Editing PTL.TưTưởngViệtTrướcCácVấnĐềThờiĐại

Author:

Summary:
This is a minor edit


Basic editing - Text formatting rules - Documentation index

Tables: simple - advanced

Paragraphs: for a new paragraph, use a blank line;

Line break: \\ or [[<<]]

-> to indent text, -< hanging text

Join line: \

Lists: * for bulleted, # for numbered, :term:definition for definition lists

Emphasis: ''italics''   '''bold'''   '''''bold italics'''''   @@monospaced@@

References: [[another page]], [[http://example.com/]], [[another page | link text]], [[#anchor]], [[#anchor | link text]]

Signatures: name: ~~~

Groups: [[Group/Page]] displays Page, [[Group.Page]] displays Group.Page, [[Group(.Page)]] displays Group, [[Group/]] links Group homepage

name and date: ~~~~

Separators: !!, !!! for headings, ---- for horizontal line

Prevent formatting: [=...=]

Other: [+big+]   [++bigger++]   [-small-]   [--smaller--]   '^superscript^'   '_subscript_'   {+inserted+}   {-deleted-}

Preformatted: [@...@] or >>pre<<...>><<

Preview PTL.TưTưởngViệtTrướcCácVấnĐềThờiĐạiPage is unsaved

TƯ TƯỞNG VIỆT TRƯỚC CÁC VẤN ĐỀ THỜI ĐẠI

Phạm Văn Cảnh, MA.

I. CÁC VẤN ĐỀ CỦA THỜI ĐẠI :

Cục diên thế giới ngày nay đang biến đổi với một tốc độ nhanh chóng, làm nảy sinh các vấn đề to lớn của thời đại mà sự giải quyết đòi hỏi nỗ lực hợp tác của nhiều quốc gia, thậm chí của cả nhân loại mới mong tìm ra một lối thoát. Đó là các vấn đề : dân số, sinh thái, chất thải công nghiệp, vũ khí hạt nhân, vấn đề con người, và quyền con người, quyền sống của các dân tộc, nền văn hoá có tính toàn cầu, ...

1.Bùng nổ dân số :

Bên cạnh bom A, bom H, ngày nay sự bùng nổ dân số cũng thực sự là một quả bom, bom P _ population, cũng đang đe doạ cả hành tinh. Dân số hiện tại là 5 tỉ, năm 2025 là 8 tỉ, và cuối thế kỉ 21 là 11 tỉ. Hai phần ba số trẻ em ra đời từ nay tới đó là các trẻ sinh ra ở 20 nước nghèo nhất thế giới. Làm thế nào để có đủ chỗ ở, công việc, lương thực cho ngần ấy con người, khi mà hiện nay hàng năm có 30 đến 40 triệu người chết vì thiếu ăn, và cả tỉ người thiếu chỗ ở.

Biểu hiện rõ rệt nhất của quá trình bùng nổ dân số là việc tập trung dân số ở các đô thị. Hiện có 40% nhân loại sống ở đô thị, sang thế kỉ 21 là 50%, riêng ở châu Mỹ La tinh tỉ lệ này hiện nay lên đến 70% . Sự tập trung dân số quá cao tại các đô thị đẻ ra hàng loạt các hệ lụy về nhà ở, giáo dục, lương thực,...

Nhà ở ngày một thiếu trầm trọng. Hiện trên thế giới có 100 triệu người hoàn toàn vô gia cư, phải ở ngoài đường phố, gầm cầu...; khoảng 1 tỉ người phải cư trú tạm trong các nơi chưa thể gọi là một căn nhà. Nhu cầu về nhà ở lại làm cho giá nhà tăng (ngay cả thành phần trung lưu trong xã hội cũng không mua nổi ), vấn đề nhà ở do đó, lại càng khó khăn.

Giáo dục là một vấn đề được xem là nghiêm trọng nhất trong các vấn đề đô thị. Tại các quốc gia phát triển, tỉ lệ thanh niên dưới 19 tuổi chiếm 30% dân số, còn tại các nước đang phát triển, tỉ lệ này là 40% 50% . Với một sức ép như thế, thì rất có nguy cơ đưa đến sự sụp đổ của các hệ thống giáo dục , và lúc bấy giờ lại có biết bao vấn đề mới phát sinh như nạn thất nghiệp, tội phạm thanh thiếu niên, mãi dâm,...được đặt ra cho các quốc gia.

Chúng ta cũng có thể đề cập đến vấn đề sinh thái nhân văn. Bởi lẽ cuộc sống đô thị đã giam hãm con người trong bốn bức tường của công sở, của apartment-nhà hộp, đã cắt rời con người ra khỏi môi trường thiên nhiên, khỏi quê hương làng mạc... mà đó lại là những yếu tố hình thành nên tâm hồn, nhân cách con người. Tình trạng này đưa đến hậu quả là con người phải vong thân, phát triển lệch lạc. Môi trường đô thị cũng không thích hợp lắm cho việc bảo tồn văn hoá truyền thống của các dân tộc, đó là cái đặc thù, sắc thái... mà mỗi dân tộc có nhiệm vụ góp vào gia tài văn hoá chung của nhân loại, để khẳng định mình và cũng để hoà hợp với các dân tộc khác. Khá nhiều lễ hội dân gian, lễ hội nông nghiệp cổ truyền đã biến mất trong cuộc sống đô thị. Tất cả những hình ảnh Lễ Hội dân gian đó ngày nay chỉ còn là hoài niệm về một thời vàng son xa xưa cũ, một phần lớn đã tự đổi thay để thích nghi với hoàn cảnh và mội trường thời đại, bởi nếp sống công nghiệp với nhịp độ càng lúc càng nhanh, càng làm con người xa dần Lễ Hội, chỉ còn những phong tục thị dân với các trò vui thành thị. Hội hè đình đám chỉ còn được lưu giữ ở một số vùng nông thôn. Thiếu lễ hội, con người như bị tước đoạt một nhu cầu, một đòi hỏi được tham dự vào dòng sống của cộng đồng và của vũ trụ, được đắm mình trong niềm hoà hợp giữa điều thiêng liêng và cái trần tục, giữa nề nếp truyền thống và vui chơi phóng túng, giữa nỗi cô đơn và niềm thông cảm...

2. Tài nguyên và môi trường :

Năng lượng đang là vấn đề gay gắt nhất, khi nhu cầu về năng lượng ngày một tăng (về số lượng tuyệt đối cũng như số lượng tương đối theo mỗi đầu người), và các nguồn năng lượng “cổ điển” như than đá, dầu hoả... đang và sẽ bị cạn dần. Sự phân bố tài nguyên không đồng đều giữa các quốc gia lại làm cho vấn đề ngày càng căng thẳng, có thể dẫn đến xung đột quốc tế như cuộc chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991 vừa qua, vì tranh chấp tài nguyên (dầu mỏ, thềm lục địa, lãnh hải...) Tương lai loài người phụ thuộc rất nhiều vào cách giải quyết các vấn đề này. Không phải chỉ đơn thuần là vận dụng các thành tựu khoa học đi tìm các nguồn năng lượng mới, mà còn là điều chỉnh các mối quan hệ giữa các nước chủ tài nguyên với các nước tiêu thụ, nước giàu với nước nghèo, giữa các khu vực kinh tế với nhau ( Âu châu, Bắc Mỹ, Đông Á, Đông Nam Á...)

Bên cạnh tài nguyên là môi trường mà tầm quan trọng của nó được báo động từ nhiều năm nay, nạn phá rừng tràn lan tại nhiều quốc gia làm cho đất bị xói mòn, dẫn đến tình trạng sa mạc hoá, cạn nguồn nước, khí hậu thay đổi, nhiệt độ tăng, bầu khí quyển bị nhiễm độc nặng bởi các khí thải từ các nhà máy, trong đó nguy hiểm nhất là chất CFC. - clor fluor carbon, chất này làm suy yếu tầng Ozone bao quanh khí quyển, do đó khí quyển không lọc được các tia cực tím, một trong các tác nhân gây bệnh ung thư và các tác hại khác...

Sự ô nhiễm môi trường còn làm cho nhiều loài sinh vật bị diệt chủng ( có khoảng 5000 loài đã và đang bị tiêu diệt mỗi năm). Điều này có thể đe doạ cả đến quá trình tiến hoá của loài người, bởi lẽ con người được hình thành và phát triển trong thế giới phong phú và đa dạng của nhiều loài sinh vật; ngày nay khi sự phong phú và đa dạng đó không còn nữa thì quá trình tiến hoá và thích nghi của con người sẽ ra sao, hậu quả như thế nào, chưa ai có thể biết trước !? Sau bao thế kỷ, con người đã khai thác thiên nhiên một cách vô ý thức, thì giờ đây đã đến lúc, loài người phải sực tỉnh cơn mê, khi biét rằng tài nguyên thì hữu hạn và môi trường sống loài người đang bị ô nhiễm nặng nề. Tai hoạ không thể lường hết được : băng tan ở hai đầu điạ cực có thể nhận chìm toàn bộ điạ cầu, tầng ozone thủng có thể làm cho cả nhân loại nhiễm phóng xạ,....

3.VŨ KHÍ HẠT NHÂN :

Có lẽ ai cũng thấy được hiểm hoạ này, chỉ cần 1% số vũ khí hạt nhân của Mỹ và Liên Xô (trước đây) cũng đủ gây ra những thiệt hại không thể bù đắp cho nền văn minh của loài người. Hơn lúc nào hết, tất cả các quốc gia phải ý thức rằng số phận của mình gắn bó nhau trong mối quan hệ mật thiết vì sự sống còn của nhau. Mặc dù nguy cơ chiến tranh không phải đã hoàn toàn bị dập tắt, nhưng vấn đề này đã được các nhà lãnh đạo thế giới suy nghĩ một cách nghiêm túc. Các hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân đã đạt được giữa Liên Xô và Mỹ , cũng như sự chấm dứt chiến tranh lạnh sau gần một nửa thế kỉ chạy đua vũ trang, các điểm nóng thường xuyên chiến tranh ( Trung Đông ) nay phải bắt đầu đi tìm con đường đàm phán hoà bình, là những tín hiệu cho một thế giới hoà bình hơn. Điều đó khiến ta hiểu được thái độ cứng rắn của Bắc Hàn , đã có lúc không cho quốc tế kiểm soát lò hạch tâm, khiến cả thế giới lo ngại đến hiện nay.

4. VẤN ĐỀ CON NGƯỜI :

Khi những mâu thuẫn, khác biệt về ý thức hệ, về màu da, về dân tộc... được đẩy lên đến cực điểm trong thế kỉ 20, thì đó cũng là lúc xuất hiện một nhu cầu mới về nhận thức : phải đặt các mâu thuẫn đó trên một căn bản tư tưởng nào, trên một nền tảng hiểu biết nào, trên những điểm chung nào... mà căn cứ vào đó, con người có thể giải quyết các mâu thuẫn và hoá giải được chúng ?

Nền tảng đó không gì khác hơn là Con Người .Dĩ nhiên vấn đề con người cũng còn được nhìn dưới nhiều lăng kính khác nhau, nhưng tựu trung đó là một nhu cầu cấp bách của nhận thức. Nếu còn mơ hồ về lịch sử con người, về bản chất người thì chưa thể nói chuyện giải quyết các vấn đề của con người được. Sự thất bại của lịch sử hàng ngàn năm qua cũng như hiện nay trong mưu cầu xây dựng một xã hội lý tưởng với những con người lý tưởng chẳng là một minh chứng hùng hồn đấy ư ?

Triết gia Heidegger, sau khi tổng kiểm thảo tư tưởng Tây phương, đã cho thấy sự thất bại là ở chỗ quan niệm về con người đã bị lệch lạc : “ Thể tính con người được thẩm định quá đỗi nghèo nàn. Siêu hình học suy tư con người khởi từ animalitus ( động vật tính), mà không suy tư theo hướng humanitas (nhân tính) của con người” Heidegger, Thư về nhân bản chủ nghiã, bd Trần xuân Kiêm, Sáigòn, 1974

Siêu hình học Tây phương đã quên lãng nhân tính ( theo Heidegger), vấn đê cốt lõi của chủ nghĩa nhân bản. Thành tưụ nhân tính làm cho con người trở thành người đúng nghiã Homo Humanus (con người nhân tính), chứ không phải Homo Animalis (con ngươi vật tính ) : “ ...chủ nghiã nhân bản cốt yêu là suy tư và canh giữ sao cho con ngươi có nhân tính chứ không phải phi nhân tính ” . Heidegger, sách đã dẫn.

Con người ngày nay không phải chỉ là đề tài suy tư của các triết gia, mà nó đã trở thành trọng tâm của mọi chính sách quốc gia. Sư phản tỉnh và đổi mới hàng loạt ở các quôc gia Cộng sản, khởi đầu từ một nhận thức mới về con người, sau bao nhiêu năm chỉ xem con người là vật chất :
“ Đưa con người vào trong mọi quá trình của đời sống chúng ta, đó là cốt lõi của mọi viêc chúng ta đang làm,...xã hội và trước hết là bản thân con người sẽ được tôi luyện lại. Nhiêm vụ quan trọng nhất hôm nay là nâng con người dậy vê mặt tinh thần, bằng cách tôn trọng thế giới bên trong của họ, củng cố lập trường đạo đức của họ ” Gorbachov, Cải tổ và tư duy mới đôi với nước ta và thê giới, bd của nxb Sự thật, Hà nội,1988

Hơn thế nữa, toàn bộ chính trị thế giới và lịch sử phải được xem xét lại dưới một quan điểm mới, đặt nền tảng trên con người :
“ Lần đầu tiên trong lịch sử, việc lấy các chuẩn mực luân lý, đạo đức có tính toàn nhân loại làm cơ sở cho chính trị quôc tế, việc nhân tính hoá, nhân đạo hoá các mối quan hệ quốc tế đã trở thành một đòi hỏi có tính sống còn ” Gorbachov, sđd

Con người ngày nay đã trở thành một giá trị, một chuẩn mực cho các mối quan hệ quốc tế : sự phản đối, tẩy chay của thế giới đối với chế độ phân biệt chủng tộc tại Nam Phi, và đối với vụ đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn ( Trung quốc ), lời sám hối trong di chúc của lãnh tụ Trung quốc Đặng Tiểu Bình về vụ Thiên An Môn, là những ví dụ cho thấy sự thức tỉnh của loài người về các giá trị con người. Việc xem vấn đề nhân quyền như một tiêu chuẩn trong các mối quan hệ bang giao quốc tế là một tiến bộ thực sự của lịch sử. Dù còn có những tiếng nói khác nhau về nội dung của nhân quyền, nhưng ta cần phải nhớ rằng mãi đến ngày hôm nay, tức là đã trải qua hơn hai triệu năm lịch sử loài người, vấn đề nhân quyền mới được đưa vào chính trị quốc tế. Không chỉ trong chính trị, con người ngày nay còn là mục tiêu chính yếu của các ngành khoa học : mọi khoa học đều phải nhắm vào hướng này, nếu không con người sẽ mất phương hướng, phục vụ cho chiến tranh, cho các phe nhóm, các cuộc tranh giành quyền lực.

II. NHẬN THỨC MỚI

Nếu một lúc nào đó trái đất bị bom nguyên tử làm nổ tung, hoặc bị chìm ngập dưới nước biển do băng tan ở hai đầu địa cực thì không hiểu có còn ai đặt “ vấn đề cơ bản của triết học, duy tâm hay duy vật, cuộc chiến ai thắng ai ?...” nữa hay không ? Điều đơn giản như thế mà không phải ai cũng nhận ra. Đúng là một “ sự khốn cùng của triết học ”. Tính chất khẩn thiết và toàn cầu của các vấn đề vũ khí hạt nhân, bùng nổ dân số, bùng nổ thông tin, nhân quyền và dân chủ, sự trổi dậy của tinh thần dân tộc,...buộc triết học phải ngắm lại mình. Có lẽ lời kêu gọi thiết tha hiện nay là hãy thôi đi những lý luận siêu hình về Thượng đế, về vật chất với tinh thần,..mà phải biết rằng nếu không có con người thì chẳng có vấn đề gì hết. Nói như Karl Marx, thì triết học xưa nay chỉ giải thích thế giới, còn bây giờ thì cần phải biết cải tạo thế giới.

Triết học hiện đại :

Triết học ngày nay phải lấy CON NGƯỜI, chứ không phải VẬT CHẤT, hay Ý THỨC gì cả, làm nền tảng cho mình, làm xuất phát điểm, là nguyên nhân đầu tiên và là mục đích cuối cùng để giải quyết mọi vấn đề xung đột, để con người được sống thành Người...

Nói cho công bằng, xưa nay vẫn không thiếu những tham vọng giải quyết những vấn đề của con người, nhưng thảm kịch cũng là ở chỗ đó : có quá nhiều người muốn trở thành đấng Cưú Thế. Muốn cứu thế, muốn giải quyết các vấn đề của con người, nhưng người ta lại chỉ thấy con người là vật chất, là tinh thần, là con của Thiên chúa, là động vật .....Tất cả những lý giải đó chỉ làm giản lược, nghèo nàn con người đi, chúng chỉ cung cấp một mớ kiến thức rời rạc về con người mà không cho chúng ta biết con người là gì cả. Một khi không biết con người là gì mà lại nói đến chuyện giải phóng nhân loại thì thật là một chuyện phiêu lưu nguy hiểm. Lịch sử hiện đại càng chứng minh rõ hậu quả thảm hại của các cuộc cải cách phi nhân đó !

Như vậy, việc đầu tiên là phải có một nhận thức mới, toàn diện về con người thay cho các nhận thức đã lệch lạc trước đây. Tuyên bố Vancouver năm 1989, do một nhóm các nhà khoa học và tư tưởng đưa ra, sau khi phân tích về tình trạng hiện nay của hành tinh chúng ta, đã đi đến một kết luận là nguyên nhân quan trọng của sự khủng hoảng nhận thức nằm ở chỗ con người không biết đúng giá trị và vai trò của mình trong thế giới. Tuyên bố viết :
“ Việc làm nghèo đi quan niệm về con người bằng cách tước bỏ các khiá cạnh khác của con người phù hợp với quan niệm vũ trụ như một cỗ máy, và con người chỉ là một cái bánh xe trong cỗ máy ấy.... Tuy nhiên những tiến bộ về khoa học trong thế kỷ này cho thấy quan niệm máy móc ấy về vũ trụ là không thể bênh vực được về mặt thuần tuý khoa học. Do đó cơ sở duy lý của quan niệm cơ giới này không còn giá trị ” Tuyên bố Vancouver, Tạp chí Người đưa tin Unesco tháng 9/1990

Vậy thế giới cần phải có một nhận thức mới toàn diện về con người, thấy con người như là cái nó là, xem con người là điểm xuất phát và điểm kết thúc của mọi hành động lịch sử. Quan điểm này gọi là quan điểm nhân loại học ( anthropology ).

Quan điểm nhân loại học ngày càng được khẳng định trong các ngành khoa học, nó đang chi phối mạnh mẽ con đường phát triển của các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Một trong những hướng phát triển của nền khoa học hiện đại là mô phỏng sinh học, phỏng theo các cấu trúc sinh học, chẳng hạn :
* Trong kiến trúc : lấy các kích thước của con người làm chuẩn mực để thiết kế nhà cửa, không gian, vật dụng, tiện nghi...
* Trong quản trị xã hội: mô hình quyền lực kim tự tháp, dựa trên mối quan hệ một chiều từ trên xuống dưới đã bộc lộ những khuyết điểm trầm trọng, vì trong đó con người bị giản lược trở thành một con vật biết vâng lời, nhân chủ tính không thể phát triển được. Sự sụp đổ hàng loạt các chế độ độc tài tại các quốc gia, là một ví dụ rõ ràng. Thay vào đó là mô hình mạng nhện, khởi đầu đi từ ngành Tin học -Informatics - trong đó các mối quan hệ là đa phương với nhiều luồng thông tin phản hồi (feed back), với hệ thống trung tâm điều hợp, tỏ ra hữu hiệu và đa năng đối với thời đại.

Trong một tương lai không xa, mô hình sinh học này sẽ được cải tiến trở thành mô hình sinh học người, phản ánh tính chất đặc thù của người so với động vật .

Đó là lý do tại sao chúng ta phải đi tìm một tư tưởng chủ đạo cho thời đại, một căn bản tư tưởng để y cứ vào đó, giải quyết các mâu thuẫn xã hội. Trên cơ sở đó, người viết đặt lại một số vấn đề trên căn bản tư tưởng Việt, góp phần ôn cố tri tân và tìm một hướng giải quyết triệt để, toàn diện cho các vấn đề có tính toàn cầu và thời đại.

Bài này chỉ nêu lên cái yêu cầu bức thiết của thời đại và đất nuớc chúng ta. Để tìm lời giải đáp, chúng tôi sẽ từng bước khai quật lại một phần tinh tuý của những trang huyền sử, thông điệp của người xưa, vốn đã hàm chứa, ẩn tàng những tư tưởng tinh hoa cổ Việt để cùng nhìn lại lối đi mờ ảo trong bức dư đồ cũ, để có thể thấy con đường tiến vào kho tàng kỳ diệu trong thế kỷ XXI.

III. ĐI TÌM TƯ TƯỞNG VIỆT:

Mảnh đất Việt nam, ngã ba giao lưu quốc tế, cũng là nơi gặp gỡ của nhiều luồng tư tưởng, nhiều nền văn hoá... như các nhà nghiên cứu lịch sử, địa lý, dân tộc học, xã hội học, văn hoá học...đã có nhiều nhận định về vị trí đặc thù của nước ta. Nhưng có lẽ ý kiến của Olov R.T. Jansé, tác giả quyển Nguồn Gốc Văn Minh Việt Nam được nhắc đến nhiều vì tính cách dung hoà của nó : “ Việt Nam là ngã tư đường nơi gặp gỡ của nhiều dân tộc và nhiều nền văn minh ”. Nhưng cũng tại nơi đây, sự cọ sát các nền văn minh, đôi khi đưa đến các cuộc tương tranh máu lửa, nơi chứng kiến sự thất bại, có khi thảm bại, của những nỗ lực xây dựng những thiên đường ảo tưởng, dựa trên những nhận thức thiếu sót về con người. Vấn đề Việt Nam không thể tách khỏi các vấn đề chung của nhân loại hiện nay, mà yêu cầu cấp bách về mặt tư tưởng là một quan điểm nhân loại học. Yêu cầu này thúc đẩy chúng tôi ôn cố để tri tân, và thật là một điều kỳ diệụ, tổ tiên của chúng ta từ ngàn xưa đã có những nhận thức có thể làm nền tảng cho một triết học mới của thời đại, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa người với người, người với tự nhiên và xã hội.

Nhiệm vụ chúng tôi tự đặt cho mình ngày hôm nay là tìm lại tinh hoa tư tưởng Việt dưạ trên cơ sở nhân loại học, sinh thái học, và chủ nghiã nhân bản hiện đại, để góp phần vào việc xây dựng một nhận thức mới làm cơ sở tư tưởng cho công cuộc phục hưng và hiện đại hoá đất nước ở ngưỡng cửa thế kỷ 21. Để làm được việc đó, trước hết cần phải phá vỡ một bức tường thành kiến, khá kiên cố, hình thành cả trăm năm nay: có tư tưởng Việt hay không ?

3.1. Có tư tưởng Việt hay không ?

Bàn về điều này, sẽ không ít người (nhất là giới trí thức ) ngạc nhiên vì Việt nam làm gì có tư tưởng nào. Xưa nay vẫn quen nếp nghĩ như thế. Một số người khác lại tìm tư tưởng Việt qua Trung hoa (các quốc gia tiểu gia đình Khổng giáo ! ), Ấn độ, Tây phương (Nho, Phật, Lão, tư tưởng dân chủ, tự do, chủ nghia Mác, tư tưởng gì gì đó.....).Đó là một sự thật đáng buồn !.

Đành rằng Nho, Phật, Lão đã được tiếp nhận, thâu hoá và trở thành một phần của đời sống tinh thần dân tộc, nhưng ta phải tự hỏi người Việt đã tiếp nhận các tư tưởng ấy như thế nào ? Tiếp thu một cách máy móc, thụ động, nô lệ hay có cải biến, sáng tạo, dung hoá ?

Nho sĩ Việt có khi chẳng “trung quân” gì cả, như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, hết lòng tận tụy giúp cho triều đại “phản nghịch” của vương triều nhà Mạc;… Ngô thì Nhậm, Phan huy Ích là trọng thần nhà Lê nhưng lại theo phò nhà Tây Sơn. Phật Việt Nam như vua Trần Nhân Tông, tổ sư Thiến phái Trúc Lâm, lại còn là một anh hùng dân tộc, lãnh đạo thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống Mông Cổ; Phật Thầy Tây An bôn ba vì quốc sự, dốc lòng đánh Pháp dành độc lập cho nước nhà. Lão tử sang Việt nam cũng trở thành một Lão tử hiển hoà, dưới hình ảnh ông tiên, ông Phúc, Lộc, Thọ chứ không phải là một Lão tử rất khôn ngoan, rất biện chứng như một mẫu mực cho các chính khách Tàu kiểu Khổng Minh, Trương Lương...

Như vậy, các tư tưởng từ bên ngoài đến với con người Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, đã được tổ tiên ta tiếp nhận một cách có chọn lọc, đó là dấu hiệu cho thấy rằng tổ tiên chúng ta đã có một căn bản tư tưởng “ bản điạ”khá vững vàng, trước khi giao lưu với thế giới. Chính tư tưởng “bản điạ” này đã hướng dẫn cách thức thâu hoá, “tiêu hoá” những tư tưởng từ ngoài đến.

Thế nhưng có người sẽ hỏi : sao chẳng thấy quyển sách nào về tư tưởng Việt nam cả ? Điều này có những nguyên nhân của nó như sau :

a> Nguyên nhân khách quan

Nhìn về quá khứ ta thấy suốt chiều dài lịch sử dân tộc ta là lịch sử trường kỳ chiến đấu chống ngoại xâm. Sự thật cực kỳ hiển nhiên về sự tồn tại của dân tộc Việt, cũng là sự thật con người Việt Nam đã phải vượt thắng tất cả mọi nghịch cảnh bi thương, phải đối phó với âm mưu xâm lược và đồng hoá hết sức tinh vi và thâm độc của Tàu. Mà hướng đi lịch sử của Tàu xưa nay là bành trướng xuống phiá nam, đồng hoá các dân tộc nhỏ yếu hoặc thất trận. Có thể thấy cả một khối Bách Việt rộng lớn, gồm Âu Việt, Mân Việt,... chiếm giữ toàn bộ vùng đất Trung Hoa ở phiá nam sông Dương Tử đã lần lượt bị Tàu chinh phục và đồng hoá suốt mấy ngàn năm nay. Cho đến bây giờ, dã tâm của noì Hán vẫn chưa chấm dứt, vẫn được tiếp tục thực hiện tại Tây Tạng, và vẫn còn nhòm ngó xuống vùng Đông nam Á.

Đặc điểm sự bành trướng của Tàu, là xem tư tưởng của người Hán vừa là phương tiện vừa là mục tiêu của sự xâm lược. Tàu đã dùng tư tưởng và học thuật của mình để hớp hồn và thuần hoá phần lớn tầng lớp nho sĩ, trí thức của ta. Thực ra, cái mà Tàu truyền bá sang đây chỉ là những cái có lợi cho Tàu. Không nói đến cái học kinh bang tế thế, các học thuật cao cấp… chỉ nói đến những cái thực học tầm thường nhỏ mọn như làm bánh bao, lạp xưởng, xí mại, làm chum vại... cũng được giữ kín tuyệt mật như quốc bảo !. Song song với việc truyền bá học thuật của mình, là việc tiêu diệt văn hoá của người, một cách qui mô, kiên trì và chặt chẽ. Mã Viện sau khi đánh thắng Hai Bà Trưng đã thu hết trống đồng, sản phẩm văn hoá đặc trưng của dân tộc Việt. Đến nhà Minh , sau khi diệt nhà Hồ cũng lại tịch thu và thiêu huỷ các sử sách của ta, trong đó có những thành tựu về tư tưởng của các thiền sư thời Lý, Trần, của các nho gia như Chu văn An, về khoa học và nghệ thuật quân sự của Trần Hưng Đaọ,....

Ngô Sĩ Liên viết :
“…Binh tung sang, căm lũ giặc Minh, giáo gươm đầy đất
Lửa đốt sạch, thương ôi vận nước, sách vở đi đời,
Muốn tìm sự tích sau cơn khói lạnh tro tàn,
Thật rất khổ tâm về nỗi nét sai, chữ sót…”
Có lẽ phải đọc cái “sắc chỉ mười điều” của Thành tổ nhà Minh gởi cho viên tướng viễn chinh là Chu Năng tiến quân vào xâm lược nước ta thì mới hiểu hết cái ý đồ hủy diệt văn hoá của bọn bành trướng phương Bắc. Sắc chỉ ngày 21 tháng 8 năm 1406 viết : “ một khi binh lính vào nước Nam,… hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến các loại ca lý dân gian hay sách dạy trẻ nhỏ… một mảnh, một chữ, đều phải đốt hết. Khắp trong nước, phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa cho đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ chớ để còn…” Thật rõ ràng, triệt để. Dường như họ đã chuẩn bị để sau này con cháu họ khai quật lên dưới lớp địa tầng thì cũng chỉ còn có bia Hán, mộ Hán và xương người Hán ở xứ này !!!

Chúng ta cũng không thể quên tên vua Tống đã gởi cho xứ sở ta thứ văn chương sặc mùi Nghiêu Thuấn này : “ Trung quốc đối với các nước man di cũng như thân thể đối với chân tay. Giao Châu của người ở cuối chân trời, ngoài chín cõi, nếu so cới thân người thì chỉ như một ngón tay… Dù chỉ một ngón tay đau, thánh nhân lẽ nào không chữa?… Đất nước nóng bức sương khói mù mịt thì ta tung mây vua Nghiêu để tưới mưa ngọt, nước người khí độc dưới biển bốc lên, lửa đốt nắng thiêu thì ta gảy đàn vua Thuấn để quạt gió hoà… Ngươi haỹ tới để chịu làm tôi, đừng để vạ xảy đến…”

Nền văn hoa, văn hiến của ông cha ta là những gì còn lại sau đám tro của khói đốt nhà, lửa đốt sách, dưới mây vua Nghiêu, tiếng đàn vua Thuấn như vậy đó. Cầm một câu, một chữ của cha ông để lại, chúng ta chẳng thể vô tình !

Do đó, các văn bản, thư tịch, sản phẩm văn hoá... của ta đã bị tiêu hủy gần hết. Muốn tìm hiểu tư tưởng Việt phải tìm ở hướng khác.

b> Nguyên nhân chủ quan

Trước hết, cần phải thừa nhận một điều là não trạng của dân ta có lẽ giỏi tiếp nhận, sửa đổi, chế biến hơn là sáng tạo, phát minh. Nguyên nhân tại sao, chúng tôi chưa dám phân tích. Xin để dành cho các nhà khoa học chuyên ngành.

Thế nhưng điều đáng nói không phải ở đó, người Nhật bản cũng không có nhiều phát minh sáng tạo, nhưng ngày nay, họ hơn chúng ta quá xa về mọi mặt : văn hoá, kinh tế, khoa học kỹ thuật,... đặc biệt trong vấn đề bảo tồn và phát huy dân tộc tính. Bất cứ ai trên thế giới cũng có thể cảm nhận thấy cái tinh thần, sắc thái dân tộc, tính cách Nhật qua các món hàng mình sử dụng, từ con búp bê, cái radio cassette, TV., cho đến xe cộ,... tất cả đều tỏa ra một sắc thái Nhật bản. Vậy thì phải chăng nguyên nhân khiến tinh thần Việt không lớn mạnh được chính là sự tự diệt vong về văn hoá, đặc biệt được tiến hành bởi thành phần gọi là “ trí thức” trong xã hội, thành phần có vai trò lãnh đạo tư tưởng cho dân chúng, xưa nay.

Từ cuối thời nhà Trần chúng ta đã chứng kiến sự trưởng thành của tầng lớp đó. Lớp người mất gốc này khâm phục Thiên triều đến độ đòi Hán hoá nòi Việt, cho được văn minh bằng Tàu. Bọn “trí thức” đó đã bị vua Trần Minh Tông mắng đích đáng :
“ Nhà nước đã có phép tắc nhất định, Nam, Bắc khác nhau, nếu nghe theo kế của bọn học trò mặt trắng thì sinh loạn ngay ”_Đại Việt sử ký toàn thư.

Nhưng bất hạnh thay cho dân tộc ta, sau khi danh thần Nguyễn Trãi mất đi, lớp người ngụy trí thức đó lại là phát ngôn nhân chính thức của các triều đại suốt từ đó đến nay. Suốt 500 năm nay, vận mệnh dân tộc đều do bọn đó khuynh loát, lèo lái. Hết sùng bái Tàu, thì lại sùng bái Tây phương, hết dùng cặp kính của Hán Nho, Tống Nho thì lại dùng đến các cặp kính ISME của Tây phương để đưa đất nước vào con đường suy vong. Từ chỗ dập đầu khấn vái Tam Hoàng, Ngũ Đế của Tàu, đến học thuộc lòng câu “ tổ tiên chúng ta là người Gaulois ”, rồi gần đây lại phát minh ra rằng dân tộc Việt Nam chỉ mới hình thành từ năm 1945 ! - Theo Staline, thế giới chỉ có 2 loại hình dân tộc, là loại tư sản và loại xã hội chủ nghia, mà ở Việt nam thì chưa có chế độ tư bản, cho nên bọn nguỵ trí thức này mới nói rằng, dân tộc Việt nam mới hình thành năm 1945 cùng với sự thiết lập chế độ xã hội chủ nghiã. Có lẽ trước 1945, ở mảnh đất này, chỉ có một bầy sinh vật hai chân mà thôi !!!

Cụ Phan Chu Trinh đã mắng vào mặt bọn người trí thức mất gốc đó qua bài thơ thống thiết Chí thành thông thánh :
“ vạn dân nô lệ cường quyền ha
bát cổ văn chương tuý mộng trung
trường thử bách niên cam thoá mạ
bất tri hà nhật xuất lao lung ”

tạm dịch là :
( Muôn dân bị nô lệ dưới bạo quyền, thế mà vẫn mộng mị trong chữ nghia, suốt đời bị mắng chửi, biết bao giờ mới thoát khỏi gông cùm.) dịch thơ :
Muôn dân nô lệ vòng cường bạo,
Tám vế văn chương giấc ngủ nồng,
Há chịu trăm năm người chửi mắng,
Thả trôi ngày tháng kiếp cùm gông,"\\ LVT.
Thật là những lời phê phán đích đáng cho cái tinh thần nô lệ tôi đòi, chỉ thích trích “tầm chương trích cú”, viện dẫn sách vở, biết ngày nào mới thoát khỏi gông cùm của sự nô lệ tư tưởng.

3.2) Tìm tư tưởng Việt ở đâu ?

Trước sự tiêu diệt của ngoại địch cũng như nội địch, thì chúng ta hẳn không thể nào tìm thấy tư tưởng Việt trên mặt tầng văn hoá được ( tức trên sách vở, thư tịch ...) được mà phải ngụp lặn vào đáy tầng văn hoá (tức huyền sử, dã sử, nếp sống, phong tục...), vì tư tưởng Việt chỉ còn một cách lưu truyền cho đời sau là mượn hình thức truyền thuyết, dã sử hoặc hoá thân thành nếp sống, lễ nghi, phong tục...Tìm hiểu các truyền thuyết và phong tục không phải là một chuyện không căn cứ, vì phần nhiều các tư tưởng lớn của nhân loại đều được lưu truyền bằng hình thức này : Kinh Thánh cho ta thấy tinh thần Do Thái, Kinh Vệ Đà cho thấy tinh thần Ấn Độ... Nếu các hành động bột phát, cũng như các giấc chiêm bao phản ánh cõi vô thức, tiềm thức với những ẩn ức dồn nén, những ước mơ thầm kín.. của tâm lý mỗi con người thì truyền thuyết và văn hoá dân gian chính là cái tiềm thức và vô thức của mỗi dân tộc vậy.

Để đi tìm tư tưởng của tổ tiên, loạt bài nghiên cứu sau, chúng tôi xin phân tích một số truyền thuyết mà chúng tôi cho rằng nó nói lên những nét đặc trưng của tư tưởng nhân văn Việt Nam, mà cũng là những nét chủ yếu của tư tưởng nhân văn hiện đại đang được hình thành trên thấ giới. Việc lựa chọn này, đã có người làm trước chúng tôi .(Xem Nguyễn việt Hồng, Tinh hoa tư tưởng cổ Việt, Tạp chí Tư Tưởng ).

Phần đóng góp của chúng tôi là làm sáng tỏ các tư tưởng của tổ tiên dưới một nhận thức mới, dựa trên các hướng tiếp cận của sinh thái học, nhân loại học...

IV. TƯ TƯỞNG VIỆT và THỜI ĐẠI MỚI :

1) VŨ TRỤ QUAN VIỆT :

Vũ trụ quan dân tộc nào cũng thế, thủa sơ khai đều có những thần thoại giải thích sự hình thành của thế giới, của tạo vật, sự vận động của tự nhiên như sấm chớp, mây mưa... Người Việt cũng vậy, nhưng đặc biệt là trong kho tàng ấy, không có hình ảnh ông Thượng đế nào nặn ra thế giới này cho người Việt phụng thờ. Vai trò thần linh trong thần thoại Việt khá lu mờ, mà thay vào đó là vai trò của người.

Hãy xem truyện Ông Trụ Trời:
Lúc trời đất còn mờ mịt, hiện ra một vị thần to lớn đầu đội trời, chân đạp đất, vác đá làm thành một cái cột to, cao chống trời lên để phân chia trời, đất. Trời như vung úp, đất như mâm vuông, chia làm bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Khi chống trời rồi, thần sai phá cột đi, ném đất ra tứ phía tạo thành đồi, núi, đảo... khiến mặt đất trở thành cao thấp, chỗ đắp cột cũ trở thành biển. Dân gian truyền khẩu lại công việc của thần như sau :
Nhất ông ném cát
Nhì ông tát bể
Ba ông kể sao
Bốn ông đào sông
Năm ông trồng cây
Sáu ông xây rú
Bảy ông trụ trời

Ông thần yêu lao động trên kia không ai khác hơn chính là con người, tự lực tự cường, từ nền văn minh sơ khai, đã vươn lên săn hái (ném cát, đá để giết thú vật), bắt cá, đánh cá (tát bể) sang nông nghiệp : xem thiên văn (kể sao), trị thủy (đào sông), trồng cây, làm nhà định cư (xây rú). Cuối cùng là trụ trời, tạo ra một cột mốc, nối liền trời - đất -người. Cột này chính là con người, chủ thể của mối quan hệ trời đất người. Vai trò con người ở đây đã được nhận thức đúng đắn. Về góc độ văn hoá, chuyển biến từ thần thoại sang nhân thần thoại là một bước tiến tối quan trọng, đưa con người từ chỗ nô lệ, bị khuất phục bởi tự nhiên sang địa vị làm chủ vũ trụ ( dĩ nhiên, mức độ làm chủ còn tùy thuộc vào trình độ văn minh của mỗi thời đại), hoàn toàn không có sự can thiệp của thần linh.

Nguồn gốc vũ trụ còn được diễn tả một cách uyên áo hơn qua truyện Sách Ước :
Thần Tản Viên cứu sống một con rắn nước. Rắn chính là hoàng tử dưới thủy cung nên thần được mời xuống thủy phủ. Khi về, được Long Vương- vua thủy phủ tặng cho quyển sách ước. Sách không có chữ nào cả. Khi đặt tay vào sách mà khấn, thì được y nguyện, có thể khiến sấm sét giữa trời quang mây tạnh, hoặc làm cho cả rừng cây di động.... Sách trắng tinh là ý muốn nói lên tính chất vô nguyên, vô hạn, vô danh của vũ trụ :
Vô danh thiên điạ chi thủy
(Đạo đức kinh)
Tự nhiên không có điểm bắt đầu, không có ngày tận diệt, tức vô thuỷ vô chung, bao gồm vô hạn chất và vô hạn lượng, luôn luôn vận động, kết hợp, tác động lẫn nhau (trùng trùng duyên khởi) mà sinh, thành, hoại, diệt theo những quy luật và cách thức cũng vô cùng vô hạn.

Thế nhưng tự nhiên thuần túy chỉ có nơi của vũ trụ mà con người chưa biết đến, còn trong dòng sống của con người thì không hề có cái tự nhiên thuần túy tồn tại khách quan đối với con người, mà tự nhiên chỉ tồn tại trong mối tương quan với con người. Hay ta có thể nói cái biết của con nguời đến đâu thì vũ trụ của con người tới đó. Như vậy ta mới hiễu tại sao khi đặt tay vào sách ước, nghĩ đến sấm sét thì sấm sét hiện ra, nghĩ đến rừng cây thì rừng cây lay chuyển : có con người thì vũ trụ mới có (đối với người). Nhân linh ư vạn vật là như thế, chỉ có con người, chứ không phải loài khác, mới nhận thức được tự nhiên, làm cho không gian có phương hướng, thời gian có bốn mùa, vũ trụ trở nên có ý nghĩa . Nói cách khác, con người đã làm sáng danh tự nhiên. Đó phải chăng cũng là ý nghĩa của việc Thiên Chúa đã giáng sinh thành người mà làm sáng danh Chúa Cha tức tự nhiên; mà cũng là ý nghĩa câu nói bất tử khi đức Phật đản sinh :
Thiên thượng, Điạ hạ, duy Ngã độc tôn.
Ngã ở đây là Người, cái cột trụ nối Trời (tự nhiên) và Đất (xã hội). Nói như vậy, hẳn có người cho là duy tâm. Chúng ta không nên gán cho mỗi tư tưởng một nhãn hiệu nào cả, mà hãy suy nghĩ tỏ tường, cặn kẽ hơn, trước khi đi đến kết luận. Đó là cách làm việc có tinh thần khoa học.

Thế giới mà loài người sống có thể xem là một khối tự nhiên thuần tuý được hay không ? Câu trả lời là “ không ”. Đó chẳng phải là câu trả lời của các nhà triết học cổ điển, mà là của các nhà sinh thái học hiện đại. Trước khi có loài người, thì tự nhiên là tự nhiên thuần tuý, nhưng kể từ khi có loài người thì phải đặt lại vấn đề.

Ta hãy nghe các ý kiến của một nhà sinh thái học nổi tiếng thế giới, ông Michel Batisse, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Liên ngành về Con người và Sinh quyển MAB. của Unesco (Tạp chí Người đưa tin Unesco, tháng 5/91). Cho đến nay, tất cả sự sống mà chúng ta biết đều nằm trong cái gọi là Sinh quyển (biosphère), bao gồm toàn bộ sinh vật trên mặt đất, trong đại dương, và toàn bộ các quá trình trao đổi sinh điạ hoá làm cho sự sống có thể tồn tại.

Tất nhiên loài người là một bộ phận của sinh quyển, nhưng loài người khác các loài khác ở chỗ nó có thể cải tạo lại tự nhiên để phục vụ cho mình nhiều hơn bằng các phương tiện khoa học, kỹ thuật, từ thô sơ như trồng trọt, luyện kim... đến các công nghệ ngày càng phức tạp. Các tiến bộ trên mọi lĩnh vực nông nghiêp, công nghiệp, năng lượng, di truyền.... đã mở rộng phạm vi tác dụng ra khắp bầu sinh quyển, và hình thành nên một thực thể gọi là Kỹ quyển ( technosphère ), tức mạng lưới dày đặc các công nghệ ở khắp nơi trên thế giới. Tiến bộ của công nghệ làm cho dân số gia tăng, điều kiện sống được cải thiện, thúc đẩy sự tiến hoá của nền văn minh; nhưng mặt khác, trả giá cho sự “phát triển” đó là sự tổn thương của sinh quyển : sa mạc hoá, tiếng ồn, bụi bặm, chất thải, phóng xạ, hiệu ứng nhà kính.... Do đó, đòi hỏi phải có một cách thức sử dụng các công nghệ. Nói cách khác, kỹ quyển không tồn tại một cách tự kỷ ( en soi) mà nó tuỳ thuộc vào một quyển khác nữa, là Xã quyển (sociosphère), tức toàn bộ các thể chế pháp lý, chính trị, kinh tế,... tạo nên xã hội loài người. Xã quyển chịu trách nhiệm về sự lưạ chọn và sử dụng các công nghệ, do đó nó có trách nhiệm cứu vãn môi trường. Thế nhưng cứu vãn như thế nào ? Không phải mọi người đều đồng ý với nhau về một phương thức. Các nước nghèo cho rằng các nhà máy ở nước giàu thải ra chất độc hại, làm ô nhiễm môi trường, ngược lại, các nước giàu lại đổ cho các nước nghèo phá rừng lấy gỗ, làm đất đai bị sa mạc hoá. Như vậy, sự quyết định một phương thức lại phụ thuộc vào thế giới các ý tưởng của con người mà ta có thể gọi là Trí quyển hay Nhân tác quyển (noosphère). Chính từ cái trí quyển này mà sinh ra các thành tựu của văn hoá, văn minh; và cũng chính từ đó mà hình thành nên ( bằng một cách khá bí hiểm, kỳ diệu ) các nhận thức, các tập tính và bản chất của loài người.

Qua những ý kiến xác đáng đó, chúng ta thấy môi trường sống của con người không phải là một khối tự nhiên thuần tuý, mà là một tự nhiên trong đó có sự đóng góp của con người, nó là sự pha trộn bốn quyển đã nêu, mà chiều hướng của sự tiến hoá được quy định bởi trí quyển với vai trò ngày càng tăng. Có thể nói, tự nhiên mà chúng ta đang sống ngày càng được trí tuệ hoá.

Sử gia Will Durant nói trí tuệ là một trong những sức mạnh căn bản của lịch sử, cũng là trong ý nghiã đó.

Cuộc hội thảo Vancouver do Unesco tổ chức năm 1989 , quy tụ các nhà khoa học thuộc đủ mọi ngành, đã đánh dấu một bước phát triển của chủ nghiã nhân bản hiện đại. Nhận định về tình trạng khủng hoảng của thế giới hiện nay, Tuyên bố cho rằng nguồn gốc của khủng hoảng nằm ở chỗ quyền lực của con người đã gia tăng đáng kể nhờ những tiến bộ của khoa học, làm cho con người say sưa với quyền lực đó, đến mức đối lập với tự nhiên, và như vậy không còn thấy sự hoà hợp với tự nhiên nữa. Điều này đưa đến một quan niệm què quặt về con người, vì đã không thấy được tự nhiên là một kích thước (dimension) của con người. Ta cũng không thể hình dung được sự hình thành và phát triển của loài người mà lại thiếu vắng tự nhiên.

Như vậy, chẳng hẹn mà nên, vũ trụ quan Sách Ước của tổ tiên ta lại chính là quan điểm tiên tiến nhất của thời đại, đã nhận thấy đúng mức vai trò của con người trong thế giới.

Sống trong tự nhiên, giữa các loài sinh vật khác, nhưng chỉ con người mới có Sử tính vì chỉ nó mới có khả năng tổng hợp cái xa xưa và cái hiện nay, để dự phóng cho tương lai. Tức là chỉ con người mới có biện chứng; nói đến biện chứng của tự nhiên là điều vô lý vì cái tự nhiên ngày hôm nay không hề biết đến cái tự nhiên ngày hôm qua. Nếu không có con người đứng nhìn để nhận định sự kiện này trước, sau sự kiện kia, thì không làm gì có được cái gọi là lịch sử của tự nhiên để đẻ ra chủ nghia duy vật lịch sử, vì lúc bấy giờ tự nhiên chỉ là một chuỗi rời rạc tuyệt đối các sự kiện, như Khổng tử từng nói :
“ Thiên hà ngôn tai, tứ thời hành yên, Thiên hà ngôn tai, vạn vật sinh yên ” tức là trời (tự nhiên) có biết gì đâu, thế mà bốn muà vần xoay, vạn vật sinh sản,.... Đúng như vậy, trời có biết gì đâu để mà nói, chỉ có con người mới nhận thức được bốn mùa, vạn vật...

Đó là ý nghia uẩn súc, ẩn chứa của câu truyện Sách Ước trong huyền sử Việt, là vũ trụ quan sinh học của thời đại, thay cho vũ trụ quan cơ giới lệch lạc, không còn phù hợp nữa.

2) NHÂN SINH QUAN :

Thần Tản Viên còn có tên là Kỳ Mạng, được tiên nữ cho một cây gậy thần có thể làm được nhiều việc. Gậy bằng trúc, có 9 đốt. Một đầu gọi là Sinh, đầu kia là Tử. Cầm vào đốt thứ năm (đốt giữa) mà xoay thì có thể biến hoá được sinh tử, làm cho người chết có thể sống lại... Thần dùng gậy cứu mạng một con rắn bị trẻ con đánh chết, sau đó được Long Vương, cha rắn tặng quyển Sách Ước.

Hình ảnh gậy thần, ta còn gặp cùng với hình ảnh công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử, Triệu Quang Phục với Đầm Dạ Trạch, dùng gậy biến ra đền đài, thành quách, chữa bệnh..; hoặc truyện Từ Thức chống gậy vào cõi tiên.

Những con số trong câu truyện là chín số trong Dịch : số 5 là ngôi Hoàng cực ứng với Người; hai đầu sinh, tử tượng trưng nhị nguyên, âm dương, sáng tối, trời đất, thiên mệnh - nhân vi...

Nắm vào đốt giữa thì làm chủ được sống chết, nói cách khác, chỉ có đứng trên lập trường Người thì mới nắm được cái trục nhị nguyên, không rơi vào cái vòng nhị nguyên luẩn quẩn : hết duy cái này đến duy cái nọ, cả đời chỉ tranh cãi nhau về con gà có trước quả trứng hay quả trứng có trước con gà. Chỉ khi đứng trên lập trường Người, con người mới làm chủ được Trời Đất, (tự nhiên và xã hội), Tâm Vật, thái độ với sống chết..., tức là mới hiểu được những quy luật của tự nhiên.

Chân lý tuyệt đối ở phạm trù Người, ngoài ra không có chân lý tuyệt đối ở đâu cả. Vũ trụ vô nguyên, còn xã hội thì đa nguyên, chỉ có nhất nguyên ở phạm trù Người. Tư tưởng Việt như vậy đã đi vào nhân sinh một nhân sinh đúng nghĩa là sinh mệnh toàn thể của con người. Đứng ở ngôi Hoàng cực, làm chủ cái trục nhị nguyên, tức thực hiện cái sứ mạng của mình. Đó là ý nghĩa hai chữ Kỳ mạng, thực hiện Sử Mệnh Người:
Tận kỳ sở năng
Toại kỳ sở nhu
Chính kỳ sở mệnh
( phát huy hết khả năng, thỏa mãn mọi nhu cầu, thực hiện cái mệnh của mình )
Tư tưởng Gậy Thần như vậy đã đặt căn bản trên con người, tức là đã đi vào nhân sinh rất sớm, nêu chúng ta để ý rằng mãi đến ngày hôm nay, ở nhiều nơi trên thế giới vẫn còn chưa qua được các giai đoạn bái vật và ý hệ đầy cuồng tín, hận thù. Thế nhưng, những ẩn ý, uẩn súc ( những thông điệp siêu ngôn ngữ ) của tổ tiên Việt tộc, đã không được con cháu lĩnh hội thấu đáo, nên khi tiếp xúc với các luồng tư tưởng bên ngoài, đã không có được một căn bản tư tưởng đúng đắn, hoặc xao lãng đi mục đích nhân sinh mà sa đà vào vòng hí luận viển vông, chỉ mải mê cãi nhau về tinh thần có trước vật chất, hoặc vật chất có trước tinh thần.

Tinh thần phi nhị trong căn bản tư tưởng Việt, cùng với vị trí điạ lý đặc biệt : ngã ba giao lưu của thế giới, khiến cho tư tưởng Việt dễ dàng tiếp nhận, đối thoại và hoá giải các luồng tư tưởng khác trên căn bản con người :

Sự hoà hợp tư tưởng là điều dễ nhận thấy nhất. Thời đại Lý Trần đã làm được công cuộc tổng hợp văn hoá là nối kết Tam giáo vào truyền thống dân tộc, làm khởi sắc văn minh Đại Việt bằng những thành tựu tư tưởng của thời đại : là Phật (tâm linh), Nho (xã hội), Lão (tự nhiên). Nhưng cái lõi của sự kết hợp tư tưởng đó là tinh thần nhân chủ của Gậy thần Sách Ước.

Đọc thơ văn thời đó, ta thấy cái sống, chết, lẽ xuất xử ...đã được người xưa giải quyết rất nhẹ nhàng. Khi đã đứng vững trên đôi chân của Người, thì các phạm trù nhị nguyên: sống chết, tâm vật,.. chỉ là những phương diện tương đối của một dòng Sinh Mệnh duy nhất.

Tuyên bố Vancouver mà chúng tôi đề cập ở trên cũng có một ý tương tự :
“ Khắc phục việc phân chia sự thống nhất giữa cơ thể trí tuệ linh hồn, do việc đề cao quá đáng một nhân tố này đối với nhân tố khác, con người có thể tìm thấy bên trong bản thân mình sự phản ảnh vũ trụ và nguyên lý thống nhất tối cao của nó ” _ Tạp chí Người đưa tin Unesco.

Như vậy, qua Sách Ước - Gậy Thần, có thể nói tổ tiên chúng ta đã nhìn thấy căn nguyên của vận động lịch sử nằm trong con người, chứ không phải là sự vận động của vật chất. Không thể tìm quy luật của lịch sử ngoài Sinh Mệnh Người được :
Trở lại hồng hoang khơi nguyệt quật
Dò vào cứu cực nắm thiên căn
Cương thường không ngoại guồng thân mệnh
Giáo dưỡng gồm trong trục vũ văn ”
Lý Đông A, Đạo trường ngâm, Saigòn,1969
Tức là phải nhìn lại 3 triệu năm, từ thủa hồng hoang của lịch sử con người, mới có thể thấy được động lực của văn minh nhân loại nằm trong cái Khả tính Người (tức nhân chủ tính).

Cũng nhờ tinh thần phi nhị mà các bậc trí thức của ta đã giải quyết tốt đẹp mối quan hệ nhập thế xuất thế : Các vua thời Lý Trần thường xuất gia đi tu ở tuổi 40-50, lứa tuổi vẫn còn trẻ trên con đường chính trị. Trần Nhân Tông, Trần Tung, những anh hùng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ, khi hoàn tất việc đời, việc nước, thì từ bỏ công danh nhẹ nhàng như cởi bỏ chiếc áo rách, không phải là việc ngày nay ai cũng làm được. Chu văn An, Nguyễn bỉnh Khiêm là những quan lại cao cấp, nhưng khi không thực hiện được hoài bảo của mình thì cũng sẵn sàng từ quan, vì cái liêm sỉ, tiết tháo, danh dự của người trí thức.

Nhập thế làm chính trị rất tích cực, nhưng khi cần, cũng có thể từ bỏ một cách nhẹ nhàng, tức là làm việc với tấm lòng không cầu (tâm vô dục vô cầu). Nói cách khác, là đã nhập thế với tinh thần xuất thế. Có được nhân sinh quan đó, vì ông cha tạ đã uống nước ở suối nguồn gậy thần, sách ước; cũng như được giáo dưỡng bằng tinh thần vô vi của Lão, thiền của Phật.

Xin đừng phê bình hay kết luận cái tinh thần đó là yếm thế, bi quan, tiêu cực. Nếu không được trang bị tinh thần siêu thoát đó, cách hành xử cao thượng đó, mà cứ hùng hục nhập thế thì, có khi và có lẽ chỉ mang đến tai hoạ cho cuộc đời. Tấm lòng tham lam, thù hận ở nơi bản thân mình chưa cởi bỏ, tâm chưa trong, trí chưa sáng, u mê nơi mình chưa giải phóng được, thì làm sao có thể mang lại hoà bình, an lạc, đại đồng cho thế giới ?

Tôi còn nhớ một câu truyện Thiền như sau : Có một tu sĩ trẻ học đạo với thầy trên núi. Thấy đời nhiều nỗi bất công, đau khổ, chàng bèn xin thầy xuống núi hành hiệp cưú đời. Thầy bảo hãy tu học thêm rồi giúp đời cũng không muộn, nhưng lòng nhiệt thành của tuổi trẻ thôi thúc khiến vị thầy cũng chẳng can ngăn được.

Trước khi chàng tuổi trẻ lên đường ra đi, thầy đem hai báu vật ra tặng, đó là cái kính chiếu yêu và thanh kiếm thần, giúp chàng phát hiện ra yêu quái mà tiêu diệt. Chàng tráng sĩ nhập thế rất tích cực, thanh kiếm thần cứ thế mà vung lên diệt ma, trừ bạo. Thấm thoát đã được ba năm, một hôm chàng nhớ đến thầy, bèn về núi thăm. Đi mất một ngày đường, thì về đến mái chùa xưa. Cổng chùa đóng kín, chàng gọi mãi không thấy ai trả lời. Ra sức đẩy, cánh cổng cũng không mở; chàng bèn ngồi nghỉ dưới một gốc cây gần đó. Trong lúc mơ màng, mới sực nhớ ngày xưa thầy có kể chuyện về cái cổng đặc biệt này, nó không bao giờ mở ra khi gặp các giống yêu ma, quỉ dữ… chàng mới giật mình tự hỏi hay mình là yêu ma, quỉ dữ.

Nghĩ vậy, bèn lấy kính chiếu yêu ra soi mặt. Vừa nhìn vào gương, chàng đã hét lên rồi ngã ra bất tỉnh...chàng đã trở thành quỉ dữ.

Bi kịch của chàng trẻ tuổi kia là bi kịch của cả nhân loại. Nỗ lực giải phóng con người được thực hiện bởi những con người chưa thể giải phóng mình ra khỏi sự mê muội về vật chất, quyền lực, hận thù,.. và bằng những phương pháp có tác dụng nô lệ hoá con người nhiều hơn, chỉ đem lại khổ đau chứ không phải hạnh phúc, như các “ đấng cứu thế ” hằng mong muốn.

Ở những khúc quanh của cuộc đời, tinh thần phi nhị cũng giúp cho người trí thức có những quyết định thức thời, đúng đắn : Phan huy Ích, Ngô thì Nhậm bỏ nhà Lê, theo phò Tây Sơn, Nguyễn Bỉnh Khiêm thi Tiến sĩ và làm quan dưới triều nhà Mạc, hết lời ca ngợi một triều đại bị coi là “ phản nghịch ”. Hẳn cũng phải có biết bao trăn trở, đấu tranh nội tâm, trước khi đi đến một quyết định dứt khoát, trái với tinh thần “trung quân” của Nho giáo như vậy. Nhưng tư tưởng phi nhị đã giúp họ phân biệt được đâu là hướng đi của lịch sử, đâu là lợi ích của một chế độ đang suy tàn : đất nước và chế độ là hai khái niệm khác nhau. Lòng trung nghia ở đây là trung nghĩa với tổ quốc và đất nước chứ không phải với một chế độ hay tập đoàn, bè nhóm.

3) SỬ QUAN VIỆT :

Sử quan Việt được diễn tả qua câu truyện sau :
Vua Hùng muốn truyền ngôi cho người con nào biết bày tỏ lòng hiếu thảo có ý nghia nhất. Lang Liêu được thần mách bảo gạo la cái quí nhất trong trời đất, nếu lấy nó làm bánh hình tròn tượng trời (thiên viên), hình vuông tượng đất (điạ phương), bên trong có nhân, ngụ ý trời đất bao hàm vạn vật thì chắc vua cha rất vui. Lang Liêu nghe lời. Quả thật, vua Hùng thấy không có món nào có ý nghia hơn thế, bèn truyền ngôi cho Lang Liêu.

Câu truyện trên có nhiều ý nghĩa về triết học, về nhân sinh, về văn hóa chính trị. Ở đây chúng tôi muốn nói riêng về triết học nhân sinh : Vuông là biểu hiện không gian gián đoạn; Tròn là biểu hiện thời gian liên tục. Vuông tròn hợp nhất ở bản tính vừa hiện thực vừa siêu nhiên, đó là hai nguồn chính của sinh mệnh tư tưởng Việt, biểu hiện cả một nguồn sống bất tuyệt. Làm bánh dày, bánh chưng phải chăng là chính con người làm cho vũ trụ có một ý nghĩa : lập tâm cho trời đất , làm sáng danh tự nhiên và bánh đó được dùng làm lễ vật dâng lên tổ tiên, tưởng nhớ cả một lịch sử trường kỳ mà người xưa đã hình thành, phát triển, sáng tạo.

Cuối cùng thì cái gọi là trời, là đất kia cũng vào bụng người ta tất cả . Quả là có khia cạnh khôi hài, nhưng lại rất thâm thúy. Không phải đề cao con người một cách cực đoan, chinh phục, khai thác, vắt kiệt thiên nhiên cho những lợi ích trước mắt của mình; sự thâm thúy là ở chỗ, người ta đã quên rằng con người chỉ được hình thành và phát triển trong tự nhiên và xã hội. Không thể quan niệm, khi sinh ra là đã có sẵn thiên nhiên ngoan ngoãn cho mình khai thác, hoặc đã có sẵn xã hội để mà đấu tranh, giai cấp này đàn áp giai cấp kia.

Cho nên, ngày Xuân trong không khí ấm áp, rạo rực của sự hồi sinh của toàn thể tự nhiên, vũ trụ, ăn bánh dày, bánh chưng cùng với tổ tiên ( dĩ nhiên tổ tiên chỉ hưởng hương hoa ) là có ý nhắc nhở rằng, tự nhiên và lịch sử ( tổ tiên ) là chất liệu để con người trở thành người tức Nên Người . Tự nhiên là một chiều kích (dimension) của con người vậy. Ăn bánh dày, bánh chưng, tức thống nhất trời đất vào bụng người nhân tâm .

Thuyết tam tài (thiên điạ nhân) là một đỉnh cao của tư tưởng loài người, cả cho đến bây giờ. Ba phạm trù triết học của nó là thiên, điạ, nhân mà ta có thể hiểu theo thuật ngữ hiện đại là tự nhiên, xã hội, con người. Đó cũng là ba khái niệm căn bản của sinh thái học.

Sự phân chia Tự Nhiên - Xã Hội - Con Người có thể ví như việc chiếu một hình khối lên ba mặt của không gian ba chiều để dễ phân tích vậy thôi, chứ không có Tự nhiên thuần túy, Xã hội thuần tuý, cũng như Con người thuần tuý . Cả dòng sống loài người là kết quả của một quá trình vận động biện chứng thống nhất giữa ba phạm trù đó. Người hình thành và phát triển trong quá trình tranh đấu với tự nhiên, và trong sự chung sống với nhau (xã hội). Người là duyên khởi của tự nhiên và xã hội. Không có Người (viết hoa) thì cái gọi là vật chất tồn tại khách quan chẳng có ý nghĩa nào cả ; không có lịch sử mà chỉ có chu kỳ sinh diệt ; cũng không có xã hội mà chỉ có bầy đàn .

Đồng thời, trong quá trình tạo ra lịch sử và xã hội, người tu chỉnh lại động vật tính , tự nhiên tính của mình để hình thành phương thức sống của người, hình thành cương thường của nhân loại : từ quần hôn đến đời sống gia đình, từ chỗ giết nhau giành ăn đến chỗ hợp tác làm ăn,...nói một cách khác từ nhân đạo sơ khai qua giai đoạn nhân đạo tinh tiến, đến nhân đạo tập thành và như vậy, người tách ra khỏi giới động vật như một tộc loại đặc biệt, tức người trở nên người.

Như vậy đủ thấy , đời sống người là một quá trình đối lập thống nhất biện chứng giữa ba thực thể tự nhiên, xã hội, con người. Trong mối tương quan đó, Người là nguyên nhân và mục đích của xã hội, lịch sử ; còn tự nhiên là chất liệu để thực hiện mối tương quan đó. Có thể nói, lịch sử nhân loại là một nỗ lực không ngừng để thực hiện cái Con Người (viết hoa) trong mỗi con người (viết thường).

Động lực của lịch sử, như vậy không phải là đấu tranh giai cấp, mà là sự thúc đẩy của nhân tính. Hiện thực hoá cái Khả tính Người tiềm ẩn ra các mặt của đời sống : hôn nhân, kinh tế, chính trị,...chính là đường đi của lịch sử nhân loại, tức là Nhân Đạo. Sách Trung Dung có câu :
“ Thiên mệnh chi vị Tính, xuất Tính chi vị Đạo ”
nghia là : con đường đi của loài người là Xuất Tính, hay hiện thực hoá cái Tính Người trên các phương diện của đời sống. Sử gia Will Durant cũng đã nói: “ Lịch sử không được tạo nên từ các ý tưởng, mà bởi nhân tính. Chính cái cương thường của nhân loại đã viết nên hiến chương các quốc gia ” (nguyên văn : The constitution of man rewrites the constitution of nations) Will Durant, Bài học của lịch sử, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê .

Những từ công bằng, tự do, dân chủ trong hiến pháp các quốc gia hiện nay chẳng phải là kết quả của bao cuộc đấu tranh cách mạng đấy ư ? Quyền bình đẳng của người da đen trong Hiến pháp Nam Phi là kết quả của bao thế kỷ sống trong nô lệ tủi nhục. Và gần đây hơn, một điều khoản về quyền con người trong hiến pháp nước Việt Nam cũng là phản ảnh của tinh thần nhân quyền của thời đại, xu thế của lịch sử, hơn là do ý muốn chủ quan của người thảo ra nó.

V. KẾT LUẬN :

Công việc chúng ta làm ngày hôm nay là khai quật lại những tinh hoa tư tưởng của tổ tiên, đã bị chôn vùi bởi kẻ ngoại xâm, cũng như bởi một lũ con cháu lai căng, bội tình (chữ dùng của nhạc sĩ Trịnh công Sơn ).

Khai quật lại, chúng ta mới thấy đó là cả một hệ thống tư tưởng to lớn, tuy đường nét hãy còn chưa rõ, bởi vì được ẩn dấu trong huyền sử, truyền thuyết, trong thông điệp chưa giải mã, bao gồm cả một vũ trụ quan sinh học, một nhân sinh quan phi nhị, và một sử quan nhân chủ. Kỳ diệu thay ! ( có phải vì tấm lòng yêu con người, đất nước thiết tha ?), mà chúng ta lại cảm nhận rõ ràng đó lại chính là tư tưởng mà loài người đang tiến đến trong thế kỷ 21, là điểm hội tụ của những con đường nhận thức khác nhau, từ triết học, đến vật lý học, sinh học, sinh thái học, nhân loại học...

Tư tưởng Việt như vậy, đã báo hiệu một mầm mống của Nhận Thức Mới, nhận thức mà thời đại hiện nay đòi hỏi, để có thể giải quyết được các vấn đề toàn cầu đang đặt ra một cách gay gắt. Đã đến lúc chúng ta phải uống lại nguồn suối ẩn tàng của tinh thần Nhân Chủ bàng bạc trong Sách Ước, Gậy Thần, Bánh Chưng để hệ thống hoá, và hiện đại hoá, giải mã nó trên cơ sở nhân loại học, sinh thái học, và chủ nghiã nhân bản hiện đại; để lấy đó làm trụ cột cho một cuộc tổng hợp văn hoá, tạo dựng một nền tảng tư tưởng Nhân bản và Dân tộc, có thể thống nhất lòng người, làm đà đẩy cho lịch sử tiến bước.

Làm công việc đó, còn thể hiện lòng biết ơn của chúng ta với tổ tiên, vì bên cạnh non sông gấm vóc này, tổ tiên còn truyền lại cho chúng ta những ẩn ý sâu xa, cái tinh thần nâu, lam, tre, sậy…trong huyền sử, trong truyền thuyết, và nếp sống, phong hoá... mà lâu nay cháu con chưa hiểu hết. Đó chính là hương hỏa, là y bát tiền nhân đã trao truyền để soi đường cho sử Việt. Chúng tôi mượn 4 câu thơ sau để kết thúc bài này :
“ Hèm nhận quốc hồn y bát cũ
Sấm trao thần khí vận cơ nay
Kỷ hà sử vạch ngày lau trúc
Phả ký truyền trao tích gió mây”

Phả ký, quốc hồn đã trao, con đường lịch sử đang ở trước mặt, chúng ta hãy cùng đi.

End of preview — remember to saveTop


Page last modified on August 27, 2020, at 12:38 AM