời sau.

Yếu tố không gian, thời gian không có giá trị quyết định sự tồn vong của một dân tộc, vai trò đó thuộc về cơ cấu; Làng xã Việt với cả truyền thống nhân chủ-dân sinh thể hiện qua cơ cấu Nhà-Làng-Nước không thể kém hơn chế độ Tiết độ sứ, Thái thú của Tàu để bị tiêu vong. Traí lại, khi mặt tầng bị lệ thuộc hay đô hộ, thì Truyền thống lại được thẩm thấu xuống tận đáy tầng làng mạc, vào đình chuà, vào câu hò điệu hát, vào văn học dân gian, vào sấm truyền...

Làng mạc là nền tảng xã hội, là cơ sở văn hoá, nơi chăm bón vun trồng, di lưu truyền thống Việt cho đời sau. Nếp sống Việt âm thầm bền bỉ, nuôi dưỡng tinh thần để chờ ngày quật khởi... Chính từ sinh lực thấm tàng ẩn kín trong lớp đáy tầng tiềm phục, mà dân ta đã làm nên giờ phút lịch sử đột giông mưa với cờ lau Vạn Thắng, thắng hàng ngàn năm đô hộ, thắng bệnh thái ươn hèn qụỵ lụỵ của lớp mặt tầng, thắng thoả hiệp đầu hàng, thắng óc điạ phương bộ lạc ...để làm nên công cuộc tự chủ cho nòi giống Việt.

Nói theo Dịch, Làng là thể tiềm phục của Nước, còn Nước là thể quật khởi của làng, lần lượt ứng với hào sơ cưủ quẻ Càn :
Sơ cửu: Tiềm long vật dụng và hào năm : Phi long tại thiên Đó cũng là hai mặt của biện chứng Tiên Rồng.

Như vây, chúng ta có thể mất Nước nhưng không mất Làng – tức là không bị phá vỡ đi Cơ Cấu. Do đó ta còn có cơ sở để phục quốc. Làng là cái nôi nuôi dưỡng cho Hồn nước. Người dân Việt chọn cơ cấu Làng, chứ không phải bộ lạc hay tập đoàn sản xuất... tức là người dân Việt đã biết đặt tình non nước vào nôi vậy.

4.3. TỔ CHỨC XÃ HỘI NHÂN TÍNH :

Lịch sử loài người là một quá trình vận động đối lập thống nhất giữa Tự nhiên - Xã hội - Con người mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình đó là đường sống người ( Nhân đạo ). Đó là con đường chuyển hoá từ Nhiên tính sang Nhân tính, hiện thực hoá cái tiềm tính Người phổ quát trong mỗi con người,mỗi xã hội. Sự chuyển biên này có ý nghiã là con người đã tu chỉnh tự nhiên để hình thành phương thức sống trên các mặt Dục tính, Nhu yếu tính và Xã hội tính. Tương ứng với nó , là ba nền tảng của xã hội: Dân tộc, kinh tế và văn hoá. Chúng ta hãy so sánh đôi chiếu với cơ cấu Nhà-Làng-Nước của dân tộc Việt .

NHÀ VIỆT : được thiết lập bởi một chế độ hôn nhân bình đẳng,trong sáng. Người phụ nữ có thể chủ động trong hôn nhân. Tình vợ chồng nồng thắm , mặn mà, thuỷ chung như miếng trâu,hạt muối. Đó cũng là tinh thần của lạc chế bộ mẹng. Chế độ này có những ưu điểm :
– Trai gái giao du tự do mà vẫn trong sạch.
– Tình yêu nảy nở từ những hội hè, đình đám,vui xuân, ngày muà, trên nương rẫy..nên có sự hài hoà giưã con người và xã hội, giưã không, thời gian. Do đó tình dục đươc điều hoà, không lệch lạc, có thể khiến xã hội trở nên bệnh hoạn.
– Hôn nhân bình đẳng, thủy chung làm gia đình trở nên khang kiện vững chắc. Nó điều hoà dục tính con ngươi không bị ức chế, không tự do quá mức đến buông thả. Nhờ vậy gia đình Việt có nền tảng vững vàng, nòi giống đươc phát triển điều hoà, dân tộc đươc củng cố.

LÀNG :
-Ruộng đất thuộc quyền sở hữu của công xã. Chế độ công điền tồn tại mãi đến gần đây.
-Trong lịch sử,chế độ quân điền ở Việt Nam vó hai hình thức :chia một lần hoặc sau một thời gian thì chia lại. Đơn vị sản xuất là gia đình đươc hưởng lợi tức trên mảnh đất của mình, trừ một khoản đóng góp nhưng không nhiều lắm. Đó là một hình thức bình sản, làm cho nhu yếu tính con người đươc phát triển điều hoà, không biến thành đấu tranh giai cấp. Nhu yếu tính này đươc chuyển hoá từ nhu cầu sinh tồn tự nhiên, tranh sống giết nhau trở thành nhu cầu sinh tồn người là cùng sống.

Ngay về sau, xã hội phong kiến Việt Nam vẫn khác với các xã hội phong kiến khác, cái hố sâu ngăn cách quý tộc với bình dân đã có một nhịp cầu bắc ngang là tầng lớp trí thức được thành lập trên chế độ khoa cử và một nền giáo dục phổ thông.

NƯỚC :

Ý thức dân tộc-đất nước đã được hình thành từ rất xa xăm trong lịch sử dân tộc. Truyền thuyết con Rồng, cháu Tiên (họ Hồng Bàng) phản ánh một sự thực lịch sử là cuộc kết hợp hai chi Âu Việt và Lạc Việt trong Bách Việt để hình thành nước Văn Lang. Ý nghiã của truyện cho thấy rằng người Việt dù ở đồng bằng, duyên hải, rừng rậm, núi cao vẫn cùng chung gốc tổ, cùng là những anh em được mẹ Âu Cơ sinh ra từ một bọc trăm trứng.

Cư dân Âu Lạc sinh sống trên lãnh thổ Văn Lang với một nên văn minh có nghi lễ và phong tục, tập quán riêng, đó là yếu tố cơ bản để hình thành ý thức quốc gia dân tộc. Điều này góp phần giúp ta hiểu tại sao dân Việt không bị đồng hoá như các quôc gia Bách Việt ở phiá Nam Dương tử, hay các dân tộc Mãn Mông sau này đều bị đồng hoá. Tính cách đặc thù này chính Danh thần Nguyễn Trãi vào thế kỷ XV đã tổng kết trong các điểm cơ bản sau đây :
– Sinh lực gốc của dân tộc là nông dân, và trí thức nhân dân.
– Khẳng định chủ quyền lãnh thổ của dân Việt.
– Ý thức đoàn kết dân tộc Bách Việt cùng nguồn gốc trước âm mưu đồng hoá của người Hán.
– Nuôi dưỡng tâm thức cộng thông tức sử hồn của dân tộc bằng cách phát triển mội trường văn hoá dân tộc (qua phong hoá, lễ nghi, truyền thống...) để tạo mối cộng cảm cho mọi người dân.

Như vậy ,ý thức và quan điểm dân tộc Việt đã giải quyết được chữ Hoà, Hoà giưã mỗi nguời và mỗi dân tộc. Nội dung quan điểm ấy cũng là ý nghiã của quẻ Đồng Nhân :
Thiên dự hoả, Đồng nhân, quân tử dĩ loại tộc biện vật ( Để cùng sống được với nhau, thì phải phân biệt tộc loại riêng, tôn trọng cái đặc thù của kẻ khác )

Tóm lại, Cấu trúc Nhà–Làng xã– Đất nước thống nhất ở mục đích điều hoà sự phát triển ba nền tảng xã hội là dân tộc- kinh tế- văn hoá, tương ứng với sự phát triển các mặt dục tính–nhu yếu tính và xã hội tính của con người. Đó cũng là mục tiêu tiến hoá của nhân loại từ ngàn xưa đến nay.

5/NỀN DÂN BẢN CHÍNH TRỊ LÀNG XÃ QUA HÌNH ẢNH CÁI ĐÌNH

Dân chủ làng xã là thể hiện tinh thần nhân chủ trên mặt chính trị xã hội, là một thể chế lâu đời của người Việt. Chế độ dân chủ làng xã là hệ thống chính trị mà người dân công cử những đại biểu để phụng sự quyền lợi của dân và quyền lực do dân nắm giữ. Hệ thống chính trị này có hai thành phần là Làng và Nước.

Nước: Chính quyền trung ương quân chủ,tập trung đến cấp quận huyện.
Làng : Chính quyền điạ phương dân chủ, tự trị từ Tổng, Xã, Thôn...
Hai thành phần này tồn tại song song, là hai mặt đối lập thống nhất của một hệ thống chính trị lưỡng tính :uyển chuyển và mạnh mẽ, đóng và mở, đa nguyên và định hướng... ( Một lần nưã,biện chứng Tiên Rồng lại đươc thể hiện ra trên cơ cấu chính trị).

5.1.Bình sản kinh tế :

Qua chính sách quân điền,ruộng đất được chia cho các đơn vị sản xuất là gia đình để cày cấy. Các gia đình được hưởng các huê lợi trừ một phần đóng góp cho Làng và Nước. Quân điền có thể định kỳ hay không định kỳ. Chế độ này vẫn còn tồn tại trong xã hội Mường ngày nay.

Chế độ quân điền không cho phép xu hướng nô lệ hoá,nó đảm bảo cho các thành viên trong xã hội một tư cách làm chủ về kinh tế,đây cũng là cơ sở cho việc làm chủ về chính trị.

5.2. Sức sống đáy tầng : Bô lão và Trí thức

Quyền lực của người già là một đặc điểm của làng xã. Phần lớn Hội đồng kỳ mục là những ông già bà cả có uy tín trong làng. Uy tín này có thể là do thành tích học vấn, khoa cử , quân sự, hoạt động xã hội... không phải do ngẫu nhiên mà những người đứng đầu các điạ phương phiá Nam Trung quốc (đất của Bách Việt trước đó) và cả Việt Nam được sử sách Tàu gọi là các trưởng lão, ngay cả Triệu Đà khi viết thư cho vua Hán cũng tự xưng mình là Man Di trưởng lão (Mã Đoan Lâm,Văn Hiến Thông Khảo). Mãi gần đây, ngôi thứ đứng đầu trong làng vẫn là ngôi các cụ, kế đó là ngôi thân (hựu quan, khoa cử), ngôi hào (cưụ chánh tổng, Lý trưởng ..)

Tuỳ tuổi tác để phân ngôi thứ làm một tiến bộ về mặt dân chủ so với việc quý tộc thế tập. Tiến bộ dân chủ này phản ánh một quan điểm tư tưởng nhân chủ, tôn trọng sinh mệnh người, mà sinh mệnh là sự thống nhất giưã cái sống và cái biết : sống đến đâu biết đến đấy và ngược lại . Có ai sống và biết nhiều hơn những người già, những người trí thức ? Tôn trọng người già, tôn trọng trí thức là ông cha ta không rơi vào duy vật, không duy tâm mà duy cái dòng sống thực, cái sinh mệnh của con người vậy. Triết học Việt đã thể hiện trong đời sống chính trị như thế.

Hội nghị Bình Than trong lịch sử đời Trần không phải là Hội nghị của vua quan, mà là hội nghị của các bô lão. Chính ý chí quyết chiến của các cụ là lời thề non nước, là sức mạnh của làn sóng đáy từng, của lớp tre lau đã khiến Tổng tư lệnh quân thù phải chui vào ống đồng trên đường trốn chạy. Đó là sức mạnh của nền dân bản chính trị.

5.3.Làng :Cơ sở xã hội của nền văn học dân gian

Làng tồn tại như một thế lực chính trị, nơi sản sinh một nền văn hoá dân gian sâu sắc nhất. vì văn học dân gian chỉ đến sau cùng, sau những bước thang tiến hoá : đầu tiên là thần quyền với kinh thánh, sau đó là quý quyền với anh hùng ca, sử thi; rồi cuối cùng là văn học dân gian.

Ca dao, tục ngữ ở Việt Nam được gọi là quốc phong. Chỉ trong nên nhân chủ thì kinh nghiệm của tổ tiên và bản thân tức con ngươi- nói chung (kết tinh trong ca dao, tục ngữ, huyền sử và truyện cổ..) mới được coi trọng hơn ảnh hưởng của trăng sao, hoặc các sách thiên khải hư huyền,...Do đó, Lịch sử Việt oai hùng, nhưng dân ta lại không thích sử thi, không thích anh hùng ca..là vì thế. Đó là tinh thần của huyền sử Thánh Gióng, đánh giặc xong là hoá thân vào chốn không tên, (lên núi Sóc sơn và biến mất) không ngồi đó mà say sưa chiến thắng, với máu me. Dù là máu quân thù,cũng là máu của loài người nói chung, như Karl Marx nói, đã đổ ra vì cái trò chơi vô ý thức của lịch sử.

Thời nào nhiều anh hùng ca thì cũng là thời suy tàn trên phương diên nhân chủ-dân sinh.

Để kết luận, chúng ta có thể nói tiếng cười của văn học dân gian VN. là biểu hiện của văn minh làng xã, biểu hiện tinh thần nhân chủ (vì con vật không biết khôi hài ).Nền văn học Trung quốc từ đời Tần trở đi dường như thiếng vắng tiếng cười–lẻ loi chỉ có Đông Phương Sóc, Vương Sung, đến đời Thanh có Ngô kính Tử. Ở Việt nam tiếng cười dân gian nổ ra ròn rã, sảng khoái vang vọng khắp thôn làng từ cổ tích, ca dao, truyện nôm và cả hát chèo tuồng cổ, tuồng đồ, chuyện phiếm chuyện cười, nhạo báng mỉa mai tất cả như thách đố, với vua quan, với mọi thế lực bạo tàn ...với một tâm hồn không bao giờ biết sợ.

Thật đáng quý thay cái tinh thần vô uý đó.


Page last modified on June 03, 2015, at 06:50 AM