Đọc Bài “Văn Tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc”của Nguyễn Đình Chiểu

PHẠM VĂN CẢNH, Thạc sĩ., Hội Khoa Học Lịch Sử TP.HCM

Có thể nói người nông dân áo vải Việt Nam đã hiên ngang dõng dạc bước vào nền văn học chữ viết (văn chương bác học) với hình ảnh người anh hùng đầu trần , chân đất mà làm nên lịch sử trong “Bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Đó là một hình ảnh đẹp, sống và có thực, xảy ra sau đêm 16 tháng 12 năm 1861 khi nghĩa binh và một số binh sĩ của triều đình, căm thù quân xâm lược đã tổ chức chiếm lại đồn Cần Giuộc, nhưng cuối cùng Pháp phản công, nghĩa binh đã hy sinh trên dưới 20 người. Nhân dân và quan tuần phủ Gia Định đã tổ chức lễ truy điệu các anh hùng liệt sĩ. Cụ Đồ Chiểu là người được ủy thác viết bài văn tế này, đã bày tỏ tấm lòng của toàn dân ca ngợi và tiếc thương hình ảnh những người nghĩa sĩ đã vì nước quên mình.

Bài văn ra đời có sức sống kỳ diệu, gây xúc động sâu sắc cho người dân tham dự, làm rung động lòng người cả nước, khiến chính vua Tự Đức đã cho khắc in bản văn này và phát tán khắp nơi, đến nay nó vẫn được lưu truyền cả bằng văn bản in, chép tay và truyền khẩu…

Bài văn tế viết theo thể phú Đường luật, nhưng nội dung và ngôn ngữ đã đi sâu vào lòng người, nhất là người dân Nam bộ, bởi qua đó người dân miền Nam đã nhìn thấy hình ảnh quê hương đất nước mình với giòng sông Cần Giuộc, chợ Trường Bình, chùa Tông Thạnh, ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc … họ cũng thấy được bản thân mình - người nông dân áo vải, với cuộc sống cày cuốc quanh năm, đầu trần chân đất, bỗng chốc trở thành người anh hùng cứu nước .

Tục ngữ ta có câu “ Gió cả mới hay cây cứng”; nhìn người nông dân trong cuộc sống bình thường, lao động cuốc cày, mấy ai biết được tấm lòng người dân quê yêu nước mạnh mẽ và to lớn dường nào ? Chỉ những khi vận nước nguy nan, kẻ thù tràn vào bờ cõi “Súng giặc đất rền” người dân mới có cơ hội bộc lộ hết được tấm lòng nghĩa khí “lòng dân trời tỏ ”

Tấm lòng ấy không những chỉ có trong giới sĩ phu như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị… “…Vì thế liều mình cơn nước lửa, Ai mà có thấu hỡi ai ơi !” (Hột Lúa_Phan Văn Trị)

mà trong lớp đáy tầng ở thôn quê, sau lũy tre làng vẫn hừng hực một tấm lòng sắt son yêu nước. Phép lung khởi trong 2 vế song quan mở đầu bài văn tế chính là tuyên ngôn của cuộc đấu tranh. Khi tiếng súng giặc ngoại xâm nổ rền trên đất nước ta, cũng chính là lúc tấm lòng yêu nước của người dân được bộc lộ cao cả, sáng ngời đến đất trời cũng rõ :
“Súng giặc đất rền,
Lòng dân trời tỏ”
Trong phần thích thực, tác giả hồi tưởng lại cuộc đời nhân vật. Nhân vật ở đây là hình ảnh người nông dân quen cày sâu cuốc bẫm, “ ngoài cật có một manh áo vải” chăm chỉ làm ăn, mười năm công vỡ ruộng, luôn tất bật với công việc nhà nông “việc cuốc việc cày việc bừa việc cấy… tay vốn quen làm” mà cuộc sống của họ quanh năm nghèo vẫn hoàn nghèo.

Nhưng cũng chính người nông dân nghèo “chỉ biết ruộng trâu, ở theo làng bộ”đó, không nghèo lòng yêu nước. Họ đã phải sống trong vùng bị giặc tạm chiếm đă ba năm, chung đụng đủ mùi tanh hôi của lũ giặc tham tàn, lòng căm hận càng sôi sục :
“Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan,
Ngày xem ống khói chạy đen sì; muốn ra cắn cổ”

Rõ ràng trong Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc hình tượng người nông dân Việt được miêu tả chân thực đến lạ lùng. Chỉ cần bốn câu đã xuất hiện hơn mười chi tiết, mô tả đầy đủ hình ảnh động đặc, tập trung của người nghĩa sĩ nông dân Nam bộ, thể hiện cả vóc dáng, cuộc sống và phẩm chất anh hùng của họ, ta có thể kiểm chứng như sau :
Manh áo vải, ngọn tầm vông, hoả mai bằng rơm con cúi; lưỡi dao phay, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; Xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có; “Kẻ đâm ngang ; người chém ngược, làm cho Mã tà, Ma ní hồn kinh; : bọn hè trước; lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc tàu đồng súng nổ…”

So với cũng hình ảnh người nghĩa sĩ trong các bài Văn tế tướng sĩ trận vong của Nguyễn Văn Thành và Bài Văn tế Cao Thắng , thì hình ảnh nhân vật nông dân trong các bài đó, khắc họa chưa đậm nét, sự mô tả còn mang tính ước lệ, tượng trưng… như “nắm mũi thuyền toan cướp giáo… chen chân ngựa quyết giật cờ…” hoặc “… theo dòng Nhạc Mục, thét nhung bào từng ghe trận oai linh…; trọng cương thường quyết mở mặt nam nhi…” thì rõ ràng, hình tượng người nghĩa sĩ nông dân của Nguyễn Đình Chiểu trong Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc đã vượt xa các nhân vật trong văn tế truyền thống về mức độ chân thực.

Những con người chân quê ấy chưa từng “ tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ,… chưa biết đến … chốn trường nhung,…vì - chẳng phải quân cơ quân vệ”… cũng có nghĩa là họ chưa từng được trang bị đầy đủ cho cuộc chiến đấu, họ đã tự khẳng định mình chỉ là dân ấp, dân lân và chỉ có một vũ khí trang bị đó là lòng yêu nước “…mến nghĩa làm quân chiêu mộ”

Động cơ của lòng yêu nước, lòng căm thù giặc bắt nguồn chính từ cuộc sống lao động thật giản dị, chân thực và cảm động, mà vẫn không kém phần chính nghĩa : “Nhưng nghĩ rằng : tấc đất ngọn rau ân chúa, tài bồi cho nước nhà ta; bát cơm manh áo nợ đời, mắc mớ chi ông cha nó ”.

Thăng hoa ý nghĩa lên, đó chính là cuộc chiến đấu cho tổ quốc, nhưng hình ảnh tổ quốc ở đây không trừu tượng mà là cái gần gũi bình dị gắn bó với người dân “tấc đất, ngọn rau, chén cơm, manh áo”.

Đó cũng là cuộc chiến đấu quyết liệt để bảo vệ cái nôi văn hoá, nếp sống, tín ngưỡng lâu đời, bảo vệ nền văn minh bản địa: đạo thờ cúng ông bà, đạo lý làm nguời biết chết vinh còn hơn sống nhục :
“ Sống làm chi theo quân tả đạo: quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn;
Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ ”.
Đó là cuộc chiến đấu chống đạo quân xâm lược “thằng Tây, bọn man di” mà tội ác chúng gây nên cho dân ta, đến nỗi trời không dung đất không tha được “Hai vầng nhật nguyệt chói loà, đâu dung lũ treo dê bán chó”.

Từ quan niệm sống trong tủi nhục của người dân mất nước, tác giả nêu bật lẽ chết vinh quang của người nghĩa sĩ :
“Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; còn hơn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ”.
Trong cuộc chiến đấu ấy, sự hy sinh còn mang ý nghĩa trả đền ơn non nước, tiếng thơm còn để lại ngàn sau :
“Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen;
Thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng hay trải muôn đời ai cũng mộ”
Cái đạo lý tác giả đề cập đến ở đây, chính là luận về lẽ sống chết, sống nhục sao bằng được chết vinh, làm chúng ta lại nhớ đến bài sống chết của nhà cách mạng Phan Bội Châu :
“Sống tủi làm chi đứng chật trời,
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai,
Sống làm trâu ngựa cho người cỡi,
Sống chịu ngu si để chúng cười”…

Từ đó, cụ luận về cái chết :
“Chết buổi Đông Chu thời liệt quốc,
Chết nhà Tây Hán lúc qua phân,
Chết như Hưng Đạo hồn thành thánh,
Chết tựa Trưng Vương phách hoá thần,…”
Sự hy sinh của người nghĩa sĩ còn có giá trị vĩnh cửu, thấm sâu và khắc ghi vào lòng người muôn thời đại. Tác giả đã gởi gắm hết lòng xót xa thương tiếc vàsự cảm phục vào hình ảnh người nghĩa sĩ :
“Chùa Tông Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm;
Đồn Lang sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo giòng nước đổ.
Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều,
Não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ…”
Đâu phải trong ngôn ngữ văn chương Nguyễn Đình Chiểu chỉ có những lời lẽ quê mùa mộc mạc, lời nói dân quê Nam bộ mà vẫn có những câu, những đoạn bay bổng, ý tứ chan chứa xôn xao, đến đứt ruột đó sao ?

Tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm là gởi lại đời sau, gởi vào ánh trăng vằng vặc giữa trời đêm, ánh trăng toả sáng khắp các nẻo không gian tăm tối, ánh trăng tròn đầy viên mãn của sứ mạng đã hoàn thành. Hay nói một cách khác ánh trăng rằm vằng vặc đó chính là tấm lòng son của người nghĩa sĩ ? tấm lòng son của Nguyễn Đình Chiểu ? Bởi vì : “Đồn Lang sa một khắc đặng trả hờn”, mối căm hờn khôn nguôi trong lòng người dân mất nước !

Tác giả còn nâng cao sự hy sinh của người chiến sĩ đến mức độ xưa nay chưa thấy :
“Sống đánh giặc, thác cũng đáng giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia…”

Sau khi sống, họ vẫn còn chiến đấu, người nghĩa sĩ kia vẫn mang nặng mối thù non nước mà ngầm giúp cho nghĩa binh đời sau quyết trả được mối hờn non nước. Ở đây quan niệm sống chết của người Việt ta cũng được bộc lộ, người chết vẫn còn mối dây liên hệ gắn bó với người sống, mỗi khi người sống gặp khó khăn, bế tắc, đều tìm sự an ủi, giúp đỡ nơi người chết … Chính cái ý này đã được Hoàng Trọng Mậu (Nguyễn Đức Công ) nhắc đến trong một câu đối :
“Vũ dực vị thành, sự hốt nhiên trung bại, cữu tuyền hạ điều binh khiển tướng, âm hồn ám trợ thiếu niên quân”.
(Lông cánh chưa thành việc bỗng nhiên hoá hỏng, dưới suối vàng còn điều binh khiển tướng, âm hồn ngầm giúp thiếu niên quân.)

Có thể nói bài Văn Tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, lần đầu tiên đã khắc họa chân dung sinh động của người nghĩa sĩ nông dân kháng Pháp. từ đó, gợi ta liên tưởng vai trò người nông dân trong sự nghiệp giữ nước của mọi thời đại. Qua đó cũng bộc lộ tấm lòng của cụ Đồ Chiểu với con người và đất nước. Một tấm lòng thẳng băng, trước sau như một :
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà
Một tấm lòng kiên trung sắt son với đất nước, chưa bao giờ mai một, mà chính câu thơ tả tấm lòng nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ đã tự vẽ nên :
Chùa Long Thạnh năm canh ưng đóng lạnh,
tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm…
Theo tôi, cả cuộc đời và sự nghiệp của cụ là một “Tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm”

Anh trăng rằm vẫn toả sáng giữa bầu trời tổ quốc, ánh trăng vẫn soi lối chỉ đường cho con cháu mai sau biết lẽ đúng sai, “thà đui mà giữ đạo nhà, còn hơn có mắt ông cha không thờ”, cũng là tấm lòng Mẹ Mốc, mà tâm hồn thanh khiết của cụ Nguyễn Khuyến đã gởi gắm vào đó, khi cáo quan về cảnh ruộng vườn để cố giữ “mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ”.


Page last modified on June 03, 2015, at 07:20 AM