Lời nói đầu
Những bài viết trong “Truyện ngắn Vân Hà tập hai” nầy cũng có thể gọi là “ Tùy bút” hay “ký sự”, bởi nó được ghi lại từ những sự việc có thật trong cuộc đời mà tác giả vừa là thành viên vừa là người chứng kiến đã ghi lại để đánh dấu, để nhớ về những kỷ niệm buồn có, vui có của kiếp người… như những con “ổi lũy” xoay tròn trong những cơn lốc xoáy của cuộc đời. Xoay được bao nhiêu vòng ? bao giờ đứng lại ? bao giờ ngã ra ? nào có ai biết… chỉ biết rằng khi đã vào cuộc thì phải tham dự hết mình, sống cho hết mình, bằng tất cả lòng chân thành, trung thực, thương mình, thương người, vì mình với người có tương quan gắn bó với nhau trong biển quang minh sáng ngời của Diệu Tâm. Cho dù, trong cuộc đời khi sống và làm việc bên nhau có những bất đồng về phương cách làm việc, về quan niệm sống, về cách xử lý tình huống, về Chánh kiến, về Tôn giáo,… nói chung là về mọi vấn đề … nhưng con người vẫn là con người cùng giòng máu đỏ như nhau. Họ tuy có khác nhau cái nhân diện bên ngoài : người da trắng, người da đen, người da vàng, người da đỏ, người Tây Nguyên, người Kinh..v..v…nhưng vẫn có chung với nhau mọi nổi khổ trong đời như sinh, lão, bệnh, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ… và còn biết bao nhiêu cái khổ riêng của từng người, từng hoàn cảnh khác nhau không thể nói hết… Điều đó có làm cho mọi người hiểu biết nhau hơn, biết thương nhau hơn hay không ? có thể có đấy ! nhưng phải dụng công mới được. Tôi nghĩ thế. Lúc thường, chúng ta hay bị Vô minh sai khiến, nó làm cho chúng ta không còn sáng suốt nữa, nó làm cho chúng ta nô lệ cho tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến..v..v… nó làm cho chúng ta nhận định sự việc có tính cách chủ quan, nó làm cho chúng ta thiên vị, nó làm cho chúng ta quên đi tính trung thực, nó làm cho chúng ta “chấp ngã”
… Nói chung, nó làm cho chúng ta xa dần Diệu tâm của mình để rồi cứ phải xoay vần mãi như những con “ổi lũy” trong cuộc đời. Bổn phận của mỗi con người chúng ta là phải xóa dần đi những cách ngăn căn bản đó để cho mọi người xích lại gần nhau hơn, để cho mọi người biết thương nhau hơn… mà môi trường gần gũi nhất để chúng ta thực hành điều đó là gia đình, là quyến thuộc, là đồng bào dân tộc… là những người sống gần ta nhất… cứ thế nhân lên mãi thì lo gì không đạt tới tình nhân loại đại đồng ? Tôi còn muốn tình thương đó lan rộng đến tất cả chúng sanh khác nữa kia, nhưng như thế là đẩy vấn đề đi xa quá… mà kiếp người của chúng ta thì ngắn quá và muốn đạt tới được điều đó thật không phải dễ . “Đừng với hái sao trời khi chân mình đang lún dần trong cát” một nhà văn nào đã nói như thế- tôi cũng không nhớ nữa- nhưng luôn là lời nhắc nhở cho tôi trong mọi công việc. Tuỳ sức mình, tùy hoàn cảnh của từng người mà “hóa độ”, có khi mình hóa độ người, mà cũng có khi người hóa độ mình, việc đó cũng tự nhiên như đói ăn khát uống, miễn là mình đừng để “tà tâm” chen vào, bỡi vì ta và người luôn “tương tức” với nhau mà. Cái chánh tư duy đó làm cho cuộc sống của mỗi con người có ý nghĩa hơn là cứ ganh ghét, tị hiềm, đố kỵ lẫn nhau, tệ hơn nữa là nếu như con người cứ cố tình hiểu sai vấn đề để nhầm mục đích thỏa mãn tính “ngã mạn cống cao” của mình. Cho nên với cái nhìn chân chánh, chúng ta sẽ xóa được những mặc cảm tự ti, tự tôn không đáng có, để có thể xích lại gần với đồng loại mình hơn mà không sợ bị hiểu lầm… và việc dùng ngôn ngữ để thể hiện điều đó là một trong những chọn lựa của tác giả trong cuộc sống nầy, với mơ ước là có nhiều người đồng cãm hơn nữa để có thể mở rộng vòng tay thân ái…
Lời sau cùng xin chân thành cảm ơn các bạn đã dành chút thì giờ để xem, nghe lời tâm sự của tác giả…
Vân Hà (TTHA)