VH.Đoạn2BỒTÁTTIỀNTHÂN History
Show minor edits - Show changes to markup - Cancel
2. Bồ Tát Tiền Thân
Thần miếu thấy sớ đốt lên lập tức hội họp các thần dưới trướng xem xét sự tình nơi thế gian ra sao? Được biết vua Trang Vương lập đàn chay để cầu siêu và cầu con, các thần bèn dùng thiên lý nhãn nhìn khắp cõi từ thượng giới, trung giới cho đến hạ giới để xem có ai sắp hóa sinh chuyển kiếp chăng? Dưới đôi mắt thần, các vị phát hiện gần dưới chân núi Linh Thứu có một gia đình sống rất phúc đức đã ba đời, gây nhiều thiện duyên trong kiếp này, đến đời ông trưởng giả hiện tiền càng nhân hậu, thuần lương. Ông không tham của cải, tiền bạc, coi chuyện giàu sang như áng mây nổi giữa trời bởi ông biết tiền của không bền, nay còn mai mất… Ông chỉ yêu thích làm việc thiện giúp đỡ bà con xóm giềng. Mọi người đều biết tiếng, xa gần luôn ngợi khen những việc làm nhân ái của ông.
Ông trưởng giả hiền đức sinh được ba người con trai đều hiền lành, nhân hậu như ông. Hai người con đầu tên là Thi Văn, Thi Phả. Người con thứ ba là Thi Thiện còn được tiếng là rất hiền lành, nhân đức thuần hòa hơn cả hai anh. Gia đình ông trưởng giả nhân hậu như thế vẫn không tránh khỏi “tai bay vạ gió” của người đời. Có lẽ là do “nghiệp chướng” còn lại từ kiếp trước chăng? Một hôm có tên Vương Cật vốn là kẻ gian xảo ở nơi khác đến. Hắn vốn là tên cướp núi, thường quấy quả dân chúng nộp mãi lộ, cướp của giết người không gớm tay. Quân triều đình truy bắt, đuổi đánh đến cùng. Hắn chạy vào nhà ông trưởng giả, lạy lục van xin cưú mạng. Thấy hắn đói khát ông Trưởng giả chạnh lòng thương hại, cho ăn như người lỡ độ đường và cho hắn tá túc trong nhà. Ba người con trai biết chuyện hết sức can ngăn cha: “Hắn là quân trộm cướp gian ác, cha chớ nên gần gũi. Quan quân triều đình đã đánh dẹp để yên lành cho bá tánh. Thế mà nhà ta dung chứa giúp đỡ cho hắn, e rằng sẽ chuốc lấy phiền lụy đấy, thưa cha". Tên Vương Cật vốn là quân trộm cướp, tính khí hung hăng. Sau khi được ăn uống no đủ, phục hồi sức khoẻ. Hắn trở lại rừng núi và đi cướp phá dân lành. Hắn tha hồ giết người cướp của, đốt nhà không nương tay, hàng trăm người bị chết dưới tay hắn, tử khí oan khuất xông lên đến tận trời xanh.
Ngọc Hoàng nghe thấy gọi chư thần lên phán hỏi duyên cớ, biết được cơ sự ngài nổi trận lôi đình khiển trách họ Thi vốn ăn ở hiền đức mà không có trí xét đoán, cứu giúp một tên cướp để cho hàng trăm mạng người dân lành phải chết oan uổng, biết bao gia đình phải đau khổ, âu sầu, lỗi ấy một phần do gia đình họ Thi gây nên. Để trừng phạt , vua trời truyền lệnh bắt gia đình họ Thi cùng ba người con trai đem giam vào trong động đá.
Thần miếu tâu qua mọi cớ sự xảy ra cho gia đình ông trưởng giả họ Thi, và xin chư thần ở thượng giới tâu giúp lên thiên đình xin vua trời tha tội cho ba người con trai được giáng sinh trở lại trần gian. Điều đó hợp với nguyện vọng của vua Trang Vương. Bấy giờ Đức Tây Nhạc Thần thay mặt cho các thần ở cõi trời vào trình tấu lên Ngọc Hoàng: “Tâu Thượng Đế, ở hạ giới có vua Trang Vương thành tâm lập đàn tràng cầu con. Thần xem thấy nhà họ Thi có ba con trai, vốn gia đình phúc đức xưa nay. Chỉ vì quá thương người mà cứu lầm tên cướp khiến nên nỗi tai bay vạ gió. Xét tình cảnh đáng thương, dám xin Ngài rộng lòng tha lỗi cho họ, mở đường cho họ được chuyển kiếp đầu thai trở lại dương gian.Trước là vua Trang Vương có con nối dõi, sau là gia đình họ Thi cũng được ơn cứu độ để tái sinh làm người”.
Ngọc Hoàng nghe lời hữu lý, truyền cho thần Tây Nhạc vào động cầm theo lệnh tha cho gia đình họ Thi. Ba người con trai chuyển kiếp làm nữ nhi. Ba hồn, chín phách của mỗi người đang được trả về để chờ đợi giờ thác sinh, nhập thai trở lại kiếp người.