Một kiểu nhà giam

_ Đã có quyết định rồi. Tuần sau, em được bố trí về trường Lê Lợi đấy.

Nửa mừng, nửa lo tôi lưỡng lự:

_ Sao anh không xin cho em làm bên y tế. Ở đấy có lẽ hợp với khả năng của em hơn.

_ Nhưng người ta không cần biết. Họ chỉ xét theo văn bằng. Em được đào tạo ở văn khoa sài gòn lại có giấy chứng nhận đã từng đi dạy. Thế là họ bố trí em dạy môn văn là đúng rồi.

_ Nhưng nhà trường cũ không giống nhà trường mới. Em sợ… mình không quen…

Ong xã tôi gạt phăng :

_ Cứ nhận việc vài bữa là quen tuốt. Hơn nữa, em rất yêu trẻ. Anh tin rằng rồi đây em sẽ thích hợp ngay.

_ Nhưng… em chưa biết cách dạy trong nhà trường XHCN như thế nào? Vả lại…

_ Em đừng lo, rồi em sẽ được học bồi dưỡng khoảng 3, 4 tháng gì đó vào dịp hè. Bây giờ thì chuẩn bị bài vở, anh đã mượn được sách đúng với chương trình rồi đấy. Lúc rãnh, chịu khó xem lại nhé.

Tôi đắn đo:

_ Còn anh? đã có quyết định chưa? hay anh cùng đi dạy với em đi…

_ Hiện giờ, anh chưa biết nên chọn đằng nào. Họ mời anh vào viện nghiên cứu khoa học xã hội nếu nhận thì có thể phải ra Hà Nội. Xa gia đình anh không muốn… nếu ở lại, thì rồi cũng phải đi làm nghề “gõ đầu trẻ” như em thôi.

Tôi cắn môi, nghĩ ngợi phân vân:

_ Họ bố trí anh dạy cấp hai cũng hơi uổng đấy, sao anh không xin về trường cũ ?

Ong xã tôi phì cười:

_ Em ngây thơ quá. Em quên rằng chúng mình đều là người của chế độ cũ à. Giáo sư đại học bây giờ phải là từ Hà Nội đưa vào, hay ít ra cũng được đào tạo từ nàh trường XHCN. Vả lại… các đại học cũ, nhất là các đại học tư như Đại học Vạn Hạnh, Đại học Hoà Hảo, Đại học Phương Nam, Chính trị kinh doanh…đều bị giải thể cả rồi. Ban lãnh đạo và giáo sư của trường cũng bị phân tán. Người thì đi nước ngoài, người thì đi học tập cải tạo, người thì… đi bán sách ở lề đường…

Rồi anh trầm ngâm, vẻ suy tư :

_ Mà nghĩ cho cùng … không uổng đâu em ạ. Ở đâu cũng là cống hiến, ở đâu cũng là phục vụ cho tổ quốc, cho dân tộc mình thì… sá kể gì phải không em?

Tôi mỉm cười tán thành. Lúc nào tôi cũng thấy anh có lý khi bàn về một vấn đề nào đấy…

Thế là tôi đến trường trình diện. Tôi vào gặp hiệu trưởng: một người đàn bà trạc độ 45 tuổi, mái tóc uốn cao, khuôn mặt tròn, đôi mắt hơi sác, nhất là khi nhìn ai chăm chú thì có vẻ như soi mói nghi ngờ.

_ Cô Vân trước học ở đâu nhỉ?

Giọng nói Hà Nội hơi nặng và nhanh, khó nghe nghe hơn những giọng nói tôi thường nghe. Bởi ông xã tôi cũng là người miền bắc, nên tôi phân biệt được dễ dàng sự khác nhau đó. Tôi e dè trả lời từng câu hỏi. Trong tôi có một cái gì đó ở thế thủ, tôi sợ mình lỡ lời, tôi sợ mình thất thố, tôi sợ có một điều gì đó làm cho hiệu trưởng mất thiện cảm đầu tiên về mình thì sau này khó làm việc. Rồi tôi được giao ba lớp cộng với chủ nhiệm một lớp. Thú thật, khi nhận bàn giao công tác chủ nhiệm tôi gần như phát sợ. Bởi tôi có biết chủ nhiệm là làm công tác gì đâu? Nhà trường cũ không giống nhà trường mới chút nào. Không hề có công tác chủ nhiệm. Thầy cô chỉ có một trách nhiệm duy nhất là lên lớp giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho học sinh, trò nghe giảng, làm bài và tự mình tìm sách để đọc và nghiên cứu thêm. Dôi khi, thầy giảng một mà trò phải hiểu mười nếu không muốn thua kém chúng bạn. tôi cố nhớ lại cách giảng dạy của các thầy cô của mình ngày xưa để tuần sau bắt đầu lên lớp. Tôi cảm thấy lo lắng vô cùng. Từ sau ngày giải phóng đến giờ, tôi chưa hề đặt chân ra ngoài xã hội, cái xã hội mới mẻ đã có quá nhiều thay đổi không còn giớng trước kia nữa. Bởi vì tôi bận con mọn: hai con nhỏ chưa đây năm tuổi, điều đó làm cho tôi bận rộn suốt cả ngày nên không còn một chút thì giờ để đi phố, để tiếp xúc với cái sinh hoạt đang chuyển mình mạnh mẽ bên ngoài. Tôi gầm như lú lẫn giữa mớ nồi, niêu, xoong, chảo,… giữa những thau đồ trẻ con phải giặt giũ hàng ngày và giữa tiếng khóc tiếng cười lẫn lộn của các con tôi. Mọi việc sinh kế tôi phó mặc cho ông xã lo. Chàng cũng chẳng hơn gì tôi, trong cái xã hội giao thời này thì miếng cơm manh áo được xếp hàng đầu. Cho nên, chàng cũng phải tất bật cả ngày mới kiếm được hộp sữa cho con và miếng ăn cho cả gia đình. Biết thế, nên tôi không hề than phiền và cố tập cho mình đức tính chịu đựng như mẹ tôi ngày xưa.

_ Thôi. Thế thứ hai tuần sau cô vào nhận lớp nhé.

_ Dạ…

Tôi bỡ ngỡ đứng lên. Lần tiếp xúc đầu tiên giữa tôi và người hiệu trưởng miền bắc không tạo 1 ấn tượng gì sâu đậm nào cho cả hai người. Nó có vẻ máy móc làm sao ấy. Một người giao công tác và một người nhận công tác. Thế thôi. Tôi cảm tháy thiếu một chất sống cần thiết nào đó, bởi lần tiếp xúc này không tạo cho tôi một cảm xúc thoải mái, tin tưởng ở những con người vừa mới tiếp thụ thành phố này. Trước lúc nhận việc, tôi cứ ngỡ những con người mới thay thế những con người cũ này phải có 1 cung cách đặc biệt lắm. Ít ra họ cũng hết sức chan hoà, thân thiện với đồng loại bởi họ được sống trong một chủ nghĩa đại đồng lý tưởng – không hề phân chia giai cấp giàu nghèo, có chức quyền hay không có chức quyền. Thế nhưng, ở người hiệu trưởng này - đại diện cho tầng lớp những con người mới, được trang bị một tư tưởng và ý thức hệ mới mẻ khác hẳn những con người trong chế độ cũ – trong ý nghĩ của tôi, ít ra cũng phải là một con người hết sức cởi mở và thân thiện với quần chúng, nhất là với quần chúng miền nam. Bởi đây là vùng đất mới tiếp thu rất cần những con người cách mạng thực chất và đầy thiện chí mới cảm hoá được họ. Vậy mà… tôi cảm thấy thất vọng làm sao! Có điều gì đó không như ý. Nó khiến tôi phải suy nghĩ lại về những con người mới nầy. Nó khiến tôi phải e dè khi tiếp xúc với họ, đôi khi chính điều đó đã làm thành một bức tường kiên cố đã ngăn cách tình đồng bào ruột thịt giữa những người dân cùng có chung trang lịch sử oai hùng lẫn đau thương như chúng tôi hiện giờ. Có một điều khi tiếp xúc với họ tôi lại quên mất. Đó là cái tính “người” cố hữu của nhân loại.Tôi đã khoác lên cho họ một chiếc áo đỏ quá, đẹp quá đến nổi tôi tưởng rằng cái bên trong của họ cũng hoàn hảo như thếNói một cách khác, khi nghĩ về họ tôi bỏ quên “ông ác” mà chỉ thấy có “ông thiện”. Cho nên tôi dễ thất vọng khi khám phá ở họ 1 điều gì đó không giống như trong ý nghĩ của mình. Sáng nay, khi đặt chân vào lớp, tôi cố tạo cho mình một vẻ gì đó vừa đạo mạo, vừa vui tính, vừa cởi mở… thế nhưng trong bụng vẫn… run. Tôi sợ học trò ư? Có lẽ thế. Làm sao không e ngại khi lần đầu đứng trước mấy chục cặp mắt giương thao láo nhìn mình? Đã có lần, khi còn đi học, tôi chứng kiến cảnh một cô giáo mới vào nhận lớp lần đầu không dám nhìn học sinh, cứ quay vào bảng mà chép bài, trong khi bọn học trò “qủy sứ” chúng tôi cứ tìm cách trêu cô. Đứa thì hỏi, đứa thì nhìn chằm chằm làm cô đâm lúng túng, mất cả bình tĩnh. Thế rồi ba hôm sau cô nghĩ luôn không vào lớp chúng tôi nữa. Lẽ nào mình lại thế? Vừa trấn an tôi vừa cố gắng lấy can đảm nhìn xuống học sinh. Không nói gì, tôi lặng lẽ nhìn khắp lớp. Tôi bắt gặp những ánh mắt quay vội đi, những ánh mắt tinh nghịch, những ánh mắt hồn nhiên,… tất cả đang chờ đợi ở tôi một cái gì đó khác hơn ở cô giáo cũ. Tôi biết thế. Đối với các em mỗi lần thay đổi cô chủ nhiệm hay giáo viên bộ môn cũng thế, là sẽ phải đối phó hoặc phải thích nghi ngay nế không muốn trở thành đối tượng bị chú ý.Tôi ghi đầu đề, tôi điểm danh, rồi tôi bắt đầu giảng một mạch, xong, tôi cho các em ghi những phần chính của bài học. Không biết cách giảng dạy mới trong nhà trường XHCN như thế nào nhỉ? Tôi bước xuống bục giảng mà vẫ còn phân vân không biết mình dạy thế có đúng không? Tôi chỉ cố moi trong ký ức của mình những hiểu biết mà tôi đã tiếp thu ở các thầy cô mà tôi đã học, cách thức giảng dạy của các thầy cô khi tôi còn đi học và… tôi lặp lại điều đó khi đứng trước các em học sinh của mình. Một tháng trời trôi qua, tôi tự mình dò dẫm giữa một tập thể có quá nhiều mới lạ đó. Có những điều mà trước kia trong nhà trường cũ không có: nào là sự phân chia tổ XH, tổ KHTN, tổ NN, tổ kỹ thuật,… nào là thi đua đạt các danh hiệu LĐTT, giáo viên giỏi cấp quận, cấp thành phố, chiến sĩ thi đua, nào là bình bầu, kiểm điểm, phê và tự phê v.v… Có quá nhiều điều mới lạ đối với tôi, một thành viên của chế độ cũ, của xã hội tư bản tự do cũ. Từ trong nhà bếp tôi bước ngay vào giữa một tập thể phức tạp cũ mới lẫn lộn. Có quá nhiều thay đổ trong xã hội kể từ khi giải phóng. Hình thức lẫn nội dung. Cái bề ngoài dễ nhận ra và cái bên trong khó nhìn thấy. Con người bắt đầu xử sự với nhau bằng hai bộ mặt: Một,khi đúng trước tập thể,khi sinh hoạt với tập thể cũ mới lẫn lộn đó; Một, khi trở về với bạn bè thân thiết, với gia đình và… với chính mình. Tôi học được tính thận trọng đó trong những buổi họp hội đồng, trong nhửng lần họp tổ, nhóm, sinh hoạt chuyên môn v.v… Bởi một lẽ, có những điều tôi không thể tâm sự hay thổ lộ với bất cứ một đồng nghiệp nào, dù điều đó thuộc phạm vi chuyên môn, hay thuộc phạm vi tư tưởng, chính trị cũng thế. Do hiểu lầm, do vô tình hay cố ý người ta cũng rất dễ “chụp” cho nhau những “cái mũ” mà ngay chính họ cũng không ngờ. Chỉ khi nào mọi việc xảy ra – bằng cách rút kinh nghiệm sau đó người ta mới khám ra một sự việc quan trọng nhưng khá phức tạp trong lòng người: Thầy Hạnh – thư ký hội đồng trường tôi, một thành viên tích cực trong XH mới, một con người cách mạng “từ đầu đến chân” kể từ ngày 30-4-75, luôn luôn lên án những đồng nghiệp có tư tưởng “hoài cổ” nghĩa là luôn mơ ước trở lại cuộc sống tự do của XHTB trước ngày giải phóng. Thầy đả phá và lập công rất nhiều trong việc phát hiện những giáo viên còn nhiều “thành tích trong XH cũ” với BGH. Có thể nói, thầy là một “tai mắt” của BGH trong việc kiểm soát hành vi, thái độ và tư tưởng chính trị của mọi thành viên khác trong nhà trường. Thế mà… tháng rồi, nhà trường đã phải chọn một thư ký hội đồng khác bởi chính thầy TKHĐ cũ đã… vượt biên. Thật khó mà hình dung nỗi lòng người có thể phức tạp đến thế.

Sáng nay, tôi đến lớp hơi muộn. Bởi tôi còn phải dẫn các con đi nhà trẻ. Ba đứa gởi ba nơi. Không tiện đường xe buýt. Không có xe đạp. Thế là mấy mẹ con tôi phải cuốc bộ qua mấy ngã đường. Đưa con đến nhà trẻ, đến trường xong, tôi phải “ba chân bốn cẳng” chạy vội tới trường. Thế là trễ mất 5 phút. Tôi cảm thấy lo lo – liệu như thế này mãi sẽ bị BGH kiểm điểm thôi. Nhưng khó khắ phục quá! Hoàn cảnh đơn chiếc. Nội ngoại đều ở xa, một mình tôi phải cố gắng mà gồng gánh chứ biết làm sao! Quả nhiên, vào đến lớp, tôi đã thấy chị hiệu trưởng đang ổn định học sinh. Thấy tôi vào chị cau mặt lại nói khẽ đủ cho tôi nghe thấy: “giờ chơi, cô xuống gặp tôi một tí nhé”. Tôi lí nhí dạ khẽ, rồi bảo các em học sinh lấy vở ra để chuẩn bị tiết học. Trong lòng tôi vần lo lo làm sao ấy!

Tiết hai - tôi sang lớp bên cạnh - đang lúi húi ghi đầu bài lên bảng, chợt tôi cảm thấy có một việc hơi lạ xảy ra trong lớp. Mọi hôm, các em đâu có yên lặng đến thế. Sao hôm nay bỗng dưng cà lớp im phăng phắc thế kia ? Lạ thật - tôi quay người lại – chợt tôi giặt nảy mình. Có hai người lớn đang ngồi ở cuối lớp. Tôi định thần nhìn kỹ. À, thì ra là chị Hiệu trưởng và anh Hiệu phó vào dự giờ thăm lớp tôi. Đột nhiên, tôi cảm thấy mất bình tĩnh. Chết thật! Họ vào kiểm tra xem mình dạy dỗ ra sao đây mà! Tôi bảo các em lấy sách ra có lẽ giọng tôi hơi run run vì thiếu tự nhiên. Rồi tôi không biết mình phải làm gì nữa cả. Tôi lúng túng ghi vội một vài câu hỏi lên bảng để tự trấn tĩnh. Rồi tôi hỏi học sinh 1 vài câu, rồi tôi đọc lại các câu hỏi, rồi tôi bắt học sinh đọc phần giải thích và tôi giảng 1 vài từ khó, rồi cho học sinh chép bài giảng vào tập… thế là hết tiết, nhưng bụng tôi vẫn còn run. Nhìn nét mặt của họ, tôi biết ngay là có 1 điều gì đó không ổn. Khi đi ngang tôi, chị Hiệu trưởng nhìn tôi cười nhẹ. Mời cô xuống chúng tôi góp ý. Vừa thu xếp tập vở vào túi sách, tôi vừa tự nhủ thầm – mặc kệ, ra sao thì ra.

Tôi bước vào phòng. Chỉ có 2 người dự giờ tôi ban nãy. Dường như họ đang bàn về 1 điều gì đó lý thú lắm. Tôi chỉ nghe được loáng thoáng:

_ Thật hiếm có người như thế .

_ Tài nhỉ?

_ Naka Reiukô ấy à. Phải nói là 1 người thầy thành công nhất trong nghề giáo dục .

Hiệu trưởng chỉ ghế mời tôi ngồi và đổi giọng:

_ Từ trước đến giờ cô vẫn dạy thế à?

_ Không ạ.Từ trước em đi học. Chỉ sau ngày giải phóng thôi…

_ Thế… cô chưa từng đứng lớp bao giờ à?

_ Vâng. Em mới nhận quyết định là được giao lớp ngay, có lẽ em chưa quen với cách lên lớp trong nhà trường XHCN chăng?

_ Hình như thế… cô không theo đúng 5 bước lên lớp gì cả. Dạy như cô, ở miền bắc, học sinh cúng nó cười cho.

Tôi đỏ mặt, đâm ra lúng túng:

_ Thưa chị…Em cứ ngỡ là sẽ được học bồi dưỡng 3 tháng, rồi mới nhận lớp dạy cơ…

_ À ra thế… Thế cô không dự giờ thăm lớp của đồng nghiệp bao giờ à?

Tôi suy nghĩ một thoáng. Có nên trình bày hoàn cảnh khó khăn trong gia đình mình không? Làm sao tôi có thì giờ để đi dự những tiết dạy thao giảng thường xuyên của các đồng nghiệp trong tổ XH, trong trường?? Khi mà ngoài giờ lên lớp tôi còn phải trông nom con cái, buôn bán lặt vặt để kiếm thêm tiền chợ. Với đồng lương 40 đồng 1 tháng, tôi làm được gì nếu không “chạy vạy” để có cơm ăn, áo mặc cho con? Tôi còn lòng dạ nào để ngồi đó dự giờ trong khi chút nữa ra về không biết đi vay gạo ai bây giờ? Từ ngày giải phóng đất nước hoàn toàn đến giờ , đó là tình trạng chung của cả nước chứ không riêng gì gia đình tôi. Số gạo và số bột mì nhà nước bán cho mỗi gia đình hàng tháng đó làm sao cung cấp đủ lượng “calorie” cho bản thân mỗi cá nhân trong gia đình? Như thế liệu chúng tôi có đủ như thế liệu chúng tôi có đủ sức để công tác tích cực như cấp lãnh dạo yêu cầu không? Bao nhiêu ý nghĩ dằn co trong đầu, nhưng tôi không tài nào nói được, trước cặp mắt soi mói của chị hiệu trường, tôi càng lúng túng thêm:

_ Thưa chị… em… bận lắm…

_ Bận. Ai mà chả bận. Nhưng cô phải biết thu xếp chứ. Mỗi tuần, cô phải thực hiện đúng theo tiêu chuẩn thi đua là dự giờ 2 tiết, dạy tốt 1 tiết.

_ Vâng … em sẽ cố gắng.

Tôi ra về trong tâm trạng buồn nản hơn bao giờ hết. Không phải vì tôi nghỉ đến đoạn đường dài mà tôi phải cuốc bộ gần 6 cây số mỗi ngày từ nhà đến trường. Cũng không phải vì tôi xấu hổ khi có Hiệu trưởng, Hiệu phó vào dự giờ trong lúc tôi chẳng hiểu 5 bước lên lớp là cái quái gì? Lại càng không phài vì số lương quá ít ỏi không đủ cho mẹ con tôi đi chợ trong một tuần. Vậy thì vì cái gì nhỉ? Có lẽ vì tất cả các nguyên nhân kể trên cộng lại, cùng với ý nghĩa mong manh của cuộc sống này chăng? Hình như thế. Tôi vẫn thường tự hỏi: Từ đâu mình đến đây? Đến để làm gì ? Rồi sẽ về đâu? Chẳng lẽ cả một quá trình làm việc, suy tư, vui buồn,… và cả những mối quan hệ thân cũng như sơ trong cái thế giớ người đầy phức tạp này chỉ là con số không ư? Tôi không tin thế dù chẳng có một cơ sở lý luận nào để kết luận như vậy. Trời nắng như thiêu như đốt. Mãi suy nghĩ, tôi chẳng để ý đến chuyến xe buýt đã vượt qua tự bao giờ. Thường khi tôi vẫn đi xe buýt được một nửa đoạn đường. Nếu muốn đi xe về đến nhà tôi phải qua hai tuyến đường bằng 2 chuyến xe khác nhau. Từ Phú Nhuận đến Sài Gòn rồi lại từ Sài Gòn về Phú Lâm. Mỗi tuyến đường tôi chỉ quá giang được một trạm. Còn nếu sợ mất thì giờ thì tôi đi bộ, bởi vì thời gian đứng chờ xe đến cũng bằng thời gian đi bộ đến trường. Và thế là tôi thường xuyên đi bộ và không hề phàn nàn 1 chút nào bởi vừa mất thì giờ lại vừa… đỡ tốn tiền.

Sáng hôm ấy tôi đến trường trễ hơn mọi ngày thế mà… lạ chưa. Ở phòng hội đồng vẫn còn đông đủ thầy cô giáo chưa ai lên lớp cả. Tôi vào tổ văn ngồi đúng vị trí của mình thường khi hỏi nhỏ một cô bạn:

_ Xuân ơi ! có việc gì thế ? Sao giờ này chưa lên lớp?

Xuân khẽ huých vào tay tôi ra vẻ quan trọng :

_ Cho học trò nghỉ . Họp đột xuất.

_ Lý do?

_ Một chút biết.

Tôi nhìn lên. Ồ, hôm nay có trưởng ban Giáo dục về dự nữa cơ à? Chắc là quan trọng lắm. Tôi đảo mắt một vòng. Đông đủ. Không khí có vẻ căng thẳng. Mọi người thì thào nho nhỏ đủ cho người bạn mình nghe mà người thứ ba không thể nghe lóm. Tôi hơi ngạc nhiên, bởi chưa bao giờ tôi được sống trong cái không khí lạ lùng đó. Nửa e dè, sợ sệt, nửa tò mò, hoài nghi. Ai cũng ở thế thủ – sợ “tai vách mạch rừng” – so85 liên lụy đến mình. Nói một cách khác ai cũng muốn cầu anmiễn là sự việc xảy ra không có dính dấp đến mình là được. Tôi cay đắng nhận ra mình cũng là 1 thành viên trong cái tập thể đó. Một người ngồi kế bên ở tổ khác mà tôi chưa biết tên, có lẽ mới từ trường khác đổi về e dè hỏi tôi:

_ Chị ơi, hình như… có chuyện gì quan trọng ấy nhỉ?

_ Em… cũng không biết nữa. Để xem…

Thế rồi chị Hiệu trưởng tuyên bố lý do. Thì ra là họp Hội Đồng Kỷ Luật để kỷ luật thầy Quang, 1 giáo viên dạy Pháp văn của trường. Đầu tiên Hiệu phó đọc biên bản về những vi phạm của thầy, trong đó nặng nhất là việc vi phạm qui chế thi cử. Nghe đâu có 1 học sinh tiết lộ thầy đã vào lớp tiết lộ đề thi sao đó mà đến tai Hiệu phó. Thế là Hiệu phó đến nhà 2 em nầy ghi thành văn bản việc thầy cho biết đề thi. Sau đó , Hiệu trưởng và Hiệu phó cùng làm việc riêng với thầy, đề nghị thầy làm kiểm điểm, thầy tỏ thái độ bất phục, sau thầy cũng nộp tờ kiểm điểm theo ý họ. Và thế là có buổi họp Hội Đồng Kỷ Luật hôm nay. Tôi nghe trưởng ban Giáo Dục đọc quyết định kỷ luật sa thải thầy ra khỏi ngảnh GD trong một tâm trạng hoang mang, xao xuyến lạ thường. Liệu mình ở vào cương vị của thầy mình sẽ ra sao nhỉ?Tuy mới về trường nhưng tôi cũng đã được biết ít nhiều về thầy Quang. Gia đình thầy thuộc giai cấp cũ. Nghĩa là di cư năm 1954. Bản thân thầy trong xã hội cũ làm việc ở Toà án – là 1 thẩm phán. Sau ngày giải phóng thầy xin làm việc ở ngành GD và dạy cấp 2 môn Pháp văn. Mặc dù rất kính trọng thầy nhưhg tôi chưa bao giờ dám nói chuyện với thầy cả. Có lẽ vì tuổi tác. Tôi sợ tiếp xúc với các bậc cao niên mình có thể vụng v6è , thất thố điều chi chăng? Nhìn thái độ ung dung , điềm tỉnh của thầy tôi cảm thấy kính trọng pha lẫn đôi chút bất nhẫn. Những người đang xử tội thầy kia- so tuổi đời, có lẽ chỉ đáng tuổi con thầy thôi. Thế mà họ đang ở vai trò trên trước lãnh đạo. Họ đang chứng tỏ cái uy quyền của người thuộc giai cấp mới – giai cấp cách mạng – tôi không hiểu từ cách mạng ở đây có nghĩa đúng hay không? Nhưng tạm thời, theo xu hướng thời đại ta hãy goi như thế. Những người thuộc giai cấp mới đó đang biểu dương cái uy quyền của học, đang chứng tỏ họ thắng thế về mọi mặt đối với những người trong xã hội cũ còn sót lại. Và nạn nhân đang giãy giụa, đang bị đè bẹp trước sức mạnh củ giai cấp mới. Đó là ý nghĩ đầu tiên của tôi khi thấy thầy Quang lủi thủi ra về trong những cái nhìn lạnh nhạt của đồng nghiệp. Nếu có những cái nhìn cảm thông thương hại thì chỉ là 1 thoáng chốc, bởi lẽ sau ngày giải phóng mới có 1 năm, tình thế mọi nơi hãy còn căng thẳng lắm. Người ta khiếp sợ e dè 1 cái gì đó rất hãi hùng mà trong quá khứ hãy còn để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm tư mỗi người.

Kể từ hôm đó , tôi đâm ra nhút nhát và cô đơn. Bởi lẽ tôi không dám tâm sự với ai hết. Những chuyện ở trường, những sinh hoạt phức tạp về quan hệ giữa mọi người trong tập thể, những khó khăn trong đời sống hàng ngày… Tuy là đề tài tầm thường đấy nhưng …rất cần thiết đối với con người chúng ta. Chúng ta cảm thấy mình tồn tại hay không là do có những tiếp xúc thường xuyên với đồng loại của chúng ta. Trong tập thể mà lúc nào mình cũa đi về lặng lẽ, không dám thổ lộ với ai hết thì có khác gì người tù ở giữa bốn bức tường của nhà giam đâu?

Vân Hà (TTHA)


Page last modified on July 15, 2015, at 04:10 AM