VH.CậuÚt History

Hide minor edits - Show changes to output - Cancel

Added lines 1-16:
!CẬU ÚT

Năm tôi học lớp sáu thì nghe má tôi kể rằng : cậu đã đi tập kết ra Bắc từ lâu lắm rồi.Vừa cưới vợ xong vài tháng là cậu cùng với các anh em con dì, con cậu và một số bạn bè lên đường ra Bắc để học tập hay tham gia phong trào gì đó… với lời hứa hẹn là chỉ vài năm sau sẽ được trở về đoàn tụ cùng gia đình, vợ con… Năm ấy cậu chỉ mới mười tám, đôi mươi – cái tuổi mới lớn tràn đầy lý tưởng, tràn đầy nhiệt huyết của tuổi thanh niên với biết bao hi vọng, ước mơ, hoài bảo đầy ắp cho tương lai. Khi cậu lên đường, mợ vừa có mang được hai tháng. Mợ khóc rất nhiều nhưng cũng hi vọng rất nhiều ngày trở về của cậu để gia đình được đoàn tụ, hạnh phúc như xưa. Nhưng rồi thời gian cứ trôi mãi…hết xuân qua rồi hạ đến…rồi thu tàn…rồi đông lạnh…mợ cứ khóc mỗi lần nghe cô ca sĩ trên đài phát thanh hát bài “Bốn mùa đợi mong”. Các bà chị chồng – trong đó có má tôi – thay phiên nhau an ủi mợ, dỗ dành mợ để mợ bớt buồn mà dành hết thì giờ lo cho con. Thằng bé rất kháu khỉnh – ra đời trong cảnh vắng cha – mợ đặt tên cho nó là Chí Linh, theo lời dặn dò của cậu trước lúc ra đi vì đó cũng là tên kỹ niệm trận đánh Pháp ở Chí Linh mà cậu cùng đồng đội đã anh dũng chiến đấu hết mình cho Tổ Quốc. Khi tôi có được nhận thức thế nào là chia ly, mất mát thì má tôi mới kể về cậu chứ trước đó, chúng tôi, không hề biết rằng mình còn có một người cậu thân yêu đang chiến đấu tận ngoài miền Bắc xa xôi. Nói xa xôi là vì chúng tôi không hề hình dung được con người và cuộc sống ngoài ấy thế nào, bỡi kể từ lúc đất nước bị chia cắt nào có ai được đi lại để thăm nhau đâu cho dù hai miền ruột thịt vẫn hướng về người thân của mình đau đáu mỗi ngày. Kẻ ở, người đi… với hi vọng một ngày thống nhất đất nước không xa để được đoàn tụ bên nhau, để kể lể với nhau nỗi niềm xa cách, mong đợi, hi vọng từng ngày…mòn mỏi…mòn mỏi…trong khi đó thì cuộc chiến giữa hai miền ngày càng khốc liệt. Sáng : hội nghị hòa đàm, chiều : tin vi phạm … cứ thế… kéo dài hết năm này qua năm khác. Người thân của cả hai miền cứ lần lượt ra đi từng lớp… từng lớp … Má tôi và ngoại và các dì, cậu, mợ cứ thắc thỏm trông đợi một sớm nào đấy… có tin của cậu và các chú, bác, cô, dì, anh, chị khác gửi về. Vậy mà … vẫn đằng đẳng … bặt vô âm tín…

Mỗi lần về quê – Cần Thơ – qua các bến phà, thường là hay bị kẹt xe vì từng đoàn chiến xa luôn được ưu tiên qua trước, tôi thấy các chiến sĩ miền Nam – nét mặt khắc khổ , ưu tư, đen sạm vì nắng gió- Họ ngồi đầy trên các chiến xa khiến tôi lại nhớ đến cậu Ut , dù tôi không thể hình dung ra nét mặt của cậu tôi như thế nào. Không biết giờ nầy ở ngoài ấy cậu đang làm gì nhỉ ? Chắc cũng đang ở một binh chủng nào đó để chiến đấu cho quê hương ?? hay cho một chủ nghĩa nào đấy mà cậu đang tôn thờ – có một điều khiến tôi không biết là cậu có hiểu gì về cái lý tưởng mà cậu đang tôn thờ không hay chỉ là một sự “ a dua theo mốt của các anh, các chị con chú, con bác của mình ? Cậu có biết rằng những người thân của cậu ở miền Nam đang thương nhớ, mong đợi cậu từng giờ, từng phút, từng giây không ? Cậu có còn nhớ về vợ con của cậu đang mong ngóng tin cậu một cách tuyệt vọng không ?

Hơn hai mươi năm trời đằng đẳng không một tin tức, không một lá thư, không một dấu hiệu khả dỉ cho biết cậu còn sống. Hay là cậu không còn nữa ? mọi người đều có ý nghĩ đó trong đầu nhưng không ai dám nói ra. Một nỗi sợ hãi không tên đè nặng trong tim mọi người. Nhất là mợ. Nhìn con trai mỗi ngày một lớn mợ càng thêm đau xót cho mình. Một thân, một bóng nuôi con trong tuyệt vọng mõi mòn… Có rất nhiều lần các bà chị chồng thấy thương mợ quá khuyên mợ làm lại cuộc đời để thằng bé cho các cô nuôi dùm nhưng mợ đều không chịu. Hết đám nầy, đến đám khác nhờ người mai mối nhưng đều không thành bỡi mợ nhất quyết ở vậy để chờ cậu về. Thằng bé bây giờ đã lớn lắm rồi. Nó đã lớn bằng tuổi cậu ngày ra đi. Thế mà tin tức về cha vẫn chỉ là dấu hỏi to tướng trong lòng nó. Còn mợ thì chỉ biết khóc mỗi khi nhìn con. Rồi cuộc sống mỗi ngày một khó khăn hơn. Bấy lâu nay hai mẹ con sống với bà ngoại. Những tưởng chỉ là tá túc một thời gian ngắn thôi để chờ ngày cậu về nhưng đến giờ thì gần như vô vọng. Ngoại chắc là không còn đủ sức khoẻ để đợi như mợ vì ngoại năm nay đã ngoài tám mươi, tuổi đã già, sức đã yếu nhưng cái ngày hạnh phúc của con vẫn là niềm hi vọng giúp ngoại còn sống đến giờ nầy.Mợ biết thế, nên mỗi lần thấy ngoại cùng con hớn hở bên nhau là mợ cũng cười rạng rỡ cho cả nhà cùng vui nhưng thật ra trong lòng mợ đang khóc thầm. Nào có ai biết !

Mấy hôm rày ngoại trở bệnh khá nặng phải vào bệnh viện cấp cứu mấy lần. Một mình mợ phải lo toan nhưng khốn nổi, mợ chẳng biết phải làm gì để kiếm ra đồng tiền để vừa trang trãi tiền bệnh viện vừa phải lo học phí cho con. Cũng có mấy người bạn lui tới giúp đỡ mợ trong lúc khó khăn làm mợ cảm kích vô cùng. Mợ cảm động trứơc tấm lòng chân thành và tình cảm sâu đậm của họ đã vì mợ mà lui tới giúp đỡ thăm hỏi gia đình những lúc cùng cực như thế nầy… Rồi ngoại bình phục và khuyên mợ nên nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình, ngoại muốn thấy con được hạnh phúc trước khi nhắm mắt mới yên lòng. Người già mà ! Trước tấm lòng của mẹ, mợ muốn đền đáp lại một phần nào ơn sâu nghĩa nặng đó… có nghĩa là mợ muốn làm cho mẹ mình được vui lòng trước lúc chuyển kiếp nên mợ đã đồng ý quên cậu để bước thêm bước nữa với một trong những người đã từng theo đuổi mợ bao lâu nay – ông ấy là dân biểu Dương văn Ba – một người bạn khá tốt bụng cũng đã từng giúp đở gia đình mợ khá nhiều lần, nhất là ông ấy cũng rất thương yêu Chí Linh, con trai của mợ, không khác gì con đẻ, điều đó giúp mợ yên lòng một phần nào khi từ biệt nhà chồng để… đi lấy chồng! Các bà chị chồng không hề phiền trách gì mợ, vẫn thương yêu mợ như xưa, xem mợ như em gái của mình, chúc mừng và lui tới thăm nom thường xuyên. Một tháng sau – đùng một cái thành phố Sài Gòn được giải phóng – ngày 30 tháng 4 là ngày thống nhất đất nước cũng là ngày mợ thắc thỏm lo âu lẫn vui mừng không biết phải làm gì nếu như cậu trở về. Mợ mặc cảm rằng mình đã lỗi đạo. Các bà chị chồng không ngớt an ủi mợ, cho rằng mỗi người đều có số cả, có thể cậu trở về nhưng cậu đã có gia đình khác cũng nên ? nhưng mợ vẫn không yên tâm, nhìn con càng ngày càng yêu mến người cha dượng, mợ cảm thấy hai người đàn ông ấy đều đáng thương, chỉ có mợ là… đáng ghét mà thôi ! Và rồi việc gì đến đã đến, tin cậu đã về Sài Gòn đến tai mợ nhanh như một tia chớp. Mợ hoảng hốt thay áo vội vàng, chạy sang các bà chị chồng, nhưng các bà chị cũng không khác gì hơn mợ là cùng đưa mắt nhìn nhau nuối tiếc. Phải chi mợ bền lòng một chút. Phải chi cậu về sớm một chút. Phải chi Saì Gòn được giải phóng sớm hơn một chút. Phải chi mợ chậm chân một chút thì sự việc đau lòng nầy sẽ không diễn ra. Các bà chị cũng ân hận vì đã khuyến khích mợ “ lỗi hẹn” với cậu. Mọi người đều thắc thỏm…âu lo…trông chờ… nhưng sao chưa thấy cậu về Cần Thơ tìm vợ con ? Có ai ngờ tin mợ đã đi lấy chồng được đưa đến tai cậu còn nhanh hơn tia chớp. Đó là lý do cậu còn chần chờ không tìm gặp mợ ngay khi về tới Sài Gòn. Chắc là cậu còn đang thu thập “ tin tức chính xác” về mình. Mợ nghĩ thế và cho con biết cha nó sắp sửa về gặp nó. Khác với mợ nghĩ, thằng bé không có vẻ gì là háo hức muốn gặp lại cha, bỡi người cha thay thế đã quá thương yêu nó. Nó muốn gì được nấy, đang khổ cực, bây giờ được nuông chìu, sống trong nhung lụa, “ lên xe, xuống ngựa” bảo sao nó không thích ! Trẻ con mà, đối với nó vậy là nhất rồi – mọi sự thay đổi khi người cha ruột trở về đều không thể tốt hơn hoặc có khi xấu hơn cũng nên – nó đâm ra sợ điều đó. Rồi… việc phải đến đã đến. Cuộc gặp mặt sau hơn hai mươi năm có sự chứng kiến của các bà chị chồng. Cậu chắc đau lòng lắm nhưng cũng không một lời trách móc vợ con, các chị. Hình như cậu có ý nghĩ đó là chuyện bình thường và thầm cảm ơn mọi người đã giúp đở, bảo vệ vợ con cậu khi cậu vắng nhà ngay cả đối với người đàn ông xa lạ đó. Không ai hiểu được cậu buồn hay vui. Cậu im lặng và thãn nhiên như không có chuyện gì xãy ra để mợ và các chị yên lòng. Còn mợ, mợ như ngồi trên bàn chông. Mợ khó chịu, đau đớn, áy náy không yên tâm bỡi vì cậu vẫn ở vậy một thân, một mình như ngày ra đi… cho đến ngày trở về gặp lại vợ con ! Cậu không hề có một gia đình khác như lời phỏng đoán của mợ và các bà chị. Vậy là đã rõ, nhưng mọi chuyện đã diễn ra không thể nào làm lại từ đầu được. Mợ chỉ biết khóc thầm và hằng đêm nguyện cầu nếu có kiếp sau thì xin cho mọi sự tốt đẹp hơn không phải gặp cảnh “ ái biệt ly khổ” như kiếp nầy nữa. Mợ cũng nghe các cô, chú, anh, chị… cùng đi “ Tập kết”ra Bắc với cậu kể lại những năm, tháng sống ở ngoài ấy, sống xa gia đình, tập thể cũng đã nhiều lần định cưới vợ khác cho cậu để cậu có được niềm vui, có người an ủi bên cạnh mà yên tâm công tác nhưng lần nào cậu cũng từ chối. Cậu chỉ một lòng chờ ngày trở về đoàn tụ với vợ con còn ở miền Nam đang trông đợi. Thế mà…! Mợ đã không được như thế…mợ ân hận lắm…mợ cũng chỉ biết khóc thầm và cho rằng tại duyên số mà thôi. Nếu như không có chiến tranh, nếu như không có sự cắt đứt liên lạc giữa hai miền thì gia đình mợ đâu phải tan nát, chia ly như thế nầy ?! Hoàn cảnh nghiệt ngả đó đã là một chướng duyên mà lòng người khó vượt qua được. Mợ luôn dằn vặt, khắc khoải, thầm trách mình là người có lỗi trước và tận thâm tâm mợ cũng cầu mong cho cậu gặp được người xứng đáng hơn mợ để có người thay mợ chia vui, xẻ buồn trong những ngày còn lại của cậu. Rồi mợ cùng con và người chồng mới sang định cư ở Mỹ. Tôi không biết khi gia đình mợ ra đi, cậu có đưa tiễn không nhưng tôi đã lặng người đi khi hay tin con trai cậu – Chí Linh – em tôi, đã qua đời đột ngột khi sang bên ấy. Thế là sợi dây liên lạc duy nhất giữa cậu và mợ đã đứt hẳn rồi ! Tôi mà còn thấy lòng đau xót khôn nguôi thì cậu làm sao mà an vui cho được. Cả nhà ai cũng thương cậu quá nhưng không biết làm gì để an ủi cậu trong lúc ấy được. Mỗi người đều có định nghiệp riêng mà không ai chia xẻ được. Lúc ấy cậu đang làm Giám Đốc công ty Lông vũ, sau đó lại đổi sang công ty Cơ điện. Cậu vùi đầu vào công việc để quên nỗi đau chia ly, mất mát của kiếp người. Rồi cậu cũng lập gia đình khác mấy năm sau đó. Mợ làm cùng cơ quan với cậu, trẻ hơn cậu đến hơn hai mươi tuổi. Khi gặp mợ ấy tôi mới vở lẽ. Mợ có nét hao hao giống như mợ cũ. Có lẽ là trong lòng cậu vẫn chưa quên… chắc là cậu muốn tìm lại hình ảnh người cũ trong sự hiện diện của người mới chăng ? Cũng có thể, nhưng… cuộc đời cứ như giòng nước chảy xuôi, có bao giờ nó quay trở về để cho cậu được tái hợp cùng cố nhân ?

Những năm chiến đấu ở miền Bắc, dù gian lao, dù cực khổ, dù nguy hiểm cận kề nhưng cậu vẫn luôn làm việc với nụ cười trên môi, với lòng hi vọng, tin tưởng tràn trề ở tương lai. Còn bây giờ… tuy không còn sống trong cảnh thiếu thốn, cực khổ trăm bề như trước kia nhưng trong lòng cậu như luôn có một khối đá đè nặng. Nó biểu hiện lên khuôn mặt khắc khổ của cậu là những nếp nhăn ưu tư và nụ cười rất hiếm khi xuất hiện trên môi cậu. Rồi mợ cũng sinh cho cậu ba người con : hai gái, một trai. Cha già, con mọn, khi các em tôi trưỡng thành thì cậu đã già lắm rồi. Tuy là cha con nhưng cách nhau đến hai thế hệ thì cũng khó mà gần gũi, thông cảm… đến tôi, mà thỉnh thoảng cũng còn quên, tôi cứ gọi các em mình là “con” hoài, bỡi chúng cùng trang lứa với các con tôi mà!

Rồi cũng đến lúc cậu… ra đi như bất cứ con người nào đã được sinh ra trên thế gian nầy. Hôm đưa đám tang cậu, tôi chưa thấy đám nào buồn như vậy. Chỉ có mợ, các em con cậu và chúng tôi, những đứa cháu của cậu. Lối xóm cũng có một vài người nhưng họ vì hiếu kỳ nhiều hơn là yêu thương. Đáng lý ra cậu phải được đưa về an táng ở Cần Thơ, quê nhà, bên cạnh cha mẹ và các anh, chị đã đi trước, nhưng vì cậu là đảng viên hơn năm mươi năm tuổi đảng, nên mợ tiếc miếng đất tiêu chuẩn của cậu ở Nghĩa trang thành phố, đành phải đưa cậu về đấy để được gần đồng đội, đồng chí của cậu… Đó là lần đầu tiên tôi bước vào nghĩa trang thành phố sau ba mươi năm đất nước được giải phóng. Nghĩa trang rất đẹp nhưng được phân biệt từng cấp độ tuổi đảng và tuổi công tác trong quân đội. Cậu tôi cũng được đón tiếp trọng thể, được cử nhạc long trọng để tiễn đưa và người quản trang cũng đọc diễn văn chia buồn, cũng tuyên dương các thành tích, thành quả mà cậu đã đạt được trong những năm kháng chiến. Đấy là niềm an ủi duy nhất mà cậu tôi đã nhận được từ cấp lãnh đạo của mình. Thế là xong một kiếp người ! Tám mươi ba tuổi, cậu tôi cũng đã thọ hơn rất nhiều người nhưng được sống thật sự với chính mình thì có lẽ ít hơn. Không biết ở thế giới bên kia cậu có được gặp lại mợ và con trai đầu lòng của mình không ? Nào ai biết được chuyện gì sẽ đến sau khi mình chết rồi, nhưng có một điều chắc chắn đã xãy ra là cậu tôi đã đi trọn quy trình của kiếp người : sinh, lão, bệnh, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ… cậu tôi đã trãi qua tất cả, cậu tôi đã được nếm đủ mùi vị của kiếp người. Nếu như cậu tôi yêu thích cuộc sống đó, nếu như cậu tôi không có làm điều gì trái với lương tâm của con người, hai phần thiện ác cân bằng… thì cậu tôi sẽ trở lại để… được làm người lần nữa… và nếu điều đó xãy ra tôi mong cho kiếp sau của cậu tôi có được cuộc sống hạnh phúc, bình yên, trọn vẹn…

Vân Hà
( TTHA )


Page last modified on June 26, 2015, at 07:59 AM