Hoài Niệm Nhớ Con
Tuyên ơi – Mẹ thương làm sao hình hài đó- con của mẹ- giọng cười, tiếng nói, nết ăn, nết ngủ… trong vòng tay mẹ bao nhiêu năm trời ấp ủ. Thương làm sao giọng hát hồn nhiên của con mỗi tối hát cho mẹ nghe. Thương làm sao đôi mắt to tròn, hồn nhiên trong sáng… hình hài đó Bố Mẹ đã cho con. Bây giờ- Bố Mẹ không đòi mà sao con trả lại cho Bố Mẹ? Rồi thần thức đi đâu? về đâu? ở đâu? con hỡi ! Mẹ đau lòng quá, mẹ đứt từng đoạn ruột, dường như lửa tam muội đang thiêu đốt trong lòng mẹ! Biết mẹ có đủ sức chịu đựng không nếu những năm tháng còn lại thiếu con, vắng con? Tuyên ơi! Mẹ mất con rồi sao? Bài thơ mẹ làm cho con hôm nào, con vẫn nằm cạnh đọc cho mẹ nghe. Bây giờ mẹ đọc lại cho con nghe- chỉ một câu trong bài mà thôi- “mẹ cầu cho trẻ phút bình yên”. Tại sao khi con còn ở bên mẹ, mà mẹ lại làm những câu thơ như thế? Tuyên ơi ! Con của mẹ đâu rồi ? Có nghe mẹ nói gì không? Tuyên ơi ! Mẹ nhớ con, thương con, mẹ cảm thấy khổ quá đi… chưa bao giờ mẹ thấy thấm thía lời Phật dạy như thế. Chân lý thứ nhất: khổ đế của kiếp người là sinh, lão, bệnh, tử… còn con của mẹ thì không theo đúng qui trình đó. Con thông minh quá nên nhảy đến hai bước, không có bệnh và lão, con đã trở về hư vô ngay khi còn ở tuổi thần tiên để cho Bố Mẹ sống mà như đã chết một nữa người- tử biệt, sinh ly- là nổi khổ vô cùng của kiếp người ngắn ngủi nầy con ơi!
Tuyên ơi ! Đêm qua mẹ trở giấc nữa đêm, nhìn ra thấy Bố đang ôm ảnh con ngồi khóc, mẹ biết Bố cũng khổ như mẹ. Con là hoài vọng, con là niềm tin, con là lẽ sống của Bố. Đứa con đầu lòng thông minh, hiếu hạnh của Bố. Mất con ! ước mơ, hoài bảo của Bố sụp đổ rồi ! Mẹ biết Bố đau đớn lắm, có lẽ còn hơn cả mẹ nữa. Bố không giống người ta, nhiều khi mẹ thấy Bố thương yêu các con, chăm sóc các con, chìu chuộng các con còn hơn cả mẹ nữa. Tuyên ơi ! đã có lần mẹ đánh oan con, mắng oan con, nhưng chẳng bao giờ con tỏ ý giận mẹ, con của mẹ trong sáng quá, hồn nhiên quá. Mẹ chưa già lắm nhưng mẹ đối xử với con bằng tâm hồn già nua, đầy phiền não, nhiều khi chỉ vì hờn ai đó, giận ai đó đối xử không công bằng mà mẹ đổ trút lên con mình, để rồi sau đó lại tự hành hạ mình vì ân hận. Tuyên ơi ! hãy tha thứ cho mẹ nhé , chắc là tại mẹ không xứng đáng nên mẹ mới mất con…
Trưa nay, Bố dạy học dưới nhà. Mẹ ở trên gác soạn bài một mình. Đột nhiên mẹ nhớ con kỳ lạ, mẹ nhớ quá đi Tuyên ơi ! con đâu rồi hở Tuyên ? Có ai hiểu cho tôi lúc nầy không ? Mẹ khóc như chưa bao giờ được khóc ! Hình ảnh con nhảy múa chung quanh mẹ. Mới ngày nào ! con ngồi kia, con nằm kia, con đang đùa giỡn với các em, với Bố Mẹ kia, con đang nhỏng nhẽo với Ông Bà, với các chú…thế mà giờ đây, con biến mất, biến mất giữa không gian, thời gian rộng lớn vô chừng nầy… Biến mất như chưa từng có, chưa từng hiện hữu bao giờ ! Sao lại có thể như thế được, con ơi ! Con yêu quí của mẹ- Một hiện tượng phi thường ! Một thiên thần tuyệt diệu ! Một hình tượng đời đời sống mãi trong lòng mẹ. Tuyên ơi ! có nghe mẹ nói gì không con ? Một đám mây trời chợt tan biến giữa hư không. Tuyên ơi - hình ảnh đó đã bao lần con chỉ cho mẹ xem, mẹ giảng giải cho con hiện tượng không gian đó. Bây giờ, con mẹ là đám mây, con mẹ là hư không, con mẹ là hình, là ảnh, là tất cả nỗi nhớ thương của Bố, của mẹ, của ông, của bà, của các chú, cô, dì…và của các em nữa đó Tuyên ơi ! “ lên đường thôi, tâm hồn ta hỡi !” con đã đọc cho mẹ nghe câu văn đó của một nhà văn nào đó mẹ cũng không nhớ nữa - trước lúc ra đi – trời ạ! Sao mà trùng hợp ngẫu nhiên đến kỳ lạ quá đi, chẳng lẽ con của mẹ đã được định trước ngày đi rồi sao ??
Như một tia chớp lóe lên giữa vòm trời đen thẳm – rồi biến mất, biến mất như chưa từng có mặt trong đời. Bé Tuyên ơi – con của mẹ là tia chớp tuyệt diệu đó. Con đến rồi con đi ! Tám năm có mặt trên đời. Tám năm làm người. Tám năm cười, giỡn, nói, đùa, chạy nhảy, hát hò ríu rít bên cạnh Bố mẹ, các em. Thế rồi…biến mất ! Biến mất như chưa từng đến đây, chưa từng có mặt ! Trời ơi ! con tôi – một hiện tượng phi thường, một thiên thần bé bỏng hồn nhiên, tuyệt vời, có lẽ nào lại là con số không to tướng ? Trăm ngàn lần không – tôi không tin như thế ! nhưng…! Rõ ràng bây giờ con tôi đã biến mất rồi !!!
Tuyên ơi ! hôm nay Bố mẹ đi bốc mộ cho con. Đây là lần thứ tư mẹ lên nghĩa trang An Nhơn, nơi con “an giấc nghìn thu”. Cũng con đường xa vời vợi. Cũng dãy tường trắng dường như dài bất tận…Hai bên đường cây cỏ đìu hiu, úa vàng, xơ xác…những đứa trẻ nhà quê đen đúa, nghèo khổ, chúng chạy theo người ra thăm mộ để được ăn quà – những trái cây hay những cái bánh vừa được cúng xong – trông tội nghiệp lắm con ạ, dù thế, chúng vẫn là người hạnh phúc, sung sướng hơn mẹ con mình ! mẹ nghĩ thế…
…Nếu không có Bố con, chắc tôi cũng không thể nào lần ra mộ con được. Chúng phá tan hoang hết. Những tấm bia bị đập vỡ vất ngỗn ngang, những ngôi mộ bốc xong, còn trơ hố nước đen ngòm, trông xót cả lòng. Cỏ và nước xâm xấp đất bùn. Chẳng ai còn muốn đặt chân ra đấy nếu không có người thân của mình chưa được dời đi…
Tôi ngồi trên phiến đá của ngôi một bên cạnh đăm đăm nhìn những di vật của con do người phu bốc mộ lần lượt vất lên : cái cặp, những quyển sách, hộp bút chì màu ao ước thật lâu của con vẫn chưa được dùng, vài bộ quần áo…Tôi đau trong lòng như ai bứt từng khúc ruột của mình. Tôi run lên khi những mãnh xương trắng đầu tiên phơi ra dưới ánh nắng mặt trời – con tôi đó – Trời hỡi ! có còn chi nữa đâu ? cả một kiếp sống, cả một con người, rốt cuộc là như thế đó ! rồi tôi, rồi tất cả mọi người cũng sẽ như thế ! Tại sao vậy nhỉ ? Qui luật vô thường có tha ai không ? Tôi sững sờ nhìn hài cốt con mình được lần lượt đưa lên : những lóng tay, bàn chân, xương ống, xương sườn, rồi đến cái sọ…tôi nhìn tất cả cái hiện thực đó bằng con mắt ráo hoảnh, bằng tâm hồn không bình thãn cũng không rối loạn, nó gần với trạng thái của một con người “bất bình thường” hơn. Tất cả những gì còn lại của con tôi được đựng vào một chiếc giỏ cói, tôi ôm con tôi trên tay lửng thửng đi về hướng lò thiêu – mời anh ra văn phòng đăng kí và đóng tiền – tiếng người phu bốc mộ vang lên không chút cảm xúc , họ đã quá quen với công việc đó rồi…
Còn lại một mình giữa đồng không mông quạnh, tôi lặng lẽ ôm con đi giữa những cánh đồng khô cỏ cháy, úa vàng xơ xác…Bầu trời cao và rộng mênh mông, thăm thẳm, xanh ngắt không một gợn mây. Bốn bề im vắng. Cái nắng chói chang thiêu đốt vạn vật dường như cũng đang thiêu đốt cả cõi lòng tôi. Đối với tôi bây giờ, mọi sự đều vô nghĩa. Tôi nhớ lại những phiền muộn bon chen của kiếp người mà ai không từng gặp phải trong đời ít nhất vài lần…tôi nhớ lại những tình cảm yêu, ghét, giận, hờn, buồn, vui, ham muốn…của loài người , tôi nhớ lại những hoạt động từ thiện xã hội mà có đôi lần mình chủ động tham gia, và tôi nhớ lại…con tôi. Nó đây, sáu năm trôi qua, sáu năm ở giữa lòng đất lạnh không một người thân bên cạnh, sáu năm sống với côn trùng ở cái nghĩa trang An Nhơn nầy… rồi giờ đây được người ta bốc lên chỉ còn là một bộ xương rời rả. Được mẹ ôm vào lòng nhưng…chỉ còn là những mãnh xương trắng vô tri !!! Trời ạ ! nếu tôi là Đấng tạo hóa, tôi sẽ không bày ra cái trò chơi oái oăm nầy. Tôi sẽ không bình thãn một chút nào khi chứng kiến những cảnh nát lòng đó. Nhưng tại sao con người, vạn vật muôn đời vẫn là “trò đùa” của Đấng tạo hóa??? Tôi nhớ lại câu chuyện người đàn bà mất con trong kinh Hiền Ngu và thấy dịu đi nổi đau khổ riêng mình… “ Trong thời Phật còn tại thế, có người phụ nữ mất con, chị ta đau khổ quá cứ ôm xác con trong tay không chịu cho mọi người đem chôn. Chị cứ ngồi một chỗ ôm xác con khóc mãi với mơ ước có ai đó có thể dùng phép lạ để cứu sống con mình. Thế rồi, theo lời khuyên của mọi người, chị tìm đến Đức Phật cầu xin Ngài hãy cứu đứa bé sống lại. Đức Phật bảo người phụ nữ đau khổ ấy đặt con xuống cạnh Ngài, rồi dịu dàng nói :
_ Nàng hãy đi xin cho ta một ít tro ở nhà nào không có người chết để ta làm nguyên liệu cứu con nàng
Mừng rỡ, người thiếu phụ đau khổ đi ngay. Lúc đầu nàng còn hăm hở đi từng nhà một để xin tro, nhưng rồi càng lúc đôi chân nàng càng khó nhọc bước từng bước nặng nề, gần như kiệt sức mà vẫn không làm sao xin được một ít tro ở ngôi nhà không hề có người chết. Nàng đi từ những nhà nghèo nàn, khốn khó nhất … cho đến những nhà giàu có nhất trong xóm. Nàng đi hết xóm này qua xóm khác nhưng rồi… đến đâu cũng đều nhận được cái lắc đầu thương hại… bước chân rời rã, nàng tuyệt vọng ngồi xuống bên vệ đường, nước mắt chan hòa… rồi đột nhiên nàng chợt hiểu điều Đức Phật muốn cho nàng nhận ra : không có nhà nào là chưa từng có người chết cả. Chân lý thứ nhất của cuộc đời mà bây giờ nàng mới có dịp thực chứng. Tâm hồn nàng như bị cày nát đằng sau bánh xe khổ đế ác nghiệt ấy… Nàng lặng lẽ quay trở lại nơi Đức Phật và với thái độ trầm tỉnh hơn, nàng đem chôn xác con, rồi trở lại với cuộc đời còn rất nhiều người thân đang đợi nàng…
Tôi đến lò thiêu, có khoảng năm người đang ngồi đợi sẵn. Người đốt lò bảo tôi đặt bộ hài cốt con tôi vào tấm vỉ sắt thứ sáu và bắt đầu chất củi. Mùi khét lẹt bốc lên cùng với những đám khói cuồn cuộn toả lên làm đen cả một khoảng trời xanh. Người ta trao cho tôi một cái hũ sành và một bọc vải đỏ. Cái hũ đã có sẵn hình con, tôi đã đặt người ta làm mấy ngày trước – vẫn đôi mắt to tròn, vẫn khuôn mặt bầu bĩnh, ngây thơ như đang cười với tôi – thế mà chút nữa đây con tôi chỉ còn là một nhúm tro tàn!!! Nhìn ngọn lửa bốc cao, luồng khói đen cuồn cuộn trong không gian, tôi thấy lòng cồn cào, đau xót khó chịu như chính mình đang bị thiêu đốt. Cùng với cái nóng bên ngoài, trong tim tôi dường như cũng có một ngọn lửa đang hừng hực cháy. Tôi muốn biết cảm giác bị thiêu đốt như thế nào ? Làm sao tôi có thể hiểu được con tôi trong lúc nầy ? bỡi tôi không tin rằng con người chỉ là vật chất ! chết rồi là hết ! Yên chí đi – rồi mi cũng sẽ được trãi qua mọi diễn biến mà người chết đã trải qua – vấn đề là thời gian thôi- nhanh hay muộn rồi cũng sẽ đến ngày kết thúc – Tiếng nói đó vang lên trong tôi như từ vô thức vọng về. Tôi lặng người đi với một cảm giác khó tả, trong một trạng thái rất gần với hư vô, trong một tư thế chẳng khác nào người thiếu phụ hóa đá, có khác chăng là người ấy mong đợi chinh phu với lòng đầy hi vọng, còn tôi… tôi đang hướng về con tôi với cõi lòng tuyệt vọng tan nát, với tất cả mơ ước huyền hoặc, không tưởng… của người mẹ mất con giống như người phụ nữ mất con kia! Tôi thấy con tôi hiện về qua làn khói hư ảo, tôi thấy con tôi bỗng nhiên hồi sinh từ một phép lạ, tôi thấy con tôi từ bộ xương khô được đức Quán Thế Âm ban cho đoá sen làm thịt da và sống lại cũng như cậu bé Na Tra trong huyền sử Trung Quốc. Một con chuồn chuồn đỏ thắm vờn qua rồi đậu lại trên cánh tay tôi. Ồ – hay chính là con tôi hóa sinh. Tôi để yên và quan sát con vật với tất cả sự thương yêu, âu yếm của một người mẹ. Rồi con vật bay đi. Một con bướm sặc sở từ đâu đáp xuống trước mặt tôi – ồ ! con đó sao Tuyên ? con muốn tạo nên những hiện tượng lạ để chứng minh sự có mặt của mình đó sao ? Con muốn chứng tỏ cho mẹ thấy dù chỉ còn là bộ xương khô nhưng con đâu phải là vật vô tri phải không ? hay con muốn báo tin với mẹ rằng con vẫn còn hiện hữu ở một thế giới khác, dưới một hình thức khác ? như một “tia chớp”, như một luồng điện khi không thấy nữa nhưng nó không hề mất, nó sẽ “xuất hiện” dưới một hình thức khác khi hội đủ nhân duyên, phải không con ?
Suy tưởng vẫn là suy tưởng và con tôi bây giờ là nhúm tro tàn mà người đốt lò đang đổ ra kia. Tôi cầm những mảnh vụn xương trắng đã đổi màu sau khi thiêu xong : một dúm xương màu đỏ như vỏ cua luộc. Người đốt lò bảo tôi: “ Thằng bé nầy chắc ngoan và có hiếu lắm đây, tôi ít khi gặp xương sau khi thiêu xong có màu đỏ đẹp như thế nầy, có lẽ ông bà sẽ khá lên nhờ nó đấy. Theo kinh nghiệm của tôi từ ngày làm nghề thiêu xác đến giờ, rất hiếm khi thấy được một bộ xương thiêu xong đổi màu như thế, thường thì nó cũng đen như than nấu bếp ấy.” Có lẽ ông ta nói thế để an ủi chúng tôi, bỡi vì trong những bộ xương được thiêu hôm nay chỉ có con tôi là bé nhất, còn các bộ xương kia đều là ông già, bà lão cả. Nhưng tôi có cần gì khá giả hoặc giàu sang khi mà…con tôi không còn nữa!!!Điều nầy chỉ những người cùng cảnh ngộ với tôi mới hiểu được. Trong tâm trạng của người mộng du, tôi đặt hũ hài cốt của con vào tháp và thỉnh chuông cầu nguyện cho con mình được về chốn Tịnh độ để đợi ngày… đoàn tụ ! Có hay không ? nào ai biết, nhưng đó là niềm tin muôn đời của loài người mỗi khi có người thân hoặc chính mình từ giã cõi đời vô thường, tạm bợ nầy !
Chiều hôm đó, trở về nhà tôi lại phải một phen khiếp đảm khi chứng kiến trận hoả hoạn đột ngột xảy ra cho xóm tôi. Gần một trăm căn nhà bị thiêu rụi, một người điên chết cháy, bao nhiêu là của cải, vật chất hóa thành số không, đang giàu có trở thành trắng tay sống cảnh màn trời, chiếu đất !!! Hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy thấm thía vô cùng cái mong manh của mọi thứ vật chất trên đời nầy. Mặc dù, chưa cháy tới nhà mình, nhưng tôi vẫn cảm thấy một điều gì đó, rất rõ ràng, cái trò đùa này có thể do thần lực nào đó đã cố tình gieo xuống cho con người, để thử xem sức chịu đựng của con người đến đâu ? cũng có thể đó là sự cảnh cáo, hay thử thách của một thế lực siêu hình nhằm nhắc nhở, khuyến cáo chúng ta bớt đi tính ngã mạn cống cao chăng ? Có thể tôi duy tâm hoặc duy linh hay mê tín dị đoan do thiếu lòng tự tin và phản khoa học cũng nên… nhưng chắc chắn là ở cuộc đời nầy cái gì cũng có thể xảy ra và xảy ra không báo trước cho chúng ta bao giờ !
VÂN HÀ (TTHA)