NHÂN QUẢ HIỆN TIỀN

Khi gia đình tôi mới dọn về thì hắn- chủ nhà mới- là một thanh niên điển trai, cao lớn, vạm vở- trông rất phong độ. Nghe nói cha hắn là một sĩ quan của chế độ củ, tướng tá chi đó tôi cũng không rõ, Nói chung, hắn thuộc thành phần con nhà giàu có, học hành cũng khá nhưng thuộc hạng ăn chơi giỏi hơn học. Cha mẹ hắn đã đi nước ngoài chỉ còn mình hắn ở lại để giữ nhà. Kể từ đó hắn sống bằng nghề cho thuê mướn mặt bằng. Khi gia đình chúng tôi dọn về, ở đó đã có sẳn bốn chủ hộ sống chung nhà- không kể hắn là chủ cho thuê mướn- Chúng tôi sống độc lập ở từng trên nên cũng không đụng chạm gì với mọi người trong sinh hoạt hàng ngày, ngoại trừ mỗi sáng, khi chúng tôi đi làm, các con đi học quá sớm có làm cho họ hơi khó chịu vì họ thuộc dạng thức đêm nên ngủ rất trể .

Phía trước mặt tiền, hắn cho các cô gái thuê để bán cà phê, mỗi lần đi ngang qua quán để lên nhà, chúng tôi đều rất ngại bỡi lượng khách khá đông nhìn ngó, nhưng riết rồi cũng quen và có lẽ họ cũng biết chúng tôi ở căn hộ trên lầu nên cũng không mấy để ý nữa. Các cô trong quán biết chúng tôi là gia đình nhà giáo nên cũng tỏ lòng quí mến- thỉnh thoảng còn cho quà mỗi dịp Tết đến- Nói chung, chỗ ở mới có hơn chỗ ở củ vì tuy đông người nhưng biết tôn trọng lẫn nhau và sinh hoạt của từng gia đình không lưu ngại lẫn nhau. Tôi cũng chỉ cần có thế cho qua những ngày sống tạm chờ đợi một dịp may nào đó- hay một phép mầu nào đó- giúp gia đình tôi có được mái nhà xưa- dù cũng chỉ là nơi ở tạm thời cho đến hết một kiếp người - Có những việc mà chúng ta nghĩ rằng chỉ là tạm thời nhưng cũng kéo dài hết một đời người đó thôi. Tôi cũng chỉ dám mơ có thế. Một hôm, hắn tìm nhà tôi và đề nghị bán đứt cho chúng tôi trọn vẹn căn lầu chúng tôi đang ở. Tôi nghĩ có lẽ hắn không có tiền trả lại để chúng tôi đi khi sắp hết hợp đồng thuê nhà chăng? Mà có đúng như thế thật, với năm cây vàng đặt cọc thuê mướn, sau hai năm hắn sẽ phải trả đủ khi chúng tôi ra đi, mà đối với hắn, với con người ăn chơi trác táng thâu đêm suốt sáng như thế thì làm sao có sẳn để mà hoàn trả khi cần? Tôi nghe nói, trước chúng tôi có đến hàng chục người ở đấy đã không chịu nổi hắn mà phải ra đi trước thời hạn- chỉ vì hắn cứ tìm cách mượn tiền của họ mà không hề trả-sau đó là cứ trừ dần vào tiền thuê nhà cho đến lúc hắn lấy tiền được của một người khác mới đến và…người củ lại dọn đi. Tôi bàn với nhà tôi:

_ Hay là…chúng ta cứ đồng ý mua lại căn hộ nầy. Tuy là phải sống chung với người khác nhưng cũng không đụng chạm ai. Bỡi mình ở trên lầu không ai thèm lên để mà dòm ngó cạnh tranh làm gì. Vả lại, chúng ta cũng cần ổn định chỗ ở để yên tâm làm việc cho các con học xong đại học đã…

_ Nhưng…tiền đâu..? Hắn nói là cho chúng ta trả góp cho đến bao giờ xong thì thôi nhưng anh vẫn thấy lo ngại bỡi lẽ mua như thế chỉ có giấy tay mà thôi…

_ Thì đã sao nào? Cả cái xóm củ của mình cũng toàn là mua nhà giấy tay cả đấy thôi, với lại em nghĩ giấy gì thì giấy miễn là có được một chỗ ở ổn định lâu lâu để còn yên tâm mà làm việc, chứ cứ đổi chỗ ở hoài không tiện việc học cho các con anh ạ

Thế là nhà tôi đồng ý với hắn trong việc mua bán như thế. Hợp đồng thuê nhà hai năm trở thành hợp đồng mua trọn căn hộ phía trên lầu. Số tiền đặt cọc thuê nhà không phải trả lại- mà hàng tháng- chúng tôi còn có bổn phận phải nộp thêm nhiều ít tùy số tiền kiếm được của mình cho đến khi nào trả hết thì thôi. Tôi rất mừng vì tuy hàng tháng phải ki cóp trả nợ không được tiêu xài theo ý mình nhưng bù lại chúng tôi không còn lo về vấn đề chỗ ở nữa.

Cái quán cà phê trước cửa nhà cũng là một vấn đề khá tế nhị, hàng ngày muốn vào nhà chúng tôi đều phải đi qua quán. Buổi sáng thì nó cũng bình thường như bao quán khác ở địa bàn nầy, thế nhưng từ chiều đến tối thì nó trở nên huyền hoặc với những ánh đèn màu mờ mờ ảo ảo. Gia đình chúng tôi làm việc ở trường đến chín giờ thì vợ chồng con cái đều trở về cái mái ấm đó. Phải đi thật nhanh qua cái trạm mờ ảo đầy tiếng nhạc khi thì êm dịu khi thì cuồng loạn của quán cà phê. Tôi dặn các con chớ có nhìn quanh kẽo người ta ( chủ quán) không thích, nhưng thật ra tôi lo cho các con nhìn thấy và ảnh hưởng bỡi những sinh hoạt không lành mạnh của quán. Cũng may là dạo ấy các con tôi hãy còn nhỏ chưa biết để ý đến những việc của người lớn. Sau chín giờ là tôi khóa chặt cửa lầu cấm không cho các con xuống dưới hay đi đâu vào giờ đó cả. Gần như chúng tôi bị cô lập trong cái thế giới của riêng mình. Không bà con lối xóm, không họ hàng lui tới, cũng không bạn bè thăm viếng như trước kia khi nhà tôi còn ở xóm củ. Có lẽ họ không biết nơi ở mới của chúng tôi hoặc là biết nhưng ngại nhìn thấy chúng tôi sống vất vả quá mà không giúp được gì chăng?

Phía dưới lầu, ngay cạnh cầu thang nhà chúng tôi là một cặp vợ chồng mới dọn về được hai tuần nay, người chồng thì lâu lâu mới tạt về còn người vợ tuy không trẻ nhưng cũng khá đẹp thì cả ngày ở nhà chẳng làm gì cả. Suốt ngày trang điểm cho thật đẹp để chờ chồng đến. Tôi không ngạc nhiên gì cả bỡi tôi biết đó cũng là một dạng gái bao cao cấp trong xã hội. Hàng ngày đọc báo công an tôi cũng biết rất nhiều hình thái tệ nạn xã hội đã được khéo léo mang một hình thức hết sức bình thường mà chỉ có những người tinh đời mới nhận ra. Qủa nhiên khoảng một tháng sau thì cả căn hộ náo loạn lên vì cảnh đánh ghen của người vợ lớn, và rồi họ dọn đi từ lúc nào tôi cũng chẳng biết. Sau đó thì hắn cho một gia đình gồm bảy người tới mướn. Chủ hộ là cô Ba, bỡi cô là vợ của thầy Ba Thới Viên, một người cũng ở xóm củ của tôi nên tôi biết mặc dù không quen. Sau khi thầy Ba mất- thầy vốn là một lang y nổi tiếng ở khu Bàn Cờ lúc ấy- nên về đây cô cũng sống bằng nghề củ cuả chồng là bốc thuốc nam cho ai cần đến.Trước kia, gia đình cô ở khu Bàn Cờ cũng thuộc hàng giàu có. Khách đến mua thuốc hàng ngày rất đông bỡi thầy Ba Thới Viên cũng là một lang y mát tay nên ai cũng biết đến. Bất cứ bệnh gì người ta cũng đến tìm thầy để chạy chửa và có lẽ cũng không uổng công nên khách của thầy mỗi ngày một đông. Tôi cũng đã có lần đến nhờ thầy khoán cho con trai tôi để chữa chứng quai bị của cháu. Có lẽ vì thế mà tôi rất mừng khi gia đình nầy đến ở. Tôi có cãm giác như gặp được người đồng hương dù họ không hề biết gia đình tôi là ai. Tôi nghĩ chắc họ cũng giống gia đình mình, sau khi người chồng mất, gia đình sa sút nên phải bán căn nhà lớn đó đi để đến đây ở mướn như thế nầy. Cô Ba cũng rất quí mến gia đình tôi khi biết chúng tôi là gia đình nhà giáo. Hàng ngày, chúng tôi chỉ gặp nhau lúc đi chợ và lúc đi làm về còn thì…mạnh ai nấy lo công việc gia đình của mình chẳng mấy khi có thì giờ để tâm sự. Từ ngày có gia đình cô về sống ở đây tôi mới lại có mối giao hảo với xóm giềng để đở thấy mình cô đơn như Robinson ở hoang đảo. Một trái ớt, một tép hành, một miếng bột ngọt hay một chén nước mắm của cô Ba mang lên cho tôi khi nghe tôi bảo các con ra chợ mua- mà chợ cách nhà cũng khá xa- khiến cho tôi cảm thấy ấm lòng và cảm động muốn rơi nước mắt. Điều đó làm cho tôi nhớ đến mẹ ruột của mình hơn bao giờ hết và mặc nhiên tôi xem gia đình cô không khác gì người thân của tôi ở cái nơi chẳng khác nào “đỉnh gió hú” nầy . Cái quán cà phê phía trước nhà rất đông các cô tiếp viên, cô nào cũng vui vẻ, niềm nở với tôi, cô Nhàn thỉnh thoảng còn mang cho tôi một ít trái cây của nhà từ quê gởi lên. Những khi có thư hay báo của bưu điện gửi đến là mang lên tận trên lầu cho chúng tôi. Mỗi lần nhà có khách đều mang cà phê lên và tính giá rất phải chăng. Những thiện cảm đó tôi đều ghi nhận và cảm thấy cuộc đời không phải chỉ có những người xấu mà còn có rất nhiều người tốt đáng cho ta trân trọng. Có lẽ vì vậy mà mặc dù lên tận chốn nầy chúng tôi vẫn không buồn, vẫn sống hồn nhiên, yêu đời và hi vọng một ngày nào đó…

Còn hắn, tôi chưa bao giờ thấy hắn đi một mình. Lúc nào cũng có một số đàn em vây chung quanh- nam có, nữ có- những đàn em của hắn trông rất kỳ hình dị tướng. Có tên thì mặt mủi hung tợn, có tên thì ốm và xanh như người chết rồi, có tên thì chửi thề, nói tục luôn miệng, có tên thì cao lồng khồng lại còn để tóc dài như phụ nữ… ấy vậy mà tất cả đều thần phục hắn ra phết. Hắn đi đến đâu là đều có bọn chúng vây quanh như để bảo vệ hay để ăn ké cũng không biết. Chỉ biết rằng, đời hắn mà không có bọn chúng chắc là buồn lắm. Mỗi lần nhậu nhẹt hay chích hút chi đó, hắn và các bạn kéo nhau về nhà- căn phòng vuông vức bốn mét ngay dưới nhà tôi- đóng kín cửa phòng và rồi nhạc được mở lên tối đa- tuy cửa đóng nhưng tiếng nhạc vẫn vang ra đinh tai nhức óc không chịu được. Có lần nhà tôi phải đập cửa yêu cầu hắn vặn nhỏ lại cho các cháu học bài. Thế nhưng sự việc ấy cứ tiếp diễn hoài. Cô Ba cũng than phiền và nghĩ đến cách thay đổi chổ ở nơi khác để các con không bị ảnh hưởng. Gia đình cô Ba mà dọn đi chắc là còn lại gia đình tôi ở đây cũng buồn lắm, bỡi không còn ai để mà san sẻ những ưu phiền do hắn gây ra. Nghe nói hắn đã ghiền ma tuý từ lâu lắm rồi. Căn nhà mà cha mẹ hắn để lại cũng đã bị hắn xẽ ra làm đôi và bán cho một gia đình mới về xóm nầy từ trước khi chúng tôi dọn đến đây. Phần nhà còn lại thì hắn chia năm xẻ bảy để cho thuê và sống bằng tiền cho thuê nhà. Hắn không cho thuê như mọi người khác là lấy tiền nhà hàng tháng hoặc ba tháng một lần, mà hắn mượn trước một số vốn khá lớn. Năm hoặc mười cây chẳng hạn trong hợp đồng hai hoặc ba năm rồi sẽ hoàn trả lại đủ khi người thuê nhà hết hợp đồng và không thuê nữa. Hắn cứ lấy tiền của người mới đến để hoàn trả cho người sắp dọn đi và cứ thế hắn sống nhàn hạ bằng cái xác của căn nhà mà cha mẹ hắn đã để lại cho hắn trước khi ra đi định cư ở Mỹ. Chắc hẳn cha mẹ hắn rất yên tâm khi nghĩ rằng mình đã để lại cho con một tài sản không nhỏ như thế . Và thế là “nhàn cư vi bất thiện”, hắn chỉ biết ở không ăn chơi cho thõa thích mà không phải lao động cực nhọc như bao người khác. Hắn đã là con nghiện từ lúc nào không ai biết, chỉ biết khi gia đình tôi dọn về thì cô Nhàn cho tôi biết hắn đã nghiện và chích hút thường xuyên từ lâu. Khi nào có tiền nhiều thì hắn cùng đàn em tổ chức hút tại nhà. Căn phòng còn lại duy nhất trong nhà là nơi hắn cùng đàn em ăn, ngủ, vui chơi ra trò. Mỗi lần căn phòng đóng kín cửa, mở nhạc tối đa là tôi biết hắn đang cùng đàn em phê “tới bến”. Còn vợ con hắn cũng không cần biết đến. Hai mẹ con ở dưới gầm cầu thang rất tội nghiệp. Thỉnh thoảng hắn mới gọi ra cho “cu Bi” ít thức ăn, bánh, kẹo, còn Thảo- vợ hắn- dường như biết tánh hắn nên cũng chấp nhận cuộc sống không tương lai như thế. Hắn nói với tôi Thảo chỉ là người vợ sau, mới đến, không hôn thú, không có ràng buộc gì cho nên hắn cũng không cần phải có trách nhiệm và bổn phận với cô ấy. Nghe nói Thảo cũng là một cô gái hắn gặp và “kết” ở quán cà phê. Cho nên cả hai rất ăn ý nhau về mọi điều. Nhất là ở quan điểm sống tự do, không ai ràng buộc được ai. Chỉ khi nào cần tiền và tình cảm thì gặp nhau để giải quyết rồi mạnh ai muốn đi đâu thì đi không hề ghen tuông, cũng không hề buộc người bạn đời phải chung thủy tuyệt đối với mình. Tôi thấy cuộc sống của họ cũng là lạ. Còn người vợ trước của hắn thì không ai biết cũng như chưa hề gặp mặt bao giờ. Cô ấy cũng có với hắn một đứa con trai- bé Lộc- tôi biết thế là vì khi gởi hồ sơ nhà cho chúng tôi, tôi thấy có tên hai mẹ con trong sổ hộ khẩu. Bác tổ trưởng khu phố cho tôi biết cha mẹ hắn rất giàu có. Cha là Đại Tá của chế độ củ, mẹ hắn rất đẹp lại có học thức. Khi cha mẹ hắn đi nước ngoài, hắn không muốn đi vì đã có vợ con với lại hắn phải ở lại để giử nhà. Căn nhà to, rộng đủ để cho hắn vừa ở vừa cho thuê lấy tiền sinh sống mà không phải làm gì. Tôi nghĩ có lẽ vì vậy mà hắn quá nhàn rỗi nên sinh ra nghiện ngập chăng? Không biết cha mẹ hắn có lầm không khi tính toán thiệt hơn trong việc để hắn ở lại giữ nhà, vừa không mất nha, vừa có nơi trở về thăm quê hương mà không phải mất tiền thuê khách sạn, vả lại hắn có thể đi sau bất cứ lúc nào mà- khi công việc ổn định họ sẽ đón cả gia đình hắn đi- Thế là vẹn toàn đôi đường không sợ mất nhà vào tay người khác. Cha mẹ hắn giỏi tính toán đến thế nên cuộc sống của hắn ở đây cũng rất nhàn rổi. Hắn không phải làm gì cả. Tối ngày rong chơi với lũ bạn hư hỏng. Tiền bạc rủng rỉnh, xài hết tiền cho thuê nhà thì lại đến tiền của cha mẹ ở nước ngoài gởi về. Cho nên hắn sống như ông Hoàng mà không hề lo đến ngày mai, bỡi lẽ cái ngày mai của hắn chắc chắn sẽ còn tốt hơn cái ngày hôm nay mà…viễn ảnh đó cha mẹ hắn đã vẻ ra ngay từ khi họ ra đi mà chưa cho phép hắn đi cùng đợt đó. Khi chúng tôi dọn về ở thì cũng là lúc hắn không còn sống với người vợ củ mà cha mẹ hắn đã cưới cho. Hắn sống với người vợ mới có một đứa con trai- cu Bi- được mười lăm tháng tuổi. Hắn cho thuê tất cả các gian phòng trong nhà, chỉ để lại gầm cầu thang nhỏ hẹp cho hai mẹ con. Tôi cảm thấy hắn đối xử không đẹp lắm với hai mẹ con cô Thảo nhưng tôi không có quyền can thiệp. Chung quanh hắn lúc nào cũng đầy một đám “đệ tử” nam, nữ có đủ, hình dung cổ quái, sống bất cần đời, bất cần dư luận…Mỗi lần đi đâu là đi cả đám, ồn ào náo loạn ai cũng biết và cũng không ai có ý kiến. Hắn sống bằng sự tự do của hắn, hắn sống bằng quan niệm sống của hắn, hắn sống bằng ý thức tạm bợ của hắn vì trước sau gì hắn cũng ra đi mà, nhất là hắn lại sống bằng tiền của gia đình hắn chứ có cần phải mượn xin gì của ai đâu mà phải nể nang người khác…Bỡi thế hắn sống hết mình cho hắn thì cũng không ai lạ gì và cũng không ai muốn khuyên can hắn nên sống như thế nào để không phụ lòng mẹ cha.Và rồi việc gì đến phải đến, hắn đã sinh nghiện ngập từ bao giờ không ai biết. Chỉ biết lúc nào hắn cũng đi giữa một đám bạn nghiện ngập từ sáng tới tối, đêm đến thì tụ tập về nhà mở nhạc suốt để không ai để ý hắn và các bạn hắn đang làm gì trong phòng đó. Sáng ra thì đóng cửa phòng im ỉm tới mười hai giờ trưa mới ló mặt ra kêu quán bên cạnh mang cơm qua cùng ăn với nhau, rồi lại kéo nhau đi các quán đèn mờ để vui chơi tiếp tục…Hắn sống như thế thì đến núi cũng phải lở. Lúc đầu thì mượn trước tiền nhà của các hộ thuê từng tháng, từng quí, rồi đến các hộ thuê từng năm. Hắn mượn cho đến lúc không có khả năng chi trả thì sẽ đi kiếm một người chủ thuê mới với giá cao hơn để lấy tiền chênh lệch mà trả cho người củ ra đi. Cứ thế, hắn sống với các bạn hắn, cùng nhau tụm năm, tụm ba đi chích hút cho thõa thích không cần nghĩ đến ngày mai…Hắn còn một ông chú là nơi mà cha mẹ hắn tin tưởng để gởi tiền về cho hắn tiêu xài hàng năm nhưng rồi ông chú cũng biết tình hình ăn chơi của hắn nên đãthông báo cho cha mẹ hắn biết và từ đấy họ không gởi tiền đều đặn nữa vì nghĩ rằng do gởi tiền nhiều nên hắn đâm ra hư hỏng. Ông chú sau nhiều lần khuyên răn không được cũng tuyệt giao với hắn không còn là trạm tiếp tế cho hắn nữa, có lẽ ông sợ hắn làm ảnh hưởng cho các con của ông chăng? Kể từ đó, hắn cứ sống như một kẻ bụi đời không cha, không mẹ, không vợ, không con, không thân thích, họ hàng. Người vợ mới, Thảo và cu Bi, cũng chán cảnh có chồng như không, có cha cũng thừa nên đã bỏ về bên ngoại. Nghe nói, sau khi giao cháu cho ông bà ngoại Thảo cũng đi kiếm sống tận ngoài Vũng Tàu. Hắn có đôi lần chạnh lòng đi tìm vợ con nhưng đã muộn rồi, không ai còn muốn về với hắn nữa.

Một buổi tối, hắn tìm lên gặp nhà tôi và đề nghị:

_Anh ơi, coi như nhà nầy một nữa đã là của anh. Em chắc phải tìm kế khác sinh sống rồi. Vì thế em cần một số vốn kha khá để đi nơi khác làm ăn. Anh có thể giúp em bằng cách cho vay hay mua dùm em phần dưới của căn nhà, bỡi ngoài anh ra không ai dám tin em nữa hết. Anh thông cảm giúp em đi nếu em không trả nổi thì coi như căn nhà nầy em chỉ bán cho một mình anh, anh cứ trả góp cho em hàng tháng như lần trước, bỡi em cũng không cần lấy hết một lần làm chi cho mất công giữ…

Chúng tôi lại cùng nhau bàn tính- nếu như hắn đã nói như vậy thì phải chăng mình có thể ổn định chỗ ở nơi nầy không phải đi đâu nữa, bỡi chỉ có hắn mới dám đồng ý bán nhà trả góp như thế và đó cũng là nguyện vọng của gia đình chúng tôi, một gia đình nhà giáo thì việc mua nhà trả góp mới khả thi, chứ làm sao chúng tôi có tiền để trả một lần như người khác. Có đôi lần, nhà nước cũng đã giải quyết cho chúng tôi mua nhà trả góp nhưng vì vị trí xa quá không thể đi làm việc được nên chúng tôi đã phải trả quyết định lại cho phòng giáo dục để chờ đợi một chỗ mới thuận tiện hơn. Nhưng đó là việc của hơn mười năm về trước khi còn chế độ bao cấp, không biết bây giờ chúng tôi có còn nằm trong diện được nhà nước giải quyết chỗ ở nữa không bỡi bây giờ là thời mở cửa nên chúng tôi cũng đã không còn dạy trường công nữa. Nghe hắn bàn như thế tôi cũng mừng vì lẽ cũng muốn ổn định chỗ ở để còn lo chuyện học hành cho các con nữa. Thế là tôi bàn với nhà tôi nên thực hiện việc mua nhà của hắn, bao giờ trả hết tiền thì hắn sẽ giao giấy tờ nhà luôn cũng được. Kể từ hôm đó, ngoài việc lo kiếm cơm gạo cho các con, chúng tôi còn phải lo làm thêm để có tiền trả nợ hàng tháng cho hắn. Cứ đầu tháng là ngày hắn lên lấy tiền nhà, có khi một tháng hắn lấy hai lần, cứ lần sau cách lần trước ngắn dần… cho đến khi chỉ còn khoảng hai mươi lượng vàng thì hắn buộc chúng tôi phải đưa hết một lần . Thế là chúng tôi phải vận động các em của mình mỗi người cho mượn một ít để thanh toán cho hắn và cũng là để cho xong việc lớn của một đời người, bỡi vì hơn ai hết tôi quá hiểu phải “an cư” thì mới “lạc nghiệp” được.

Trước khi giao tiền đủ cho hắn, chúng tôi cũng đề nghị hắn thanh toán sòng phẳng cho tất cả các hộ đang thuê bên dưới nhà để không còn ai vướng mắc gì trong việc ra đi. Hắn đã đồng ý và thực hiện như lời chúng tôi yêu cầu. Giấy tờ nhà hắn giao xong, chúng tôi cũng đã giao vàng cho hắn sau khi hắn đã thanh toán với các hộ bên dưới. Ngôi nhà trống không bỡi theo lời hắn nói hắn đã hoàn trả đủ tiền hợp đồng thuê nhà cho họ xong xuôi.Đối với cả gia đình chúng tôi không còn gì vui hơn nữa. Từ nay đã được độc lập, tự do, không còn phải sống chung chạ với những người không cùng huyết thống nữa. Gia đình cô Ba thì đã dọn đi trước lâu lắm rồi, bỡi không chịu nổi cảnh sinh hoạt bất thường của hắn. Các em sinh viên mới đến cũng dễ tánh khi hắn hoàn tiền thì vui vẻ ra đi không hề thắc mắc. Các cô chủ quán cà phê cũng vậy, họ chuyển sang thuê mặt bằng ở gần đó và mời chúng tôi thỉnh thoảng đến ủng hộ dùm. Nói chung, ai cũng mừng khi thấy chúng tôi mua được toàn bộ căn nhà. Hắn nhận tiền xong ra đi mất dạng độ hai tuần hơn thì biến cố xãy ra. Chúng tôi chưa kịp mừng vì mới mua được nhà, không phải sống cảnh trả tiền thuê nhà hàng tháng nữa thì một sáng kia…khi chúng tôi trở về nhà và không khỏi kinh ngạc khi thấy một toán người lạ hoắc đang ngang nhiên bẻ khóa vào hẳn trong sân nhà. Thì ra…lại cũng là một chủ mướn của hắn trước kia mà hắn chưa hoàn tiền lại cho họ. Chúng hùng hổ bảo là chúng đã mua căn nhà nầy rồi và quyết định ở lại đó. Chúng tôi không biết làm cách nào hơn là mời chính quyền địa phương đến để giải quyết. Nhưng chúng tôi nào biết đó là một gia đình có công với cách mạng. Người chủ hộ là ông Hoàng Chí, một cựu chiến binh lão thành năm mươi năm tuổi đảng. Hắn cho con dâu hắn mướn mặt bằng ở đấy để buôn bán nhu yếu phẩm từ lúc nào tôi cũng không biết, chỉ thấy gia đình hắn thường xuyên lui tới phía trước nhà để mua mua, bán bán bên lề đường ngay trước sân nhà. Có lẽ- Tường Linh- tên chủ nhà, cũng đã có mượn tiền của gia đình hắn rồi chăng? Gia đình hắn thuộc diện cán bộ cao cấp, nghe nói cũng là đại tá về hưu, nhà nước cũng đã cấp cho một căn villa rất đẹp gần đấy, nhưng không thuận tiện cho việc mua bán của con dâu hắn nên họ phải đến đây thuê phía trước nhà của Tường Linh để việc mua bán dể dàng hơn. Chúng tôi nào biết chuyện đó, bỡi khi giao nhà chúng đâu có mặt ở đấy để mà tranh giành. Thấy chính quyền địa phương có mặt, chúng tạm thời rút lui bỡi không có giấy tờ chứng minh gì về điều chúng nói cả. Cứ vài ngày, chúng lại cho người nhà xuất hiện chửi bới, hù dọa với mọi lời lẻ thô tục. Lần thứ hai, khi chúng tôi còn đang làm việc ở trường thì các con gọi về và lại chứng kiến chúng đang hù dọa, chửi bới các cháu. Không thể chịu đựng được nữa, tôi bèn lên mời công an địa phương xuống giải quyết. Cái đau đớn và thất vọng nhất của tôi không phải là các anh công an không đến mà là câu nói bất hủ của một anh công an đã ném vào mặt tôi khi tôi cầu cứu: có đổ máu chưa, bao giờ có đổ máu chúng tôi mới xuống giải quyết. Bấy giờ tôi mới hiểu ánh mắt cười cợt của một người hàng xóm đã bảo với theo tôi- Cô lên công an làm gì cho mất công, người nhà của ông Hoàng Chí cả đấy.

Nhưng rồi, ngày hôm đó cũng tạm thời trôi qua không có sự cố gì cho đến một hôm…Tôi không bao giờ quên được nổi khủng khiếp, hải sợ của mình khi về đến nhàbữa đó. C ửa mở toang, bốn năm tên “đầu trâu, mặt ngựa” cầm hung khí đứng đầy nhà. Chúng hùng hổ dàn trận như sắp có đánh nhau. Ông xả tôi biết có chuyện chẳng lành kéo tôi ra ngoài đứng với các con cho an toàn. Tôi cũng cố len vào bỡi tôi biết còn có bà con chòm xóm, chúng dù có hung dữ đến đâu cũng phải kiên dè, vả lại dù sao chúng cũng đã tự xưng là gia đình cách mạng thì có lẽ nào chúng làm càng ?

Mặc cho ông xã tôi can ngăn, tôi vẫn cố gào lên:

_ Việc gì thì cũng còn có luật pháp, chúng mày dùng “luật rừng” ở đâu ra vậy ? Nhà người ta đi vắng, chúng mày lại thuê côn đồ đến để cướp nhà hay sao?

Rồi tôi chụp lấy những cái búa, cái kềm mà chúng dùng để bẻ khóa vào nhà chạy thẳng lên công an, nhưng chúng đã nhanh tay chạy theo giựt lại được, thế là tôi chẳng còn chứng cớ gì để cầu cứu. Tôi nhớ lại lời nói khi trước của anh công an và không muốn đến cầu cứu nữa, bỡi lẽ chúng có thể đều là người nhà của lão Hoàng Chí cả thì sao ? Nhà tôi thì… còn nước còn tát. Sau khi mời tổ trưởng tổ dân phố xuống chứng kiến, anh để nhà đó cho bọn chúng muốn làm gì thì làm, còn mình thì đi cầu cứu các nơi có khả năng can thiệp. Buổi trưa hôm đó, gia đình tôi chạy tứ tán, các cháu thì ở tạm nhà bên ngoại, ông xả tôi ngồi đợi được tiếp kiến ở đồn công an Quận 10. Còn tôi thì ngồi ngoài quán nước chờ nhà tôi. Tô phở bưng ra nhưng miệng tôi đắng nghét không thể nào nuốt trôi. Trong đầu tôi lúc đó chỉ có một câu thần chú là: Nam mô tiêu tai giáng kiết tường Bồ Tát, bỡi tôi không còn tin tưởng gì ở con người được nữa rồi. Đến trưa thì cũng được những lời hứa hẹn của cấp trên là sẽ cho công an xuống điều tra cụ thể. Chán nản, tôi nói với nhà tôi cứ về nhà xem chúng đang diễn trò gì, về qua nhà, nhìn vào tôi thấy chúng vẫn ngang nhiên chiếm đóng bên ngoài sân nghênh ngang như nhà của chúng, một người đàn bà khoảng bảy mươi ngoài mặc bộ đồ trắng bắt ghế nằm tréo ngoảy chận ngang cửa không cho chúng tôi vào. Tôi quay nhìn bà ta, trông chẳng khác nào một mụ tú bà: đôi chân mày xâm đã trổ màu xanh nằm vắt ngang trên hai con mắt thô lố trông rất dữ dằn, miệng hô, gò má cao, mụ ta nhìn tôi trừng trừng như muốn ăn tươi nuốt sống sau khi nghe tôi phát biểu :

_ Cái mụ tú bà nầy ở đâu mà đến đây trông ghê thế ?

Sau đó tôi mới biết mụ ta là Bà Thu, một người phụ nữ cách mạng, vợ của ông cựu chiến binh Hoàng Chí. Nghe tôi hỏi thế mụ ta tức tối gầm gừ như muốn đánh tôi, nhưng tôi đâu có sợ, tôi còn muốn mụ ta dỡ hết thói côn đồ ra để xem trình độ nhẫn nhục của mình đến đâu. Thực ra, tôi thừa biết tại sao họ dám làm như thế ở giữa thanh thiên bạch nhựt như thế nầy. Những tên côn đồ mà bà ta thuê cứ lượn lờ chung quanh, tay cầm hung khí làm tôi nhớ đến những câu thơ của cụ Nguyễn Du :

Người nách thước, kẻ tay dao
Đầu trâu, mặt ngựa ào ào như sôi
Đành thân cát dập sóng dồi
Uổng công cha mẹ, thiệt đời thông minh

Qủa thật, lúc ấy chúng tôi dù có thông minh đến đâu cũng đành chịu bó tay trước một tình huống hết sức là ngang ngược của bọn chúng. Lúc đầu, tôi trách nhà tôi tại sao không cho chúng biết tay, dù gì thì anh ấy cũng biết chút đỉnh võ nghệ kia mà, vả lại mình tự vệ chính đáng thì có chuyện gì cũng chẳng ai trách được. Nhưng sau nầy tôi mới biết mọi chuyện không đơn giản như thế. Chịu đựng đến tối thì cũng có một vài anh công an xuống giải quyết. Họ bảo rằng chúng đã vào nhà rồi thì cứ để bọn chúng ở đấy chờ chính quyền giải quyết. Tôi dù dốt đến đâu cũng hiểu rằng đó là sự bất công mà chúng tôi cần phải chịu đựng. Bỡi tôi vừa đọc xong bài báo công an hôm qua- một câu chuyện tương tự đã xãy ra bên quận Ba, ngay sau đó chính quyền buộc bọn côn đồ phải trả lại hiện trạng ban đầu để chờ pháp luật giải quyết kia mà. Vậy mà gia đình tôi thì không được như thế mà phải sống chung với bọn côn đồ để chờ và chờ…

Tôi chán nản, giận dỗi nhà tôi tại sao không đánh nhau với bọn chúng một trận rồi ra sao thì ra. Anh ấy có vẽ sáng suốt hơn đi hỏi khắp nơi, những người bạn rành về pháp luật, những trường hợp tương tự đã được giải quyết…nhưng tôi thì nóng tánh hơn, tôi nhờ các báo đăng tải tin tức và có ý kiến cụ thể với chính quyền địa phương. Họ cũng làm đúng chức năng báo chí của mình nhưng không tích cực, vì lẽ gì thì tôi cũng lờ mờ đoán ra rồi. Cuối cùng, tôi nói với anh ấy không chờ pháp luật được nữa, anh hãy hỏi xem bọn chúng muốn gì ? Thì ra là…trước khi bán nhà cho chúng tôi, tên Linh đã mượn tiền của bọn chúng rất nhiều và hứa là sẽ chia bớt cho chúng một phần nhà nếu y không trả nổi. Theo lời bọn chúng thì lúc nhận tiền nhà ra đi hắn không hề có ý trả nên đã để lại mọi sự rắc rối cho chúng tôi bây giờ phải chịu. Điều đáng nói là chúng đã không nói chuyện bằng lời với chúng tôi mà đã dùng “luật rừng” ở giữa thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố đang vươn lên với tất cả niềm vinh dự của đội ngũ cách mạng đầy khí thế !! Sau đó, tên Linh xuất hiện để làm rõ trách nhiệm của mình. Chính quyền phải mời tới, mời lui bao nhiêu lần mới triệu tập được hắn. Nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu, vì giữa hắn và bọn chiếm nhà đã có sẵn mưu đồ với nhau từ trước nên người chịu khổ vẫn là gia đình chúng tôi. Cứ khi tòa gọi đến thì một trong bọn chúng lánh mặt, thế là lại hoãn phiên họp. Mỗi lần như vậy là khoảng ba bốn tháng và chúng tôi cứ phải chịu trận như thế. Thậm chí, chúng còn thay nhau ngả giá với nhà tôi. Nói chung, một sự làm tiền trắng trợn chưa từng thấy mà pháp luật không hề biết đến hay có biết cũng đành thúc thủ vì không có chứng cớ, văn bản rõ ràng. Còn gia đình ông Hoàng Chí thì dựa vào thế lực của người có công với cách mạng cứ ngang nhiên chiếm ở, không cần phải trả tiền hay có giấy tờ gì cả. Hắn còn công khai treo bảng cho thuê lại mặt bằng để kinh doanh mọi thứ khác. Thôi thì đủ mọi loại hình, tiếp thị…khi thì mở tiệm uốn tóc, khi thì bán cà phê, bán phở, khi thì bán kem, bán nước…và cuối cùng là cho thuê phòng, bỡi sau khi cho con dâu thay đổi mọi thứ kinh doanh vẫn ế ẩm hắn nghiệm ra điều ấy và căn nhà của chúng tôi lúc bấy giờ chẳng khác nào một căn hộ tập thể lạc xoong. Đủ mọi loại người, đủ mọi hình thức đến đấy ở trọ một vài tháng rồi lại chuyển đi, rồi người khác lại đến…và chúng tôi vẫn cứ là nạn nhân của chúng. Một giây điện bị đứt do chúng xài quá tải, chúng cũng chửi chúng tôi. Cống nghẹt do chúng xài không cẩn thận, chúng cũng nghi ngờ gia đình tôi không cho chúng xài. Nước không chảy nữa do chúng không biết xử dụng máy bơm, chúng cũng thưa kiện là do chúng tôi cúp nước…Thôi thì một trăm thứ chuyện, một trăm thứ phiền não đều đổ lên đầu chúng tôi. Trong khi đó thì chính quyền bảo cứ chờ và chờ cho đến khi nào có đủ dữ kiện thì sẽ phân xử . Còn hắn- Tường Linh- vẫn cứ thỉnh thoảng xuất hiện , chúng ngang nhiên ngồi nói chuyện, bàn tính với nhau như đồng bọn, mà có lẽ chúng là đồng bọn với nhau thật, chỉ có gia đình tôi là dại vì đã lỡ mua nhà của hắn, giờ thì…tiến thoái lưỡng nan …Tôi đành phải để mặc cho trời đất quyết định vậy! Bỡi con người không thực hiện được công lý khi trong tay họ có quyền, chỉ vì họ đối xử thiên lệch, cảm tính, phân biệt đối xử nên thần công lý cũng đành chịu thua! Con người có thể bất công với nhau nhưng tôi vẫn tin ở trời Phật rất công bằng đối với tất cả mọi người. Trời Phật đã giao quyền vào tay ai cũng chỉ là để thử thách mà thôi. Nếu như khi có quyền trong tay mà thực hiện đúng chức năng bảo vệ cho người ngay, người lương thiện, không để cho kẻ ác lộng hành thì phước báu ấy chẳng những bản thân mình được hưởng mà đến con cháu mấy đời của mình cũng được hưởng lây. Còn nếu như có quyền trong tay mà không làm đúng chức năng bảo vệ người ngay mà lợi dụng chức quyền để đồng lõa với bọn giang hồ nhũng nhiễu , hà hiếp người dân lương thiện để có lợi cho đồng bọn của mình thì nghiệp báo ấy cũng đời đời mình phải gánh chịu, chẳng những thế mà con cháu mình cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng đó… luôn gặp nghịch cảnh y như nghịch cảnh mà mình đã gây ra cho người khác. Đó là luật nhân quả hiện tiền bao đời đã chứng minh không hề sai. Trồng cây gì, chúng ta sẽ được hưởng trái của cây ấy. Trồng cam được cam, trồng quít được quít. Gieo nhân tốt, hái quả ngọt, quả ngon. Gieo nhân xấu, hái quả chua, quả hư thối. Điều đó gần như là chân lý không ai phủ nhận được, tôi chỉ biết nghĩ thế để tự an ủi mình và cũng để có thêm nghị lực chịu đựng bọn chúng.

Hàng ngày, đi làm về tôi đều phải chạm mặt bọn chúng. Khi thì đứa con dâu mà con lão đã bỏ lại nhà cha mẹ để đi ở với vợ hai, khi thì mấy đứa cháu vợ của lão, khi thì bọn côn đồ do lão mướn để chốt nhà, có khi đích thân lão ra đấy ở để chọc tức chúng tôi. Có lần đang đêm, trời mưa to, sấm chớp nhì nhằng suốt đêm. Chúng lặng lẽ kéo nhau đi đâu không biết, đến sáng mới lại kéo về quấy nhiễu. Có lẽ chúng cũng thấy sợ trời Phật chăng ? Các con tôi bảo chúng nó sợ trời đánh đó mẹ. Tôi cười, bỡi thấy con mình ảnh hưởng phim Bao Thanh Thiên quá nhiều, các cháu cứ cho rằng mình nghĩ đúng và bảo mẹ hãy an tâm chờ đợi. Riêng tôi, tôi chẳng an tâm chút nào, bỡi vì hàng ngày tôi phải đối mặt với bọn chúng. Tham, sân, si còn đủ trong tôi nên tôi không làm sao mà an tâm cho được. Các con tôi, chúng hồn nhiên quá mặc dù đã biết bọn côn đồ, tay chân của lão Hoàng Chí luôn chực chờ ngoài kia chỉ mong có dịp là tràn vào làm nhiều điều mà luật pháp bình thường sẽ không dung thứ. Thế nhưng vì lẽ gì mà chúng chưa thực hiện ý đồ xấu xa đó thì tôi cũng chưa đoán ra. Cho đến một hôm, nhà tôi lại được Ban công an PA16 mời lên cùng với con dâu lão Hoàng Chí và Nguyễn Tường Linh, nói là để giải quyết. Thế nhưng, khi đến nơi, chỉ có mình nhà tôi, còn hai người kia thì lại không có mặt. Người công an đó đã khuyên nhỏ nhà tôi là hãy tự giải quyết dân sự đi vì lão Hoàng Chí đã có thư riêng cho cấp trên rồi , nếu như anh không muốn sự việc kéo dài mãi…Nhà tôi đã quá quen thuộc với lối giải quyết như thế nên anh lặng lẽ ra về không nói gì, còn tôi thì…kêu trời không thấu, bỡi chẳng biết kêu ai khác nữa. Trong khi đó thì bọn côn đồ của lão Hoàng Chí vẫn ngang nhiên sinh hoạt ngay giữa nhà tôi càng lúc càng lấn lướt hơn. Con trai lão, tuy đã bỏ vợ nhưng có lẽ thấy sẽ được chia phần nếu như y có tham dự vào nên cũng hùng hổ ra uy. Y dùng dao chặt cửa nhà tôi có ý hăm dọa kiểu xã hội đen, nhưng tôi đâu có sợ. Nếu như không có nhà tôi bình tĩnh phân tích cho tôi thấy thiệt, hơn thì tôi cũng đã hy sinh thân mình để cho y và những kẻ có quyền chức bênh vực lão Hoàng Chí – cha y - một bài học cho biết thế nào là “tức nước, vỡ bờ”. Thậm chí, những kẽ bênh vực cho lão cũng thấy bất bình, họ xuống hiện trường và yêu cầu hắn đền bù cho chúng tôi một cánh cửa khác, thế nhưng hắn đâu có thực hiện và rồi mọi việc cứ ỳ ra đấy. Tôi biết họ định để cho gia đình chúng tôi sống chung với “lủ”, với bọn giặc “ỷ công lộng quyền” còn ghê gớm hơn bọn sói lang, bỡi sói lang tuy hung dữ nhưng không ăn thịt đồng loại. Còn bọn chúng, tuy mang thân xác con người, nhưng khác nào thú dữ bỡi chỉ biết có quyền lợi của mình bất kể đồng loại. Nếu như chúng biết tôn trọng pháp luật, chúng đâu có dám làm thế giữa thanh thiên bạch nhựt này. Có lẽ chúng nghĩ rằng chúng tôi là người Sài Gòn, nên không có thế lực như bọn chúng chăng? Thật buồn cười! Chúng quên rằng bất cứ người Việt Nam nào cũng có người thân làm lớn ở cả hai bên, dù hai ý thức hệ không giống nhau nhưng thậm chí họ còn là anh em ruột cơ đấy, còn chú, bác, cô, dì…thì ôi thôi…ai cũng có hàng loạt người thân đi theo cách mạng từ thời chống Pháp kia, chứ đừng nói đến chống Mỹ là hãy còn non lắm, nhưng…dù nói gì đi nữa thì chúng tôi cũng vẫn là người Sài Gòn, có nghĩa là công dân loại hai, một loại “phó thường dân” đúng nghĩa!!! Cho nên, có lẽ vì thế, mặc dầu đơn kêu cứu của chúng tôi đã gởi đi khắp mọi nơi nhưng không hề có một nơi nào xuống giải quyết, nếu có chăng cũng chỉ là những lời gởi gấm suông không hề có một tác dụng nào. Từ những người bạn chức sắc có thẩm quyền cho đến báo chí cũng chỉ bàn cho vui chứ giải quyết cụ thể thì không ai mó vào, ngay cả chị Phương là chủ tịch quận cũng hứa là sẽ chỉ đạo xuống cấp phường giải quyết ngay cho chúng tôi, thế rồi cũng chỉ là hứa miệng mà thôi. Hay là họ không có thực quyền? Tôi nói với nhà tôi như thế, nhưng anh ấy không tin, bảo tôi cứ đợi thử xem…Tôi nhắc lại với anh ấy lời khuyên của bên công an PA16 hôm rồi, anh có vẽ xiêu lòng và quyết định gặp lão Hoàng Chí để giải quyết theo kiểu giang hồ. Lão cho con dâu của lão hẹn gặp nhà tôi và Linh ở một quán cà phê khá xa. Lạ một điều là cô ta không chịu nhận tiền của tên Linh hứa là sẽ hoàn trả lại, mà cứ khăng khăng đòi ở chung với chúng tôi. Điều đó không thể được, nhà tôi đã khẳng định như thế, và cuối cùng cuộc thương thảo không đi đến đâu, vì bọn chúng lộ rõ bộ mặt “làm tiền” trắng trợn quá. Cô ả đòi hỏi nếu không như thế thì chúng tôi phải bồi thường gấp đôi số tiền cô ta đưa cho tên Linh. Ông xã tôi lại trở về nhà chán ngán cho câu chuyện nhì nhằng của bọn chúng. Anh cũng đến gặp một vài người bạn làm công an để xin ý kiến. Có người thì khuyên nên đợi pháp luật giải quyết bỡi họ chưa được nghe lời phát biểu của anh công an thụ lý hồ sơ, vả lại, chắc họ cũng không hiểu thế lực của lão Hoàng C hí ở khu Bắc Hải nầy. Con trai và con dâu lão đã từng tuyên bố với chúng tôi là “ Chúng tao, tuy ở ngoài kia mới vào, nhưng ủy ban và công an phường 15, quận 10 đều là người nhà của chúng tao cả đấy, tao thách chúng mày đi thưa kiện, đến đâu chúng tao cũng không sợ…” Cái thế lực của gia đình họ, tôi đã thấy rồi khi tôi lên công an phường cầu cứu lúc bọn chúng tấn công vào và phá cửa nhà chúng tôi để chiếm phần sân nhà làm nơi trú ngụ. Thay vì bắt bọn chúng phải tôn trọng pháp luật trả lại hiện trường chờ công an giải quyết, thì họ lại cho phép chúng được ở trong phần nhà đã dùng “luật rừng” để chiếm đó, và còn buộc chúng tôi phải để cho chúng xài điện, nước y như là nhà của chúng vậy. Nếu như chúng tôi không làm theo thì có thể họ buộc chúng tôi tội chống người thi hành công vụ chăng? Đã có lần tôi không chịu nổi thái độ hống hách của con trai lão, và một vài người công an bạn của hắn đến đấy chơi, tôi đã định một mất, một còn với hắn rồi ra sao thì ra, nhưng nhà tôi thì bình tĩnh hơn và khuyên can tôi hãy nhẫn nhục nhiều hơn. Có thể tình huống đó chỉ là trường thi cho chúng tôi tại thế gian nầy mà thôi. Dù gì đi nữa thì chúng tôi cũng là nạn nhân của chúng. Điều đáng buồn là sau khi nghe chúng tôi thuật lại cuộc gặp gở với bọn chúng để nói chuyện theo luật giang hồ- về cái giá chúng đòi hỏi và bắt buộc chúng tôi phải chấp nhận- người bạn công an ấy đã nói một câu mà tôi không bao giờ quên được- Chúng đòi như thế là hãy còn quá rẻ đấy- Thật là bất ngờ cho tôi, tôi cứ tưởng sau khi nghe điều ấy anh ta phải rất bất bình và nổi máu công lý lên chứ, bỡi anh ta là công an mà, lại là có chút tình bè bạn với nhà tôi nữa kia đấy. Còn trời đất nào nữa khi người đại diện cho luật pháp lại đồng tình với bọn côn đồ làm khổ người dân lương thiện ? Tôi chán ngán cho con người thì ít mà buồn cho con người thì nhiều, bỡi vô minh và tam độc luôn luôn làm chủ họ, khiến cho họ đôi khi đánh mất nhân tính mà không tự biết. Tuy nhiên, điều an ủi đối với tôi là còn có luật nhân quả của trời đất , chứ nếu không thì tôi không biết phải tin vào đâu để sống nữa. Cho nên, tôi cũng cố đợi, đợi một may mắn nào đó mà luật pháp hiện hành có thể giúp cho gia đình tôi thoát ra khỏi cảnh bế tắc đáng buồn nầy, vả lại các nơi thụ lý hồ sơ đều hứa hẹn một kết thúc tốt đẹp cơ mà…!

Lời hứa hẹn đó đã kéo dài hai năm và…sẽ còn kéo dài không biết đến bao giờ nếu như chúng tôi cứ tin tưởng chờ đợi và…chờ đợi mãi. Tôi sắp điên lên rồi, các con tôi cũng bị ảnh hưởng đến việc học. Tôi không còn tin tưởng vào luật pháp thế gian nữa. Mỗi ngày, tôi đều thắp hương cầu nguyện Trời Phật cho gia đình mình sớm thoát khỏi tai nạn đó và tôi bắt đầu mê tín. Tôi đi lễ các đền, miếu hoặc nơi nào có tiếng là linh thiêng thì tôi đều tìm đến để khẩn cầu. Nhà tôi thì khác, anh không cầu nguyện mà tìm gặp người nhà lão Hoàng Chí để nói chuyện phải quấy. Trước sau như nhứt, lão cứ một mực đòi chúng tôi phải trả tiền cho lão, dù tên Linh là người đã lấy tiền của lão chứ không phải chúng tôi. Còn bên công an thì án binh bất động để cho chúng tôi phải nhượng bộ lão thì mới được yên thân. Họ không nói hay mời gọi tên Linh nữa. Tôi có cãm giác như họ muốn cho hắn lánh mặt đi luôn để họ có lý khi “ngâm tôm” hồ sơ nhà của chúng tôi. Thế nhưng thỉnh thoảng hắn vẫn xuất hiện để gặp người nhà lão Hoàng Chí. Tôi không biết chúng nói gì với nhau nhưng sau khi hắn xuất hiện thì bên phía lão Hoàng Chí lại diễn thêm nhiều trò mới. Khi thì ngăn phòng, khi thì khóa chốt cửa nhà chúng tôi, khi thì kéo bọn côn đồ từ đâu không biết, đến ở đầy nhà ồn ào không chịu được. Nhà tôi bàn hay là ta kiếm tiền trả quách cho chúng đi, bỡi vì thực chất chúng chỉ là một bọn làm tiền không hơn, chúng ăn vạ để có tiền chia chác với nhau mà thôi. Tôi nghĩ không đơn giản như thế, nếu làm được lần nầy chúng sẽ ăn quen làm nữa thì sao ? Hãy cứ chờ chính quyền giải quyết một lần cho dứt điểm… nhưng chờ đến bao giờ???

Gia đình tôi cứ tin tưởng và sống khổ sở như thế thêm một thời gian dài, nhưng mọi việc vẫn không đi đến đâu, vẫn cứ ỳ ra đấy. Những người quen biết, những người có thẩm quyền gởi gấm, những người bạn thân có, sơ có hứa hẹn giúp đở để mọi việc sớm được pháp luật giải quyết cũng không có hiệu quả gì, lại còn “tiền mất tật mang” Trong khi đó thì từng ngày, gia đình tôi vẫn phải chịu những phiền toái mà gia đình lão Hoàng Chí gây ra. Đã có lúc tôi muốn quyên sinh để cho các cơ quan pháp luật phải động tâm mà xuống giải quyết ngay cho gia đình tôi, thế nhưng cũng may, vì tôi là đệ tử Phật nên tinh thần Bi, Trí, Dũng có thừa để tự thắng mình. Cho nên, đó chỉ là những xung động nhất thời mà thôi. Tôi tin ở luật nhân quả. Mọi chuyện rồi sẽ qua đi, chỉ có hành động không tốt gây thành nhân xấu, tạo nghiệp xấu là sẽ theo ta suốt đời mà thôi. Tôi nghĩ thế để tự an ủi và lấy thêm nghị lực mà chờ đợi.

Trong thời gian nầy , tôi được một Bồ Tát ghé thăm. Hóa thân của Ngài đang vân du tại Mỹ. Trong dịp về thăm quê hương, Ngài có đến trường thăm chúng tôi và tặng một bài thơ rất hay. Bài thơ chỉ nói về giá trị của đồng tiền nhưng đã dạy cho chúng tôi rất nhiều điều, trong đó việc sử dụng đồng tiền chủ động và hợp lý cũng là một cách giải nghiệp và tạo công đức không nhỏ. Tôi rất thích những câu như:

   Tiền và bạc không yên được chỗ
Nay tay nầy mai ở tay kia
Người thường vì nó rẽ chia
Gây ra đỗ máu đầm đìa khắp nơi
Chủ được nó là đời hạnh phúc
Nó chủ mình là mất tự do
Làm ra để giúp để cho
Chớ gom góp để bo bo giữ đời
Đem giúp đỡ cho người không mất
Cứ bo bo giữ cất không còn
Vật mòn biết dụng không mòn
Tiền đừng nên bạc nên tròn nghĩa ân
………………………………………………………………………
Tiền dùng đúng tiền hiền như Phật
Bạc xài lầm bạc ác hơn ma
Phật, ma cũng tại người ta
Chớ tiền bạc nó vốn là vô tri
…………………………………………………………
Có dư chớ hưởng riêng thân
Nên cho kẻ khác lây phần ấm no
Được như vậy được kho công đức
Sống đời đâu khổ cực vì đời
Trong tâm thường được thảnh thơi
Tuy trong cõi tục mà đời thần tiên…

Như một lời nhắc nhở, động viên chúng tôi trong hoàn cảnh hết sức bế tắc của tình thế lúc bấy giờ. Tuy Ngài không hề biết gia cảnh chúng tôi thế nào và tôi cũng chưa bao giờ kể lễ vì sợ phiền lòng Bồ Tát đã ghé thăm mình nhưng mầu nhiệm quá…dường như Ngài đã hiểu và sự tình cờ đến thăm chúng tôi cũng là do một Thần lực nào đấy tác động vào. Tôi đã cảm nhận được cách giải quyết hiệu quả mà chư Phật hay chư Bồ Tát đã gởi đến cho chúng tôi. Tôi không cảm thấy xót xa và tức bực nữa khi nghe nhà tôi bảo:

_ Chúng ta phải chịu thua em ạ, đó là phương cách duy nhất để sống còn mà không tạo nghiệp nữa. Cho chúng thắng thì mọi việc sẽ được giải quyết nhanh, gọn mà không tổn hại đến sức khõe và đạo tâm của chúng ta, còn nếu không... nếu chúng ta tiếc tiền thì chỉ mất thời giờ và hậu quả sẽ không lường hết, có thể còn nhiều việc rất đáng tiếc xãy ra nữa em ạ, anh chỉ lo cho các con không yên tâm học hành mà thôi…

Tôi phân vân một chút rồi đồng ý. Việc đầu tiên là phải lo chạy tiền cho chúng. Một sự trấn lột giữa thành phố mà không ai dám ra tay giúp đỡ chỉ vì chúng có thế lực thế gian đồng tình đứng sau lưng, cũng có thể chúng là tay sai của Ma Vương thị hiện trong đời để quấy quả các đệ tử của Phật chăng ? Tôi thắp hương trên bàn Phật để cầu nguyện cho chúng và cho tôi sớm thoát khỏi tình trạng khó chịu nầy. Mầu nhiệm thay, tối hôm đó tôi nằm mơ thấy mình đang đứng lớp, có một vài vị khách dự giờ ngồi ở cuối lớp, tôi đã lúng túng thế nào mà không dạy kịp giờ, lại còn bị rớt cả một tấm bảng vào đầu khiến tôi tỉnh dậy với cảm giác ê ẩm . Rồi tôi ngủ lại… lần nầy tôi mơ thấy một vị Bồ Tát, trong thân người nữ rất đẹp ghé thăm trao cho tôi một chùm chìa khóa. Khi thức dậy, tôi kể cho nhà tôi nghe. Anh ấy bảo:

_ Vậy là Phật khuyên em làm theo lời anh đấy. Chịu thua chúng là giải pháp duy nhất và tốt nhất, còn tiền bạc thì “ nay tay nầy, mai ở tay kia”, Bồ Tát đã thị hiện bảo cho chúng ta điều ấy rồi, em đừng buồn nữa. Nếu như có thần lực của chư Bồ Tát hộ trì, thế nào chúng ta cũng có điều kiện để đưa tiền cho chúng…

Rồi nhà tôi cười dí dỏm :

_ Em thi rớt rồi đấy nhé. Trong tam độc, em vẫn thường bảo chỉ có tham và si là khó trừ nhất, còn sân thì dễ ợt, chỉ cần ta bớt nóng tính một chút là xong chứ gì. Bây giờ em đã thấy nó là điều khó thắng nhất chưa ? Hãy cố gắng nhẫn nhục em ạ. Đường đời tuy dài nhưng cũng ngắn lắm. Chúng có thể thắng chúng ta, nhưng ác nghiệp sẽ theo chúng không rời cho đến khi nào chúng trả hết thì thôi. Con người có thể bất công nhưng Trời Phật thì rất công bình . Không ai có thể cướp đoạt không của ai cái gì bao giờ. Bất cứ hành động nào rồi cũng sẽ có hậu quả đi kèm, chỉ xãy ra sớm hoặc muộn mà thôi. Nếu như khi có quyền lực trong tay mà làm hại dân lương thiện thì chắc chắn một ngày kia chúng sẽ phải trả giá tương xứng thôi em ạ…

Tôi cười khì :

_ Lý luận của anh sao giống A Quy quá. Thôi thì đành chịu vậy…chứ em vẫn còn tức ghê lắm. Thằng Linh nó lấy tiền của lão Hoàng Chí mà chúng ta phải nai lưng ra trả nợ cho nó, thật là không thể tưởng tượng được…

_ Rồi em sẽ còn chứng kiến nhiều việc không thể tưởng tượng được nhiều lần nữa đấy. Kiếp người mà em, vừa trả nghiệp vừa tạo nghiệp…chỉ khác nhau là nghiệp tốt hoặc xấu mà thôi…

Thế rồi… chúng tôi đi vay mượn khắp nơi. Các em tôi cố gắng lắm cũng chỉ giúp được anh chị một nữa số tiền bị chúng trấn tột, và rồi một sự mầu nhiệm đã xãy ra. Công an thành phố đến ký hợp đồng giảng dạy với Trung Tâm của chúng tôi. Thế là tiền của công an lại vào tay bọn trấn lột để giải vây cho chúng tôi. Công an địa phương bao che cho chúng trấn lột thì công an thành phố dù vô tình cũng đã giúp đở chúng tôi thoát khỏi vòng vây của bọn chúng. Tôi tin ở thần lực của chư Phật, chư Bồ Tát đã gia hộ độ trì cho chúng tôi thoát khỏi nạn tai đó. Buổi sáng ông xã tôi trao tiền thì buổi chiều chúng dọn đi sạch không để lại một dấu vết gì. Vậy mà đến cả tháng sau chúng tôi vẫn chưa hoàn hồn. Mỗi lần có ai đến gọi cửa là y như cả nhà cùng chạy ra, nét mặt ai cũng “hình sự”, căng thẳng ra như có cướp đến vậy.

Một tuần sau, tên Linh xuất hiện tìm nhà tôi, vừa để xem mọi việc đã được giải quyết xong chưa, vừa xin tiền. Hắn ỉ ôi thế nào mà anh ấy lại cho hắn tiền. Tôi tức tối bảo hắn :

_ Chúng không chia cho ông sao mà ông lại đến quấy rầy nhà tôi nữa ? Ông tán tận lương tâm vừa thôi, khi bọn chúng ăn vạ ở đây thì ông trốn đâu để cho chúng làm tiền nhà tôi, bây giờ lại trở lại xin tiền nữa…sao mà không biết xấu hổ vậy?

Hắn đấu dịu để lấy được tiền mới thôi :

_ Chị thông cảm cho em, bây giờ thì em không còn gì nữa. Lấy tiền đâu mà trả cho bọn chúng, vì thế mà em phải làm lì, trốn bọn chúng như phạm nhân, em cũng “quê” lắm, nhưng chị thông cảm…

_ Ông và bọn chúng gặp nhau mỗi ngày tưởng tôi không biết sao ? Chỉ tại tôi tin tưởng ở pháp luật nên bọn chúng và ông mới quậy phá được. Bây giờ thì ông hãy tìm bọn chúng mà chia chác với nhau, đừng quấy rầy chúng tôi nữa…

Tuy nói thế nhưng nhìn bộ dạng hắn rất thiểu não: áo quần lôi thôi, nét mặt hốc hác xanh xao, những vết chích thâm đen trên cánh tay, thân hình còm cỏi, có vẻ đói khổ như một tên ăn mày, tôi cũng cảm thấy thương hại cho hắn. Mới ngày nào là một công tử con nhà giàu có, tiền hô hậu ủng…thế mà giờ nầy…! Thật không sao hiểu được vì sao hắn nên nổi…Không biết ở nữa vòng trái đất bên kia, cha mẹ hắn có biết hay không ? Nhìn hắn cầm tiền, thất thểu đi ra, tôi bảo với nhà tôi :

_ Anh thấy không, nếu như cha mẹ hắn đừng tiếc của để hắn ở lại giữ nhà thì giờ nầy chắc hắn cũng chưa nghiện ngập, trác táng như thế. Ông bà ta vẫn thường nói thế mà: tiền của là con dao hai lưỡi …

Nhà tôi phì cười :

_ Em giống bà cụ non quá, đâu phải ai cũng bị tiền của làm mờ mắt đâu, với lại có cha mẹ nào mà không thương con. Khi để của lại cho hắn ông bà ấy chỉ muốn cho hắn có cuộc sống sung sướng, nhàn hạ với số tài sản không nhỏ ấy thôi, chứ đâu ngờ hắn lại sử dụng tiền của cha mẹ vào việc đốt phí cả tuổi xuân của mình như thế.

_ Ông Bà ta vẫn thường nói “ăn ở có đức, mặc sức mà ăn”, chứ tiền của có nhiều đến đâu rồi cũng hết, nếu như ta không biết giúp đở cho người nghèo… ăn mà không biết gieo trồng thì ăn hết rồi lấy đâu ra mà ăn nữa ? Anh nghĩ có đúng không ?

_ Ừ – nhưng đâu phải ai cũng hiểu điều đó, hoặc có hiểu mà không dễ thực hiện được đâu em. Khi người ta không có thì mong muốn có tiền nhiều, đến khi có rồi lại mong muốn có nhiều hơn nữa, và…cứ như thế họ chạy mãi theo tham vọng của mình… có khi đến hết cả cuộc đời cũng không biết chừng, rồi lại cho rằng cuộc đời sao ngắn ngủi quá, chưa kịp hoàn tất công việc thì đã hết một kiếp rồi. Cho nên muốn làm gì thì em phải làm ngay, nhất là việc công ích thì lại càng không nên hẹn…

Tôi cũng đồng ý với anh ấy, nhưng tôi cảm thấy cuộc đời sao mà phức tạp quá, mà con người lại còn phức tạp hơn. Phật dạy chúng ta phải yêu kẻ thù như người thân của mình. Ôi – sao mà khó quá! Không giận và không trả thù họ đã khó rồi mà phải yêu thương và giúp đỡ họ như người thân của mình lại càng khó hơn nữa. Nếu như tôi yêu thương và giúp đỡ họ liệu có phải là tôi đã làm trái với luật nhân quả không nữa ?

Cứ như thế, vài ngày là hắn đến xin tiền nhà tôi để thõa mãn cơn ghiền của hắn, mỗi lần cho, anh ấy đều khuyên hắn nên cai nghiện để còn làm lại cuộc đời, bởi hắn hãy còn quá trẻ. Một đôi lần, hắn có lên trung tâm cai nghiện ma túy ở Bình Triệu, nhưng rồi một thời gian sau lại thấy hắn xuất hiện và đến hỏi xin nhà tôi một số vốn để làm ăn. Hắn nói là đã cai nghiện xong muốn làm lại cuộc đời nhưng không có vốn. Hắn vừa nói vừa khóc trông rất thương tâm, thế là nhà tôi lại đưa tiền cho hắn. Khi thì mua máy bơm xe để kiếm sống, khi thì về quê để làm rẫy, khi thì học sửa xe, khi thì mua một chiếc xe cũ để chạy “xe ôm”…v..v.. thế nhưng chỉ vài tuần sau là hắn lại đến xin tiền với lý do khác nữa, nhà tôi lúc đầu còn thương hại hắn riết rồi chịu hết nổi, anh phải nhờ công an can thiệp mới thoát nổi sự quấy nhiễu của hắn. Thế rồi hắn quay sang tôi, thú nhận là đã bị nhiễm “ si đa” không còn sống được bao lâu nữa, xin tôi giúp cho ít tiền để sống qua ngày. Hắn sử dụng đủ mọi hình thức xin xỏ, khi thì năn nỉ khóc lóc, khi thì ngồi “lì” ở văn phòng làm việc cho đến khi khách đến, tôi ngại quá phải đưa cho hắn một ít để hắn đi cho rồi, mà hắn cũng rất ranh ma, đợi lúc không có nhà tôi hắn mới đến, còn tôi thì cố dấu nhà tôi bởi sự việc cũng không có gì quá đáng. Cho hắn một ít tiền cũng nằm trong công tác Phật sự của tôi. Đó là việc thực hiện hạnh “bố thí” để nuôi dưỡng lòng từ bi của mình. Cho nên, khi đưa tiền cho hắn tôi còn nghĩ rằng chính hắn đã giúp mình có cơ hội để làm việc tốt nữa cơ đấy ! Không biết tôi có “ngây thơ” không khi cho tiền một kẻ nghiện ngập như hắn mà còn nghĩ rằng mình làm việc thiện ? Có điều tôi nghĩ rằng số tiền tôi cho chỉ đủ để giúp hắn no lòng chứ không đủ để mua thuốc chích đâu, cho nên việc giúp hắn có bữa ăn lúc đói cũng đủ làm tôi vui rồi, còn việc hắn nói dối hay thật- tôi không quan tâm- Có một hôm, hắn đến, dẫn theo một con bé khoảng mười hai tuổi, nói là con gái của hắn mới tìm lại được. Hắn cầu xin tôi giúp cho hắn một số tiền kha khá đủ để mua cho con gái chiếc xe đạp, vì đó là tâm nguyện của hắn muốn làm một việc tốt cuối đời. Tôi kinh ngạc cho là hắn nói gở. Hắn sợ tôi từ chối nên thề thốt bạt mạng :

_ Xin chị giúp cho em lần nầy thôi, em hứa sẽ không làm phiền chị nữa. Nếu như em sai lời thì…

Tôi ngắt lời vì không muốn nghe những lời thề thốt quá nhiều của hắn, cứ mỗi lần đến xin tiền hắn đều thề thốt rất ư là chân thành. Có lần để đạt được mục đích hắn không ngần ngại quỳ xuống chân tôi trước mặt thầy cô, tôi phải né và bảo hắn quay về hướng Phật cầu nguyện sống tốt hơn tôi mới tin. Lần ấy tôi cho hắn khá nhiều tiền cũng mong cho hắn làm được như lời khấn nguyện để có một cuộc sống khá hơn. Thế nhưng, chỉ độ hơn tháng sau, hắn lại tìm đến, lần này thì là xin tiền để về quê sinh sống. Tôi nhắc lại các lời thề bán mạng của hắn, nhưng rồi trước bộ dạng thiểu não của hắn cùng với sự “lì lợm” chưa từng có, tôi lại phải cho hắn một số tiền nữa hắn mới chịu đi. Lần nầy thì hơi khá lâu hắn mới lại xuất hiện với đứa con gái mà hắn nói là vừa nhìn lại được. Tôi cũng không cần thắc mắc tại sao bây giờ hắn mới nhìn lại được con mình, mà chỉ hơi ngạc nhiên về lời nói như trăn trối của hắn :

_ Xin chị hãy giúp em lần cuối cùng- em biết ơn chị lắm- em biết chỉ có chị mới giúp cha con em- nếu như trước khi đi xa mà em không giúp được con em thì em ân hận lắm. Em hứa đây là lần cuối cùng làm phiền chị…

Tôi “cầm lòng không đậu” cũng cho hắn số tiền như hắn mong muốn, rồi hắn dẩn con gái ra về. Tôi cũng hi vọng lần nầy hắn sẽ giữ lời được lâu hơn những lần khác. Tôi không hề kể với nhà tôi việc hắn quay sang xin tiền tôi nhiều lần như thế, tôi nghĩ chắc hắn không đến nỗi nào, chỉ vì quá túng thiếu mà phải hạ mình vậy thôi, vả lại “ có dư chớ hưởng riêng thân, nên cho kẻ khác lây phần ấm no” mà. Bồ Tát đã dạy tôi như thế, kể ra thì hắn cũng còn đáng thương hơn cái lão Hoàng Chí, vì hắn vừa nghiện ngập vừa túng thiếu mới đâm ra thế. Ông bà ta vẫn thường bảo “bần cùng sinh đạo tặc” mà, còn gia đình lão Hoàng Chí vừa có thế lực lại vừa giàu có, thế mà vẫn không giữ được cái “thế giá” của mình mới là đáng tiếc cho kiếp người của lão. Tôi nhớ lại cái lần lão mướn bọn côn đồ tấn công vào chiếm nhà tôi, vợ lão, bà Thu với đôi chân mày xăm đã trổ xanh lè, chống nạnh xỉa xói vào mặt tôi :

_ Tao nói cho chúng mày biết, nhà này là của tao, trước sau gì chúng mày cũng phải cút đi, tao thách chúng mày đi kiện đấy…

Giọng nói của bà ta đanh đá và đầy thách thức như ỷ vào một thế lực có tầm cỡ nào đấy đứng sau lưng, bên cạnh mụ, đứa con trai và đứa con dâu cũng hùng hổ như muốn xông vào đánh tôi, nhưng tôi đâu có sợ, tôi nhìn thẳng vào mặt mụ hét toáng lên :

_ Nầy, chúng mày đừng tưởng là có thế lực mà giở thói côn đồ nhé. Pháp luật sẽ xử bọn bay theo đúng với tội danh “ăn cướp giữa ban ngày” đó. Lại còn giở “luật rừng” ra nữa hả ? Nếu như bọn bay trốn thoát khỏi luật “thế gian” , bọn bay phải đợi tao ở dưới “âm phủ” đấy. Tao không tha cho đâu nếu như bọn bay chạy chọt để trốn tội ở đây… Mụ Thu trừng mắt nhìn tôi như muốn “ăn tươi, nuốt sống” tôi cho hả dạ. Tôi cũng trừng mắt nhìn lại mụ, không hiểu sao, mụ vừa kéo cái ghế bố ra giữa sân định nằm “ăn vạ” tại chổ bỗng đổi ý, mụ đến nói nhỏ gì đấy với bọn côn đồ rồi bỏ về. Tôi cũng chẳng bận tâm đến mụ nữa dù kể từ lúc đó, tôi không hề thấy mụ ra chửi chúng tôi hàng ngày như lúc trước. Và kể từ lúc nhận tiền trấn lột xong , chúng bỏ đi sạch không để lại một dấu vết gì, tôi cũng không quan tâm đến bọn chúng nữa. Tôi thầm nhủ: Nếu như bọn chúng xứng đáng, chúng sẽ được hưởng trọn số tiền trấn lột đó, bằng ngược lại chúng sẽ phải trả lại dưới mọi hình thức mà chỉ có Trời Phật biết mà thôi. Ôi ! tôi lại giống A Quy nữa rồi . Mà chắc không riêng gì tôi, đối với bất cứ ai lâm vào hoàn cảnh nầy cũng sẽ nghĩ như thế cả, để tự an ủi mình, để tự trấn an mình và cũng là để “hù dọa” bọn chúng cho đỡ tức mà thôi.

Kể từ lúc tôi cho số tiền mà hắn gọi là lần cuối, tên Linh khá lâu không thấy đến xin tiền tôi nữa mà hắn lại quay sang tìm nhà tôi để xin tiền. Hắn chỉ đến những lúc không có tôi, tuy biết hắn tránh mặt mình nhưng tôi cũng không nói với nhà tôi để cho anh ấy thỉnh thoảng vẫn giúp hắn một ít tiền, nói cho cùng tôi cũng tội nghiệp hắn quá đói khổ, giúp hắn là anh ấy đã thực hiện được hạnh “bố thí” rồi. Đã có lần bác tổ trưởng nghe thấy bảo nhà tôi không nên cho hắn nữa, vì cho như thế hắn sẽ “ăn quen” đến làm phiền hoài cho mà xem, nhưng xem ra nhà tôi chắc cũng cảm thấy thương hại hắn nên vẫn cứ cho mỗi khi hắn xuất hiện “gãi đầu gãi tai” và ngồi “lì” cho đến khi nào nhận được tiền mới thôi. Có đôi khi quá bực mình vì đang có khách mà hắn cứ đến ngồi dai như “ đỉa đói” , lại còn mùi rượu nực nồng nữa, anh ấy phải to tiếng hắn mới chịu cầm tiền đi nhanh cho, còn không thì hắn cứ ngồi lân la mãi để xin tiền các thầy cô khác hoặc học trò… nói chung hắn đã mất dần liêm sỉ bỡi cơn nghiện ngập đã đến thời kỳ không thể cai nghiện được nữa.

Cho đến một hôm… tôi đang ngồi ở văn phòng đợi nhà tôi đến đón về thì hắn mò đến- lúc ấy khoảng tám giờ rưỡi- tôi cũng chỉ chờ hắn mở mồm ra xin tiền là cho ngay để còn về ăn cơm vì đã đói lắm rồi. Hắn ngồi một lúc không nói gì, mùi rượu xông lên nồng nặc. Tôi biết hắn đã say lắm rồi nhưng cũng nhỏ nhẹ bảo hắn :

_ Có chuyện gì không ông Linh ? tôi sắp đến giờ về rồi, có gì cần thì nói ngay để tôi còn về nữa…

Gịong hắn nhừa nhựa :

_ Bộ chị tưởng tôi đến đây để xin tiền chị phải không? Nè- đừng có làm tàng- trả tiền cho chị đó…

Hắn móc trong túi ra năm mươi đồng thẩy lên bàn trước mặt tôi, tôi mỉm cười :

_ Chà- lúc nầy không cần tiền à- chắc mới trúng số ? hay là…má ông ở Mỹ mới về cho ? nhưng không cần tiền thì đến đây làm gì ?

Hắn lè nhè trong cuống họng :

_ Tôi nói cho chị biết, tôi sẽ lấy lại căn nhà đó…tại mấy người mà tôi mất nhà…rồi đây tôi sẽ lấy lại căn nhà đó cho mà xem…

_ Nầy- thế lúc ông cầm tiền của người ta ông có nói như thế không ? mà nếu ông cần lấy lại nhà- cũng được- trả tiền lại là xong…

Hắn ngồi phịch xuống ghế lải nhải cái gì đó trong cuống họng, tôi gắt lên :

_ Thôi- tối rồi- nếu không có việc gì thì về đi- đừng tới đây “quậy” nữa . Ông không nhớ ông đã thề gì với tôi à ?

_ Tôi nhớ, nhưng lần nầy tôi đâu có tới xin tiền chị ? Tôi chỉ tới cho chị hay là trước sau gì tôi cũng sẽ chuộc lại căn nhà đó…

_ Thôi, được rồi, về đi…

_ Tôi không về… tôi không xin tiền…chị làm gì được tôi…gọi công an à…gọi đi…tôi thách đó…

Rồi hắn to tiếng:

_ Nếu không có mấy người đến mua thì làm sao tôi mất nhà, đúng không ? Bây giờ tôi phải ở lang thang khắp nơi vì không có nhà. Chỉ tại mấy người, chỉ tại mấy người… Hắn lải nhải và ngồi phịch xuống bàn không chịu về, hơi rượu nồng nặc làm tôi muốn lượm giọng, biết không thể nhỏ nhẹ được, tôi cũng lớn tiếng :

_ Nầy- ông Linh- ông làm ơn về cho tôi còn đóng cửa với chứ

_ Tôi không về chị làm gì tôi, nhà đâu mà tôi về…? Tôi cứ ngồi ở đây xem chị làm gì được tôi…

Hắn to tiếng đến nổi bác chủ nhà phải chạy xuống xem có chuyện gì, sau khi hiểu chuyện bác cũng nhỏ nhẹ khuyên hắn nên về để hôm khác tỉnh táo hãy nói chuyện nhưng hắn gần như nổi điên, sừng sộ cả với hai bác. Ông xã tôi đến hắn lại gầm lên như muốn đánh nhau, buộc lòng chúng tôi phải nhờ đến công an can thiệp . Thế là tất cả đều được mời về trụ sở công an phường 12, quận 10 để khai báo. Sau đó, chúng tôi ra về ngay còn hắn ở lại không biết đến mấy giờ mới về. Bẳng đi khoảng hai tuần sau, có một người đàn bà đến tìm nhà tôi ở trường, tự xưng là má của Tường Linh mới ở Mỹ về. Bà ta nói với nhà tôi là bà muốn chuộc nhà lại cho con vì hắn đã bán nhà trong tình trạng nghiện ngập là ngoài ý muốn. Bà ta nói nếu như đàm phán dân sự với chúng tôi không được bà sẽ khỡi kiện để đòi chuộc lại nhà cho bằng được. Nhà tôi cũng quá hiểu chuyện và không cố chấp vào thứ của cải phù du đó, nên anh ấy đã bảo với bà ta:

_ Không có gì trở ngại cả… nếu như bà muốn chuộc lại nhà , bà cứ tính theo thời giá, con bà đả bán cho tôi căn nhà đó cách đây mười năm rồi. Vậy thì bà cứ tính trượt giá của nó mà nhân lên, rồi đến đây nói chuyện với tôi…

Người đàn bà đó- theo lời nhà tôi kể lại- là một người phụ nữ trung niên, không có vẻ gì là trí thức như lời mô tả của bác Lộ , tổ trưởng cũ cả. Nét mặt không hiền và giọng nói thì không mấy thiện cảm. Tôi, mặc dù không hề muốn hơn thua, cũng cảm thấy tức tối vô cùng. Bà ta có biết đâu con bà ta và bọn Hoàng Chí đã cấu kết nhau làm khổ gia đình chúng tôi mấy năm trời cũng vì căn nhà đó, nếu như chúng tôi không mua nhà của hắn thì chúng tôi vẫn có thể mua bất cứ nơi nào với số tiền không phải nhỏ ấy mà không phải khổ sở vì bọn côn đồ ăn vạ để làm tiền chúng tôi như thế. Chuyện kết thúc đã lâu rồi mà trong lòng tôi hãy còn nhớ như in và không hề muốn tha thứ, mặc dầu tôi đang cố gắng tu tập theo lời Phật dạy là hãy từ, bi, hỷ, xã và không bao giờ nghĩ đến việc trả thù, nhưng giá như mà chúng bị quả báo, hay bị pháp luật trừng trị thì tôi sẽ rất thích đấy, cho dù ai có chê tôi là tiểu nhân cũng được. Tôi hỏi nhà tôi :

_ Thế anh trả lời sao với bà ta ?

_ Thì như em biết đấy, nghe anh nói thế bà ta tần ngần giây lát rồi ra về, vả lại lúc ấy anh đang có khách nên cũng không thể tiếp bà ta lâu hơn…

_ Em thì không muốn trả lại nhà cho họ, dù là chuộc hay bán gì cũng thế. Nếu phải bán thì em thích bán cho người khác hơn. Tuy nhiên, nếu như anh đã quyết thì cứ như thế mà thực hiện cũng được, còn tùy ở Trời Phật nữa…

Tôi bỏ lững câu nói bỡi không muốn vì chuyện đó mà gia đình mất vui, thôi thì ra sao cũng được. Nếu như chúng tôi xứng đáng thì mọi việc sẽ êm xuôi tốt đẹp thôi. Tuy nghĩ thế nhưng tôi vẫn không yên tâm. Suốt cả ngày hôm đó tôi rất buồn bực, bỡi không hiểu bọn chúng định giở trò gì nữa đây ? Có phải đó là má của tên Linh theo lời bà ta tự nhận không ? Hay đó chỉ là một người được bọn chúng mướn để đến quấy nhiễu và làm tiền chúng tôi lần nữa ? tôi cũng muốn nhờ công an điều tra nhưng nhớ lại những lần trước khi bọn Hoàng Chí đến chiếm nhà để ăn vạ, công an phường 15 quận 10 đã không hề giúp đỡ mà còn bao che cho bọn chúng lấy tiền của chúng tôi. Vậy thì không còn cách nào khác hơn là chúng tôi phải tự vệ thôi- tôi tự nhủ như thế- Rồi tôi thắp hương cầu nguyện Trời Phật cho mọi việc không xấu hơn, tôi thắp hương trên bàn ông Thổ Công lầm thầm khấn khứa : Nếu như bọn họ xứng đáng, thì họ sẽ đạt được như ý, nếu như chúng con xứng đáng thì xin cho mọi việc chuyển biến tốt đẹp hơn…

Tối hôm đó, sau khi trì chú niệm Phật xong như mọi hôm, tôi đi vào giấc ngủ bình yên, không lo lắng, không mộng mị. Khoảng hai, ba giờ đêm tôi nghe tiếng chuông điện thoại reo, tuy không dậy bắt máy nhưng tôi vẫn lắng nghe tiếng nhà tôi trở dậy ở dưới nhà để nghe điện thoại. Tôi thầm cầu mong không có tin dữ ở những cú điện thoại bất thường như thế. Tôi ngủ lại khi thấy nhà tôi không cho biết gì, chắc là ai gọi nhầm – tôi tự nhủ- rồi ngủ lại. Tôi bị đánh thức lần nữa bỡi tiếng chuông điện thoại reo lúc năm giờ sáng. Lần nầy thì tôi thức dậy luôn, tôi dậy sớm hơn mọi ngày nhưng ngủ lại thì cũng không đáng nên tôi dậy sớm một chút, thắp hương sám hối trên bàn Phật và thắp hương bàn thờ ông bà xong tôi chuẩn bị đi làm. Nhà tôi lên thay áo , bảo tôi :

_ Em có nghe tiếng điện thoại lúc đêm không ?

_ Ừ , em có nghe nhưng ai gọi đấy ?

_ Từ bệnh viện gọi về…

Tôi giật mình :

_Nhưng…là ai…? Chuyện gì ?

_ Lần đầu họ thông báo là Tường Linh đã được chở vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu… và hỏi đây có phải là địa chỉ của hắn không ?

_ Thế còn…?

_ Lúc năm giờ họ gọi lần nữa xin cố gắng liên lạc dùm với người nhà của tên Linh đến ngay bệnh viện… không biết có chuyện gì ?

Tôi sững sờ phút giây rồi nói nhà tôi sang hỏi bác tổ trưởng may ra bác ấy biết để thông tin gấp dùm họ. Tôi nghĩ chắc là hắn lại đánh lộn ở đâu đấy bị thương tích nên bạn bè hắn chở vào cấp cứu dùm đấy thôi. Một tuần sau đó, nhà tôi lại được tiếp một người đàn ông, tự xưng là dượng của Tường Linh cho biết hắn đã chết tại bệnh viện vào cái đêm mà nhà tôi nghe hai cú điện thoại từ bệnh viện gọi về, lúc ấy cũng là lúc má hắn lên phi cơ bay về Mỹ. Tôi lạnh người khi nhớ lại những lời thề bạt mạng của hắn mỗi khi đến xin tiền- xin chị giúp em lần cuối, em thề là nếu như còn đến quấy nhiễu anh chị lần nữa em sẽ chết mà không được gặp mặt người thân- Hắn đã phát ngôn bừa bãi như thế không biết bao nhiêu lần, riết rồi tôi nghĩ chắc quỉ thần hai vai cũng không còn tin hắn nữa. Nhưng lần nầy có mẹ hắn về nên hắn không còn nhớ đến những gì hắn đã từng thề thốt và lại còn muốn lấn lướt chúng tôi hơn nữa- muốn lấy lại nhà sau những phiền não vô chừng mà hắn đã mang đến cho chúng tôi- Có lẽ quỉ thần hai vai đã nổi giận trước sự tráo trở của mẹ con hắn ?

Buổi sáng, tôi nghe được mẫu đối thoại sau đây do cháu tôi kể lại khi nó ra uống cà phê ở một quán thuộc khu Chuồng Bò :

_ Chúng mầy hay tin gì chưa ?

_ Thằng Linh đã chết ở bệnh viện chứ gì ?

Một đứa- có lẽ không phải là đồng bọn- hỏi lại :

_ Linh nào ?

_ Linh ở khu Bắc Hải chứ còn Linh nào nữa…

_ Tại sao hắn chết ?

_ Thì… tại má nó từ Mỹ về cho tiền nhiều quá…

_ Ăn…trúng thực à ?

_ Thì cũng gần như thế, má nó cho tiền nhiều quá nên chích quá liều, bạn bè chở dùm vào bệnh viện thì đã hôn mê sâu rồi…

_ Điều đáng tiếc là nó chết khi má nó đã lên phi cơ về Mỹ, cho nên nó nhắm mắt mà không hề được gặp người thân…

_ Tội nghiệp…!

Tôi lặng người đi khi nhớ lại biết bao lần hắn đã thề thốt như thế. Vậy thì không hiểu hắn ra đi vì mắc lời thề hay là vì người mẹ đã cho hắn quá nhiều tiền ???

Vân Hà (TTHA )


Page last modified on July 15, 2015, at 07:22 AM