Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cuộc đời và Sự nghiệp (1491- 1587)
Thạc sĩ PHẠM VĂN CẢNH, HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Phân ban Phật Giáo Việt Nam - Môn Văn Học Việt Nam
I. HOÀN CẢNH LỊCH SỬ :
Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm Hồng Đức thứ 22 (1491), lớn lên trong một thời đại rối loạn, mờ mịt, sau thời kỳ thanh bình và cực thịnh của nhà Hậu Lê. Thời đại vua Lê Thánh Tông 1460-1497, gồm niên hiệu Quang Thuận 10 năm và niên hiệu Hồng Đức 28 năm có thể xem là một thời kỳ vẻ vang bậc nhất của lịch sử Đại Việt xưa. Nhưng đến sau hai đời vua Hiến Tông (1497-1504) và đời Túc Tông (1504) thì nhà Lê bắt đầu suy đồi. Bạo quân Lê Uy Mục (1505-1509) kiêu sa, dâm dật cực độ, lộng hành trong triều, đa sát, giết bà nội, giết anh em, chú ruột… cả thảy 26 người, Hàng thân tộc và triều thần đều bất bình, mầm rối loạn trong dân cũng khởi lên từ đó. Bấy giờ có người anh em họ với Uy Mục (Giảng tu công) bị bắt giam, nhưng thoát ngục trốn vào Thanh Hoá, nhân cơ hội lòng dân phẫn uất dấy thành cuộc khởi binh , đánh chiếm được Thăng Long, bắt được Uy Mục cột vào miệng súng bắn cho tan xác. Giảng tu công thắng lợi lên làm vua tức là Tương Dực đế (1510-1518). Nhưng cũng chẳng hơn gì Lê Uy Mục, Tương Dực cũng sát hại hoàng thân, tư thông với cung nhân đời trước, xây biệt điện hơn trăm nóc, xây cửu trùng đài, chết nhiều nhân mạng, hao tốn tiền bạc vô kể… Thời gian này, đời sống dân tình khổ sở, giặc giã nổi lên khắp nơi từ Sơn Tây, Kinh bắc, Nghệ An,… đâu đâu cũng náo động. Sau đó, xảy ra việc nguyên quận công Trịnh Duy Sản , người có công dẹp giặc giã, chỉ vì can gián vua, vua không nghe còn bắt phạt đánh, nên mưu bắt giết vua rồi quăng xác vào lửa, lập vua mới tức Quang Trị . Quang Trị lên ngôi được ba ngày cũng bị giết nốt. Nhóm Trịnh Duy Sản lại lập vua mới thay thế là Chiêu Tông (1516-1524). Thời gian này các quan trong triều là Nguyễn Hoằng Dụ, Trịnh Tuý, Trần Chân … có công đánh dẹp giặc các nơi, nhưng vì hiềm thù nhau gây nên nội chiến tương tàn. Nhà vua chỉ còn trông cậy vào một vị tướng trẻ là Mạc Đăng Dung để dẹp loạn. Năm 1521 Mạc Đăng Dung được phong làm Nhân quốc công, uy quyền qui cả về một tay, nên có kẻ xàm tấu là thao túng quyền bính, tiếm dụng nghi vệ thiên tử. Nhà vua sai người ám hại và trốn khỏi kinh thành. Mạc Đăng Dung biết được, lập em vua lên ngôi là Cung Hoàng (1522-1527) . Rốt cục, Mạc Đăng Dung thắng tất cả các phe đối lập, bắt được Chiêu Tông đem giết đi. Năm 1527 Đăng Dung được Cung Hoàng phong làm An Nam quốc vương. Cùng năm ấy Mạc Đăng Dung họp cùng các quan bắt thảo tờ chiếu giáng Cung Hoàng xuống và truyền ngôi lại cho nhà Mạc (1527).
Trong thời gian 22 năm (1505-1527) kể từ Lê Uy Mục, đất nước loạn lạc liên miên, dân tình khốn khổ. Xã hội lúc ấy chỉ có cường quyền bạo lực, mưu mô và gian ác, không đâu có công lý và chân lý nữa. Thảng hoặc cũng có đôi người trung nghĩa, tâm huyết… thì cũng bị tàn hại, nếu không lui về cuộc sống ẩn dật, ngoài vòng cương toả. Đó là thời đại Nguyễn Bỉnh Khiêm vào đời.
II. TIỂU SỬ NGUYỄN BỈNH KHIÊM
Nguyễn Bỉnh Khiêm tên huý Văn Đạt, tự Hạnh Phủ, hiệu Bạch Vân cư sĩ, đời sau ca ngợi gọi là Tuyết Giang phu tử, người làng Trung Am, Huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương. Cha là Văn Định, có văn tài, sung chức Thái học sinh, mẹ họ Nhữ có tiếng thông minh, tinh thông lý số, kinh sử. Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi tiếng rất thông minh từ nhỏ, vốn là môn sinh quan bảng nhãn Lương Đắc Bằng, một nhà nho lỗi lạc, giỏi lý số, đã từng đi sứ Trung Hoa. Lớn lên trong thời ly loạn, tuy học giỏi nhưng không chịu đi thi. Năm 44 tuổi (1534) mới đi thi hương (triều Mạc). Năm sau là năm Đại Chính thứ 6 (1535) dưới triều Mạc Đăng Doanh, nghe lời khuyên của bằng hữu, ông đi thi đỗ Trạng nguyên và làm quan đến Lại bộ Tả thị lang kiêm Đông các đại học sĩ. Ở triều 8 năm, ông đã từng dâng sớ hạch tội 18 lộng thần . Năm 1542, triều Mạc Phúc Hải ông cáo quan về trí sĩ . Vua Mạc có vời ra làm Thượng thư bộ Công. Song sau đó, ông lại xin về. Tuy ẩn cư nhưng vua Mạc và các chính khách theo nhà Lê vẫn tôn quí thường đến hỏi han về quốc sự. Ông từng được triều Mạc thăng hàm Lại bộ thượng thư , vinh phong tước Trình toàn hầu, rồi Trình quốc công. Nên người đời thường gọi ông là Trạng Trình.
Ông học rộng hiểu nhiều, chú trọng, say mê Dịch Kinh, nổi tiếng khoa bói Thái At. Người đời truyền tụng nhiều sấm ký tiên đoán được vận mệnh đất nước , do ông làm ra, gọi là Sấm Trạng Trình.
Thơ ông sáng tác rất nhiều, thường là thơ ngâm vịnh thời về trí sĩ, ẩn cư. Đó là tập Bạch Vân Am tập và tác phẩm thơ Nôm BạchVân quốc ngữ thi. Thơ ông thường không có đầu đề, thường là một chuỗi thơ có màu sắc châm ngôn răn dạy người đđời, phê phán thói hư tật xấu, sửa đổi phong hoá … song cũng có một số bài về đời tư thời kỳ ẩn cư khoảng 40 năm.
Ông mất ngày 28 tháng Giêng năm Ất Dậu (1587) đđời Mạc Mậu Hợp tại làng Trung Am và hưởng thọ đđược 95 tuổi.
Cuộc đời hiền nhân, cao ẩn của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại cho đời sau niềm ngưỡng mộ sâu xa. Nguyễn Thiếp (La Sơn Phu tử) một cao sĩ đời Lê mạt, khi đi ra Bắc viếng di tích của người đã ngậm ngùi viết trong bài Qua Chùa Trình Tuyền khi viếng cảnh xưa mà không còn Bạch Vân Am, quán Trung Tân trên bến Tuyết Giang :
... Trạng Trình xưa đời Mạc
Nay đến bến Tuyết kim
Rêu xanh trùm bia quán
Mây trắng nhắc lều am...
"Am không bia cũng hư tàn,
Ta nay lưu lạc bên ngàn Tuyết giang"
Mấy câu thơ hoài cổ về lại chốn ẩn cư xưa đã nói lên niềm cảm khái, tôn sùng, ngưỡng mộ của vị danh sĩ đời Lê mạt (La Sơn Phu tử) đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm khi đến thăm cảnh cũ.
III. NHÂN CÁCH VÀ TƯ TƯỞNG CỦA NGUYỄN BỈNH KHIÊM
Ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, ta thấy phong cách một nhà nho theo nghĩa thuần tuý mang màu sắc rất Việt Nam, một vị quan mẫu mực với hoài bảo kinh bang tế thế, một đạo sĩ ẩn dật thong dong tự tại, “phù thế giáo một vài câu thanh nghị”, danh lợi xem tựa phù vân. Ba nhân tố đó cấu thành một con người kẻ sĩ cao quí thanh đạm và có lòng nhân. Một Nhà Nho : Tuy có chịu ảnh hưởng của Phật giáo và Lão giáo trong quan niệm sống, nhưng ông vẫn là một nhà nho. Thời đại của ông là thời đại mà Nho học được toàn thịnh, lại xuất thân giòng dõi nho gia, là học trò một nhà nho lỗi lạc quan bảng nhãn Lương Đằc Bằng . Ông được xem là một nhàvăn-thơ Việt Nam am hiểu tinh thần Nho giáo sâu xa nhất. Tinh thần đó gốc ở Kinh Dịch quan niệm vũ trụ theo lẽ động, là cái đạo biến thiên của vạn vật, là sự khởi thuỷ vận động của thế giới nên quan niệm của nhà nho mang màu sắc triết lý và có thái độ sống : luôn cẩn trọng, điềm đạm và đôi khi có cả sự buồn chán về sự dâu bể của cuộc đời…
Ngựa phi chắc có hồi quay cổ
Thú dữ nên phòng lúc cắn người,
Ngán ngẩm việc đời chi nói nữa,
Bên đầm say hát nhởn nhơ chơi ! (PKB.dịch nôm)
Về phương diện nhân sinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm chủ trương sự sống hoà hợp giữa thiên nhiên và con người, thuận với trật tự của trời đất, cho nên tác giả có thái độ
nhàn tản trong thiên nhiên và thích cuộc sống giản dị, thanh đạm nơi lâm tuyền thôn dã:
…Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây, ta sẽ uống,
Nhìn xen phú quí tựa chiêm bao.
Đặc biệt qua các bài thơ vịnh nhân tình thế thái, với bản chất nhà nho tác giả cũng biết rõ tâm địa người đời thường bon chen danh lợi, vụ lợi và tráo trở, nhất là thời biến loạn _ nhưng vẫn giữ thái độ điềm nhiên, xem xét một sự thật được xem là tất yếu của cuộc đời, chứ không gay gắt và cay độc :
Thớt có tanh tao, ruồi đỗ đến,
Gang không mật mỡ, kiến bò chi?
Hoặc : Có thủa được thời mèo đuổi chuột,
Đến khi thất thế, kiến tha bò…
Với bản chất hiền hoà, lòng từ tâm rộng lớn , nhà thơ hiền triết vẫn tin tưởng vào lẽ thiện ở trong mỗi con người, nên chỉ mong dạy người lẽ hiếu trung, ưa lành lánh dữ, sống ở đời có đức có nhân :
Giàu có phận, là ơn chúa,
Được làm người, bởi đức cha
Hoặc:
Trời sinh trời đã dành phần,
Tu hãy cho hiền dạ có nhân…
Trong Quốc Âm Thi Tập ta còn thấy ngoài tư tưởng luân lý nho gia (bổn phận trong gia đình , xã hội) hoà trong cái lẽ biến hoá của Dịch , thấm nhuần cơn gió thanh tịnh, siêu thoát của thiền môn, pha lẫn chút nhàn dật vô vi của Lão Trang … chính là sắc thái thi ca của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Một vị quan trong sạch : Dù bản tánh ưa cảnh sống nhàn, nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn ra làm quan dưới triều nhà Mạc, với hy vọng đem cái sở đắc và hoài bảo của mình ra để sử dụng giúp đời giúp người “đem tất cả sở tồn làm sở dụng”. Tâm tính và nhân cách ấy không những khiến cho vua quan nhà Mạc kính nể mà cả các quan Nam triều cũng phải trọng vọng, ngưỡng mộ.
Sự kiện Nguyễn Bỉnh Khiêm thi Tiến sĩ và làm quan dưới triều nhà Mạc, và hết lời ca ngợi một triều đại bị coi là “phản nghịch”cũng là điều cần được giải thích thoả đáng. Hẳn cũng phải có biết bao trăn trở, đấu tranh nội tâm, trước khi đi đến một quyết định dứt khoát, trái với tinh thần “trung quân” của Nho giáo như vậy. Đây là điều nhiều sử gia né tránh, nhưng tư tưởng biện chứng đã giúp họ phân biệt được đâu là hướng đi của lịch sử, đâu là lợi ích của một chế độ đang suy tàn : đất nước và chế độ là hai khái niệm khác nhau. Lòng trung nghia ở đây là trung nghĩa với tổ quốc và đất nước chứ không phải với một chế độ hay một tập đoàn, bè nhóm.
Một tâm hồn cao khiết: Đọc thơ văn thời đó, ta thấy cái sống, chết, lẽ xuất xử ...đã được người xưa giải quyết rất nhẹ nhàng. Khi đã đứng vững trên đôi chân của Người, thì các phạm trù nhị nguyên tương đối : sống chết, tâm vật, nhập thế, xuất thế... chỉ là những phương diện tương đối của một dòng Sinh Mệnh duy nhất.
Cũng nhờ tinh thần phi nhị mà các bậc trí thức của ta đã giải quyết tốt đẹp mối quan hệ nhập thế xuất thế : Các vua thời Lý Trần thường xuất gia đi tu ở tuổi 40-50, lứa tuổi vẫn còn trẻ trên con đường chính trị. Trần Nhân Tông, Trần Tung, những anh hùng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ, khi hoàn tất việc đời, việc nước, thì từ bỏ công danh nhẹ nhàng như cởi bỏ chiếc áo rách, không phải là việc ngày nay ai cũng làm được. Chu văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm là những quan lại cao cấp, nhưng khi không thực hiện được hoài bảo của mình thì cũng sẵn sàng từ quan, vì cái liêm sỉ, tiết tháo, danh dự của người trí thức.
Nhập thế làm chính trị rất tích cực, nhưng khi cần, cũng có thể từ bỏ một cách nhẹ nhàng, tức là làm việc với tấm lòng không cầu (tâm vô dục vô cầu). Nói cách khác, là đã nhập thế với tinh thần xuất thế. Có được nhân sinh quan đó, vì ông cha ta đã uống nước ở suối nguồn ở (Gậy thần - Sách Ước) tinh hoa tư tưởng Việt, kết hợp với sự thâu hoá đời sống tâm linh Phật, tổ chức xã hội Khổng và hoà hợp thiên nhiên Lão Trang…