Nguyễn Du (1765-1820) Và Truyện Kiều

Giới thiệu chung

Nguyễn Du tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Tổ tiên tác giả nhiều đời làm quan với nhà Hậu Lê. Cụ là một sĩ phu có khí tiết : Sau khi Tây Sơn dứt nhà Lê, cụ không chịu ra làm quan, chỉ lấy thú vui săn bắn làm vui. Năm Gia Long nguyên niên (1802) cụ được triệu ra làm tri huyện huyện Phù Dực (nay thuộc tỉnh Thái bình), rồi ít lâu sau thăng làm tri phủ Thường Tín ( Hà Đông). Năm thứ tám (1809) làm cai bạ tỉnh Quảng Bình, năm thứ mười hai thăng Cần chánh điện học sĩ, sung làm chánh sứ sang cống bên Tàu. Khi trở về được thăng Lễ Bộ hữu tham tri. Năm Minh Mệnh nguyên niên (1820), lại có mệnh sang sứ Tàu, nhưng chưa kịp đi thì cụ mất, thọ 56 tuổi.

Nguyễn Du là người học rộng hiểu nhiều , không những tinh thâm Nho học, lại thông đạt cả giáo lý Đạo Phật, đạo Lão. Tác giả để lại nhiều thơ văn bằng chữ Nho như : Thanh Hiên tiền hậu tập, Bắc hành thi tập, Nam Trung tạp ngâm,Lê quí ký sự… Ngoài ra, tác giả còn có biệt tài văn Nôm. Khi đi sứ sang Tàu về, có soạn quyển Đoạn Trường Tân Thanh (dân chúng quen gọi là Truyện Kiều ).

Đoạn Trường Tân Thanh hay Truyện Kiều :

Cốt truyện phỏng theo một quyển tiểu thuyết Tàu có tên là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài nhân , trong đó Kiều là một người con gái lương thiện, tài sắc vẹn toàn, trước đó đã gắn bó với Kim Trọng, thế rồi gặp cảnh gia biến, đành lỗi ước với chàng, đem thân làm gái giang hồ, suốt mười lăm năm luân lạc đau đớn trăm chiều. Thực ra Kim Vân Kiều truyện đã lấy lại cốt truyện của Ngu Sơ tân chí (Dư Hoài) nên biến cuộc gặp gỡ Từ Hải-Vương Thuý Kiều –một con hát tầm thường và một tên cướp bể- thành cuộc gặp gỡ của một giai nhân lương thiện, đầy cảnh ngộ đau thương và một con người anh hùng khí dũng, hùng cứ một phương, từng làm lung lay ngai vàng của triều đại nhà Minh. Tác giả Kim Vân Kiều truyện còn viết thêm đoạn Kim Kiều tái hợp cho có hậu và nêu bật được tấm lòng trong sáng của Kiều khi quyết định chuyển tình chồng vợ sang tình bằng hữu. Một con người tài hoa duyên dáng như thế, tấm lòng giàu lòng nhân ái như thế, lại là nạn nhân của một số mệnh vô cùng khắc nghiệt, đã đẩy đưa nàng đến cảnh thanh lâu mấy lượt thanh y mấy lần. Nhân vật và tình cảnh ấy đã rúng động tâm thức cụ Nguyễn Du đã khiến tác giả viết nên cuốn Đoạn Trường Tân Thanh với hết tâm lực của mình, để bày tỏ mối tình đồng điệu với người cùng hội cùng thuyền “phong vận kỳ oan ngã tự cư”.

Tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du cũng không thêm bớt gì trong nội dung cốt truyện. Nhưng nguyên văn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài nhân đã được các nhà phê bình nhận xét : lời tự thuật rườm rà, tỉ mỉ, có đoạn thô lỗ… kết cấu dễ dãi và rời rạc; trái lại, Đoạn Trường Tân Thanh là một công trình nghệ thuật cân đối hoàn hảo, kết cấu chặt chẽ, tình ý khéo léo đậm đà, văn chương cực kỳ tươi đẹp, thắm đượm màu sắc Việt Nam và tràn đầy thi vị.

Nội Dung Đoạn Trường Tân Thanh :

Các tác giả cổ điển thường cho rằng Đoạn Trường Tân Thanh kể lại cuộc tình duyên giữa Vương Thuý Kiều và KimTrọng; nhưng ngày nay chúng ta có thể tóm tắt Đoạn Trường Tân Thanh là một tác phẩm viêt về số kiếp hẩm hiu đầy nghịch cảnh của một con người: nàng Kiều. Tác phẩm có thể chia thành 3 phần :

1. Thuý Kiều và Kim Trọng gặp gỡ nhau và gắn bó với nhau.

2. Những nỗi đau khổ của nàng Kiều trên bước đường luân lạc.

3. Kim Kiều tái ngộ.

Đoạn Trường Tân Thanh còn có thể xem là một tiểu thuyết luận đề, cả đời nàng Kiều cũng chỉ để chứng minh cho thuyết “tài mệnh tương đố”. Kiều đẹp đẽ và tài hoa nên mệnh bạc. Cho nên phần 1 để trình bày định luật đó; phần 2 chứng minh cho định luật, và đến cuối phần 3, ý tưởng tài mệnh tương đố lại được nhắc lại, nhưng bớt khắt khe hơn , vì đoạn cuối tác giả còn cho ta một nhận thức tích cực hơn là thiện tâm của con người có thể cải tạo và chuyển hoá được số mệnh.

Tóm lại các chi tiết trong Đoạn Trường Tân Thanh có thể trình bày theo trình tự sau đây :

1. Thuý Kiều và Kim Trọng gặp nhau :
- Giới thiệu câu chuyện, nêu ý tưởng tài mệnh tương đố.
- Kiều gặp gỡ Kim Trọng .
- Kim Kiều đi lại với nhau
2. Nỗi khổ của nàng Kiều : (chứng minh định luật tài mệnh tương đố)
A. Những biến cố đầu tiên :
- Kim Trọng về Liêu Dương hộ tang .
- Biến cố của gia đình Kiều.
- Kiều phải bán mình, Mã Giám sinh mua Kiều.
- Kiều gởi gắm tâm sự cho em.
B. Vào lầu xanh lần thứ nhất :
- Bị Mã Giám sinh lừa.
- Mắc tay Tú bà.
- Đi trốn với Sở khanh.
- Kiều bị tiếp khách.
C. Lấy Thúc sinh
- Kiều được Thúc sinh chuộc ra.
- Lôi thôi chốn công đường.
- Mắc tay Hoạn thư.
- Kiều bỏ trốn khỏi nhà Hoạn thư.
D. Vào lầu xanh lần thứ hai :
- Giác Duyên sợ liên lụy gởi Kiều cho Bạc bà.
- Bạc bà lừa dối- Kiều bị bán vào lầu xanh…
E. Lấy Từ Hải (hết nợ đoạn trường)
- Được Từ Hải chuộc ra.
- Từ Hải thành công, giúp Kiều báo ân báo oán.
- TỪ Hải mắc mưu Hồ Tôn Hiến, bị giết.
- Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn.
- Giác Duyên vớt Kiều.
3. Kim Kiều tái ngộ :
A. Kim Trọng trở lại vườn Thuý :-lấy Thuý Vân.
B. Bắt đầu tìm kiếm Thuý Kiều.
- Làm quan ở Lâm Tri.
- Tìm kiều ở Hàng châu.
C. Sum họp :
- Giác Duyên đưa đến gặp Kiều.
- Mừng đoàn viên. Kim Kiều xem nhau như bạn.
- Kiều đánh bản đàn chấm dứt khúc bạc mệnh.
D.Kết thúc : tài và mệnh
- Thiện tâm của con người có thể chuyển hoá được số mệnh.

Bình giảng một số đoạn thơ

1.Kiều Trước mộ Đạm Tiên

51. Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thản giang tay ra về
Bước lần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
55. Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềng bắc ngang
Sè sè nắm đất bên đàng
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nưả xanh
59. Rằng :”Sao trong tiết thanh minh
Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?”
Vương Quan mới dẫn gần xa
Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi
Nổi danh tài sắc một thì,
Xôn xao ngoài cửa thiếu gì yến anh.
Phận hồng nhan có mong manh,
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương.
Có người khách ở viễn phương,
Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi.
Thuyền tình vừa ghé đến nơi,
Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ!
Buồng không lạnh ngắt như tờ,
Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh.
Khóc than khôn xiết sự tình,
Khéo vô duyên bấy là mình với ta.
Đã không duyên trước chăng mà,
Thì xin chút ước gọi là duyên sau.
Sắm sanh nếp tử, xe châu,
Vùi nông một nắm mặc dầu cỏ hoa.
Trải bao thỏ lặn, ác tà,
Ay mồ vô chủ ai mà viếng thăm!”
81. Lòng đâu sẵn mối thương tâm,
Thoắt nghe nàng đã đầm đầm châu sa!
“Đau đớn thay, phận đàn bà,
Lời là bạc mệnh cũng là lời chung.
Phũ phàng chi bấy hoá công!
Ngày xanh mòn mỏi,má hồng phôi pha.
Sống làm vợ khắp người ta,
Hại thay! Thác xuống làm ma không chồng.
Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tích lục, tham hồng là ai?
Đã không kẻ đoái, người hoài,
Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương.
Gọi là gặp gỡ giữa đường,
Hoạ là người dưới suối vàng biết cho”.
Lầm dầm khấn khứa nhỏ to,
Sụp ngồi, đặt cỏ trước mồ bước ra.
Một vùng cỏ áy,bóng tà,
Gió hiu hiu thổi một và bông lau.
Rút trâm cài sẵn mái đầu,
Vạch da cây, vịnh bốn câu ba vần.
Lại càng mê mẩn tâm thần,
Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra.
Lại càng ủ dột nét hoa,
Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài !
105. Vân rằng: “Chị cũng nực cười,
Khéo dư nước mắt, khóc người đời xưa!”
Ràng: “Hồng nhan tự nghìn xưa,
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu?
Nỗi niềm tưởng đấn mà đau,
Thấy người nằm đó, biết sau thế nào?”
Quan rằng: “Chị nói hay sao,
Một lời là một vận vào khó nghe!
Ở đây âm khí nặng nề,
Bóng chiều đã ngả, dặm về còn xa”.
Kiều rằng : “Những đấng tài hoa,
Thác là thể phách, còn là tinh anh.
Dễ hay tình lại gặp tình,
Chờ xem, ắt thấy hiển linh bây giờ”
119. Một lời nói chửa kịp thưa,
Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay.
Ao ào đổ lộc rung cây,
Ở trong dường có hương bay ít nhiều.
Đè chừng ngọn gió lần theo,
Dấu giày từng bước in rêu rành rành.
Mặt nhìn ai nấy đều kinh,
Nàng rằng: “Này thực tinh thành chẳng xa.
Hữu tình ta lại gặp ta,
Chớ nề u hiển mới là chị em”
Đã lòng hiển hiện cho xem,
Tạ lòng, nàng lại nối thêm vài lời.
Lòng thơ lai láng bồi hồi,
132. Gốc cây, lại vạch một bài cổ thi.

GIẢI THÍCH :

Yến anh :dt. (Chim yến, chim anh là những giống chim mà con trống con mái thường bay cặp với nhau).- Ở đây chỉ những người hâm mộ tài sắc Đạm Tiên thường lui tới với nàng.

Thiên hương: Hương trời. Ở đây chỉ sắc đẹp quí phái của nàng Đạm Tiên.

Trâm gãy bình rơi : Láy ý từ câu thơ Đường : “Nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn, bình trâm hoa chiết dĩ đa thời”( Một chiếc thuyền tình vừa ghé đến bến, thì cái bình đã chìm, cành hoa đã gãy tự bao giờ). Trong bài này ý nói Đạm Tiên đã chết rồi.

Nếp tử, xe châu : Quan tài bằng gỗ; xe châu : linh xa, xe chở áo quan.

Phương chạ loan chung : (Phượng loan là hai giống chim thường dùng để ví với vợ chồng). Ở đây chỉ những kẻ lui tới với Đạm Tiên.

Tích lục tham hồng : (Lục và hồng :hai sắc màu đẹp của hoa cỏ mùa xuân). Đây chỉ những kẻ ham chuộng sắc đẹp của nàng Đạm Tiên.

Tinh thành : lòng thành của người đời đối với cái tinh anh của quỉ thần.

I. ĐẠI Ý :

Buổi chiều đi du xuân, trên đường về, mấy chị em Thuý Kiều đi ngang mộ Đạm Tiên. Sau khi nghe Vương Quan kể chuyện đời nàng, một ca sĩ xấu số, chết giữa thời son trẻ, khi tài sắc đang lẫy lừng, Kiều vô cùng thương cảm, than khóc cho người bạc mệnh, thắp hương khấn vái và làm thơ đề vịnh vào gốc cây. Đáp lại lòng thành, Đạm Tiên hiển linh làm ai nấy đều kinh hãi và làm Kiều thêm bồi hồi quyến luyến.

II. BỐ CỤC :

1/ Câu 51- 54 : Chị em Thuý Kiều trên đường về.

2/ Câu 55- 58 : Cảnh mộ Đạm Tiên.

3/ Câu 59- 80 : Câu chuyện kể sự tích nàng Đạm Tiên.

4/ Câu 81-104 :Những nỗi cảm xúc của nàng Kiều.

5/ Câu 105-118 : Kiều đối đáp những lời chỉ trích của Thuý Vân và Vưong Quan.

6/ Câu 119-132 : Đạm Tiên linh ứng và cảm xúc của Kiều.

III. GIẢI THÍCH VÀ PHÊ BÌNH :

Trong đoạn thơ này : Kiều gặp Đạm Tiên lần thứ nhất, và đó cũng là lần gặp gỡ quan trọng, vì kể từ nay cái hình bóng ấy luôn ám ảnh tâm trí nàng Kiều, luôn nhắc nhở cái số kiếp đoạn trường mà nàng không sao thoát khỏi.

Sau một cuộc du xuân nhộn nhịp giữa bầu trời tươi sáng, êm đềm, cảnh chiều xuống dần, mặt trời đã ngả về tây, chị em trên đường về, mọi vật như sắp chìm vào bóng tối, lòng người cũng lặng lẽ vẩn vơ :

Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn giang tay ra về
Cảnh vật nhuốm màu thê lương, bé nhỏ giữa không gian rộng lớn, khiến lòng người cũng bồi hồi:

Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềng bắc ngang
và cảnh mộ Đạm Tiên hiện ra chẳng khác nào một nét sầu ảm đạm, trong khung cảnh chiều tàn :

Sè sè nắm đất bên đàng
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nưả xanh
Đến đây sự u tịch đã lên đến mức sâu đậm, nên tác giả đã để cho nàng Kiều với tâm hồn giàu cảm xúc lên tiếng hỏi:

Rằng :”Sao trong tiết thanh minh
Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?”
Vương Quan là chàng thư sinh có hiểu biết giao thiệp rộng hơn hai chị nên trả lời được câu hỏi của Kiều, chàng kể lại chuyện đời nàng Đạm Tiên, một câu chuyện khá thương tâm bằng những lời hay ý đẹp làm mọi người đều cảm thương nghĩ đến cái mong manh vô nghĩa của kiếp người. Câu chuyện gồm 19 câu gọn ghẽ, rõ ràng, đầy đủ vừa dễ gây xúc động : 3 câu đầu kể lai lịch nàng Đạm Tiên và cuộc sống lừng lẫy của nàng; 2 câu tiếp nói đến cái chết của nàng : mong manh đột ngột nhẹ nhàng như sự rơi rụng của một đoá hoa; 12 câu kể chuyện tình của người khách phương xa; và 2 câu kết thúc câu chuyện đời Đạm Tiên.

Sở dĩ câu chuyện người khách viễn phương si tình nàng chiếm phần quan trọng (12 câu), bởi lẽ đó là điểm đặc sắc nhất trong sự tích Đạm Tiên. Chính cái mối tình bâng quơ, vô vọng nhưng vô cùng thắm thiết, với hành vi hào hiệp và lãng mạn của người khách viễn phương đã biến đời nàng thành một thiên tình sử bi thảm và bất hủ. Nàng Đạm Tiên hiện ra trong xã hội loài người, tươi đẹp như một bông hoa đang khoe hương sắc, được mọi người đón chào nâng niu, nhưng khi chết lại rơi vào quên lãng, yên nghỉ dưới nấm mồ hoang lạnh, linh hồn phảng phất cùng cỏ cây hoa lá, có lẽ chỉ được an ủi với mối tình quí hoá muộn màng của người khách viễn phương. Tất cả chi tiết thi vị ấy đã rung cảm một cách sâu xa đến tâm hồn vốn đa sầu đa cảm của nàng Kiều.

Từ niềm rung động đó, Kiều đã lấy cuộc đời bạc mệnh của Đạm Tiên làm tấm gương soi rọi đến mọi khách má hồng “lời là bạc mệnh cũng là lời chung”. Kiều than khóc cho Đạm Tiên cũng là lời than khóc cho thân phận tất cả mọi người đàn bà và cho số phận mình. Cũng vì xúc động, xem cảnh ngộ của Đạm Tiên như của chính mình nên Kiều mới có những lời mỉa mai, chua chát đến những hạng đàn ông bội bạc :

Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tích lục, tham hồng là ai?
Và sự đồng cảm đó còn biểu lộ mạnh mẽ hơn ở chỗ, nàng muốn đem tất cả lòng thương yêu của nàng mà bù đắp cho sự vô tình của người đời đối với Đạm Tiên, và trả lời cho số phận :
Đã không kẻ đoái, người hoài,
Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương.
Sự đa sầu đa cảm của Kiều còn đi đến mức quá độ mà một tâm hồn bình thường không hiểu được. Chỉ một câu chuyện xưa được nhắc lại, trước một nấm mồ hoang, cũng đủ làm nàng đau khổ rên xiết, phẫn nộ, làm thơ, ủ rũ “sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài”. Những tâm hồn hiền lành chất phác bình thường, như Vương Quan, Thúy Vân không sao hiểu được! Chất tình cảm đã bao trùm lý trí, Kiều luôn tin tưởng rằng “hồng nhan bạc mệnh”, mặc cho Thuý Vân khuyên giải :

Vân rằng: “Chị cũng nực cười,
Khéo dư nước mắt, khóc người đời xưa!”
Đối với Vương Quan, Kiều tỏ ra rất hùng biện, giải giải rõ ràng khúc chiết về sự tồn tại sau khi chết, và dự cảm cả chuyện hiển linh : Kiều rằng : “Những đấng tài hoa,
Thác là thể phách, còn là tinh anh.
Dễ hay tình lại gặp tình,
Chờ xem, ắt thấy hiển linh bây giờ”
Và Đạm Tiên hiển linh thật, có thể hiểu điều đó như là sự biết ơn của người quá cố để bênh vực cho sự tin tưởng của Kiều, và cũng để đáp lại tấm lòng luyến ái chân thành của Kiều với Đạm Tiên.

Phân tích văn chương của cụ Nguyễn Du trong đoạn trích ta có thể xét qua 3 phần : tả cảnh ,kể chuyện đời nàng Đạm Tiên, tả tâm trạng cảm xúc của Kiều sau khi nghe kể chuyện. Cả 3 lãnh vực, bao giờ tác giả cũng sử dụng một bút pháp linh hoạt,sắc sảo, lời văn khi buồn nhẹ nhàng, bâng khuâng ,khi réo rắt, khi ảo não đậm đà… Trong phần tả cảnh, tác giả sử dụng khá nhiều từ láy : tà tà, thanh thanh,nao nao, nho nhỏ, sè sè, dàu dàu… làm cho câu thơ có âm điệu buồn buồn, êm êm, đều đặn …như những bước chân thong thả của chị em Thuý kiều trên đường về, tâm trí vẩn vơ giữa buổi chiều tà lặng lẽ. Từ nao nao, dàu dàu ngoài việc tả cảnh vật còn có thể diễn tả tâm trạng con người “nao nao trong dạ” , “nỗi buồn dàu dàu”… Tả mộ Đạm Tiên chỉ dùng hai câu :
Sè sè nắm đất bên đàng
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
Nhưng từ ngữ sử dụng rát xác đáng, “sè sè” diễn tả nấm mồ thấp và nhỏ, “nấm đất” nói lên đối với người đời mộ Đạm Tiên là một cái gì vô nghĩa, ngữ “nửa vàng nủa xanh” cho ta hiểu đó là một nấm mồ hoang, không người chăm sóc, cỏ úa không người dọn, cỏ mới đã đâm chồi…Hình dáng, màu sắc, âm điệu câu thơ hòa hợp với nhau tăng nét đặc sắc trong đoạn văn tả cảnh.

Tả cái chết Đạm Tiên chỉ hai câu lột tả được cái đẹp, sự trang trọng, quí phái, sự ra đi đột ngột và bàng hoàng, câu thơ như bị ngắt đứt lìa đoạn giữa câu 66 : Phận hồng nhan có mong manh,
Nửa chừng xuân,/ thoắt/ gãy cành thiên hương.
Cành thiên hương (hương sắc của trời) để chỉ sắc đẹp nàng Đạm Tiên thì thật là bóng bẩy, tao nhã. Thoắt nói lên sự đột ngột gãy ngang, đứt ngang, thật không còn từ nào hay hơn nữa!

Tả mối tình si của người khách viễn phương, ái mộ nàng tác giả viết :
Thuyền tình vừa ghé đến nơi,
Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ!
Thuyền tình dùng ở đây thật xuất sắc, thuyền không chở người mà chở một mối tình, mối tình này làm cảm động nàng và cảm động người đời. “Trâm gãy bình rơi” mượn ý từ câu thơ Đường : “Nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn, bình trâm hoa chiết dĩ đa thời”( Một chiếc thuyền tình vừa ghé đến bến, thì cái bình đã chìm, cành hoa đã gãy tự bao giờ), tuy tả nàng Đạm Tiên đã chết, còn cho ta hình ảnh một vật gì thật quí hoá mà bị tan vỡ. Cảnh tượng “dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh”vừa tả cảnh con đường bị bụi thời gian phủ lên, không còn sử dụng nữa, vừa gợi cho người đọc nỗi buồn man mác vì trí nhớ của người đời cũng đã dần quên hình ảnh người con gái duyên dáng đó.

Tả tâm trạng Kiều cũng vậy, Nguyễn Du đã cho ta thấy câu chuyện về cuộc đời và cái chết của Đam Tiên đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí, tình cảm nàng Kiều, khiến Kiều xúc động mãnh liệt. Khi Kiều thắp hương khấn vái, tác giả đã dùng những từ “gọi là”, “hoạ là” đầy lòng thành kính và cảm động.

Gọi là gặp gỡ giữa đường,
Hoạ là người dưới suối vàng biết cho”.
Sau đó, là những câu tả cảnh buồn hiu hắt, như báo hiệu sự linh ứng của Đạm Tiên cho ta cảm giác cả tạo vật cũng cùng với Kiều tưởng niệm người quá cố.

Một vùng cỏ áy bóng tà,
Gió hiu hiu thổi một và bông lau.
Những từ gợi cảm : tần ngần, mê mẩn, đứng lặng, ủ dột…nhất là các điệp từ : “lại càng”trong các câu 101,102,103 chứng tỏ rằng hình ảnh Đạm Tiên đã ám ảnh tâm hồn Kiều rất sâu xa.

Tóm lại, trong nghệ thuật tả tình và cảnh, tả tâm trạng nhân vật, tác giả luôn dùng từ ngữ, đặt câu… rất chọn lọc, bóng bẩy tài tình, hoặc tự nhiên mà điêu luyện.

2.Kiều Và Kim Trọng Thề Ước Với Nhau

429. Đến nhà vừa thấy tin nhà,
Hai thân còn giở tiệc hoa chưa về.
Cửa ngoài vội rủ rèm the,
432. Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.
Nhặt thưa, gương dọi đầu cành,
Ngọn đèn trông lọt, trướng huỳnh hắt hiu.
Sinh vừa tựa án thiu thiu,
436. Giở chiều như tỉnh, giở chiều như mê.
Tiếng sen sẽ động giấc hoè,
Bóng trăng đã xế, hoa lê lại gần.
Bâng khuang đỉnh Giáp, non Thần,
440. Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.
Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa.
Bây giờ rõ mặt đôi ta,
444. Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”
Vội mừng làm lễ rước vào,
Đài sen nối sáp, song đào thêm hương.
Tiên thề cùng thảo một chương,
448. Tóc mây một món, dao vàng chia đôi.
Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng, một lời song song.
Tóc tơ căn vặn tấc lòng,
452. Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
Chén hà sánh giọng quỳnh tương,
454. Dải là hương lộng, bình gương bóng lồng.

I. Giải nghĩa :

Tiệc hoa (do chữ hoa diên ) buổi tiệc trọng thể.

Trướng huỳnh :(huỳnh :con đom đóm) ngày xưa Trác Dận nhà nghèo phải bắt đom đóm thay đèn để học, nên cái màn treo chỗ người học trò gọi là “trướng huỳnh”.

Giấc hoè : Theo tích ông Thuần Vu Phần nằm ngử dưới gốc cây hoè, mộng thấy mình thi đỗ, vua gả con, được phong làm thái thú đất Nam kha, vinh hiển đến non 20 năm. Tỉnh dậy chỉ thấy đàn kiến bò bên mình. (còn gọi là giấc Nam kha).

Đỉnh Giáp : Núi Vu Giáp, chỗ Sở Tương Vương nằm mộng thấy thần nữ cùng mình ân ái.

Non Thần : tên một cù lao ở Thần châu, chỗ thần tiên ở.

Đài sen : Chân đèn chạm hình búp sen.

Song đào : Cửa sổ có trồng cây đào ở bên ngoài.

Chén hà : Chén rượu bằng ngọc đỏ như sắc ráng ở trên trời.

Quỳnh tương : Chén rượu quí- Đường thi có câu : “nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sinh”: uống chén rượu bằng nước ngọc uỳnh trong bụng sinh ra trăm mối cảm tình.

Dải là : giây thắt lưng bằng là.

Bình gương : (kính bình) Bình phong làm bằng thuỷ tinh.

II. Đại Ý :

Nàng Kiều đang đêm sang nhà Kim Trọng. Hai bên đốt đèn thắp hương thề nguyền gắn bó với nhau.

III. Bố Cục :

Đoạn thơ chia làm 4 phần :
1/ Câu 429-432 : Kiều đang đêm sang nhà Kim Trọng.
2/ Câu 433-440 : Trông thấy Kiều, Kim Trọng còn ngỡ đang trong cơn mơ.
3/ Câu 441-444 : Kiều bày tỏ với Kim Trọng vì sao phải tìm gặp chàng.
4/ Câu 445-454 : Kiều và Kim Trọng thề nguyền gắn bó với nhau.

IV. GIẢI THÍCH VÀ PHÊ BÌNH :

Kiều gặp Kim Trọng lần này là lần thứ tư (lần thứ 1 trong ngày hội du xuân, lần thứ nhì chàng Kim Trọng tỏ tình, lần thứ ba vừa mới xảy ra lúc ban ngày: Kiều sang thăm Kim Trọng để thoả lòng mong nhớ bấy lâu). Không phải như mấy lần trước, không phải để thăm dò tìm hiểu nhau nữa, mà là để cùng hoà hợp hoàn toàn. Tình yêu đã đến độ say sưa nồng nàn , dù mới gặp nhau lúc ban ngày, nàng hãy còn ngây ngất vì hương vị yêu đương, cho nên khi hoàn cảnh cho phép :hai thân còn giở tiệc hoa chưa về, thì Kiều đã quả quyết và liều lĩnh sẵn sàng gặp nhau thêm lần nữa :

Cửa ngoài vội rủ rèm the,
Xăm xăm băng lới vườn khuya một mình.
Tình yêu vừa chớm nở, còn nhiều bồng bột và sôi nổi nên đã khiến người con gái khuê các nơi “trướng rũ màn che” trong phút giây đã quên hết những ràng buộc của lễ giáo, để mạnh dạn đến với người yêu giữa đêm hôm khuya khoắt, thật là linh động, tự nhiên và phản ánh đúng tâm lý kẻ đang yêu. Cả chàng Kim và Thuý Kiều cùng chìm trong một trạng thái tâm lý gần giống nhau : cả hai đang cùng say sưa bàng hoàng trong mối tình vừa chớm nở. Kim Trọng đang mơ màng : “bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần, còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng”, còn nàng Kiều thì mạnh dạn bày tỏ lòng mình :trong khoảng vắng mênh mông của đêm trường, nàng vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa. Cái hoa ở đây được ví với tình yêu của chàng, một điều gì thật đáng quí, mong manh và tươi đẹp như một đoá hoa. Sao đó lại giải thích cái duyên cớ tìm hoa vì “bây giờ rõ mặt đôi ta, biết đâu rồi nũa chẳng là chiêm bao” Vì trong thâm tâm nàng vẫn có một nỗi niềm lo sợ, lo sợ cái tình yêu mong manh kia không giữ được bền lâu, trong khoảng tối mênh mông vô hạn cuả kiếp người, hay đó chỉ là mộng ảo. Nỗi lo sợ đó còn có nguồn gốc sâu xa:nhớ từ năm hãy thơ ngây, người tướng số đã từng buông ra những câu oan nghiệt ám ảnh tâm thức người con gái đa sầu đa cảm :
“anh hoa phát tiết ra ngoài ,
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”
Nỗi lo sợ đó cũng được củng cố bằng lời khẳng định của nàng Đạm Tiên khi đọc thơ Kiều : mà xem trong sổ đoạn trường có tên.

Những lời nói sao mà oan nghiệt thế! Có những lời nói làm cho con người hưng phấn, vươn lên trong cuộc sống, có những lời nói đưa người ta đến cảnh đoạn trường ! chìm đắm trong đau khổ !

Kim Trọng đón nàng Kiều vào nhà, để đánh dấu cuộc gặp gỡ, hai bên đã cùng nhau thề nguyền dưới ánh trăng , như một hình thức lễ nghi làm cho mối tình thêm tính cách thiêng liêng, để được đồng tâm gắn bó với nhau.

Nghệ thuật của tác giả Nguyễn Du ở đây là tạo ra bầu không khí thật huyền ảo mơ màng, như thực như mộng : nàng Kiều tìm sang nhà Kim Trọng dưới ánh trăng lung linh “nhặt thưa gương dọi đầu cành” còn chàng thì trong phòng đọc sách dưới ánh đèn hắt hiu mờ tỏ. Thứ ánh sáng huyền ảo ấy, tâm hồn con người không còn phân biệt được giữa mộng và thực :trước mặt là nàng Kiều hay là bóng hoa lê :
Tiếng sen sẽ động giấc hoè,
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.
Họ không cần phải nói nhiều, vì không khí đã đẹp như mơ trong sự lặng lẽ giao hoà giữa hai tâm hồn. Nếu có nói, họ cũng chỉ nói đến chiêm bao và mộng: KimTrọng tưởng mình chưa ra khỏi giấc mơ, còn Kiều thì sợ mối tình này rồi ra chỉ là mộng ảo.

Dưới bóng trăng đêm nay họ đã thề nguyền. Anh trăng đã chứng kiến cho mối tình thiết tha, nồng ấm…nhưng giữa cảnh trời đất bao la mối tình ấy sao mà nhỏ bé, hạnh phúc sao mà mong manh quá, ta tự hỏi biết họ có đươc vuông tròn trước tương lai còn vô cùng và mờ mịt?

Văn chương đoạn này thật êm dịu, huyền ảo, bóng bẩy và khéo léo. Những từ ngữ : nhặt thưa, hắt hiu, thiu thiu, giấc hoè, đỉnh giáp non thần, giấc mộng đêm xuân… đã lột tả được bầu không khí nửa thực ,nửa mộng của cuộc gặp gỡ đêm xuân. Những từ ngữ khoảng vắng đêm trường, vì hoa, đánh đường tìm hoa… đã cực tả sự táo bạo, duyên dáng, lãng mạn của nàng Kiều trong mối tình say mê buổi ban đầu ấy.

Tóm lại, đoạn văn tả cảnh Kim Kiều tìm nhau giữa đêm huyền ảo, lung linh như mộng như thực… đã diễn tả đến mức sự huyền diệu của tình yêu, chất men không uống mà say, thực mà như mộng … của mối tình Thuý Kiều Kim Trọng.

3.Kiều Gặp Từ Hải

Lần Thâu gió mát trăng thanh
Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi,
Râu hùm hàm én mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Đương đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài.
Đội trời đạp đất ở đời,
Họ Từ tên Hải vốn người Việt đông.
Giang hồ quen thói vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.
Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều,
Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng.
Thiếp danh đưa đến lầu hồng,
Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa.
Từ rằng: “Tâm phúc tương cờ,
Phải người trăng gió vật vờ hay sao?
Bấy lâu nghe tiếng má đào,
Mắt xanh chẳng để ai vào có không ?
Một đời được mấy anh hùng,
Bỏ chi cá chậu chim lồng mà chơi?”
Nàng rằng: “ Người dạy quá lời,
Thân này còn dám xem ai là thường.
Chút riêng chọn đá thử vàng,
Biết đâu mà gởi can tràng vào đâu?
Còn như vào trước ra sau,
Ai cho kén chọn vàng thau tại mình?
Từ rằng : “Lời nói hữu tình,
Khiến ngươi lại nhớ câu Bình nguyên quân.
Lại đây xem lại cho gần,
Phỏng tin được một vài phần hay không?”
Thưa rằng : “Lượng cả bao dong,
Tấn dương được thấy mây rồng có phen !
Rộng thương cỏ nội hoa hèn,
Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau !”
Nghe lời vừa ý gật đầu,
Cười rằng: “ tri kỷ trước sau mấy người?
Khen cho con mắt tinh đời,
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già !
Một lời đã biết đến ta,
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau !”

I. Chú thích :

Khách biên đình : khách ở chốn biên thuỳ.

Lược thao: mưu chước và phép tắc dùng binh.

Việt đông : Tên một huyện thuộc tỉnh Phúc Kiến, quê Từ Hải.

Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo : lấy ý từ câu thơ Đường của Hoàng Sào “Bán kiên cung kiếm, nhất trạo giang sơn”. Ý nói người anh hùng hồ hải ngang dọc bốn phương.

Bình nguyên quân : Người nước Triệu đời chiến quốc, có lòng hiếu khách, trong nhà luôn có 3000 người khách. Thơ Đường có câu : “ Bất tri can đảm hướng thuỳ thị, Linh nhân khước ức Bình nguyên quân” (Chẳng biết tỏ gan mật cùng ai, khiến người lại nhớ Bình nguyên quân).

Tấn dương : Đường Cao tổ lên làm vua ở đất Tấn dương. Kiều tỏ ý nói Từ Hải sẽ lên làm vua như Đường Cao tổ.

Muôn chung nghìn tứ : (Muôn hộc thóc, nghìn cỗ xe), chỉ sự giàu sang phú quí.

II. Đại Ý :

Sau khi vào lầu xanh lần thứ hai, Kiều gặp Từ Hải, người có tướng mạo tài trí và khí dũng của một bậc anh hùng. Hai bên tâm đầu ý hợp và tỏ lòng yêu mến nhau.,

III. Bố Cục :

Chia làm 3 phần :
1/ Câu 2165 đến 2174 : Tướng mạo và khí phách của Từ Hải.
2/ Câu 2175 đến 2178 : Từ Hải tìm gặp nàng Kiều.
3/ Câu 2179 đến 2204 : Hai bên bầy tỏ tình cảm và chuyện trò tương đắc.

IV. Giải thích và phê bình :

Từ Hải đã xuất hiện trong đời Kiều một cách đột ngột, từ một nơi xa xôi tận chốn biên đình :

Lần Thâu gió mát trăng thanh
Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi,
Chàng là một người có tướng mạo kiêu dũng, một sức mạnh bạt chúng và có chí khí hiên ngang, một đấng anh hùng, không chịu khuất phục một thế lực nào. Con người đó còn có cốt cách một người nghệ sĩ đa tình :

Giang hồ quen thói vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.
Bước đầu, Từ Hải cũng nghĩ nàng Kiều chỉ là một mối tình qua đường trong muôn ngàn cuộc vui, không làm bận trí khách anh hùng. Nhưng qua buổi gặp gỡ ban đầu, sắc đẹp và phong cách của nàng Kiều đã thu hút và chinh phục hoàn toàn chàng Từ Hải :

Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều,
Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng.
Thiếp danh đưa đến lầu hồng,
Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa.
Do đâu mà có sự hoà hợp lạ lùng như thế ? Chúng ta phải nhận rõ Từ Hải vốn có tính tự phụ, trong chốn yên hoa, chàng tự cho là không ai sánh được với mình :

Một đời được mấy anh hùng,
Bỏ chi cá chậu chim lồng mà chơi?”
Nàng Kiều bây giờ đã rất khôn ngoan và thông minh để hiểu được bản chất kiêu căng của Từ Hải, nên nàng dùng những lời lẽ hết sức khiêm tôn và duyên dáng để đối đáp với chàng :

Nàng rằng: “ Người dạy quá lời,
Thân này còn dám xem ai là thường.
Sắc đẹp, vẻ tinh anh và sự dịu dàng khả ái của Kiều đã làm Từ Hải xiêu lòng, nhưng đợi đến khi Kiều tỏ ra hiểu cả chí khí và hoài bảo lớn của chàng trong câu nói :

Thưa rằng : “Lượng cả bao dong,
Tấn dương được thấy mây rồng có phen !
Rộng thương cỏ nội hoa hèn,
Tấm thân bèo bọt, dám phiền mai sau.
Đến đây thì Từ Hải đã hoàn toàn ngã quị. Không những nàng đã chiếm được cảm tình say đắm của chàng, mà còn là đẳng cấp của người tri kỷ :

Một lời đã biết đến ta,
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau !”
Từ Hải có tâm lý như một anh hùng, thường cô đơn vô hạn, sống một cõi riêng, nay gặp được người tri kỷ, sao mà không sung sướng ! Từ còn là một người khẳng khái, rộng lượng… một khi đã hiểu được giá trị một nàng Kiều giữa đám bụi trần ô trọc, cũng như Kiều đã sớm đoán được chàng là kẻ xuất chúng trên đời, thì tự nhiên Từ sẽ cảm thấy rất thương Kiều, nên hai người đã tìm đến với nhau mạnh mẽ, không đắn đo… và không một trở lực nào.

Đoạn văn đã khắc hoạ một Từ Hải kiêu dũng đi vào đời nàng Kiều đột ngột và mạnh mẽ. Ta không biết xuất xứ và tông tích của chàng, có lẽ tác giả để ta giữ mãi được hình ảnh đẹp về Từ Hải, có lẽ như thế sẽ hay hơn vì : “tout ce quon ne connait pas est tenu pour magnifique”. (Tất cả nhũng gì ta không biết rõ mà đứng xa nhìn ngắm thì giữ mãi được vẽ huy hoàng của nó)

Trong tám câu thơ rắn rỏi, âm điệu vững chắc, gãy gọn, từ dùng mạnh mẽ, như phá vỡ sự mềm yếu của thể thơ lục bát, tác giả đã vẽ nên hình ảnh khí phách của một Từ Hải kiêu dũng khác đời :
Đội trời/ đạp đất/ ở đời, 2/2/2
Họ Từ/ tên Hải /vốn người Việt đông. 2/2/4
Hoặc trong cái cười, câu khen của Từ vốn rất tự cao tự đại :
Cười rằng: “ tri kỷ trước sau mấy người?
Khen cho con mắt tinh đời,
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già !
Trái lại, nàng Kiều thì lời nói rất khiêm nhường và rât có duyên. Điều đó thể hiện trong từng lời nói của nàng : Người dạy quá lời, thân này còn dám xem ai là thường, chút riêng, biết đâu, mà gởi , vào đâu… hoặc những cụm từ : Lượng cả bao dong, cỏ nội hoa hèn, chút thân bèo bọt, dám phiền mai sau …

Qua đó, toát lên tài hoa của bút pháp Nguyễn Du khi cần mạnh mẽ, hùng dũng thì bồng bột quật khởi, khi cần êm nhẹ, đằm thắm thì mềm mỏng, dịu dàng hết mức.


Page last modified on June 03, 2015, at 07:46 AM