PTL.NghĩVềMùaXuânViệt History

Show minor edits - Show changes to markup - Cancel

Added lines 1-91:

Nghĩ Về Muà Xuân Việt

ThS. PHẠM VĂN CẢNH

I. ĐỜI SỐNG TÂM LÝ VIỆT :

Người dân Việt từ ngàn xưa đã sống trong một nền văn minh nông nghiệp trồng luá nước cuả một xứ sở nhiệt đới, gió muà, nhiều sông rạch, nuí đồi, biển cả. Tính chất đặc biệt này ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần cuả nguời Việt. Đời sống cuả những con người ấy luôn chan hoà cùng vũ trụ thiên nhiên, cùng cỏ nội hoa ngàn, tạo nên một tâm hồn Việt có sắc thái triết lý tự nhiên, không tư duy trừu tượng siêu hình, không duy lý, mà nó thẩm thấu trong sinh hoạt dân gian, trong tứ thời vần xoay vận chuyển . Cho nên tâm hồn người Việt nhẹ nhàng thanh thoát, dù vất vả quanh năm chân lấm tay bùn, nhưng vui xuân, vui hội hè đình đám, trẩy hội chuà hương, Giổ tổ, giổ cha, giỗ mẹ ... chuà thầy, viá bà... không bao giờ không rộn ràng, náo nhiệt.

Chẳng thế mà hằng năm cứ mỗi đô xuân về, ai cũng muốn trong nhà thêm hoa, thêm cây cảnh, dăm bẩy chậu quất, cành mai, thược dược ngoài sân, có khi cả hòn non bộ ... để giữ mãi hình ảnh thiên nhiên từ ngàn xưa còn đọng lại trong vô thức cuả dân tộc Việt.

THỜI GIAN CHU KỲ VÒNG TRÒN

Nhịp sống cuả nền văn minh nông nghiệp tất nhiên phải hoà hợp với nhịp sống cuả thảo mộc. Tuy các loại cỏ cây có chu kỳ sinh trưởng khác nhau nhưng tựu trung vẫn có một trật tự theo vòng quay cuả trời đất, tứ thời tiết lập :

Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng

Sự đổi thay có tính định kỳ và tái tạo cuả thời tiết, mùa màng, cây cỏ đã làm nảy sinh ý niệm về luân hồi và tái sinh cuả con người và muôn loài. Cái vòng tuần hoàn đó là một vòng không đầu không đuôi, dẫn đến khái niệm thời gian vòng tròn của cư dân văn hoá thảo mộc, khác với thời gian đường thẳng, thời gian của thị dân.

Tuy nhiên thời gian vòng tròn là nói về phương diện toàn thể tuyệt đối, chứ về phương diện cục bộ tương đối thì cuộc sống luôn luôn có sự khác biệt. Nói cách khác, vòng tuần hoàn đó là vòng xoáy ốc nói lên ý nghĩa bất biến của mặt siêu nhiên song song với cái thường biến của mặt hiện thực.

Vòng tuần hoàn đó bắt đầu là mùa Xuân với hội hè, đình đám, múa hát có khuynh hướng tình dục sinh lý - tình dục sinh lý được coi như năng lực sinh thành của vũ trụ.

-Thiên địa chi đại đức, viết sinh
-Thiên địa nhân uấn, vạn vật hoá thuần, nam nữ cấu tính, vạn vật hoá sinh.
Vũ trụ quan ở đây là vũ trụ quan Âm Dương, như hai nhịp lên xuống của con sóng.

II. MUÀ XUÂN VIỆT :

An-Nam-chí-nguyên viết như sau về phong tục ngày Tết của cư dân Giao Chỉ cách đây cả ngàn năm :
“ Hàng năm,ba ngày Nguyên đán đều thịnh soạn cỗ bàn cúng tổ tiên. Trai gái trai giới hương hoa lễ Phật; chơi trò đánh vụ đá cầu, hát múa, kéo co; bên thắng uống rượu, bên thua uống nước lã.....
Năm hết tết đến, ai có gì thì tiêu cho hết, cúng tổ tiên rất hậu, đốt pháo treo ống lệnh, ăn uống linh đình, chong đèn sáng đêm”.
Phong tục đẹp đẽ này vẫn còn được giữ gìn, truyền lai tới ngày nay.

2.1. Uống nước nhớ nguồn :

Thực vậy, trong phong tục tập quán Việt Nam ta, ngày Tết nguyên đán có một giá trị thiêng liêng đặc biệt, nó tổng hoà mọi hình thức lễ hội truyền thống, vừa tự nhiên như đón chào tiết xuân đầu năm mới, vừa trang trọng linh thiêng như truyền thống nhớ ơn tổ tiên, “uống nước nhớ nguồn”, ông bà tổ tiên đã khuất về ăn tết cùng con cháu, phù hộ độ trì cho con cháu luôn thịnh vượng và phát đạt, nó mang tính lễ hội trong tâm thức người Việt vì huy động được toàn dân cùng tham dự, không một ai không ăn tết, dù nghèo giàu sang hèn, xa xôi hay giữa quê nhà, hễ năm hết tết đến phải có một mái ấm gia đình, để trở về để đoàn tụ với cha mẹ, anh em, hoặc đồng hương chòm xóm…

2.2. Niềm tin vào vận hội năm mới :

Mỗi dịp năn hết xuân về, người dân Việt ta lại mang theo niềm tin vào tương lai, vào vận hội mới, vào những điều tốt lành sẽ đến. Họ gởi đến cho nhau những lời chúc tốt lành, niềm mong đợi cuộc sống thịnh vượng, nhà nông thì mong mưa thuận gió hoà, nhà nhà hạnh phúc… người buôn bán làm ăn mong được phát tài, người làm quan học hành mong sự thăng tiến… ai ai cũng một lòng ngưỡng mộ hy vọng ở tương lai. Chính tinh thần này đã nuôi dưỡng sức sống cho dân ta, năm này qua năm khác. Những bất hạnh, ruỉ ro, những tai ương cũ, những đau khổ ngàn đời… nên quên đi, và không được nhắc nhở trong dịp đầu xuân. Điều kiêng kỵ này cũng bắt nguồn từ niềm tin đó.

2.3. Triềt lý mùa xuân :

Xuân có vai trò đặc biệt trong bốn mùa : nó là bước mở đầu, là phút tái tạo, hồi sinh, ứng với quẻ Phục trong Dịch. Thiên nhiên đang thay da đổi thịt, con người cũng rạo rực tình xuân. Nhận ra điều đó, con người đã đề cao muà xuân tức là cũng đề cao thiên nhiên, đề cao nguồn sống vô tận, bằng những sinh hoạt văn hoá cộng đồng là Lễ và Hội. Lễ là tín ngưỡng linh thiêng, còn Hội là vui chơi thế tục; hai mặt đó kết hợp với nhau để khởi động nên luồng giao cảm giữa Trời – Đất - Người.

Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai cờ bạc tháng ba hội hè...

Hội hè - đình đám chính là sinh hoạt văn hoá cộng đồng, ngày xưa diễn ra dưới dạng nguyên hợp chưa tách ra thành những bộ phận riêng biệt như bây giờ. Trong hội có đủ hát xướng, trò chơi đấu vật, đánh cờ... Tình cảm người ta có dịp được bột phát, thả lỏng đến độ phóng dục. Tuy vậy hội hè vẫn có một ý nghĩa thiêng liêng, đáp ứng một nhu cầu thầm kín của con người. Con người thường sống rất lâu trong kỷ niệm của một mùa Xuân và mong chờ mùa Xuân mới. Đó là nhu cầu cộng cảm, cảm thông với người khác và cả với đất trời.

Đặc biệt trong hội Xuân có nhiều dịp, nhiều trò chơi để trai gái đươc tự do giao du, cũng như có nhiều nghi lễ đề cao sự phồn thực, sự sinh sôi nảy nở của cư dân nông nghiệp và của tôn giáo thờ sinh thực khí của dân Indonésien. Nét chung của hội Xuân là :
-Trai gái hát hò đố nhau hoặc tỏ tình với nhau.
-Tình cảm con người bộc phát mạnh, có thể đi đến tình dục và kết quả là cuộc hôn phối.
-Lời hát và các nghi lễ, các trò chơi thiên về tình dục.

Ông Henri Maspero trong Les Religions Chinoises giải thích như sau:
“Những hội hè ấy nếu thiếu thì mùa màng không tốt, lúa không mọc. Chính vào lúc người ta vừa xua đuổi khí độc của mùa Đông đi, là lúc có cuộc phối hợp giữa thanh niên-thiếu nữ. Sự phối hợp này có mục đích như kích thích sự phát triển cuả khí dương xuân. Nhờ đó mà cái vòng thời tiết của năm mới được khởi động, sự màu mỡ của đất đai được bảo đảm ... Hội hè mùa Xuân có một tính cách tín ngưỡng rõ rệt, nhằm mục đích điều hợp, điều lý sự vận hành vũ trụ, nhất là giúp cho mùa Xuân mở đầu sự phát triển nông nghiệp.”

III. TRẨY HỘI HÀNH HƯƠNG :

Chúng tôi xin hệ thống hoá lại ý kiến cuả Giáo sư Nguyễn Đăng Thục viết về tục trẩy hội hành hương cuả dân ta:
“ Tình cảm có thể còn ở trình độ bản năng sinh lý (như tục trai gái rủ nhau vào động Thẩm Lệ vui chơi), tín ngưỡng và tình dục chưa phân biệt, dùng thái độ sống hiện thực để diễn tả cái vũ trụ quan âm dương của nguồn sống vô tận. Ở đồi Lim, với tục hát giao duyên quan họ thì tình dục ly khai dần tín ngưỡng, trở thành một tình cảm bột phát dạt dào. Sau hai trạng thái này là trạng thái tín ngưỡng. Cả ba trạng thái tình cảm này vẫn lấy hang động làm bối cảnh. Thiên nhiên hang động là nguồn hứng khởi cho tình cảm và tín ngưỡng, là môi trường liên kết nguồn sống con người, xã hội với nguồn sống vũ trụ”.

Tín ngưỡng có hai cấp độ :

1) Cấp độ Ma Thuật :

Hai dịp hành hương lớn ở Bắc bộ là tháng ba và tháng tám. Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ. Giỗ cha, Đức Thánh Trần và giỗ mẹ, Liễu Hạnh tiên chúa tổ chức rất lớn tại đền Kiếp Bạc và Phủ Giầy. Cha Mẹ ở đây tượng trưng hai nguyên lý cha và nguyên lý mẹ.

Nguyên lý cha tượng trưng những mãnh lực phi thường của tự nhiên, sau này kết hợp với lòng yêu nước thì cha cũng còn tượng trưng cho sức mạnh của dân tộc. Hai sức mạnh này được siêu hoá vào hình ảnh của vị anh hùng lẫy lừng bậc nhất của nước nhà là đức Thánh Trần Hưng Đạo với những quyền năng mạnh mẽ như: trừ tà, thắt cổ, xiên lình...

Nguyên lý Mẹ là nữ tính được vũ trụ hoá, nhưng Đức Mẹ Việt Nam không phải là “Đức Mẹ đồng trinh” mà là Đức Mẹ của sinh đẻ ( Bà Âu Cơ đẻ một bọc gồm 100 trứng, bà Thiên Yana bụng đầy nếp nhăn), tượng trưng cho nguồn sống sinh sinh hoá hoá bất tuyệt, ẩn tàng nơi non nước hữu tình mà hàng năm trai gái vẫn tìm đến hẹn hò, ân ái, hoà với khí dương xuân của đất trời. Đặc trưng của các nơi thờ Đức Mẹ là hồ nước tượng trưng cho nguồn nước vô tận, sự mắn con, mưa nhiều; và tấm gương soi - vật tùy thân muôn đời của phụ nữ. Nguyên lý Mẹ được đồng hoá vào Tiên chuá Liễu Hạnh, sau này là Thiên Yana ở miền Trung, Bà Đen, Bà Chúa Xứ ở miền Nam.

2) Cấp độ tâm linh :

Hành hương ở chùa Hương Tích diễn ra với một cảnh tượng và một ý nghĩa có khác so với Kiếp Bạc và Phủ Giầy. Tín ngưỡng hang động thần tiên cộng với tinh thần Phật giáo thấm vào lòng người một cách êm đềm, sâu lắng, càng thấm sâu thì lại càng thấy khoan khoái tâm hồn.

Khách thập phương đến đây cũng một phần vì phong cảnh, cả một vùng non nước thanh u hoà lẫn thực và mộng: Rừng mơ Hương Tích trắng xóa, hoa gạo bên suối Yến đỏ rực dưới nắng hè, hang động thăm thẳm lồng bóng nguyệt... tất cả góp phần làm cho lòng người thanh thoát như nước chảy mây trôi. Tư tưởng nhân chủ vốn có trong tinh hoa tư tưởng Việt cổ đã gặp gỡ với đạo Phật ở lòng từ bi, nhân đạo. Bao nhiêu oan khuất, mong mỏi, bao nhiêu nỗi khổ đau được tỏ bày, bao lời nguyện ước được khấn lên : cầu cho đất nước thái hoà, đôi lứa sum vầy, sinh con mau mắn, gia đình đoàn tụ, thịnh vượng trong tiếng vang vọng của lời kinh cứu khổ:

Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát.

IV. ÔN CỐ TRI TÂN :

Tất cả những hình ảnh Lễ Hội dân gian đó ngày nay chỉ còn là hoài niệm về một thời vàng son xa xưa cũ, một phần lớn đã tự đổi thay để thích nghi với hoàn cảnh và môi trường thời đại, bởi nếp sống công nghiệp với nhịp độ càng lúc càng nhanh, càng làm con người xa dần Lễ Hội, chỉ còn những phong tục thị dân với các trò vui thành thị. Hội hè đình đám chỉ còn được lưu giữ ở một số vùng nông thôn. Ngày nay, cả chính phủ cũng phát động phong trào về nguồn, bởi lẽ con người đứng trước một thực tại : nếu không giữ gìn phong hoá thì không còn gì để giữ, vả lại không ít người đã nghĩ đến điều này khi không còn được sống giưã quê nhà, thì ý thức về quốc gia dân tộc và sắc thái riêng cuả một đất nước bỗng trô nên thiêng liêng và huyền diệu. Thậm chí ta có thể hình dung, có quốc gia lịch sử chỉ vỏn vẹn có bốn trăm năm, mà người ta đã biết bảo tồn phong hoá và tạo nên sắc thái dân tộc và phát huy rực rỡ, trái lại lịch sử ông cha ta cả bốn nghìn năm mà ta lại không biết gìn giữ thì thật là điều tai hại. Học cuả người những điều hay nhưng không thể bỏ quên bản sắc văn hoá riêng của dân tộc mình. Đó chính là ý nghiã cuả Đại dồng tiêu dị làm cho loài người đến gần nhau mà vẫn không đánh mất chính mình.

Chương trình cuả Liên Hiệp Quốc về bảo tồn văn hoá mỗi dân tộc càng giúp ta hiểu sâu sắc hơn tinh hoa cuả mỗi dân tộc cần phài được phát huy gìn giữ, nó giúp cho mỗi nguời dân Việt tự nhìn ngắm lại mình, đễ hãnh diện về quá khứ, suy tư về hiện tại, hướng về tương lai trong tinh thần “ôn cố tri tân”. Lễ hội không chỉ là hình bóng cuả hôm qua, mà còn là động lực thúc đẩy con người ngày nay biết bảo tồn và phát huy hơn nưã, tinh thần tư tưởng cuả dân Việt, trong thơì đại “đổi mới”, vừa hội nhập văn minh thế giới mà vẫn không đánh mất bản sắc độc sáng cuả văn hoá nước mình.


Page last modified on June 03, 2015, at 07:02 AM