Năm Tháng Sẽ Qua
Cây bông sứ trước nhà vẫn trổ bông như thường khi. Có lẽ đó là một góc đẹp nhất của căn hộ chúng tôi mới đến trọ. Nhà gỗ đơn sơ nhưng được cái rộng rãi, thoáng mát nhờ hệ thống cửa ra vào và cửa hậu thông nhau. Căn phòng của chúng tôi nằm khuất bên trong nên cũng không cần phải trang trí cho đẹp, miễn là có chỗ ấm cúng cho các con tôi có được một nơi ăn chốn ở đàng hoàng, để ngày hai buổi đến trường, không phải gián đoạn việc học là được rồi. Tôi nào dám mơ ước gì hơn! Hoàn cảnh nghiệt ngã đã không cho phép chúng tôi giữ được căn nhà, tổ ấm duy nhất mà Trời, Phật đã ban cho kể từ khi chúng tôi ra ở riêng đến bây giờ. Nơi căn nhà đó không biết bao nhiêu là kỹ niệm vui, buồn của kiếp người đã diễn ra trong suốt hai mươi năm trời khi chúng tôi mới có đứa con đầu lòng xinh đẹp, ngoan ngoãn, thông minh…
Buổi sáng, Bố đi dạy, mẹ con ở nhà hủ hỉ bên nhau. Con quấn qúit bên mẹ như bóng với hình. Những ngày mưa gió tầm tả, nhà ngập nước, mẹ bồng con đứng ở góc nhà chờ tạnh mưa Bố mới về tát nước. Mẹ sợ ma bồng con đứng hoài ở mái hiên. Căn nhà hãy còn âm u lắm. Cái gác bỏ không bỡi cây đã mục nát, không ai dám lên sợ sập. Những cây kèo, cột là tổ mối, cứ chiều hôm là từng đám mối mới nở túa ra bu quanh những ngọn đèn, hay nơi nào có ánh sáng. Mẹ phải tắt đèn để cho chúng bay đi nơi khác vì sợ chúng rơi vào nơi con đang ngủ. Những ngày mới ra riêng thật đáng nhớ làm sao! Bỡi đó là những ngày đầu mới giải phóng miền Nam. Buổi giao thời đầy nhiễu nhương như bất kỳ giai đoạn giao thời nào của lịch sử, của xã hội. Giai cấp củ nầy bị đào thải, giai cấp mới kia lại mọc lên thế vào. Và rồi có nơi củ, mới lẫn lộn không biết đâu mà lường. Con người cũng nương vào đó mà vùi dập nhau để trả mối tư thù, ganh ghét, tị hiềm từ lâu…người củ thì hoặc bỏ đi, hoặc lui vào bóng tối bỡi không được sử dụng. Cũng có người cộng tác trong các lãnh vực chuyên môn. Họ chỉ biết phụng sự quốc gia, dân tộc không để ý gì đến lãnh vực chính trị đầy thủ đoạn, đầy phức tạp và nguy hiểm luôn rình rập kia. Tệ nhất là những hạng người thừa cơ “ mượn gió bẻ măng” để được thế “ ngư ông đắc lợi”. Thế là nào phát động phong trào đấu tố, nào tung chiến dịch bêu xấu bằng cách rỉ tai, nào phát khỡi thư nặc danh..v..v..để hai những đối tượng nào mà họ không ưa hoặc nghĩ rằng kẽ đó đã biết quá nhiều về quá khứ của mình…Nói chung giai đoạn giao thời là môi trường thích hợp để phát sinh và tăng trưởng những thói xấu của thời đại, của con người vốn là một sinh vật yếu đuối nhất thế gian. Cho nên, cái gia đình nhỏ bé của chúng tôi cũng bị cuốn hút vào cơn lốc vô tình đến tàn nhẫn đó. Lẽ ra giờ nầy chúng tôi hãy còn sống chung với Bố Mẹ chồng nhưng vì gia đình quá khó khăn, Bố Mẹ cũng muốn cho chúng tôi tự lập nên khi con đầu lòng của chúng tôi được một tháng rưỡi, chúng tôi buộc phải ra riêng để tự lo cho mái ấm gia đình của mình. Giai đoạn đầu chúng tôi đến tá túc bên cạnh một ông chú mới từ Long Khánh di tản về sau khi Sài Gòn giải phóng. Đó là một miếng đất nhỏ bên cạnh bệnh viện chợ Rẫy. Miếng đất nằm phía sau nhà xác của bệnh viện, vì ông chú của chồng tôi là công nhân thâm niên của bệnh viện nên được các bác sĩ thương và cho sử dụng miếng đất ấy. Gia đình ông khá giả nên không ở mà cho lại người em, và gia đình tôi được chú Út chia cho một phần nhỏ vừa đủ kê cái giường và chiếc nôi nhỏ bé, xinh xắn của con trai tôi. Những ngày đầu mới ra riêng thật là kinh khủng! Cả hai vợ chồng có chút trình độ nhưng đều thất nghiệp, lại còn thêm đứa con sơ sinh chưa đầy hai tháng tuổi. Gia sản ra riêng chỉ có một cái nồi, một cái chảo, và…vài cái chén sứt mẻ mà thôi- nhưng tôi không buồn bỡi chúng tôi hãy còn có đôi bàn tay, dù chỉ là đôi bàn tay trắng ! Cái đáng sợ nhất là tình thế không ổn định của Sài Gòn vào những ngày đầu mới giải phóng. Lúc ấy, cũng như tất cả mọi người, chúng tôi cũng tự mưu sinh bằng việc buôn bán lặt vặt cho qua ngày để chờ tình thế ổn định hơn, để may ra…nhà nước bố trí cho một việc làm thích hợp với đồng lương đủ sống. Thế là mãn nguyện rồi, tôi không còn ao ước gì hơn. Trong đầu óc bình thường, đơn giản của tôi chỉ mong có thế. Ông xã tôi thì khác, anh còn rất nhiều hoài bảo, hi vọng và nhiệt huyết của người võ sĩ vừa bước ra đấu trường. Điều đó cũng dễ hiểu thôi, bỡi anh vừa bước ra khỏi ngưỡng cửa gia đình và nhà trường. Tất cả tích lũy của tuổi thanh niên từ kiến thức cho đến sức khoẻ đều hãy còn đầy ắp, chưa có dịp đem ra thi thố trong trường đời bao giờ, cho nên anh hãy còn náo nức với rất nhiều dự tính thế nầy, thế nọ… Để được nhà nước mới xử dụng, anh cũng như bao nhiêu người khác của chế độ củ xông xáo ra làm việc xã hội, nào tập trung học tập cải tạo, nào dân phòng, nào thông tin văn hóa… thậm chí, anh còn tham gia cả ủy ban cứu trợ, công tác từ thiện cứu đói trong tổ, dù gia cảnh mình cũng chẳng khác họ chút nào. Nơi dừng chân tạm của anh là “ Hội trí thức yêu nước” để bắt đầu cho chương trình “ chiến đấu với giặc ngu dốt” của mình. Cũng xuất thân là nhà giáo, anh đã từng cầm phấn ngay từ những năm đầu trên ngưỡng cửa đại học. Vừa làm, vừa học như một số sinh viên nghèo khác nhưng ý chí tự lập của anh rất mạnh cũng như tinh thần phản chiến của anh lúc bấy giờ. Phong trào sinh viên biểu tình chống đối các thế lực muốn đặt ách thống trị lên dân tộc, đất nước của mình bùng nổ trầm trọng ngày một căng thẳng khiến anh cảm thấy không thể nào đứng yên được nữa. Rồi lệnh đôn quân ban hành, sắc lệnh tổng động viên của Tổng Thống Thiệu đã chấm dứt những ngày vừa làm thầy vừa làm trò của anh. Khóa sĩ quan Thủ Đức kết thúc một cách tốt đẹp, một mình anh với ba giấy khen hoàn thành xuất sắc công tác, thế nhưng ngày ra trường anh chỉ được gắn lon thượng sĩ, bỡi vì “ cái tinh thần phản chiến” của anh. Bạn bè ai cũng kinh ngạc không hiểu vì sao? Riêng anh và gia đình thì đều biết quá rõ lý do: anh quá nhiệt tình trong công tác xã hội khi đi chiến dịch nông thôn đến độ bị nghi là “khuynh tả”, anh cũng không buồn cải chính, bỡi anh không hề yêu thích sự nghiệp nhà binh. “Nhất tướng danh thành vạn cốt khô” ông bà ta đã nhận định như thế, điều đó làm anh cãm thấy mỗi một thứ bậc trong nhà binh đều phải trả bằng một cái giá qúa đắt. Với anh, chỉ có sự nghiệp giáo dục, hoàn mỹ hóa xã hội theo tinh thần nhà Phật là đáng để cho anh hi sinh cả một đời, bởi đó là lý tưởng tuyệt đối nằm trong cái tương đối của kiếp người. Mà cũng chính vì cái tinh thần từ bi đó mà anh thường xuyên gặp sóng gió, thất bại, nguy hiểm… thậm chí còn có thể nguy đến cả tính mạng nếu không nhờ tha lực chở che, bảo hộ. Những sự thị hiện đó tưởng chừng như tình cờ, nhưng mỗi lần thoát ra anh đều cảm thấy rất rõ điều đó. Tôi đã đi bên cạnh anh gần hai phần ba quãng đường đời, cho nên đã nhiều lần tôi chứng kiến cách giải quyết vấn đề của anh đầy nhân tính khiến cho những kẻ không hiểu cứ tưởng rằng anh yếu đuối, không cương quyết mà lấn lướt mãi…
_ Em ơi- mở cửa
Tiếng gọi kéo tôi về thực tại- một thực tại đáng buồn đến độ tôi không muốn nghĩ đến nữa, nhưng nó vẫn cứ hiện diện và làm cho tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi mở cửa, nhìn khuôn mặt, tôi biết không có gì thay đổi tốt hơn. Lẳng lặng quay vào, tôi không lên tiếng nhưng cả anh và tôi đều hiểu rằng bất cứ lời lẽ nào cũng không khoả lấp được sự lo lắng và đau khổ trong lúc nầy. Các con tôi đã lớn, chúng cũng hiểu điều đó nên chỉ biết chia xẽ với bố mẹ bằng cách lặng yên lấy vở ra học bài, không đùa giỡn như mọi khi nữa. Công việc làm ăn không trôi chãy, người thân không dám hỏi han vì sợ nhờ vả và xấu lây, sợ hỏi thăm sẽ phải giúp đở hoặc bị ta xin tá túc cho qua cơn hoạn nạn thì khó mà từ chối hoặc từ chối thẳng thì lộ chân tướng giả dối lâu nay. Còn bạn bè thì xa lánh. Những người bạn thân mà ngày thường ta tưởng chừng như không gì có thể kéo họ xa ta, thế mà chỉ trong vài ngày- khi biết rõ ta gặp hoàn cảnh không may có thể sẽ phải nhờ vả họ thì...thật khó mà gặp được họ. Bài học đó rất quen thuộc, rất cũ kỹ nhưng mọi người cứ phải học lại luôn. Tôi nhớ có lần anh kể cho tôi nghe câu chuyện về Mạnh Thường Quân như sau:
“Mạnh Thường Quân là tể tướng nước Tề- giàu có, hào phóng- trong nhà lúc nào cũng có ba ngàn tân khách dập dìu, lui tới, chiêu đãi ngày đêm không hề để một ai phải phiền trách, buồn lòng… cho dù đó là Thượng đẳng khách, Trung đẳng khách hay Hạ đẳng khách. Tiếng thơm lan xa, sĩ tử các nơi tìm về qui phục và không một ai bị từ chối. Phùng Huyên là một kẻ sĩ có tài- bất đắc chí- nghe tiếng ông, tìm đến xem thực hư thế nào. Ông cũng được Mạnh Thường Quân tiếp nhận vui vẻ nhưng vì không có tên tuổi, vai vế, chỉ được tiếp đãi như một hạ đẳng khách. Tuy là một vị khách lạ nhưng Mạnh Thường Quân vẫn cho gia nhân thường xuyên chăm sóc, theo dõi xem ông khách khá lạ lùng nầy có hài lòng không, hoặc ông có cần gì thì kịp thời đáp ứng. Cố tránh mọi sự bất như ý. Một hôm, Mạnh Thường Quân gọi gia nhân đến hỏi :
_ Ngươi thấy ông khách thế nào ? có hài lòng về sự tiếp đãi của ta không?
_ Bẩm, suốt ngày ông ấy chỉ ngâm thơ, ngắm trăng và tự bảo mình “ về đi thôi, về đi thôi, ở đây bạc quá không có rượu thịt…”
Nghe thế, Mạnh Thường Quân bèn ra lệnh cho người nhà đưa ông khách lên hàng trung đẳng khách và tiếp đãi hậu hĩ, ân cần hơn trước. Một thời gian sau, lại gọi gia nhân đến hỏi xem thái độ của khách thế nào? Gia nhân đáp:
_ Bẫm, ông ấy vẫn ăn xong rồi nằm khểnh, ngửa mặt nhìn trăng, ngâm thơ rồi tự bảo: “ về đi thôi, về đi thôi, ở đây bạc quá, không có giường cao chiếu rộng, sơn hào, hải vị, xe ngựa đi chơi …”
Hôm sau, Mạnh Thường Quân ra lệnh cho gia nhân đưa ông lên hàng thượng đẳng khách, đối đãi không khác chi một bậc quí nhân, thường xuyên thăm viếng, đàm đạo…Bấy giờ, Phùng Huyên mới không tự nhủ “ về đi thôi, ở đây bạc quá”. Một hôm, Mạnh Thường Quân nhờ ông thay mặt mình đến một thái ấp rất xa để thu thuế. Thái ấp nầy ở một vùng hẻo lánh xa xôi, nhân dân rất nghèo, lại luôn bị thiên tai bão lụt, hạn hán… thường xuyên bị nạn đói hoành hành. Đã ba năm rồi dân ở Thái ấp chưa nộp thuế. Mạnh Thường Quân dặn dò và cho ông trọn quyền xử lý nếu có bạo loạn. Phùng Huyên lên đường. Đến nơi, trông thấy cảnh sống của bà con quá thiếu thốn, lại lâm cảnh mất mùa, đói khổ khắp nơi. Phùng Huyên không hề nhắc đến việc thu thuế, chỉ nói rằng tể tướng Mạnh Thường Quân sai mình đến ủy lạo dân chúng, cấp phát gạo tiền và tuyên bố miễn thuế cho cả Thái ấp thêm ba năm nữa. Dân chúng ở đấy vui mừng khôn xiết, hết sức biết ơn và ca tụng công đức của tể tướng Mạnh Thường Quân như một đại ân nhân, như một vị thánh sống. Họ tiếp đãi Phùng Huyên, người thay mặt cho tể tướng hết sức chu đáo. Ngày tiễn Phùng Huyên trở về kinh đô, cả Thái Ấp ra đưa tiễn suốt mấy dặm đường …Mạnh Thường Quân nóng ruột chờ mãi, chờ mãi…rất lâu Phùng Huyên mới về đến. Chẳng những không thu được một đồng thuế nào mà còn tốn hao gạo tiền cấp phát cho dân chúng ở đấy. Mạnh Thường Quân vẫn không hề biểu lộ sự bất như ý khi nghe Phùng Huyên giải bày:” Bẫm- tôi thấy tướng quân tiền của không thiếu, thóc gạo dư thừa, gia nhân tấp nập, nên tôi đã mạn phép bố thí tất cả cho dân chúng ở đấy, miễn thuế ba năm cho họ để mua lấy “âm đức” cho tướng quân sau nầy… Mạnh Thường Quân bèn đổi giận làm vui bởi sự thể đã rồi. Lúc bấy giờ trong triều đình có bọn nịnh thần sàm tấu:
_ Tâu bệ hạ- Mạnh Thường Quân có ý định làm phản, trong nhà lúc nào cũng nuôi ba ngàn tân khách là để tạo thêm vây cánh cho ông ta đấy thôi. Nếu Bệ Hạ không triệt trước e rằng sau nầy khó mà dẹp được…
Vua nghe lời, bèn cách chức tể tướng của ông. Không còn chức vụ, tiền của nữa, ba ngàn tân khách kẻ trước người sau lục tục kéo nhau lặng lẽ ra đi, không một lời từ giã, không một lời hỏi han, không một lần thăm viếng xã giao. Mạnh Thường Quân ngao ngán trước tình đời đen bạc chỉ tới, lui thở dài im lặng, chịu đựng…, không biết phải tá túc ở đâu bởi gia sản đã bị tịch thu, không biết phải nhờ cậy ai, bởi ai cũng quay lưng làm mặt lạ với ông. Quanh đi, quẩn lại chỉ còn mỗi một mình Phùng Huyên hàng ngày vẫn lui, tới vấn an, đàm đạo. Mạnh Thường Quân hỏi ông: “ Nay ta chẳng còn gì, sao ngươi không tìm nơi khác mà nhờ vả có hay hơn không?
_ Bẫm- Bấy lâu nay nhờ sự rộng lòng của tể tướng mà tôi mới có nơi dung thân, đến nay vẫn chưa có dịp báo đáp, lẽ nào tôi lại bỏ người ra đi trong lúc nầy?
Mạnh Thường Quân rơi nước mắt: “Cũng may trong đời ta còn có một Phùng Huyên để làm bạn, thế là quá đủ rồi, ta chẳng mong gì hơn.”
Phùng Huyên an ủi: “Xin Ngài đừng quá bi quan, lòng tốt của Ngài sẽ có trời biết đến. Bấy lâu nay tôi cũng nhờ nơi Ngài hậu đãi mà được yên thân, no đủ. Nay, Ngài gặp hoạn nạn, tôi sẽ hết lòng vì Ngài mà phục hồi danh dự và chức vị cho Ngài”.
Mạnh Thường Quân cảm kích nhưng vẫn không tin kẽ sĩ bất đắc chí kia có thể giúp được mình điều gì. Nay tài sản bị thu hồi, chức quyền không có, bạn bè, tôi tớ không còn ai… Mạnh Thường Quân theo lời khuyên của Phùng Huyên khăn gói lên đường trở về Thái Ấp ngày xưa nương náu tạm thời. Nghe đến tên Mạnh Thường Quân cả Thái Ấp kéo nhau ra chào đón trân trọng chẳng khác nào đón vua. Họ không cần biết Ngài có còn là Tể Tướng hay không, từ già đến trẻ, áo quần tề chỉnh, cuộc sống có vẽ sung túc, phồn vinh. Thì ra nhờ được cấp ban gạo, tiền và miễn thuế ba năm nên họ đã phục hồi cuộc sống ấm no, có phần giàu có hơn trước.
Nghe Phùng Huyên báo tin Tể Tướng đến thăm, họ biết ơn, mừng rỡ, sung sướng kéo nhau ra đón rước thật long trọng và mời Ngài hãy ở lại đấy với họ mãi mãi. Mạnh Thường Quân bảo với Phùng Huyên rằng: “ Ta còn được như ngày nay cũng là nhờ ơn của Phùng tiên sinh đã vì ta mà mua lấy “ âm đức” ngày nào. Nay ông hãy ở lại đây cùng với ta và bà con nơi đây an hưởng tuổi già” Phùng Huyên cả cười : “Sao Tể Tướng bi quan thế- Ngài cứ ở lại đây đợi tôi- Tôi còn có bổn phận phải đi để phục hồi chức Tể Tướng cho Ngài nữa kia mà”.
Rồi Phùng Huyên khăn gói lên đường, ông sang tận nước Lỗ, tìm vào yết kiến nhà vua hỏi rằng:
_ Bệ Hạ có nghe gì chăng?
_ Có chuyện gì thế ?
_ Mạnh Thường Quân, Tể Tướng nước Tề đã bị cách chức
_ Việc ấy có liên hệ gì đến ta ?
_ Tâu- Mạnh Thường Quân thì không có ý nghĩa gì. Nhưng ba ngàn sĩ tử trong thiên hạ thật khó mà qui phục họ trong một sớm, một chiều. Nếu Bệ Hạ mời được Mạnh Thường Quân về làm Tể Tướng thì ba ngàn sĩ tử trong thiên hạ sẽ về theo, bệ hạ sẽ có một lực lượng đáng kể trong tay. Đất nước Lỗ há chẳng hùng mạnh hơn nước Tề hay sao ?
_ Ngươi nói chí phải
Thế là vua nước Lỗ ra lệnh cho sứ giả sửa soạn lễ vật đến tận Thái Ấp xa xôi, hẻo lánh kia để mời cho được Mạnh Thường Quân về làm Tể Tướng. Phùng Huyên lại khăn gói lên đường tìm gặp vua nước Tề, tâu :
_ Bệ hạ đã nghe gì chưa ?
_ Có chuyện gì thế ?
_ Vua nước Lỗ cho sứ giả đi mời Mạnh Thường Quân về làm Tể Tướng
_ Việc ấy có ảnh hưởng gì đến ta ?
_ Tâu- một mình Mạnh Thường Quân thì không đáng kể, nhưng ba ngàn sĩ tử trong thiên hạ mới đáng kể. Xin Bệ hạ hãy cấp tốc phục hồi chức Tể Tướng cho Mạnh Thường Quân thì mới giữ được ba ngàn sĩ tử trong nước không theo Mạnh Thường Quân mà về với nước Lỗ. Nếu Bệ hạ để cho nước Lỗ mời được Mạnh Thường Quân thì khác nào thêm vây cánh cho hổ, chừng đó nước ta e rằng không tránh khỏi họa xâm lăng!
Vua Tề nghe vậy, cho người đi dò la tin tức, thấy đúng như lời Phùng Huyên đã tâu, bèn cấp tốc cho sứ giả đi mời Mạnh Thường Quân về và phục hồi chức Tể Tướng như xưa. Và rồi ba ngàn tân khách lại kéo nhau đến chúc tụng, có phần đông hơn trước. Mạnh Thường Quân ngao ngán bảo với Phùng Huyên :
_ Ta chẳng muốn nhìn thấy mặt họ nữa. Ta chỉ có mình ông là bạn cũng đủ rồi
Phùng Huyên cười đại lượng :
_ Ngài không nên thế- Ngài phải dung chứa họ như xưa và xem như không có chuyện gì xãy ra. Có thế Ngài mới xứng danh là Mạnh Thường Quân.
Câu chuyện xưa là vậy. Tôi nghiệm thấy sao giống chuyện của anh quá, dù anh không giàu có như Mạnh Thường Quân đủ để nuôi đến ba ngàn tân khách, anh cũng không có được một người như Phùng Huyên để bầu bạn. Nhưng ngay trong anh có cả hai người cộng lại. Chính vì thế mà khi gặp thất bại trong cuộc đời, anh vẫn tìm đủ mọi cách để vươn lên, không nản chí bao giờ dù trước mắt chưa có dấu hiệu gì khả quan cả. Thậm chí còn hết sức tuyệt vọng nữa là đằng khác. Không còn trường, không còn tiền của thì chức vụ cũng chỉ là cái hư danh mà thôi, lại còn nợ nần do không khéo tính toán khi chuyển đổi mặt bằng. Nên tuy học viên không giảm nhiều nhưng chi phí lại tăng, và thế là không kham nổi. Cho nên khi đơn vị cộng tác có ý đòi lại mặt bằng để hợp tác với người khác thì anh đồng ý ngay- bỡi nếu kéo dài thêm chỉ tạo ra nợ nần mà thôi. Không ai biết được tình hình đáng buồn đến như thế. Nhưng nếu có ai biết thì cũng chỉ để biết mà xa lánh dần bỡi không ai muốn làm thân với người ngã ngựa cả. Người ta không vỗ tay reo cười ngay trước mặt kẻ bị té cũng là có tư cách lắm rồi, cũng là tôn trọng nạn nhân lắm rồi, còn mong gì hơn… Tôi nghĩ thế để tự an ủi mình và để lòng không vướng bận thêm những ưu phiền không đáng ấy.
Buổi tối, khi mọi người đã đi ngủ cả. Tôi ngồi lặng yên nhìn khắp căn nhà lần cuối, nước mắt tôi trào ra. Việc gì đến sẽ đến. Vô thường là chân lý của cuộc đời mà! Đồ đạc đã đóng gói cả rồi. Căn nhà đã thuộc về người khác. Tôi chỉ còn được ngủ ở đây một tối nữa mà thôi, rồi mọi việc có được trôi chảy, suông sẽ hay không? Tất cả đều còn ở phía trước!! Hiện tại chưa có gì khả quan cả. Trong lòng tôi cứ nuôi hi vọng có một sự thay đổi bất chợt nào đó vào giờ cuối để không phải rời bỏ căn nhà thân yêu mà Trời Phật đã xếp đặt cho gia đình tôi ở đó hơn hai mươi năm trời. Căn nhà hi hữu mà cho đến giờ sắp chia tay tôi cũng hãy còn ngỡ ngàng không hiểu tại sao mình có được nó. Tôi chỉ biết nghĩ rằng chắc là do thần lực của chư Phật làm ra tất cả mà thôi, dù tôi không có một chứng cứ thế gian nào cả nhưng tôi có linh cảm của một người có niềm tin vững chắc bất khả thuyết, bất khả tư nghì. Căn nhà thân yêu mà hơn hai mươi năm trời đã chứng kiến biết bao thăng trầm, vui buồn của chúng tôi. Từ những ngày nó còn là gian nhà lụp xụp, ẩm thấp cho đến khi chúng tôi đã làm thay đổi nó hoàn toàn để trở thành căn nhà khang trang xinh xắn như ngày nay. Biết bao công sức, biết bao mồ hôi, nước mắt của chúng tôi đã đổ vào đấy để giờ này nó thuộc về kẻ khác! Chỉ vì một phút vụng tính của chúng tôi ! Dù sao thì chính nó cũng đã cứu chúng tôi thoát khỏi hoàn cảnh nan giải hiện giờ. Bao nhiêu ơn nghĩa, bao nhiêu kỹ niệm, bảo sao tôi không cảm thấy đau lòng khi phải rời bỏ nó mãi mãi? Ngày mai nầy, chúng tôi phải sang một chỗ ở khác, chắc chắn là không bằng nơi đây nhưng… dù sao thì cũng còn hơn những người ở vỉa hè! Cho nên tôi cũng hết sức biết ơn người bạn nghèo đã vui lòng, tin tưởng mà cho chúng tôi đến đó tá túc trong lúc hoạn nạn nầy, bởi có những người thân vẫn không dám cho chúng tôi nương nhờ vì sợ rằng cho vào rồi thì khó mà đuổi ra được. Thật đáng buồn cho kiếp người!!
Căn hộ mà chúng tôi mới dọn tới là của một gia đình đã xuất cảnh, chỉ còn lại người con trai út: đó là anh Giao, anh cũng là bạn của ông xã tôi, một người bạn lối xóm không thân cũng không sơ, bỡi đã quen biết nhau lâu nhưng không cùng nghành nghề nên ít có dịp gần gũi để hiểu nhau nhiều hơn. Thỉnh thoảng, anh hay ghé nhà chúng tôi mượn ít tiền mỗi khi gặp khó khăn và thường là chúng tôi cho luôn vì biết anh thất nghiệp, thường hay túng hụt. Anh cũng rất khí khái không bao giờ nhận quá số tiền mình cần dùng. Chính vì thế mà chúng tôi rất quí mến anh mặc dù không rõ gia cảnh của anh thế nào. Chỉ biết rằng anh là con út trong một gia đình khá giả nhưng bị cả gia đình hất hủi vì không chấp nhận người vợ của anh. Thế là họ phải lang thang hết nơi này đến nơi khác, mỗi nơi chỉ ở được vài tháng bỡi không có tiền để trả tiền nhà thường xuyên. Họ cũng có một đứa con gái nhỏ. Nghe đâu bé chỉ là con nuôi, bởi cả hai vợ chồng đều vô sinh. Khi cả nhà xuất cảnh, cả hai mới được quyền về nhà trông coi căn hộ khá rộng rãi ấy. Đối diện nhà là miếu Ngũ Hành, thờ thánh nữ và các vị Hộ pháp. Nghe đâu căn nhà cũng nằm trên phần đất của Miếu và người chủ Miếu đã cho mướn lại, sau khi giải phóng, ban Quản trị của Miếu đi hồi hương, con cái họ cũng phiêu bạt không còn ai. Nhà nước mới tiếp thu, không rõ bỡi căn hộ không được khai báo, thế là được coi như độc lập không thuộc quyền quản lý của Ban quản trị Miếu nữa, mà thuộc nhà nước quản lý, người trong nhà được đảm bảo quyền lưu cư nhưng phải chờ nhà nước hợp thức hóa mới có chủ quyền sở hữu căn nhà. Họ có nhà nhưng không có tiền, thế là cứ sống bằng cách cho thuê nhà cũng tạm được tuy có thiếu hụt đôi chút. Nhà gần trường nên người vợ ra cửa trường buôn bán lặt vặt thêm cũng tạo được một cuộc sống khá ổn định hơn xưa. Thế là chúng tôi đề nghị anh cho chúng tôi thuê nhà của anh, thay vì người khác thuê ngắn hạn, chúng tôi làm hợp đồng thuê nhà hai năm liền để anh có tiền gởi nhà băng lấy lời hàng tháng mà chúng tôi cũng tạm ổn định một thời gian dài để tìm phương cách làm ăn không phải lo lắng về chỗ ở nữa.
Ngày đầu tiên sống chung với những người không có chút liên hệ gì về huyết thống khiến tôi không khỏi cảm thấy lo ngại, bỡi hơn ai hết, tôi vô cùng hiểu rằng mỗi người là một thế giới riêng, khó mà cảm thông nhau trọn vẹn để không khỏi hiểu lầm do thành kiến, do cái nhìn hạn hẹp của người trần mắt thịt, do những ganh ghét, tị hiềm nhỏ nhặt của kiếp người. Ở người đàn bà đó- vợ anh Giao, chủ nhà- có một cái gì đó khiến cho tôi cảm thấy khó gần gũi. Nó không giống như đối với những người phụ nữ khác. Cái cảm giác ban đầu ấy có lẽ là do chúng tôi không cùng làm chung một nghề chăng ? Tôi cho là như thế. Nhưng tôi vẫn tự nhủ mình sẽ cố gắng sống nhẫn nhục để cho qua mau hai năm khốn khổ, hoạn nạn của gia đình mình. Tôi dạy các con tôi phải biết kính trọng người lớn và thương yêu trẻ nhỏ hơn mình để các con tôi không vì hoàn cảnh mà trở nên những đứa trẻ khó dạy. Tôi cũng cầu nguyện hằng đêm cho gia đình mình sớm phục hồi như xưa. Chỉ cần có một mái nhà nho nhỏ đủ để trú mưa trú nắng và không còn nợ nần nữa là tôi mãn nguyện rồi. Ôi! Sao mà khó quá! Không biết có được như lòng tôi mơ ước không nữa. Hiện tại sao mà mờ mịt quá. Gía như có ai đó sẵn lòng giúp đở anh ấy trong hoàn cảnh nầy nhỉ? Tôi sẽ biết ơn vô cùng. Nhìn quanh- sao chỉ thấy những toàn những nụ cười mãn nguyện của mọi người dành cho mình thôi. Tôi có lầm không nhỉ ? chắc là tại mình quá mặc cảm mà ra! Tôi cố gắng nghĩ về họ như thế và hi vọng là đúng. Chính vì cái mặc cảm đó mà chúng tôi đã đề nghị với anh Giao nếu có ai hỏi han thì cứ bảo rằng họ cho gia đình chúng tôi ( bạn thân) tá túc trong khi chờ đợi một chỗ ở khác ổn định hơn.
Trong thời gian nầy chúng tôi được chùa Xá Lợi nhận cho làm chế bản ở phòng phát hành kinh sách, nhờ thế mà cả gia đình có việc làm tạm ổn để chờ đợi một cơ may khá hơn cho cuộc sống tạm ở thế gian nầy. Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy đó là thời gian ý nghĩa nhất và là thiện duyên hiếm có của cả một kiếp người, không phải ai cũng có thể có được. Nhờ thiện duyên đó mà cả gia đình tôi có cơ duyên để học Phật kỹ hơn, các con tôi cũng ảnh hưởng phần nào triết lý sống của Đạo Phật, trở thành Phật tử thuần thành hơn, chúng rất hồn nhiên và xem mọi khó khăn trong cuộc sống ( nếu có) đều là những khoảnh khắc tạm thời, có thể đổi thay bất cứ lúc nào- mọi pháp đều hư huyễn- tốt hơn hay xấu hơn đều do chính mình quyết định. Hoàn cảnh bên ngoài chỉ là trợ duyên thêm mà thôi, còn vấn đề thời gian sẽ xác định ý chí và giá trị của mỗi con người trong cuộc sống. Điều quan trọng nhất là cái tâm phải trong sáng, luôn yêu thương con người cho dù họ có đối đãi với mình tệ bạc đến đâu đi nữa. Có thể là chúng tôi đã dạy con mình không giống một số người khác nhưng điều chúng tôi rất tôn trọng là sự tự do tư tưởng, không hề bắt buộc chúng phải chấp nhận một điều gì mà không yêu cầu chúng phải suy nghĩ kỹ trước khi quyết định. Bởi chúng đã lớn, chúng có quyền được đóng góp ý kiến về mọi điều chung trong gia đình, cố hết sức tránh cho chúng những ý nghĩ riêng lẻ đến độ ích kỷ hẹp hòi chỉ biết có mình. Chúng tôi cũng cố gắng giải thích cho chúng hiểu thế nào là lối sống tương tức mà không để chúng cảm thấy mình bị Bố mẹ kiểm tra, không bị tha nhân chi phối vào cuộc sống riêng mà vẫn có được giây phút riêng tư để tự chọn cuộc sống cho mình- một cuộc sống có ý nghĩa riêng mình mà cũng có đóng góp ích lợi cho xã hội để cùng nhau vươn lên . Do đó mà khi dọn về ở chung với một gia đình hoàn toàn xa lạ, các con tôi cũng rất dễ hòa mình, chúng không mặc cảm cũng không phân biệt đối xử với mọi người trong nhà cũng như mọi người khách của cả hai gia đình- nhất là đối với người vợ của anh Giao, một người đàn bà “ quá ư thô lỗ” suốt ngày chửi chồng bằng những lời lẽ hết sức tục tằn, hỗn láo… chúng- các con tôi, lúc nào cũng gọi chị bằng cô xưng cháu thân mật như đối với một người cô ruột, mọi điều không tốt của chị, chúng đều coi như chuyện bình thường của kiếp người, của những người không chút trình độ về trí thức cũng như về đạo đức. Những ngày đầu sống chung, tôi vô cùng ngạc nhiên trước tác phong “ bất bình thường” ấy của chị ta. Có lẽ vì thế mà bà cụ không thừa nhận chị ta là con dâu chăng ? Tôi chỉ dám nghĩ đến như vậy thôi, chứ không biết quá khứ “oanh liệt” của chị ta như thế nào.
Mỗi ngày, khi các con tôi đi học, tôi ở nhà cũng bắt đầu công việc của mình. Sáng, tôi đánh máy được khoảng mười lăm trang giấy A4, đó là vừa làm vừa nấu cơm, còn như chỉ làm công việc đánh máy thôi có lẽ nhiều hơn. Trưa về, các con tôi vừa sửa lỗi, dàn trang và in ấn, còn Bố chúng thì chịu trách nhiệm tổng quát in ra bản laser và giao hàng hoặc nhận hàng mới… Công việc tuy không vất vả nhưng khá bận rộn bởi vì không có thì giờ nghỉ ngơi cụ thể, mà công việc tạm thời để sống thì không thể chọn lựa theo ý mình được. Có việc là quí rồi, không dám đòi hỏi gì hơn. Vả lại, trong cõi đời nầy có những điều mà ta tưởng là tạm thời, vẫn có thể là tạm thời cho đến hết kiếp người mới thôi. Cái gia đình mà chúng tôi sống chung lại hết sức nhàn rỗi. Anh chồng thì sáng: cà phê, trưa: cà phê, chiều: cà phê, tối: cà phê và đánh đề, sổ xố… Người vợ bán giải khát ở trường học gần đó, hôm nào bán đắt hàng hoặc trúng đề, hốt hụi..v..v.. thì nghỉ bán để xài cho đến khi không còn tiền nữa mới lại đi bán. Thỉnh thoảng anh chồng có được tiền của nước ngoài do bà cụ gởi về thì cả nhà được một phen ăn xài thoả thích mà không cần phải bán buôn gì cả. Rất nhiều người bạn hảo tâm thấy cuộc sống của anh không có gì đảm bảo đề nghị xin việc làm cho anh để có đồng lương ổn định, dù là ít ỏi nhưng anh ta đều từ chối, viện lẽ không thích cuộc sống công chức gò bó “ sáng vác ô đi, tối vác về”. Cái xó tối nhất của gian nhà là nơi anh ta ngồi mơ màng suy tính mọi việc cho tương lai, cái tương lai viễn mơ cũng như đầu óc đầy tưởng tượng của anh - những chương trình to lớn thuộc tầm cở quốc gia mà anh vẽ ra trước mắt thật khó mà thực hiện nổi : khu vườn của anh trong tương lai bạt ngàn ngút mắt, cây trái cứ đến mùa thu hoạch thì tấp nập người đến anh xin làm công, những trại chăn nuôi trên vùng đất cao nguyên trù phú mà anh là một ông chủ trại có kiến thức rất sâu về sinh vật. Những ao cá, những thủy sản mà nông trại của anh gây giống sẽ tung ra khắp các nước trên thế giới. Mọi người sẽ đến đặt hàng không cần phải qua một trung gian nào hết..v..v.. và..v..v..Nghe những dự tính ấy của anh, ai cũng phì cười bỡi thực tế thì… ôi, sao mà luộm thuộm thế: đầu bù, tóc rối, hai má hóp sâu làm cho hai trũng mắt lõm vào trông thật thương tâm. Răng thì khập khểnh cái còn, cái mất lỡm chỡm không giống ai, tóc không hớt cứ để dài rũ rượi như người mất trí. Quần áo thì lôi thôi ống cao, ống thấp không có giây lưng, cứ mặc vào thì hai tay xách lên như sợ bị tuột. Đã thế lại đi cứ như chạy khiến cho các con tôi cứ thì thầm kháo nhau: ai mà đứng nói chuyện lâu với bác ấy có ngày bị “quê” đấy! Thậm chí, có hôm anh ta còn mặc cả đồ đàn bà nữa. Thật là quái dị! Suốt ngày ngồi một góc trong xó tối suy tưởng, không làm gì cả, nếu có đứng lên là để chuẩn bị ra quán cà phê ngồi tiếp…hoặc đi dò số, dò đề…Có người cho rằng anh ta mắc bệnh “hoang tưởng”. Ông xã tôi cho rằng tại anh ta “thất nghiệp” quá lâu nên sinh ra như thế. Còn tôi thì không tin vào điều anh biện hộ cho bạn anh, bỡi vì tôi đã từng chứng kiến biết bao người mời anh ta đi làm nhưng anh ta đều từ chối, viện đủ mọi lẽ. Ngay cả khi nhà tôi vừa tìm được cơ sở mới, mời anh ra phụ giúp một tay với chức năng giáo vụ để anh có thêm thu nhập cho gia đình và để bớt đi số thì giờ quá nhàn rỗi của anh, vậy mà…anh ấy cũng từ chối. Tôi thật không ngờ, cứ tưởng anh ấy sẽ nể nhà tôi mà nhận lời, với lại ở đời chỉ có “người tìm việc” chứ ít khi có trường hợp “việc tìm người” như thế, mà lại còn bị từ chối nữa mới là buồn cười ! Thế thì không phải vì “thất nghiệp” nên sinh ra “gàn gàn” như thế mà có lẽ vì “bệnh lười biếng” hay “bệnh dở người” như ông bà ta vẫn thường đặt tên cho loại người như vậy. Người vợ của anh ta còn “kinh dị” hơn. Khoảng ba mươi ngoài nhưng cứ thích mặc quần áo cũn cỡn như trẻ con. Hễ đi bán thì thôi, hôm nào ở nhà thì cứ bộ quần áo lót mặc cả ngày đi tới đi lui trông rất chướng mắt. Tôi chỉ sợ các con tôi đang ở tuổi mới lớn, chúng có thể bị “sốc”, nhưng may mắn thay chúng rất hồn nhiên không hề để ý đến điều đó bao giờ. Lần đầu tiên phải sống chung với những người không cùng huyết thống, nhất là hoàn toàn khác biệt nhau về tính cách cũng như nếp sinh hoạt, tôi cảm thấy có một điều gì đó không ổn, có nghĩa là sẽ không bền cho cuộc sống chung nầy. Không biết rồi đây mọi chuyện sẽ diễn tiến theo chiều hướng nào nhưng chắc chắn là mọi điều sẽ không đứng yên như lúc ban đầu nữa rồi.
Gian phòng của cả gia đình tôi chỉ rộng khoảng chín thước vuông, tất cả vật dụng được xếp lên cái gác xép nhỏ phía trên vừa làm kho để sách, vừa làm la phông cho phần dưới đở nóng. Cả gian phòng vừa đủ kê hai cái giường cho lũ trẻ còn chúng tôi phải nằm dưới đất, một cái bàn nho nhỏ vừa làm bàn ăn vừa làm bàn làm việc cho cả nhà. Nói vậy cho sang nhưng thật ra có ai làm việc tại nhà được đâu ? Khi tất cả chúng tôi rời trường về đến nhà thì cũng là lúc hai vợ chồng anh Giao cũng về tới và rồi họ bắt đầu gây gổ, chửi nhau khiến cho cả nhà chúng tôi không sao chịu nổi. Thế là mỗi người tìm một chỗ lánh mặt, kẻ về nội, người về ngoại để tránh cái không khí đầy “ô nhiểm môi trường” bỡi những lời chửi chồng quá thô lổ tục tằn của người vợ. Nếu hôm nào họ không chửi nhau thì đó là lúc họ chửi nhau với lối xóm. Khổ cho các con tôi, chúng học bài trong tình hình như thế mà vẫn phải cố gắng học, bỡi không còn nơi nào khác hơn nữa. Người vợ thì chỉ cười, nói khi nào mượn tiền chúng tôi, còn thì lúc nào cũng “mặt sưng mày sất” như sẵn sàng để chửi nhau với bất cứ ai. Cứ sáng ra thấy tôi mà hỏi thăm một câu thì y như rằng mười lăm phút sau thị lại mon men mượn tiền. Lúc đầu, tôi đưa ngay vì nghĩ rằng sống chung cũng nên giúp nhau mỗi khi cần thiết thì mới giữ được hòa khí trong nhà. Nhưng cứ vài ngày là chị ta lại hỏi mượn tiền, mà có ít đâu, vài trăm ngàn trở lên, hay ít nhất cũng là một trăm ngàn. Trời ạ ! gặp lúc gia đình tôi đang hoạn nạn nữa thì những số tiền kia đâu phải là nhỏ. Lúc đầu, tôi không dám nói với nhà tôi, cứ lấy tiền dành dụm riêng của mình mà đưa cho chị ta, chỉ trong vòng hai tuần là số tiền nhỏ nhoi hơn một triệu của riêng tôi cũng hết, tôi bắt đầu hoảng lên mỗi lần chị ta hỏi, tôi lại lấy cớ rằng mình cần tiền bảo ông xã tôi đưa để tôi cho chị ta mượn, có lần anh ấy đưa chậm, thế là cả ngày hôm đó chị ta hết “mắng chó, chửi mèo” rồi đến chửi con, chửi chồng. Tôi chịu hết nổi, phải gở cái nhẫn trên tay đưa cho chị ta mượn để cho các con tôi không phải sống trong cái không khí “kinh khủng” đó. Trong cái gia đình nầy có lẽ chỉ còn đứa con gái nhỏ của họ- bé Mỹ- là chưa “bất bình thường” như hai người lớn kia, nghe bà con trong xóm nói con bé chỉ là con nuôi, có lần anh Giao nhờ ông xã tôi đi làm giấy khai sinh cho cháu, tôi mới biết điều đó là thật chứ không phải lối xóm thêu dệt. Ngày nào cháu cũng ăn cơm với gia đình chúng tôi, bởi cả ngày bố mẹ nó cũng không hề có buổi cơm chung nào, mạnh ai nấy ăn “cơm đường cháo chợ” đúng nghĩa. Họ có cho nó tiền để ăn quà thay cơm, nhưng nó cứ thích ăn cơm với gia đình chúng tôi, có lẽ đó là không khí gia đình êm ả, đoàn tụ mà từ trước tới giờ nó chưa được hưởng chăng ? Nó rất thích chơi với con gái út của tôi- bé Hạnh- nhưng không hiểu vì lý do gì mà người đàn bà làm mẹ nó lại cứ cấm đoán. Mỗi lần chị ta về đến trừng mắt một cái là nó rúc vào phòng ngủ nằm im cho đến lúc chị ta ra khỏi nhà thì nó lại tụt xuống giường đi tìm chị Hạnh. Nó nhỏ hơn bé Hạnh bốn tuổi, mới học lớp hai nhưng cứ thích hỏi những chuyện của người lớn, thích hóng chuyện của bất cứ ai đến nhà. Lúc đầu ai cũng nghĩ rằng nó tò mò hoặc hiếu kỳ nhưng thật ra không phải thế. Nó đã được người đàn bà nuôi nó rèn luyện theo bản tính của chị ta. Và trước một bé Hạnh hoàn toàn hồn nhiên, ngây thơ, nó bổng trở nên một con bé láu lĩnh, ranh ma để đối phó với mẹ nó. Nó sẵn sàng làm những điều mẹ nó cấm đoán những khi chị ta vắng nhà hay khi chị ta…đi ngủ, nhưng khi chị ta về đến hoặc thức dậy thì nó trở thành một đứa trẻ ngoan chưa từng có. Thậm chí, nó giống như một cục đất sét, chị muốn nặn hình gì cũng được- nếu không- nó sẽ phải ăn những trận đòn khủng khiếp. Lúc đầu thấy con bé bị đòn, tôi rất bất bình và cố tình can thiệp, ngăn cản không cho chị ta đánh nó nhưng rồi những lần sau tôi cứ để mặc, bỡi nếu thấy tôi can gián, chị ta càng làm già, đánh con bé nhiều hơn. Mỗi cá nhân trong cái gia đình nhỏ bé đó là một thế giới riêng biệt- có thể nói là cá biệt- Cái thế giới đó hoàn toàn khác với gia đình tôi, khó mà hòa hợp với nhau để có thể cùng sống chung một nhà. Tôi cãm thấy điều đó rất rõ, nhưng không làm sao thay đổi được bỡi hoàn cảnh thực tế không cho phép. À- còn rất nhiều thành viên kinh khủng nữa trong gia đình anh Giao mà tôi chưa kể đến : đó là tám con mèo già sắp hóa cáo của anh ta : chúng ranh ma và phá phách không sao chịu được. Thực phẩm của bất cứ ai cũng bị “đánh cắp” một cách tài tình. Nhoáng một cái chúng đã “chén” sạch, thế là nằm lăn ra khắp nơi ngủ li bì trên nệm, trên ghế, trên tủ, trên kệ sách, trên ti vi… và… trên cả bàn thờ của gia đình mọi người! Có lần các nhà láng giềng đã phải đưa vấn đề ra tổ dân phố bỡi vì chúng phóng uế bừa bải bất kể là ở chỗ nào khi chủ vắng nhà. Sự việc nghiêm trọng đến độ họ định giải quyết với anh ta bằng vũ lực nếu như nhà tôi không can gián họ. Cả xóm đặt tên cho anh ta là “tên tâm thần và bầy mèo” kể cũng không phải là quá đáng. Ấy vậy mà chúng tôi phải chung sống với họ suốt nửa năm trời đấy.
Không bao giờ tôi quên được cái buổi chiều kinh khủng trước lúc hai gia đình chia tay. Sau khi tìm được một chỗ ở mới, ông xã tôi báo cho người chồng biết để rút lại số tiền thuê nhà hai năm và sang đặt cọc cho căn nhà mới. Bỡi chúng tôi không thể nào chịu đựng được hơn nữa cái cảnh chửi nhau quá thô lỗ của họ. Nhất là ở người đàn bà quá ư là trơ trẻn nầy, sợ rằng sẽ có nhiều điều “đáng tiếc” hơn nữa xãy ra sau nầy chăng? Thế là chúng tôi quyết định “chia tay” với họ. Đồ đạc đã gói ghém sẳn sàng nhưng chúng tôi vẫn không đi được vì họ chưa trả tiền, cả nhà hết đứng lại ngồi chỉ mong họ trả tiền sớm để dọn đi. Chúng tôi chỉ nghĩ đến một điều hết sức đơn giản là họ đang chạy tiền để hoàn trả cho chúng tôi. Nào ngờ…họ chẳng khác trẻ con, lời hứa như chuyện đùa, chúng tôi đã cãm thấy trước điều nguy hiểm có thể xãy ra nếu như cứ sống chung với những người “kỳ dị” như thế. Đợi mãi…sốt ruột, các con tôi rũ nhau lên nhà mới. Bố chúng đi ăn cưới, chỉ còn mỗi mình tôi ở nhà trông coi đồ đạc. Khi chị vợ anh ta trở về, giống như một người điên, chị ta sừng sộ gây gổ, chửi bới lung tung. Có lẽ mục đích là để tôi chịu không nổi mà bỏ đi, thế là “mất cả chì lẫn chài”, tôi cũng hiểu như thế nên bước ra cửa, qua nhà hàng xóm ngồi chờ cả nhà về sẽ giải quyết sau. Được thế, chị ta càng lấn lướt, chửi bới tục tằn thô lổ không sao chịu được. Bà con lối xóm bu lại xem vòng trong, vòng ngoài. Họ không hiểu chuyện gì. Tôi xấu hổ muốn chết đi được bỡi đây là lần đầu tiên mình bị dính vào những chuyện như thế. Cả hai vợ chồng anh ta gào thét, la lối, chửi bới chán chê rồi người vợ “xung” quá xấn xổ nhào tới định “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với tôi, nhưng…cũng may cho tôi, bà con lối xóm đứng xem nãy giờ đã hiểu chuyện. Họ xông vào lôi “con mụ điên” ra và vây quanh để che chở cho tôi, có người tức quá tát cho “con mụ” một cái để tỏ lòng bênh tôi. Thật không sao nói hết được lòng cảm kích của tôi đối với họ, bỡi từ lúc về xóm nầy tới giờ, tôi có dám nói chuyện với ai đâu, phần thì mặc cảm “sa cơ thất thế”, phần thì sợ phải trả lời những thắc mắc chính đáng của những người quen- nào là tại sao cậu mợ không tá túc nhà ông bà gần đó mà phải qua tá túc nhà một gia đình tâm thần như thế ? Anh em cậu không ai giúp cậu sao mà phải đi ở nhờ nhà của một anh bạn bất bình thường như thế? Những lúc đó tôi phải tìm một cái cớ hợp lý để giải thích cho xong chuyện và rồi cố tình tránh mặt mọi người quen- Tôi gần như bị cô lập trong cái thế giới riêng đầy mặc cảm của chính mình, phần thì do sự rào đón ngăn cản của cả hai vợ chồng gần như không muốn cho gia đình tôi giao thiệp với bà con lối xóm nên họ đã vẻ ra đủ chuyện mà sau nầy tôi mới biết là không thật có, phần nữa thì…vì quá bận “đầu tắt mặt tối” cả ngày để kiếm cơm áo cho các con nên chưa bao giờ tôi có dịp qua lại với mọi người. Vậy mà…họ đối với tôi quá hậu hỉ- còn hơn cả người thân- bênh vực tôi tận tình đến như thế. Tôi đứng lặng thinh cảm động muốn rơi nước mắt trong vòng vây quanh “bảo vệ” của bà con lối xóm trong khi cả hai vợ chồng lồng lộn chửi rủa đến điếc cả tai. Sau cùng thấy tôi vẫn cứ làm thinh chịu đựng, người chồng bèn đi gọi công an đến phân xử. Thật là buồn cười! Tôi không hiểu tại sao anh ta lại đi gọi công an? Người đi gọi là tôi mới phải chứ. Cuối cùng là bảng tường trình và lời cam kết của cả hai vợ chồng hứa hoàn đủ số tiền nhà và để chúng tôi ra đi …an toàn! Buồn cười chưa?! “sông có khúc, người có lúc” đó là điều an ủi mỗi khi tôi cãm thấy cuộc đời sao mà đen tối quá! Con người sao mà nhẫn tâm quá! Đa số họ chỉ thích cười khi nhìn thấy người khác ngã ngựa, chứ có mấy ai chạy đến đở người bị té cho dù đó chính là người thân của mình. Tôi cũng rút ra được một kinh nghiệm quí giá là _ một chén cơm nguội nếu ta cho người khi đói lòng thì nó vẫn có giá trị hơn một cân vàng ta cho khi người đã no đủ_và điều đó đã giúp tôi hình thành một quan niệm sống của riêng tôi. Nếu như giòng đời lúc nào cũng cứ êm đềm chãy xuôi, không có những đoạn quanh co, khúc khuỷu, bùn lầy nước đọng thì làm sao có được phút thú vị khi ta thảnh thơi ngắm nhìn cảnh đẹp lúc bình minh? Tôi nghĩ thế để tự an ủi mình mà cũng để xóa đi cái nhìn đen tối đối với cuộc đời, đối với con người. Bao giờ cũng thế. Cái thiện đi đôi với cái ác, người xấu luôn ở cạnh người tốt. Thất bại hôm nay sẽ là kinh nghiệm cho thành công sau nầy. Sáng và tối chỉ là hai mặt của cuộc đời không bao giờ tách rời ra được. Hôm nay ta ở trong vùng tối, mai kia ta có thể lọt vào vùng sáng- miễn là lúc nào ta cũng giữ được tâm hồn trong sáng thanh tịnh thì ở đâu cũng là hạnh phúc cả. Hiểu và nhận ra điều đó thật không dễ chút nào- phải trả giá bằng rất nhiều nước mắt trong suốt cuộc mưu sinh của kiếp người đấy ! Còn đối với những ai xem thất bại của kẻ khác là đắc thắng của mình thì chỉ là những kẻ thiển cận, không đáng để ta quan tâm đến. Tất cả mọi điều rồi sẽ qua đi như một giấc mơ ! Lòng không vướng mắc bất cứ điều gì, một sự hỷ xả hoàn toàn rốt ráo. Đó mới là chân giá trị của “kiếp người”. Tôi nghĩ thế.
Vân Hà (TTHA)