Main.NHÌNMÙAXUÂNBẰNGĐÔIMẮTTRẺTHƠ History

Hide minor edits - Show changes to output - Cancel

Added lines 1-95:
!!NHÌN MÙA XUÂN BẰNG ĐÔI MẮT TRẺ THƠ

NGUYÊN CẨN


Nhân loại đi tìm mùa xuân

Mùa xuân những năm trước, đã có lúc chúng ta cùng nhau nhìn lại và băn khoăn khi còn đó bao nhiêu phận người chưa có mùa xuân vì thiếu cơm áo, vì nghịch cảnh, vì bệnh tật, tai ương. Năm nay thì sao? Thế giới chung quanh ta vẫn trong tâm trạng bất an khi tiếng súng vẫn chưa ngơi nghỉ trên những vùng đất Trung Đông nóng bỏng, khi những kẻ khủng bố vẫn gieo rắc nỗi kinh hoàng khắp chốn từ Á sang Âu đến cả châu Mỹ, châu Phi... Nhân loại có lúc tưởng như đang chênh vênh trên bờ vực của Thế chiến thứ 3. Những tệ nạn xã hội vẫn còn đầy rẫy khắp nơi. Trong một bài viết trước đây, chúng tôi có kể lại câu chuyện Giáo hoàng Francis khi làm chủ lễ vào đầu năm 2015 tại một trường đại học ở thủ đô Manila, Philippines, được cô bé Glyzelle Palomar, 12 tuổi hỏi rằng có rất nhiều đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, rất nhiều trẻ em bị dính vào ma túy và mại dâm, và tại sao Chúa lại để điều đó xảy ra vì trẻ em không có tội gì cả? Ngài đã lặng người giây lát và trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha thay vì đọc bài diễn văn chuẩn bị bằng tiếng Anh của mình rằng cô bé là người duy nhất đưa ra câu hỏi mà chúng ta không thể đưa ra câu trả lời. Ngài nhấn mạnh mọi người cần phải lắng nghe lời kêu cứu của những người bị gạt ra bên lề xã hội, kêu gọi mọi người thể hiện lòng bác ái đối với những mảnh đời bất hạnh, và nói: “Mỗi người trong số chúng ta hãy tự hỏi bản thân rằng liệu ta đã học cách khóc như thế nào chưa?… Chúng ta sẽ khóc như thế nào khi nhìn thấy một đứa trẻ bị bỏ đói, một đứa trẻ dùng ma túy trên đường, một đứa trẻ vô gia cư, một đứa trẻ bị bỏ rơi, một đứa trẻ bị lạm dụng, một đứa trẻ bị biến thành nô lệ?”. Nhìn lại tình hình trong nước, chúng ta cũng tự hỏi mình có khóc hay không khi vẫn có những đứa trẻ như thế ở những thành phố lớn, hay ở thôn quê, sau những trận bão lũ vừa qua ở Bắc và Nam Trung Bộ, bao nhiêu trẻ mất cha mất mẹ, mất nhà? Chúng ta biết khóc thế nào khi trong nước còn bao nhiêu trẻ em đang thiếu sự chăm sóc cần thiết về y tế và giáo dục? Chúng ta đã thống kê được bao nhiêu trẻ không được đi học chưa? Bao nhiêu trẻ bị lạm dụng sức lao động và tình dục? Bao nhiêu trẻ phải qua sông đến trường bằng cầu treo hay cầu phao?
Tại sao trẻ em khổ? Có ai đó lý luận rằng khổ là bản chất cuộc đời? Ai cũng khổ. “Thảo nào khi mới chôn nhau / Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra” (Nguyễn Gia Thiều).

Có ai đó cho rằng trẻ em khổ vì người lớn thiếu quan tâm hay vì người lớn chìm đắm trong vô minh, trong vòng xoáy của Tam độc, những điều mà nhà Phật nhấn mạnh là thái độ của chúng ta với cái khổ ấy. Đối phó với những khó khăn, dằn vặt, con người tìm quên trong rượu chè, ma túy, đắm chìm trong sắc dục, khiến cho trẻ em và người lớn, cả xã hội quay cuồng trong những tệ nạn. Xã hội càng kém phát triển, tệ nạn càng nhiều. Chưa kể tầng lớp quan quyền ngầm tiếp tay cho những kẻ làm băng hoại đạo đức, suy đồi nhân tính... Đó chính là điều mà nhà Phật gọi là Tập đế, nguồn gốc hay nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau khổ. “Tập” là tích tập, các phiền não chồng chất tụ hội tạo thành năng lực đưa đến khổ đau. Khi nhận thức được bản chất của khổ một cách rõ ràng, ta mới có thể đi vào con đường đoạn tận khổ đau. Do tham ái mà chấp thủ, bám víu vào các đối tượng. Sự khao khát về dục lạc sẽ dẫn đến khổ đau, bởi vì lòng khao khát ấy không bao giờ thỏa mãn. Đức Phật dạy: “Tham ái sinh sầu ưu, tham ái sinh sợ hãi. Ai giải thoát tham ái thời không còn sầu ưu sợ hãi nữa”. Sâu xa hơn, chính là do vô minh, tức là si mê không thấy rõ bản chất của sự vật đều vô thường. Con người sinh tâm tham muốn, ôm giữ lấy các đối tượng lạc thú. Nếu không bị sự chấp ngã và dục vọng vị kỷ hay phiền não khuấy động, chi phối, ngự trị trong tâm thì cuộc đời sẽ có an lạc, hạnh phúc.

Chia sẻ niềm vui vô tận

Ni sư Thích Nữ Trí Hải có lần viết: “Chúng ta chỉ chạy, khi thức cũng như khi ngủ; chúng ta luôn luôn chạy đuổi theo những dục vọng ước mơ, có tiền muốn thêm tiền, có danh muốn thêm danh... bởi vì hiện tại đã bị ta bỏ quên để theo đuổi những ảo tưởng của ngày mai, tháng sau, năm tới... Lối sống xem hiện tại chỉ là cây cầu nối tương lai và quá khứ trong khi cả hai đều là ảo tưởng - lối sống ấy chính là nguồn gốc của mọi khổ đau bất hạnh trên đời” (Đạo của Thơ).

Chỉ có cánh cửa vào đạo mới đưa chúng ta trở về với tâm thái mùa xuân bình an. Chúng ta hãy tập nhìn mùa xuân trong tâm thức và nết hạnh một đứa bé. Chúng ta thấy gì? Anh nhi hạnh có nghĩa là nết hạnh của hài nhi. (theo Kinh Đại Bát Niết bàn, Phẩm hai mươi mốt), Như Lai mượn cái nết hồn nhiên ngây thơ không biết đắn đo, không có ý tham cầu lấy bỏ, thân sơ thương ghét dùng để ví cái hạnh từ, bi, hỉ, xả ba la mật, bình đẳng tế độ chúng sanh qua nguồn giáo lý "Ưng vô sở trụ" của đạo Phật. Anh nhi có thấy, có nghe, có ngửi, có nếm, có xúc và có biết, nghĩa là anh nhi vẫn có đủ lục căn nhưng lục căn của anh nhi xúc đối với lục cảnh, nhưng tâm cảnh như như bất động. Thấy mà như chẳng thấy gì, nghe rồi nói... mà chẳng nói gì và chẳng có gì nói được "bất khả đắc" và "bất khả đắc" là một ngôn từ vi diệu trong kho tàng bí mật của Như Lai!

Trong bài kệ khai thị các vong linh, chúng ta thấy rằng:

Viễn quan sơn hữu sắc
Cận thính thủy vô thanh
Xuân khứ hoa thường tại
Nhân lai điểu bất kinh
Xa nhìn núi hiện bày
Gần không nghe nước chảy
Xuân đi hoa ở lại
Người đến chim chẳng bay.
(NC tạm dịch)

Núi xa mà vẫn thấy, tiếng nước ở gần lại không nghe, xuân tàn hoa vẫn còn, chim chóc chẳng biết sợ con người. Thế giới sắc thanh, sinh diệt như thế thì cũng có nghĩa là sống chết chẳng khác gì. Đó là thế giới của hạnh phúc vĩnh cửu, của vũ trụ “tái hồi vĩnh viễn” mà Nietzsche thường nói đến. Vạn vật tuần hoàn vô tận. Đời người cũng vậy đi từ vô thủy đến vô chung. Dòng sinh diệt ấy có nghĩa rằng chết không phải là mất hẳn mà chỉ là thay một chiếc áo sống dưới một hình thức khác. Còn như nay, con người ta khổ do điên đảo mộng tưởng.

Rồi tôi lớn đi vào đời chân bước
Cỏ mùa xuân bị giẫm nát không hay. (Bùi Giáng)

Nói như Ni sư Trí Hải, thì “cỏ mùa xuân” ấy phải chăng là Phật tính nguyên sơ, cái bản lai diện mục, viên bảo châu vô giá mà tên cùng tử là ta đã lỡ đánh mất tự bao giờ! Bùi Giáng thì cho rằng:
Đời đã mất từ bao giờ giữa dạ
Khi lỡ nhìn viễn tượng lúc đầu xanh.

Con người vào đời, buổi đầu gửi một nửa linh hồn ở lại với ấu thơ, còn một nửa sống lãng du trong phiền muộn, âu lo.
Nửa đời bỏ lạc thâu canh
Nửa linh hồn bỏ nước xanh lên bờ. (BG)
Khổ đau về chẳng hẹn giờ
Hoang liêu phố rộng bước hờ hững đi. (BG)

Đến khi sực tỉnh chẳng hay mình đã đánh mất bản tâm sơ thủy nơi nào.
Bể dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh.

Phật dạy, phải sử dụng cái thấy bình đẳng: "Pháp giới nhất chân", "vô tự tánh", khi ấy, Như Lai ví mình là anh nhi. Lại sử dụng cái thấy sai biệt: "Pháp giới trùng trùng duyên khởi" "Hữu chủng tánh", Như Lai ví mình với vai trò cha mẹ của anh nhi. Như Lai rõ là người "nhất thiết trí", là đấng "vô thượng Bồ đề".

Nhìn mùa xuân hay nhìn cuộc đời trong con mắt ấy thì sinh tử chỉ còn là huyễn mộng, nên những buồn phiền cũng thoáng qua, khi hiểu lẽ vô thường.
Tuổi thơ em có buồn nhiều
Hãy xin cứ để bóng chiều bay qua. (BG)

Vì thời gian tuần hoàn, ly biệt hay trùng ngộ cũng vậy.
Thưa rằng ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu nguyên xuân. (BG)

Vì người trí bậc trung, bậc hạ, Như Lai nói "vạn pháp có", "Thế giới chư Phật trong mười phương có"!

Tận nhật tầm Xuân bất kiến Xuân
Mang hài đạp biến lũng đầu vân
Qui lai tiếu niệm mai hoa khứu
Xuân tại chi đầu dĩ thập phân.
(Khuyết danh)

Tìm suốt ngày xuân chẳng thấy xuân
Non cao giày cỏ giẫm mây ngàn
Trở lại ngắt đoá mai cười ngửi
Mới biết trên cành rực rỡ xuân.
(NC tạm dịch)
Với người trí bậc thượng, Như Lai cho biết: "chỉ có một thể tịch diệt chân như bất nhị".

Chúng ta hãy đọc lại “Sơn phòng mạn hứng kỳ nhị” của Trần Nhân Tông:
Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch,
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.
(Trần Nhân Tông)

Phỏng dịch:
Mạn hứng tại Sơn phòng lần hai
Thị phi rơi sạch theo hoa sáng
Lợi danh lạnh lẽo mưa đêm qua
Hoa rụng, mưa tan, non nước vắng
Một tiếng chim buồn Xuân đã xa. (NC)

Với cặp mắt trẻ thơ, chúng ta nhìn mùa xuân trong tâm viên dung, hòa cùng mọi biến thiên của đất trời, cảm thông với mọi người đang cùng an trú trong cõi tạm này. Để rồi cùng vui, cùng chia sẻ, tương tức, tương dung mọi bất đồng, mà tận hưởng mùa xuân trong từng sát na hiện tại mà không nghĩ đến hôm qua hay ngày mai vì nó sắp đến, sẽ qua như mọi chuyện muôn đời vẫn thế. Điều quan trọng là chúng ta phải hành động ngay tức thì, không do dự để những nỗi đau ấy giảm đi.

Một bậc tôn đức ngày xưa đã từng viết: “Ngày nào nhân loại chưa giác ngộ, trút bỏ được tham vọng mê lầm thì ngày đó thân phận con người còn bi đát, xã hội còn bất công, lịch sử vẫn còn lạc hướng. Đạo Phật chắc chắn đủ điều kiện trao cho thời đại một nội dung cuộc sống tràn đầy hạnh phúc. Nhưng ai là người trao nó vào đời? Hẳn nhiên là Phật tử. Đạo Phật còn nở hoa kết trái hay không, không chỉ ở mấy tạng kinh điển mà là ở những người hoằng pháp hôm nay có đủ đức trí tài năng, có biết thích ứng với hoàn cảnh xã hội, để đưa đạo Phật vào thời đại, làm cho đạo Phật sống một đời sống, giàu mạnh trên mọi nơi, trong mọi lúc thích hợp với mọi người ở mọi trình độ tri thức, mọi giai cấp...

Vì đạo Phật không phải là một tín lý, không võ đoán, không buộc ai phải tin theo rập khuôn như mình. Đạo Phật chỉ là một lối hướng dẫn, hòng dắt con người từ trạng thái tham lam mê muội sang trạng thái trung trinh siêu thoát.” (HT Đức Nhuận - Trao cho thời đại một nội dung Phật giáo - TS Vạn Hạnh, số 20, 1967).

Trong tinh thần ấy, hãy ngắm nhìn mùa xuân như nó đang là và cảm thấy hạnh phúc khi chúng ta còn có thể sống và chia sẻ niềm vui vô tận ấy...


Page last modified on February 05, 2018, at 02:02 AM