VH.LờiNóiĐầuKimCangDiễnNgâm History
Hide minor edits - Show changes to markup - Cancel
Lời nói đầu Kinh Kim Cang Diễn Ngâm
"Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn, bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán"
Tất cả mọi pháp ở thế gian nầy từ chánh báo đến y báo đều không thật có, đều là giả tưởng. Chúng hiện ra như huyễn ảnh trong gương, như trăng đáy nước, như bọt sóng xô đầu ghềnh, như giấc mộng, như hạt sương mai, hay như tia chớp trong đêm đen… phải nhìn cuộc đời bằng sự tỉnh thức như thế, thì tiếc nuối và khổ đau mới không dìm nổi con người vào hố thẳm vô minh. Hợp duyên thì hiện hữu, nhân duyên tan rã thì xa lìa, rời rã… tất cả mọi điều cuối cùng rồi cũng không thoát ra khỏi chân lý đó. Thế nhưng, khi có mặt trong cuộc đời – chúng ta – hiện hữu – bằng tất cả con tim – khối óc của một kiếp người tỉnh thức khác với sự có mặt của một kiếp người “sống say, chết mộng”. Quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, chỉ có hiện tại là đáng để cho con người lưu tâm xem mình đã làm gì… để cuộc sống hiện tại có ý nghĩa lợi mình, lợi người… để tương lai lợi người, lợi mình nhiều hơn nữa… Nói như thế không có nghĩa là chúng ta đặt nặng vấn đề quyền lợi lên trên mà quên đi diện mạo hồn nhiên của diệu tâm mỗi người, bởi vì hiện tại chúng ta còn ở trong kiếp người, còn vướng mắc với loài người nhiều lắm… Cho nên, những tương quan cần thiết đã gắn bó mọi người lại với nhau – ý nghĩa tương tức cũng phát sinh từ đó – Một người làm việc thiện, công đức đó, phước báu đó cả họ cũng được nhờ. Một đóa hoa nở, cả vườn hoa đều thơm ngát…
“Nhất nhơn tác phước, thiên nhơn hưởng.
Độc thọ khai hoa vạn thọ hương”
Đứng gần người đang quạt, chúng ta cũng sẽ được mát lây, vậy thì tại sao chúng ta không chủ động làm tốt mọi việc bằng con tim – khối óc tỉnh thức – để cả người và ta cùng tiến bộ… cùng đưa nhau qua bờ giác ngộ?
Đức Thế Tôn đã để lại cho nhân loại cả một kho tàng tri thức với tám vạn bốn ngàn pháp môn tu học, rải rác trong ba tạng Kinh, Luật, Luận… từ người không được đi học cho đến các đại trí thức… ai cũng có thể tự tìm cho mình trong kho tàng kinh điển đó một vài pháp môn đúng với sở thích của mình, phù hợp với căn cơ, trình độ của mình để mà trải nghiệm, để thực chứng… cốt sao càng lúc càng thăng hoa tâm thức của mình lên tầm mức cao hơn nữa… Ngọn lửa trí huệ Đức Phật thắp sáng lên rồi, chúng ta đã được soi rõ con đường nào nên đi, con đường nào phải tránh để không rơi vào hầm hố gai chông mà bị thương tật suốt đời… Có người đưa đường, chỉ lối… nếu như không đi chúng ta sẽ chẳng bao giờ đến nơi, và điều đó không phải là lỗi của người dẫn đường.
“Hãy tự mình thắp đuốc để mà đi”.
Lửa đã có, chúng ta phải tự mình mồi lấy ngọn đuốc cho chính mình, tự soi đường cho chính mình, phải dụng công một chút thì kết quả mới mỹ mãn, không phải cho riêng mình mà cho cả tha nhân cùng được hưởng lây…
“Kim Cương năng đoạn” là gươm báu chặt đứt phiền não, chặt đứt những điên đảo loạn tưởng ngông cuồng cho nhân loại nếu như con người biết thành tâm lễ trì kinh – nghĩa là biết suy nghĩ nghĩa lý và thực hành chân kinh không hề nhàm chán… Hơn thế nữa, còn đem phổ biến đến cho mọi người để họ cũng được lợi ích như mình thì công đức ấy sẽ được nhân lên gấp bội… Đó cũng là pháp thí mà công đức không gì có thể so sánh được. Đức Thế Tôn đã tuyên bố như thế – việc phát tâm kể lại những điều mà Ngài đã giảng huấn chỉ là để cúng dường Phật và chúng sanh và cũng là để tự nhắc nhở mình trên đường tu học. Hiểu biết và tiếp thu còn tùy ở mức độ hạn chế của kiếp người… còn tùy ở lòng khát ngưỡng cầu học đến đâu… Nếu như phần diễn ngâm còn quá sơ sài, thô thiển chưa đạt được ý nghĩa chân kinh… Thì con xin chân thành sám hối… Nguyện cầu chư Phật mười phương, cùng chư đại Bồ Tát, các đại thần hộ pháp thường gia hộ cho con và tất cả chúng sanh luôn luôn tinh tấn, dũng mãnh trên đường tu học, không bao giờ rơi vào tà đạo, trong vô lượng kiếp vị lai đều được gặp Phật Pháp nhiệm màu…
Sau cùng, tác giả xin mạo muội mượn lời của Bồ Tát Nghiêm Xuân Hồng để làm lời kết cho tập diễn ngâm này “Mọi thứ kiến giải vấn đề… đều có thể trở thành sở tri chướng làm chướng ngại cho việc thực tập… nhưng chúng ta còn là chúng sinh, mà nghiệp của ta chỉ có thể sử dụng được ngôn từ, văn cú… chưa có thể sử dụng được những quang minh tâm thức để trò chuyện với nhau như các vị trời ở cõi sắc cùng vô sắc. Nên cực chẳng đã và bất đắc dĩ, đành phải dùng ngôn từ, văn cú để san sẻ cùng…”
VÂN HÀ (TTHA)