VH.BàHuyên History

Hide minor edits - Show changes to markup - Cancel

Added lines 1-58:

BÀ HUYÊN

Khi bà dọn đến xóm tôi thì chẳng ai để ý, bỡi gia đình bà cũng đơn giản, chẳng có đồ đạc chi nhiều nên cũng không gây ồn ào lắm do việc dọn nhà. Bà có hai cô con gái xấp xỉ tuổi nhau. Cô gái lớn khoảng mười lăm tuổi, cô gái nhỏ khoảng mười ba… còn bà theo tôi đoán khoảng năm mươi tuổi là cùng. Tuy không còn trẻ nhưng dáng vẽ cũng khá thong dong, chắc là thuộc hàng gia đình khá giả ở đâu đó mới sa sút nên phải dọn về ở cái xóm lao động nầy… và vỏn vẹn chỉ có ba mẹ con ở với nhau mà thôi. Không ai biết ông bố là ai, có còn hay không ? Tại sao lại chỉ có ba mẹ con mà chẳng thấy bà con họ hàng lui tới thăm nom ? Tôi đôi lúc cũng thấy thương mẹ con bà ấy cô đơn, nên mỗi khi gặp ba mẹ con đi với nhau, tôi thường chào hỏi niềm nở như người thân. Bà ấy cũng có vẻ cảm động nên mỗi lần gặp tôi đều cười nói rất thân tình.

Trong xóm bà ấy chẳng chơi với ai, dù bà đã dọn về ở cái xóm nầy hơn một năm rồi mà không ai được bà chào hỏi nếu gặp ngoài đường cả. Bà có nét mặt lạnh nhạt, bất cần lối xóm, dù gia đình bà là cư dân mới nhưng bà cũng chẳng cần làm quen với ai hết. Hai cô con gái của bà cũng thế, chẳng thèm chơi với các trẻ trong xóm, cả các con tôi cũng bị đối xữ y như các trẻ bụi đời trong xóm. Ở trong cái xóm lao động nầy, trẻ thất học nhiều hơn trẻ được đi học, chúng đa số là con nhà nghèo nên giỏi lắm là chỉ học hết cấp một là phải đi bán dạo để phụ giúp gia đình, cho nên chúng cũng chẳng cần phải giử lịch sự làm gì với những cư dân mới đến xóm nầy mà không cần biết sự hiện diện của chúng. Khi gia đình bà dọn đến, chúng bu lại đứng xem như một hiện tượng lạ. Chúng nhìn bà và các thành viên trong gia đình bà chòng chọc như muốn hiểu xem vì cớ gì mà bà dọn về ở cái xóm nầy ? chúng hỏi han đủ thứ, toàn là những chuyện không đâu làm cho bà càng thêm bực mình, bà xua chúng đi như xua gà, thế mà chúng có chịu đi cho đâu, lại còn hể thấy cái gì hở ra là lượm cái đó một cách tự nhiên như bà đã cho chúng vậy. Bà cũng chẳng vừa, hễ chúng nhặt là bà giật lại, vài ba cái mới cho chúng một cái mà bà nghĩ là nên vứt đi để đở chật nhà… thế mà chúng cũng lượm được khối đồ dùng đáng kể đấy : mấy cái lon sửa bò rỗng, ve chai rượu tây để đựng nước uống, vài cái nồi niêu sứt miệng, bịt giấy bao xi măng, mấy cái rỗ bằng ni lông..v..v.. nói chung, cái gì có thể bán ve chai được là chúng lượm tuốt.Mẹ con bà nhìn chúng một cách khinh miệt và ghét bỏ. Chắc bà không ngờ trẻ con ở trong cái xóm nầy lì lợm đến thế. Tôi thì tôi hiểu, nhà chúng nghèo nên cái gì có thể bán ra tiền là chúng đều nhặt hết, có em hàng ngày phải vác bao đi lượm bịch ni lông, sắt vụn để kiếm tiền phụ giúp gia đình hay ít ra là cũng để tự tìm lấy cái ăn cho mình mà không làm phiền đến cha mẹ. Tôi ở trong cái xóm nầy lâu lắm rồi nên cũng hiểu bọn chúng tuy nghèo khổ thế nhưng cũng không mất đi cái tính trẻ con hồn nhiên, trong sáng của chúng : hay nghịch ngợm, vui đùa, chọc ghẹo nhau, đánh nhau xong rồi lại chơi với nhau như không có gì… thậm chí có đôi khi chúng còn chọc ghẹo cả người lớn. Ai không hiểu thường cho rằng chúng hỗn hào, mất dạy.. nhưng nghĩ cho cùng thì…chúng cũng có được dạy bảo gì đâu. Cha mẹ sáng ra là đã chạy chợ để kiếm miếng cơm, manh áo cho cả gia đình. Còn chúng thì ở nhà quanh quẩn giữ em hoặc nấu cơm cho cha mẹ…thế là đã ngoan lắm rồi, có thì giờ và tiền bạc đâu mà đến trường để được học hỏi cái hay, cái lạ … hay ít nhất là để biết chữ với người ta, chúng mười đứa thì chỉ một vài đứa biết đọc, còn lại thì đều không được đến trường. Cứ như thế mà chúng lớn lên trong cái xóm nầy rồi cũng thành thiếu nữ, thanh niên hết mấy lớp rồi đấy. Bây giờ là lớp hậu sinh, con của chúng, cũng thế, chúng lớn lên như cây cỏ sinh sôi một cách tự nhiên không cần ai chăm bón, không cần ai uốn nắn mà cũng đi hết qui trình của một kiếp người đấy thôi. Tôi về ở xóm nầy cũng lâu lắm rồi, kể từ lúc chưa có đứa con nào, cho đến bây giờ đã được ba cháu đều lớn cả rồi… những ngày cơ cực nhất đã qua, bây giờ các con tôi đều đã tự mình đi đến trường, không cần phải đợi mẹ tha đi từng chỗ như hồi còn nhỏ nữa. Có đôi lúc nghĩ lại khoảng thời gian kinh khủng đã qua, tôi thật không hiểu tại sao mình có thể tồn tại nổi trong hoàn cảnh nghiệt ngã như thế. “Ở hiền gặp lành mà”, tôi thường nghĩ như thế để tự an ủi mình, để thấy rằng mình vẫn còn được hơn nhiều người khác trong cái xóm nầy, để tự trưởng dưỡng cho mình biết thương yêu và rộng lòng đối với kẻ khác, nhất là để tập cho các con tính tự lập, không ỷ lại nơi bố mẹ…

Bà Huyên cùng hai cô con gái ở cách nhà tôi ba căn nhà. Mỗi sáng, khi tôi chuẩn bị đến trường thì cả ba mẹ con bà cũng lên đường vào công việc của mình. Bà đi làm hay đi bán ở đâu đó tôi cũng không rõ, còn hai cô con gái thì đến trường…chiều đến, cả ba mẹ con cùng về nhà một lượt, rồi thì đóng kín cửa ở trong nhà với nhau, không giao tiếp với một ai trong xóm, cả ngày chủ nhật cũng vậy. Lúc đầu, mấy đứa trẻ trong xóm cũng thỉnh thoảng lân la đến gần chòng ghẹo các con của bà, bà trừng mắt nhìn chúng, nhưng không nói gì, rồi thì mọi chuyện qua đi…cho đến một hôm chiến tranh bùng nổ thật sự giữa bà và bọn chúng. Buổi sáng, khi ba mẹ con đang chuẩn bị ra khỏi nhà để đi làm, đi học… thì bọn chúng kéo đến. Một đứa trong bọn kéo áo cô gái lớn:

– Nầy chị ơi, cái áo của chị bị dính dơ rồi kìa..

Cô bé không nói gì, ngoảnh mặt đi không thèm nhìn bọn chúng, cũng không thèm nhìn xem áo mình có bị dính dơ thật không. Cô gái nhỏ quắc mắt khi một đứa trong bọn quay sang quan sát mình, không đợi bọn trẻ nói gì, cô gái nhỏ chu chéo :

– Chúng mày định làm gì, ăn cắp đồ hả ? Nè, đừng có hòng nhé… tao sẽ kêu công an còng đầu chúng mầy nếu giở trò gì ra đấy… Bọn trẻ cười hố hố không biết đó là lời mạt sát thậm tệ nhất dành cho chúng, nhưng một đứa trong bọn có vẻ khôn ngoan hơn, sừng sộ với cô bé :

– Ê nhỏ, bộ nhà mầy giàu lắm hả ? Sao lúc nào cũng sợ người ta ăn cắp đồ hết vậy ? Đã vào cái xóm nầy rồi mà còn làm tàng, không biết mầy giàu cỡ nào ?…

– Kệ tao, ai biểu chúng mầy cứ trêu chọc, tao đếch thèm chơi với chúng mầy, đồ con nhà…

– Con nhà gì ?…đồ mất dạy là mầy đó,

– Đồ mất dạy… đồ mất dạy…

Cả bọn nhao nhao lên làm hai cô gái tức giận xanh mặt nhưng không làm gì được bọn chúng bỡi hai cô bé chắc là không dám đánh nhau rồi, còn bọn chúng, con nhà nghèo, lúc nào cũng lăn lóc ngoài trường đời, sẵn sàng đánh nhau và gây hấn với bất cứ ai thì chúng còn sợ gì nữa ? Bà Huyên từ trong nhà chạy ra thấy hai cô con gái đứng nép vào nhau có vẽ lép vế, bà quay sang bọn trẻ sừng sộ :

– Chúng mày muốn cái gì, ăn hiếp con tao hả ? đồ mất dạy…

Bà chưa kịp nói hết lời, bọn trẻ đã nhao nhao lên:

– Bà nói ai mất dạy? con bà mất dạy thì có, bà dạy lại con bà đi…

– Nè, chúng mày đừng có hỗn hào với người lớn, đừng có chòng ghẹo con tao nhé…

– Ai chọc ghẹo con bà ? làm như là công chúa không bằng… đồ khinh người…đồ làm tàng chẳng ai chơi với…

Cô gái nhỏ bĩu môi :

– Tao mà thèm chơi với chúng mày à ? đừng có mơ…

– Mầy nói mơ cái gì ? mơ chơi với chị em mầy hả ? ôi ! ác mộng của tụi tao…

Cả bọn cười phá lên, đắc chí. Cả ba mẹ con bà Huyên tức lắm nhưng không làm gì được bọn trẻ, có muốn mắng vốn với ba má chúng thì cũng còn lâu, bỡi họ bận đi kiếm cơm gạo mãi đến tối mới về, trước khi đi, bà buông lại một câu mà tôi vẫn còn nhớ cho tới bây giờ :

– Đồ khố rách áo ôm !

Tôi thấy bọn trẻ đứng ngẫn ra buồn hiu, chắc là chúng hiểu bà muốn nói gì, cho dù chúng chẳng được học hành đến nơi đến chốn. Một vài người trong xóm cũng nghe thấy như tôi, họ cau mày kinh ngạc, không hiểu mẹ con bà thuộc dòng danh gia vọng tộc gì mà kiêu căng đến thế. Nếu như con nhà đài các thì khi đã thất thế sa cơ, vào ở tận trong cái xóm lao động nghèo khổ nầy thì càng phải biết thông cảm hơn với những kẻ cùng khổ chứ ? Sao lại có thể coi khinh người nghèo như thế ? Họ nghèo, nhưng bà có giúp đở gì cho họ đâu mà bà lên giọng miệt khinh ? họ có xin xỏ hay làm phiền gì bà đâu mà bà có quyền rẻ rúng họ như thế ?Tôi cũng bất mãn không kém, nhưng đó là phong cách riêng của mỗi người mà, sao tôi lại có thể bắt họ đừng như thế được. Bọn trẻ con, sau phút ngạc nhiên, chúng hùa nhau chạy theo sau ba mẹ con vừa chạy, vừa la ầm ỉ :

– Ê...ê…Công chúa… Ba Xí
Cái đầu có chí
Con mắt ti hí
Thật là xấu xí…
Chúng vừa đi vừa la hét chung quanh mẹ con bà. Cả xóm chỉ biết nhìn nhau cười lắc đầu…cũng chẳng ai buồn can thiệp. Kể từ hôm đó, mỗi ngày, khi mẹ con bà về đến là y như có tiếng chửi bới, tiếng nước dội rửa cả một khúc sân. Thì ra là… không biết ai đó đã vô tình hay cố ý quẳng một bịch phân ngay cửa nhà bà làm cho ba mẹ con bà không thể vào nhà được nếu như không rửa sân. Thế là mỗi ngày điệp khúc ấy cứ tái diễn và bà càng cáu gắt, càng chửi rủa bọn trẻ nhiều hơn, bỡi theo bà thì chỉ có chúng mới dám làm chuyện ấy mà thôi…rồi bịt phân bí mật ấy, chẳng những không rút lui mà còn càng lúc càng lấn lướt hơn. Hôm khác về bà lại thấy bịt phân không ở ngoài cửa nữa mà lại chui vào hàng hiên nhà bà… hai cô gái bịt mũi chạy sang đứng ở nhà bên cạnh, còn bà lại hì hụi cọ rửa, lại đứng chống nạnh chửi đổng bọn trẻ, bỡi bà cũng chẳng biết đích xác là đứa nào…nhiều khi, tôi cũng thấy tội nghiệp mẹ con bà nhưng chị bạn cùng xóm thì lại cười khúc khích, bấm tay tôi nói nhỏ : cho đáng đời con mẹ chảnh, để xem bà ta đối phó với bọn trẻ ra sao ! Cho đến một hôm bịt phân lại chui vào cả ổ khóa của nhà bà, chúng chi chét lên cả cánh cửa và cả một khoảng sân khiến bà không thể nào chùi rửa được nếu như không đứng dẫm lên phần sân hôi thúi ấy. Bọn trẻ không bu lại như mọi khi nhưng chúng vẫn đứng lãng vãng quanh đấy để xem và cả nghe bà chửi. Lần nầy thì bà không chửi nữa, chỉ lẳng lặng xin nước nhà bên cạnh chùi rửa, rồi phóng một tia nhìn lạnh nhạt về phía bọn trẻ. Ngày hôm sau, rồi ngày hôm sau nữa… luôn mấy ngày như thế, tôi không thấy mẹ con bà đâu. Cả xóm cũng ngạc nhiên không thấy mẹ con bà trở về xóm như mọi ngày. Bọn trẻ con cũng không còn chơi ác nữa, chúng không còn quẳng phân sang nhà bà để trả thù như mọi khi nhưng mẹ con bà, có lẽ đã nhận ra hậu quả của lòng khinh bạc, nên đã lặng lẽ bỏ đi sang xóm khác…độ hai tuần sau thì có chủ mới dọn về ở, bấy giờ mọi người mới biết mẹ con bà đã bán nhà cho họ. Bà ra đi cũng lặng lẻ, kín đáo như khi dọn về ở xóm nầy, bà không buồn chào tạm biệt ai ngay cả với tôi, là người được bà hay nói chuyện hàng ngày cũng vậy. Rồi bẳng đi một thời gian khá lâu, không ai còn nhớ đến bà Huyên nữa, tôi cũng vậy. Người chủ mới dọn về ở căn hộ của bà cũng bình thường như bao người khác, hay chuyện trò với bà con lối xóm và tính tình vui vẻ, sởi nởi lại thích trẻ con nên bọn trẻ hay tụ tập chơi trước sân rất đông và chẳng bao lâu được cả xóm bầu làm tổ trưởng…

Có một hôm, khi tôi đi dạy về sớm. Tôi thong thả đạp xe chầm chậm dạo phố cho thư giãn và cũng để chờ giờ đón các con. Chợt, tôi thấy mẹ con bà Huyên, cả ba mẹ con đang đứng bán hàng ở bên đường, tôi không tin vào mắt mình nữa – có lẽ nào như thế – mẹ con bà Huyên được cả xóm xem là gia đình quí tộc mới dọn về xóm lao động của chúng tôi, bỡi phong cách của ba mẹ con có vẻ cách biệt, quí phái, và quá khinh bạc, xem xóm lao động của chúng tôi bằng nữa con mắt không đáng cho ba mẹ con bà giao hảo… vậy thì có lẽ nào bà cũng thuộc thành phần không hơn gì chúng tôi ? Tôi muốn kiểm chứng xem có đúng là bà không hay tôi mắt kém nhìn lầm người ? Tôi dừng xe ngay bên cạnh vờ xem hàng, hai cô con gái nhìn tôi rồi nhìn nhau không nói gì, cũng không nhìn là người quen, bà Huyên cũng vờ như không nhìn thấy tôi lo bán hàng của mình.Đúng là bà ấy, tôi không lầm bỡi cái phong cách lạnh lùng quen thuộc đó. Tôi cố chần chừ để bà ấy nhìn tôi một cái, tôi sẽ chào rồi đi nhưng suốt buổi bà chẳng nhìn tôi lấy một lần, có lẽ bà ngượng vì gặp người quen trong tình cảnh buôn bán lôi thôi chăng ? Tôi cũng hiểu điều đó nên lẳng lặng đạp xe về và không kể với ai chuyện gặp bà…

Vân Hà (TTHA)


Page last modified on June 30, 2015, at 09:46 AM