LỜI NÓI ĐẦU KINH PHÁP HOA VÀ ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN DIỄN NGÂM

Lúc nhỏ, nhà gần chùa Từ Nghiêm, tôi vẫn thường sang chùa tụng kinh mỗi tối với quí sư cô. Lâu dần, tiếng chuông mõ, tiếng kinh kệ trở nên thân quen như một người bạn thân thiết , mặc dầu vậy, những câu văn trong kinh đối với tôi sao mà khó hiểu quá ! Dạo đó, tôi chỉ mới mười lăm, mười sáu tuổi nhưng tôi rất yêu thích đọc sách Phật, dù tôi chẳng hiểu được bao nhiêu. Có lẽ, tự tiền kiếp tôi đã từng là đệ tử Phật rồi chăng ? vì thế nên sách Phật giáo có sức hấp dẫn tôi rất mạnh. Sách ngoài đời, quá nhiều tác phẩm hay… trong nước, ngoài nước… đủ loại… tôi cũng đọc không ít nhưng không đọng lại trong tôi nhiều. Nó như là những bọt váng nổi lên phút chốc rồi tan biến không lưu lại một dấu vết gì. Nếu đem so sánh với ba tạng kinh, luật, luận của Phật thì những sách đó hãy còn quá trẻ, quá ít để minh họa cho cái trí tuệ của loài người, quá…quá ít để minh họa cho cái trí huệ rốt ráo của những bậc đã giác ngộ.

Nói chung, thì những bông hoa trí tuệ đó đều minh họa một phần nào cho sự có mặt và sinh tồn của con người, sinh vật cao nhất trong trái đất nầy. Thế giới con người thiên hình vạn trạng… hằng hà sa số chủng loại cũng giống như thế giới của các sinh vật khác trong vũ trụ nầy. Mỗi một hình thể, mỗi một sự thọ sinh, mỗi một tư tưởng, mỗi một hành động, mỗi một ý thức… đều phát sinh ra vô số luồng quang minh cực mạnh, cực nhanh phóng vào không gian và nếu đủ duyên nó sẽ kết hợp với khí thiêng của trời đất để cho ra những sinh vật hằng hà sa số bay loạn trong không gian. Có những sinh vật do kiên cố vọng tưởng sinh ra, có những sinh vật do hư minh vọng tưởng sinh ra, có những sinh vật do dung thông vọng tưởng sinh ra, có những sinh vật do u uẩn vọng tưởng sinh ra, có những sinh vật do hư vô vi tế vọng tưởng sinh ra… cũng có những sinh vật do loạn tưởng điên đảo sinh ra… theo kinh Lăng Nghiêm, Phật nói có đến mười hai loại chúng sanh như thế luân hồi trong các cõi nước. Những sinh vật đó hiện hữu, sinh tồn theo đúng chu kỳ của nó cho dù mắt thường của chúng ta trông thấy hoặc không trông thấy (kính hiển vi cực mạnh mới có thể trông thấy). Những luồng quang minh ba động đó phụt lên rồi lại tắt đi vô số… tiếp diễn luôn luôn. Đó là những kiếp sống nối tiếp nhau vô tận… sinh rồi tử, tử rồi sinh… nếu như không có một sự phản kháng từ ý thức dừng lại không muốn tiếp tục tái sinh nữa.

Chỉ có Đức Phật, người đã thực chứng và thoát ra khỏi vòng luân hồi mới có đủ kinh nghiệm quí báu chỉ lại cho chúng ta phương cách nào khả thi có thể giúp chúng ta quay đầu trở về nơi… từ đó chúng ta ra đi. Với tám vạn bốn ngàn pháp môn thật là quá đủ và quá chu đáo khi Ngài để lại cho chúng ta cả một kho tàng kinh điển như thế. Việc còn lại là chúng ta phải áp dụng như thế nào cho có hiệu quả để ích lợi nhiều nhất cho mình, cho tha nhân mà không cô phụ tấm lòng từ bi của chư Phật. Tôi nghĩ như thế- mỗi lần tụng kinh- mỗi lần xem lại lời chỉ dẫn của các bậc tiền bối, chân sư tôi đều mong muốn được thực hiện và đóng góp một phần công sức nhỏ nhoi của mình vào sự nghiệp chung giải phóng chúng sinh thoát khỏi căn nhà lửa của kiếp người nhiều đau khổ nầy. Đấy cũng là ý nghĩa của phẩm phương tiện trong kinh Pháp Hoa mà tôi thích nhất. Cho nên, mặc dù mọi người có thể cười tôi cao vọng, cười tôi viễn mơ, cười tôi hoang tưởng… nhưng tôi vẫn không ngại, vẫn cố gắng thực hiện hết sức mình, theo ý mình trong việc cố gắng đơn giản hóa, ngắn hóa, dễ hiểu hóa, dễ nhớ hóa… những điều mà Đức Thế Tôn đã nói ra cách đây hàng bao thế kỷ trong Kinh Pháp Hoa, Kinh Duy Ma Cật hay Đại trí độ luận… với mục đích duy nhất là để cúng dường chúng sinh và cúng dường chư Phật mà thôi.

Nếu như, có ai đó hữu duyên đọc thấy và cảm nhận được điều tôi muốn gửi gắm bằng tất cả tấm lòng của mình thì thật là hạnh phúc không gì bằng đối với tôi. Xin chân thành nguyện cầu chư Phật, chư Bồ Tát, chư thần hộ pháp… thường gia hộ cho tất cả chúng sinh đều được bất thối chuyển, tâm Bồ đề kiên cố, xa bể khổ nguồn mê, chóng quay về bờ giác.

Nguyện đem công đức nầy
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.

Vân Hà (Trần Thị Hồng Anh)


Page last modified on July 18, 2023, at 10:27 AM