Lời nói đầu

“Sự sống, tình yêu và cái chết”, đó là ba phạm trù luôn luôn hiện diện trong suốt một đời người. Từ khi cất tiếng khóc chào đời, chúng ta mặc nhiên đã chấp nhận sự sống. Đó là hơi thở, là cảm giác bốn mùa ấm lạnh đổi thay, là ăn, mặc , ngủ, nghỉ, vui chơi, là vui buồn, giận, ghét, thương, yêu, ham muốn của cả một đời người… và tình yêu đích thực phải là sức mạnh giúp chúng ta vươn tới cái đẹp của cuộc sống. Tình yêu đó, cơ bản bắt nguồn từ gia đình, phát triển thành tình yêu quốc gia xã hội, tình yêu nhân loại… Chẳng một kẻ nào không có tình yêu gia đình mà có được tình yêu đồng bào, đồng loại – nếu có, thì đó chỉ là sự ngộ nhận hay sự cố tình gọi tên một thứ tình cảm mơ hồ không có thực trong đời. Cuộc sống, hay nói rõ hơn “ cuộc sống đẹp “, phải hồn nhiên như tự nó vốn có.

Không một sự gượng ép nào, không một sự gò bó nào, không một sự áp đặt nào có thể nuôi dưỡng cuộc sống- mà trái lại - chỉ làm nghèo nàn đi, làm thui chột đi, làm què quặt đi cuộc sống vốn tươi đẹp của mỗi con người. Một con người, dù là kẻ khuyết tật cũng vẫn rất yêu đời, cũng vẫn muốn sống, sống có ích lợi ( ít ra là cho chính bản thân mình ), chứ không ai muốn xa lánh sự sống cả. Thế nhưng tại sao vẫn có người tự tử ? Đó là sự tuyệt vọng, sự mất niềm tin ở con ngừơi, sự chán nản cùng tột vì không còn lối thoát nào khác hơn.

Thường, tôn giáo là niềm tin còn lại sau cùng khi con người đã sống trọn vẹn cho gia đình, cho xã hội, khi tuổi đời chồng chất và kinh nghiệm sống khá đủ để được gọi là “người từng trải”. Người từng trải thì có đủ vốn sống để chọn lựa, so sánh và nhận lấy một niềm tin làm lý tưởng sống cho đời mình. Lý tưởng sống đó như kim chỉ nam cho thuyền đời hướng đến bến bờ hạnh phúc. Những thuyền trưởng giỏi là những người thường xuyên đối mặt với phong ba bão táp trong đời mà vẫn sống còn và khoẻ mạnh, hơn nữa họ lại còn có khả năng chở hộ kẻ khác, giúp đỡ khẻ khác qua cơn sóng gió, bão táp để tiến đến bến bờ an lạc mãi mãi… Mỗi kinh nghiệm sống là mỗi đóa hoa hồng cực kỳ rực rỡ nhưng cũng đầy gai góc, nếu chúng ta không khéo có thể bị tươm máu mà thành thương tật suốt đời. Cho nên, cần có bạn đồng hành để cùng giúp nhau vượt qua…

Người đồng hành là những người bạn cùng đi với ta trên một con đường, đôi khi họ vượt lên trước ta nhưng không có nghĩa là họ đến nơi còn ta cứ mãi long đong trên đường thiên lý. Vậy thì dù nhanh, dù muộn ta cứ đi tới , chắc chắn sẽ gặp nhau ở đích điểm cuối cùng. “ Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, đó là con đường Trung đạo đưa đến Phật quả rốt ráo cho tất cả chúng sanh không trừ một ai… Đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã thực chứng và đạt đến quả vị tối thượng thoát ra khỏi sự chi phối của sinh, tử. Ngài là chúng sanh đi trước, chúng ta là chúng sanh đi sau. Có thế thôi ! Ngài là thuyền trưởng tài ba đã cập bến an lạc, còn chúng ta, những kẻ đi sau chỉ việc theo dấu chân người đi trước thì còn sợ gì phong ba bão táp hay lạc lối chẳng tìm thấy bến bờ ?

Những giòng thơ nhỏ trong tập : “ Đức Phật Thích Ca và Thập Đại Đệ Tử diễn ngâm” ghi lại sự hiện diện của Đấng Đại Gíác và những bạn đồng hành đương thời của Ngài là một sự đánh dấu những bông hoa quí trong lịch sử nhân loại. Với hi vọng, bằng những cảm xúc chân thành của mình, tác giả sẽ làm sáng lên tấm gương của người đi trước, điều đó sẽ khích lệ kẻ đi sau đừng ngại khó mà thoái chí ngã lòng, và cũng là để tự nhắc nhở mình trên đường tu học…

Vân Hà (TTHA)


Page last modified on June 09, 2015, at 08:14 AM