VH.ĐOẠN13CÔNGCHÚAXUẤTHỒNXUỐNGĐỊAPHỦLÒNGTỪBIĐỘTHOÁTNGỤCTÙ History

Hide minor edits - Show changes to markup - Cancel

Added lines 1-41:

13. Công Chúa Xuất Hồn Xuống Địa Phủ, Lòng Từ Bi Độ Thoát Ngục Tù

Mãnh hổ tha công chúa chạy một mạch tới chốn rừng hoang. Công chúa cũng khiếp sợ ngất đi một lúc. Trong lúc mơ màng như lạc vào chiêm bao. Công chúa thấy nơi mình đến là một nơi rất lạ lùng, hoang vắng không có ai để thăm hỏi đường ra, ngờ hoặc nơi này là nơi nào?

Công chúa còn đang bàng hoàng, ngơ ngác bỗng thấy một sứ giả ăn mặc y phục màu xanh, tay cầm một lá cờ lệnh toả hào quang sáng loè khắp nơi, Công chúa hỏi thăm vị ấy thì được trả lời : “Diêm Vương lệnh truyền cho ta đến đây mời công chúa đến thăm Đền Phong Đô?”. Sau đó, vị sứ giả thanh y dẫn Diệu Thiện đi một hồi lâu, vượt qua 18 cửa ngục tù âm u, lạnh lẽo. Công chúa ngạc nhiên hỏi : “ Đây là chốn ở đâu, tên chốn này là gì ?” Thanh sứ cho biết “ Thưa Công Chúa đây là chốn Địa Phủ Âm Ty”. Nàng ngẫm nghĩ hồi lâu đoạn bày tỏ nỗi lòng với vị sứ giả của Diêm Vương : “Chắc là ta cãi lời với cha mẹ, chẳng chịu lấy chồng, vua cha đã giết chết ta rồi, nên ta giờ mới tới đây chăng ?” Thanh Sứ đáp lời : “Thưa công chúa chẳng phải vậy đâu. Đây là lệnh của mười vua Thập Điện muốn rước Ngài xuống thăm chơi mà thôi. Xin mời công chúa hãy tới nơi cho biết sự tình, để sau này còn trở về Dương thế cứu độ chúng sanh, xin công chúa chớ có trì hưỡn”. Diệu Thiện nhanh chân bước theo sứ giả không dám chậm trễ.

Bấy giờ đã đến gần mười tám cửa ngục. Các quân canh ngục đầu trâu, mặt ngựa tỏ ra vui mừng, đứng dàn hàng ngang để đón rước công chúa. Diệu Thiện nhìn vào trong mỗi chốn ngục đường : bên trong tối tăm mịt mùng, mùi tanh hôi bốc ra tận ngoài cửa ngục, gió lạnh thấu xương toát ra khiến công chúa cũng phải rùng mình. Những tù nhân trong ấy kêu rên, khóc than sầu não thảm thiết, kẻ đứng trong người đứng ngoài nhìn công chúa đi ngang bằng đôi mắt van xin, cầu khẩn xin cứu giúp. Diệu Thiện bèn hỏi sứ giả: “Chẳng hay tội lỗi và nghiệp quả của những người ấy như thế nào mà phải bị giam vào chốn này ?”. Thanh Sứ giảng giải tường tận thấp, cao mọi nghiệp quả, tội lỗi mà họ đã làm khi còn sống nơi Dương Thế: “Thưa công chúa , mỗi tội lỗi đã làm đều có ngục tù tương xứng để trừng trị tội nhân.

Kia là ngục tù mà tội nhân đến đấy phải bị ném vào vạc dầu. Xác họ bị ngâm vào chảo dầu sôi sùng sục từ đầu đến chân. Dưới thì lửa đốt cháy phừng phừng nên dầu lúc nào cũng sôi làm cho họ bỏng rát muôn phần đau đớn khổ sở. Đó là những người khi còn sống trên dương gian làm nhiều điều tội lỗi, lòng dạ hiểm độc sâu cay khôn lường đối với đồng loại. Họ lại còn coi thường khinh chê thánh thần, bạo nghịch với Trời Đất, Phật Tiên, bất hiếu với ông bà cha mẹ, phản thầy, hại bạn ..và kia …

Thưa công chúa, đó là ngục Huyết Hồ, một hồ rất sâu chứa đầy máu tanh hôi lạnh lùng. Tội nhân bị thả vào trong ấy, đầu nhận xuống lòng hồ. Nếu như chịu không nổi, cố cưỡng chống lại để thoát ra thì lại bị rắn rết, thuồng luồng trong ấy cắn ngay chẳng tha. Tội của họ làm khi còn sống ở trần gian là phá bỏ bào thai, gian dâm với vợ, chồng của người khác, cả hai cùng phải chịu tội chung. Còn kia là ngục mà tội nhân vào nơi ấy phải bị nằm trên bàn chông bằng sắt, đâm vào da thịt tươm máu vô cùng đau đớn.

Rồi kia nữa đó là ngục Kiếm Thụ, ngục Đao Sơn, trong ngục ấy gươm đao chất từng đống như hàng ngàn núi cây. Tội nhân trong ngục ấy bị đao kiếm xiên đâm vào da thịt máu tuôn xối xả, đau đớn khôn cùng đến ngất đi, tỉnh lại - lại phải chịu hành hình như thế không biết bao nhiêu lần. Họ là những kẻ khi còn sống ở Dương thế đã rủ rê, lừa lọc những người dân hiền lành chất phác, đến nỗi họ phải mất nhà cửa, đau buồn đến chết.

Còn kia là ngục Chiết Kiều, đầu ngục có sông to, muốn đưa tội nhân vào ấy phải đi qua cầu. Quỷ sứ thì luôn tay đánh đập khiến cho không ai chịu đựng nổi đau đớn đều bị té rơi xuống. Cầu cao lại bị sa xuống sông sâu, dưới ấy thì đầy quái vật như chó đồng, rắn sắt tranh nhau cắn xé tội nhân. Họ là những người lúc còn sống đã làm nhiều việc bất nhân như lấp giếng, ngăn sông, phá gia cang của nguời khác làm cho vợ chồng chia lìa, ganh ghét mưu hại những ai thành đạt hơn mình.

Còn bên kia là ngục những kẻ hung dữ, gian ác hay chửi bới người khác ngay cả người thân trong gia đình như: anh, chị, chồng v.v … họ cũng chẳng tha. Họ phải bị quỷ sứ dùng bàn ủi nóng sát vào môi miệng bỏng rát đau đớn.

Còn ngục bên cạnh là ngục Phẫu Tâm. Tội nhân trong ấy bị quỷ sứ bổ xẻ buồng ngực phơi cả mọi thứ bên trong một cách gớm giếc, đau đớn khôn cùng. Tội nhân từng là những kẻ khi còn sống luôn bất hiếu với cha mẹ, ông bà, bất trung với thầy bạn.

Có những ngục, tội nhân trong ấy bị bỏ vào cối, quỷ sứ dùng chày giã nhuyễn chết đi sống lại nhiều lần trông rất thương tâm,và rất nhiều tội nhân bị căng hai tay rồi bị đóng đinh sắt vào vô cùng khổ sở đau đớn. Thanh Sứ cho biết đó là những kẻ khi còn sống phá huỷ kinh sách thánh hiền, làm cho nhân tình ngu muội không biết đường ngay nẽo chánh để họ dễ dàng cai trị, hà hiếp bóc lột

…Còn ở ngục tên gọi Bạt Thiệt thì còn ghê gớm hơn nữa. Tội nhân ở đây bị quỷ sứ dùng kiềm kéo luỡi dài ra máu trào ra trông rất kinh tởm, bởi vì những kẻ ấy khi làm người hay nói điều quanh co đơm đặt hại nguời nói điều vu cáo đảo điên để hãm hại người hiền người ngay.

Còn ở ngục những kẻ hay nói dối để có lợi cho mình làm hại người khác thì phải chịu đựng cảnh quỷ sứ dùng dao bén rạch miệng, hoặc bẻ răng máu chảy dầm dề trông rất ghê sợ, lại có những ngục đầy ác thú chực chờ sẳn trong đó, hễ tội nhân vừa vào trong đó là chúng nhào ra cắn xé moi ruột ra mà ăn. Các tội nhân vào trong đó thường là thợ săn, thuyền chài hoặc những tay đồ tể ở các lò sát sinh.

Bên cạnh là ngục Hoả Xa, tội nhân bị ném vào cho bánh xe nghiền nát, thịt da tan tành máu tươm nhầy nhụa. Đó là những người khi còn sống ỷ thế, cậy quyền, ức hiếp những nguời thân cô, thế cô, những người góa bụa, để cướp đất đai, ruộng vườn, nhà cửa làm cho nguời ta phải khổ sở đến chết. Lại còn những cột đồng ở ngục Đốt Than. Tội nhân buộc phải ôm những cây cột đồng đang cháy đỏ trông rất ghê sợ, da thịt bị cháy xèo xèo họ la hét vì đau đớn nhưng không thể nào buông bỏ ra được. Đó là những kẻ khi còn sống là những người có chức, có quyền tham ô, bạo ngược làm nhiều điều bất nhân để có lợi cho mình.

Sang đến ngục kế đấy, công chúa càng kinh sợ hơn : trong ngục đầy những rắn : nào rắn giun, rắn hổ mang,..đủ loại quấn quanh tội nhân ở đấy, chúng cắn người, hút hết máu lại phun trở lại đầy mặt mũi tội nhân. Đó là những người khi còn sống hay bới móc, chê bai người khác, ghen tuông bóng gió mà làm hại cho người bị chết oan uổng vì mình.

Còn những người khi còn sống coi khinh người thân thích bởi họ nghèo khổ. Không có lòng từ tâm thấy kẻ đói khát lỡ bước, cơ hàn đến nhờ vả vì quá đói khát, họ cũng không mở lòng bố thí cho một chút gì, lòng tham tiền của, lợi danh, khiến họ bo bo giữ của cho riêng mình. Thấy kẻ cùng đường lỡ bước, bệnh tật chẳng hề biết động lòng thương xót, mà còn đem lòng khinh rẻ cười chê. Những kẻ ấy khi chết phải đoạ vào ngục này : bị quỷ sứ dùng cưa sắt cưa xẻ thân mình thành nhiều khúc rồi bị ném xuống hố, phía trên đá ném xuống như mưa làm cho thịt da tan nát, đau đớn vô chừng. Tất cả các ngục hình ở đây đều là nơi đến của những sinh linh lúc còn sống ăn ở thất đức. Nhân nào quả nấy do chính họ tự tạo ra. Khi còn sống ở trần gian kiêu căng, tự thị, không tin có Trời, Đất, Thần, Phật chi cả. Họ không tin rằng có Ngục A Tỳ sau khi chết để họ phải chịu quả báo của từng hành động gian ác mà họ đã từng làm nơi Dương gian. Đây cũng chính là nguyên nhân Thanh Sứ mời công chúa xuống hạ giới tham quan cho biết sự tình để sau này có ích lợi cho nàng trên đường tu học và hoá độ chúng sinh.

Ngục thất mà Diệu Thiện cảm thấy nặng nề nhất là Ngục A Tỳ : tội nhân ở đây bị nhốt trong mấy tầng chông sắt đen sì, tối tăm, lạnh lẽo gồm có nhiều loại. Đó là những kẻ khi còn sống bụng dạ thâm độc, bất lương, hại người. Vào Ngục A Tỳ họ phải chịu biết bao hình phạt nặng nề của cõi âm. Đối với những kẻ khôn khéo, sâu sắc khôn ngoan biết hối hận, ăn năn những lầm lỗi chừa bỏ ác tâm đều được hoá kiếp đi đầu thai. Còn những kẻ lòng dạ sâu độc, thâm hiểm ngoan cố không nhận chịu thì tội lỗi càng dầy thêm. Nhân quả báo ứng không thể nào tốn thoát được. Đã gieo nhân ác thì gặt liền quả báo xấu ác tương xứng không hề nhầm lẫn bao giờ. Họ có thể lừa dối đồng loại, chứ không thể nào dối được trời đất, chư thần cùng sống với con người như Thổ địa, Táo quân cũng nhìn thấy rõ ai là người hiền lành nhân đức, ai là kẻ gian ác bất lương. Đời sống con người ở dương gian chết có một lần. Nhưng ở cõi âm, những người gian ác nhiều tội lỗi phải đền tội bằng cách chết đi, sống lại nhiều lần chịu những quả báo thảm thiết đoạ đày tương xứng với việc ác họ đã làm ở Dương gian”.

Công chúa Diệu Thiện nghe Thanh Sứ giảng giải những điều mắt thấy tai nghe. Nàng bày tỏ mối thương cảm, tội nghiệp cho họ: những linh hồn còn đang bị đày đoạ, đền tội trong địa ngục A Tỳ không biết đến ngày nào mới thoát ra được. Nàng thầm nghĩ và ao ước giá như tù ngục sạch bóng tội nhân. Bao nhiêu tội nghiệp của họ đều được rửa sạch. Nàng cảm thấy trong lòng không yên được nếu như mắt còn nhìn thấy bao tội nhân chịu hình phạt đớn đau, tai còn nghe thấy họ rên la than khóc não lòng …

Công chúa còn đang nghĩ ngợi vẫn vơ thì bỗng thấy có ba người mới đến chốn địa ngục. Cả ba sụt sùi khóc lóc khi nhìn thấy công chúa. Họ vừa khóc vừa trình thưa mọi điều : “Kính bẩm công chúa, chúng tôi phải vào chốn này là vì vâng lệnh vua mà đốt chùa Bạch Tước, giết hại Chư Tăng buộc công chúa không được tu hành ở đấy. Cho nên chúng tôi phải liên can phạm tội như thế này”. Diệu Thiện nghe thấy cảm thương chỉ vì vua cha mà họ phải phạm tội. Nàng cảm thấy mình cũng có trách nhiệm một phần. Công chúa bèn vào xin Diêm Vương tha tội cho ba người. Nhờ công đức ấy, cả ba đều được đi đầu thai trở lại làm người, không phải chịu đoạ dày ở địa ngục nữa.

Theo chân Thanh Sứ, công chúa đi khắp nơi xem xét mọi chốn khổ hình ở cõi âm. Rồi công chúa được mời đến một nơi tên gọi Kim Cầu, chốn ấy khá đẹp. Có Tràng phan, Bảo Cái phất phơ sau trước đền đài. Trên, dưới cửa chính chạm trỗ rồng vàng, mây đỏ bốn phương đứng chầu trông rất lộng lẫy, uy nghiêm. Công chúa nghe thấy tiếng nhạc xôn xao, nàng cũng nghe thấy cả tiếng khóc lóc, của tù nhân ở đấy vọng lại xa xa. Thanh Sứ giảng giải : “ Ở đây người nào có phúc đức sẽ vào điện đẹp đẽ kia và được biệt đãi như khách mời, được ăn uống được nghe đàn sáo sênh ca vui vẻ. Còn những ai vô phúc sẽ được dẫn vào ngục trung tên gọi: Phủ Việt, ở đó tội nhân bị giam giữ tra khảo, đánh đập cho xứng với tội lỗi đã làm”.

Công chúa nghe Thanh Sứ nói cảm thấy xót xa trong lòng, nàng động lòng thương cảm muốn cứu độ họ sớm thoát khỏi hình phạt kia. Công chúa thầm kêu cứu với các vị thần linh trấn giữ trên thượng giới, vừa định tâm khẩn cầu Tam Bảo bằng cách tụng kinh và niệm chú Vãng Sanh. Vua Trời cảm động lòng chí thành, từ bi cao độ của Công Chúa. Lòng từ bi trong suốt tự nhiên biến thành hàng ngàn đoá hoa quý bay lả tả bốn bên thành ngục. Trên dưới các cửa ngục rực ánh sáng hào quang của bảo hoa toả chiếu. Bỗng nhiên những gông cùm, xiềng xích của tội nhân rơi rụng và tan biến khi hào quang chạm đến. Bao nhiêu tù nhân ở các ngục bỗng chốc cảm thấy nhẹ nhõm vì không còn bị xiềng xích, khảo tra nữa, họ nhẹ nhàng bay lên thoát khỏi chốn u minh nặng nề tội nghiệp! Công chúa ngừng niệm chú thì đã thấy vua Thập Điện qua đến nơi. Vua tươi cười chào hỏi:”Mừng công chúa đến thăm nơi đây, công chúa có được hài lòng chăng ?” Diệu Thiện cũng đáp lễ: “Xin cảm ơn Ngài đã cho Thanh Sứ lên đón tôi. Thật là phiền bệ hạ, xin Ngài chớ nhọc lòng xuống chốn này làm gì !” Vua bày tỏ lòng cảm kích của Ngài: “Thưa công chúa lòng từ bi và đức độ của người đã vang xa, đã cảm hoá sinh linh và động lòng Trời Phật. Ngài đã mở rộng lòng thương xót độ trì chúng sinh không phân biệt người nào. Lòng từ bi thuần khiết, vị tha tuyệt đối đó đã làm cho mười tám cửa ngục hình tan biến đi. Chỉ một giờ đại xá mà biết bao sinh linh đã thoát khỏi chốn ngục hình, được siêu thoát về chốn thiện lành hơn”. Bấy giờ mọi người đều hiểu rằng công chúa đã tu niệm thành đạt đạo quả từ lâu. Chính vì thế mà Diệu Thiện đã niệm chú linh ứng, đại nguyện chí thành đã chiêu cảm với thần lực của Chư Phật khiến cho địa ngục chuyển ngay ra cõi tịnh độ tức thời. Vua Diêm Vương đem mọi nghi lễ bày ra: nào bảo cái, tàn lọng bằng vàng. Chư thần ở cõi âm đều đứng hai hàng long trọng đưa tiễn công chúa trở lại trần gian. Tất cả đều theo chân công chúa đến tận sông Nại Hà, là chỗ ranh giới giữa hai cõi âm dương - rồi mới chia tay hẳn.


Page last modified on July 15, 2015, at 08:30 AM