PTL.ĐôiTayVịnhXuânQuyền History

Hide minor edits - Show changes to output - Cancel

Added lines 1-33:
!Đôi tay của Vịnh Xuân Quyền

''VS. Hồ Nam Long''\\
''(Truyền môn nhân đời thứ nhất của Quyền sư Hồ Hải Long)''\\


Mỗi môn phái võ thuật xưa nay, đều có những kỹ thuật và những động tác đặc thù, tạo nên sắc thái cho mỗi môn phái của mình. Sự phức tạp trong hệ thống công phu và tính chất biến hóa của các đòn thế, phát sinh ra hằng hà sa số chiêu thức khác nhau.

Chúng ta thử xem qua hệ thống quyền pháp của Vịnh Xuân Quyền sẽ rõ. Đó là một công việc khổ luyện gần như cả đời người để thu thập và ứng dụng một cách thích hợp mỗi động tác và sự kết hợp kỳ diệu của mỗi đòn tay. Nó có điểm khác biệt cơ bản là không nhất thiết phải thuộc lòng các chiêu thức chiến đấu như một số môn phái khác. Đồng thời có sự phân giải về các chiêu thức một cách hòa hợp, ăn khớp như một số người quan niệm biểu đồng tình.

Có những người cho rằng quyền Vịnh Xuân đơn giản và thực dụng nhất. Điều đó, ở một góc độ nào đó, có thể xem như đúng. Bởi vì suy cho cùng "bát môn pháp" cũng có thể bắt nguồn từ ba tay : Tán thủ, Phục thủ và Bàng thủ (Ngửa bàn tay, Úp bàn tay, và Đưa khuỷu tay). Ba tay quyền căn bản này bao quát cả trăm ngàn thế tinh hoa biến hóa của quyền Vịnh Xuân.

Theo thường lệ, tất cả quyền thuật Trung Hoa đều dùng một phương pháp cổ truyền và duy nhất là đánh và đỡ. Khi đối phương dùng quyền đánh ta, thì ta dùng một cánh tay để đỡ và dùng một cánh tay khác để đánh lại đối phương, hoặc dùng chân để phản công đối phương.

Theo thứ tự, thì dù ta đỡ bằng tay hay chân, đều đứng sau cái thể công (đánh hoặc đá của địch). Vả lại, cái đánh trả với cái đỡ không thể nào làm cùng một lúc được : nghĩa là phải dùng cả hai tay, một tay đỡ và tay khác đánh lại.

Nhưng quyền Vịnh Xuân thì khác hẳn. Nếu đối phương dùng quyền tay hay dùng đòn chân đánh hoặc đá ta, thì hễ ai đã tập quyền Vịnh Xuân thì đều hiểu rằng : Hễ quyền hay cước của địch bị ta tiếp được (có nghĩa là thu hút được), thì tức khắc ta chỉ dùng một tay hay một chân đánh lại, vì quyền Vịnh Xuân làm tiêu tan các thế công bằng một kỹ thuật đặc biệt, và đó cũng là đòn phản công tức khắc. Đó là chỗ tuyệt diệu của quyền pháp Vịnh Xuân.

Cho nên, quyền pháp Vịnh Xuân có câu "Đả thủ tức vi Tiêu thủ", ý nói tay đánh tức là tay giải (Giải là làm tiêu tan cái thế công của địch).

Còn có một câu khẩu quyết là : "Thủ lưu trung", nghĩa là hai tay lúc nào cũng để trước giữa ngực (Cả trên, dưới). Khi ta ra tay đánh địch đều do trung lộ tiến đi (tức là hai cánh tay một quyền, một chưởng). Bao giờ cũng làm thành một hình trung tâm điểm để phòng ngự đầu và toàn thân. Dù địch mau lẹ và cường mạnh đến đâu, ta đều có thể làm cho đôi tay của địch lúc nào cũng ở ngoài tay phòng ngự của ta. Như vậy ta chiếm thế thượng phong, có ngay ưu thế dù là công hay thủ. Cho nên quyền Vịnh Xuân đánh ra thì thành xung quyền hình chữ nhật do tâm tạng (ở giữa ngực) xuất phát đường kinh tuyến, thẳng một mặt tiến đánh đối phương, tựa như chạy theo đường cung huyền (như dây cung bật ra).

Nếu địch dùng quyền đánh, ta dùng lối quyền "ném" hay lối quyền "câu", còn gọi là quyền dây cung. Dù so sánh quyền pháp giữa các môn phái khác, xuất phát từ hai bên eo với xung quyền hình chữ nhật của Vịnh Xuân thì quyền Vịnh Xuân vẫn dài hơn. Đó là nguyên nhân tại sao quyền Vịnh Xuân phát xuất từ trước ngực.

Người ta thường dùng cây cung và thân cây cung để ví với tay quyền Vịnh Xuân, ta cũng có thể dùng cây mây để làm ví dụ. Khi một lực tấn công phía trước, ta có thể dùng tay ngửa, tay úp hay chìa khuỷu tay (tán, phục, bàng thủ) khiến cho địch thủ có cảm tưởng như đánh vào một cây mây bị áp lực ảnh hưởng, cong vào một bên; đến khi quyền địch thủ để lộ ra khuyết điểm (nơi trống, tiện tấn công) thì quyền Vịnh Xuân như thanh mây bật ngược lại xung thẳng vào đối phương với sức mạnh vô cùng.

Do đó, trong môn phái Vịnh Xuân có một câu truyền khẩu "Lai lưu khứ tống, thoát thủ trực xung" (Tới thì giữ, đi thì đưa, duỗi hoặc rời tay thì tiến tới).

"Đó là phương pháp sử dụng các thế Na, Phục, Bàng... Tuyệt không bao giờ hất ngang hay lắc qua hai bên trái hay mặt. Đưa là đưa sang phía trước, xung cũng là xung ra phía trước. Còn tay lưu chỉ để tiếp đón hay chận đứng quyền của địch. Không cần dùng đến sức khỏe mà có thể đẩy được địch qua một bên". (Trích Tân Võ học - xuất bản tại Hồng Kông số 72/1972 của VS. Thi Đạt Chí).

Chính vì chỗ sâu diệu này mà Võ sĩ Lý Tiểu Long sau khi đã học với Diệp Vấn tiên sinh, đã lãnh hội tinh túy của công phu quyền pháp Vịnh Xuân, nên đã cho ra đời môn Triệt Quyền Đạo (có thể tạm tóm tắt là con đường ngắn nhất để biến thủ thành công, hoặc công thủ không phân biệt, hoặc nôm na hơn: đỡ tức là đánh).

Ngoài quyền pháp sâu diệu, người học Vịnh Xuân quyền còn phải luyện khí công để chủ động được kình lực của mình. Kình phải lấy gân làm gốc, có đàn tính, hoạt tính. Tập khí công nội công, chuyển động đường gân, uyển lực phát triển, lấy khí dẫn lực... chủ động gân cốt, phát triển được kình. Lực phá hủy bên ngoài, kình phá hủy bên trong. Việc phóng kình như bắn một mũi tên. Kình có thể tụ vào đầu ngón tay, phóng với tốc độ nhanh có thể phá hủy các bộ phận bên trong. Đó mới thực sự là sự công phá. Khi một người phóng kình đúng, các đầu ngón tay sẽ rung bật lên. Đó là dấu hiệu công lực của mỗi người. Môn công phu đỉnh cao của kình lực chính là nhất dương chỉ vậy.


Page last modified on June 03, 2015, at 06:56 AM